14/11/2018 15:29 GMT+7

Điều kiện kinh doanh: cắt 10, chỉ 3 là thực chất

N.An
N.An

TTO - Các bộ ngành tuyên bố cắt giảm 10 điều kiện kinh doanh, chuyên gia nói chỉ có 3 là thực chất, còn doanh nghiệp: nếu phong bì "nhẹ" thì mất tới 3 tháng, phong bì "nặng" thì chỉ chiều đến lấy.

Điều kiện kinh doanh: cắt 10, chỉ 3 là thực chất - Ảnh 1.

Chỉ 30% điều kiện kinh doanh được cắt giảm thực chất - Ảnh: N.AN

Bà Nguyễn Minh Thảo, trưởng ban Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM), đã thông tin như vậy tại hội thảo đánh giá chất lượng cắt giảm điều kiện kinh doanh: kết quả, vấn đề và kiến nghị do CIEM tổ chức sáng ngày 14 – 11.

Tuy nhiên, bà Thảo cho rằng rào cản về điều kiện kinh doanh vẫn còn khá phổ biến. Chẳng hạn như tình trạng các điều kiện kinh doanh được lồng ghép vào các quy chuẩn, tiêu chuẩn, hoặc sửa đổi điều kiện kinh doanh với mục đích tránh gây sự chú ý, chứ thực chất không có ý nghĩa cải cách.

Đáng chú ý là có những điều kiện kinh doanh sửa đổi còn gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp. Đơn cử như việc đặt ra yêu cầu về các chứng chỉ hành nghề, giám sát thi công...

Có những quy định mặc dù được cắt giảm nhưng thủ tục, hồ sơ giấy tờ cũng nhiều hơn so với quy định cũ. Chưa kể, có những quy định sửa đổi nhưng lại không rõ ràng, khó tiên lượng và tiềm ẩn rủi ro cho doanh nghiệp, như điều kiện về sản xuất thuốc thú y...

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), mặc dù các bộ ngành tuyên bố cắt giảm được 50%, nhưng không thực chất vì việc cắt giảm vẫn nặng về đơn giản hóa, tức là chỉ thay đổi lại cách diễn đạt chứ không có ý nghĩa về cắt giảm.

Chưa kể, có những trường hợp quy định đã được bãi bỏ nhưng tư duy của các cấp thực hiện lại không thay đổi.

Dẫn chứng trường hợp quy hoạch kinh doanh xăng dầu, ông Tuấn cho biết khi đi các địa phương, cán bộ phản ánh là "không nghĩ là kinh doanh xăng dầu phải bãi bỏ quy hoạch, nên bỏ cảm thấy trống vắng"

Nguyên do là trước đây việc duy trì quy định kinh doanh này trong thời gian dài đã tạo nên đặc quyền cho các địa phương về việc được cấp phép mở cây xăng.

"Rõ ràng những quy định như vậy đã hằn sâu và ăn thành nếp nghĩ, thói quen, nên việc bãi bỏ là điều rất khó", ông Tuấn nói thêm là nhiều văn bản đã thay đổi nhưng chưa thực sự tạo ra sự cải cách, chưa thay đổi phương thức quản lý để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Ông Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, dẫn chứng nhiều trường hợp doanh nghiệp phản ánh là dù đã có cải cách thủ tục hành chính, giảm điều kiện kinh doanh nhưng doanh nghiệp vẫn phải lót tay, bôi trơn.

"Khi đi làm thủ tục một cửa, dù nộp hồ sơ qua mạng, nhưng doanh nghiệp vẫn phải tiếp cận trực tiếp cán bộ, không thì không xong. Doanh nghiệp nói nếu phong bì "nhẹ" thì mất tới 3 tháng, phong bì "nặng" thì chỉ chiều đến lấy. Phong bì 200.000-500.000 giờ không ăn thua. Như vậy thì giá thành sản xuất của Việt Nam sao cạnh tranh được?" - ông Doanh đặt câu hỏi. 

Vì vậy, vị chuyên gia này cho rằng việc cắt giảm điều kiện kinh doanh cần là "cuộc chiến khẩn cấp và cần thiết". Đặc biệt khi mới đây Thủ tướng vừa ban hành Nghị định 193 về cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, đặt ra nhiều yêu cầu tiêu chí cụ thể để cắt giảm chi phí.

Theo đó, các chuyên gia khuyến nghị cần phải có cơ quan rà soát chất lượng các điều kiện kinh doanh một cách độc lập. Tiêu chuẩn và quy chuẩn hóa các quy định phù hợp với thông lệ quốc tế, gắn với nâng cao việc sử dụng công nghệ thông tin để giảm phiền hà, nhũng nhiễu cho doanh nghiệp.

"Cắt giảm điều kiện kinh doanh vẫn hình thức" 'Cắt giảm điều kiện kinh doanh vẫn hình thức'

TTO - Theo yêu cầu Chính phủ là phải cắt giảm 50% các điều kiện kinh doanh. Song trên thực tế có nhiều quy định cắt giảm vẫn chưa thực chất và hiệu quả.

N.An
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên