Điều gì đang xảy ra với hải quân Hoa Kỳ?

DU LONG 26/06/2022 17:00 GMT+7

TTCT - Từ thứ tư 8-6 tới thứ ba tuần rồi 14-6, hải quân Mỹ đã cách chức một hơi 5 sĩ quan chỉ huy trung cấp, điều chưa từng thấy. Khủng hoảng nhân sự hay hơn thế, khi mà chương trình cận duyên hạm LCS, chi phí 60 tỉ USD từng được tán tụng đã sớm bị xếp xó chỉ 14 năm sau khi chiếc thứ nhất nhập biên chế?

Bắt đầu là hôm 8-6 với lệnh cách chức trung tá Matthew McCormick, chỉ huy phi đội tấn công điện tử 137 thuộc không quân của hải quân. Hai ngày sau, hôm 10-6, trung tá hải quân Devine Johnson, sĩ quan điều hành khu trục hạm USS Bulkeley, và thượng sĩ thường vụ Earl Sanders bị cách chức. 

Một ngày sau (11-6), đại tá Jeffry Sandin, chỉ huy trưởng trung tâm huấn luyện tân binh hải quân ở Great Lakes (Illinois), mất ghế. Hai ngày sau nữa, thứ ba 14-6, trung tá hạm trưởng khu trục hạm tên lửa điều khiển USS Preble, Peter Lesaca “văng”! 

 
 Tàu USS Bulkeley phóng tên lửa trong một cuộc huấn luyện chiến thuật chiến tranh mặt biển cấp độ cao, ngày 26-2-2022. Ảnh: defense.gov

Các thông báo cách chức không nêu lý do cụ thể, mà theo kiểu “vi phạm nghiêm trọng…”, nói chung chung rằng đương sự đã “đánh mất sự tin tưởng vào năng lực chỉ huy”; kèm theo là nguyên tắc “vàng” của hải quân Hoa Kỳ: 

“Các sĩ quan chỉ huy hải quân phải hội đủ các tiêu chuẩn cao về ứng xử cá nhân và chuyên môn , được kỳ vọng sẽ duy trì các tiêu chuẩn cao nhất về tính trách nhiệm, độ tin cậy và khả năng lãnh đạo”, bằng không “hải quân quy trách nhiệm với họ một khi họ không đạt được các tiêu chuẩn đó”. 

Không thích thì kiện

Họ đã làm gì để “đánh mất sự tin tưởng vào năng lực chỉ huy”? Vụ trung tá Lesaca là bởi lý do hết sức “đời thường” mà ở nhiều nơi khác không bao giờ bị rớ tới chớ đừng nói là bị cách chức: ông này lái xe khi đang say rượu. 

Không biết đã tới mức xỉn hay chưa, song tờ San Diego Union Tribune 15-6 thuật lại rằng hôm 3-6, ông Lecasa bị cảnh sát tuần tra xa lộ California bắt giữ khi đang trong tình trạng “bị tác động” (bởi rượu, mai thúy…).

Bị cảnh sát bắt giữ, vi phạm pháp luật rành rành nên khó thể dung túng! 

Song vấn đề không dừng ở đó: nếu ông này cứ trong tình trạng “bị tác động” bởi các chất kích thích kiểu đó, thì lấy gì đảm bảo ông đủ minh mẫn chỉ huy con tàu USS Treble, vốn là một khu trục hạm đa nhiệm lớp Arleigh Burke trang bị 96 ống phóng tên lửa các loại SM2, Tomahawk và VL-ASROC, rồi còn chỉ huy 33 sĩ quan, 38 hạ sĩ quan cùng 210 binh sĩ?

Thế nhưng các trường hợp khác thì không được rõ ràng như vậy. Ví dụ như vụ cách chức trung tá Johnson, sĩ quan điều hành (trong quân đội Mỹ, “sĩ quan chỉ̉ huy” (commanding officer) là nhân vật số 1, còn “sĩ quan điều hành” (excutive officer) là nhân vật số 2 của một đơn vị chiến đấu) khu trục hạm USS Bulkeley và thượng sĩ thường vụ Sanders (thượng sĩ thường vụ là “sếp” đội ngũ hạ sĩ quan cùng binh sĩ, thường có toàn quyền sinh sát với đám lính tráng).

Không có mấy chi tiết cụ thể trên báo chí về lý do dẫn tới việc họ bị cách chức, trừ một tin trên tờ Virginia News đề ngày 11-3: “Con tàu đóng căn cứ tại cảng Norfolk sẽ không được triển khai do mâu thuẫn trong việc chích vắc xin”. 

“Con tàu” mà tờ báo gọi là “một khu trục hạm không được nêu danh”, có thể đoán ra là chiếc USS Bulkeley và lý do khiến trung tá Johnson bị cách chức có thể như sau: “Hạm trưởng khiến hải quân nháo nhào do chống lệnh trực tiếp buộc chích ngừa virus corona, đồng thời còn báo cáo láo với chỉ huy về việc di chuyển trong đại dịch”. 

Tờ báo còn cho biết theo các thông tin được công bố, “chiến hạm này nay vẫn chưa được điều động trong khi các chiếc khác đang chuẩn bị đối phó với cuộc khủng hoảng ở Ukraine”.

Thời điểm đó là đầu tháng 3, cuộc chiến Ukraine mới được ba tuần và hải quân Mỹ vừa bắt đầu rón rén phái thêm tàu chiến về phía biển Baltic. 

Hôm 11-3, trang web của hải quân Mỹ navy.mil loan tin các khu trục hạm mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke - USS Forrest Sherman và USS Donald Cook - bắt đầu diễn tập kỹ năng thủy thủ và hàng hải với hải quân Đức trên biển Baltic từ hôm 9-3.

Từ đó có thể hiểu tin chiếc khu trục hạm “không nêu danh” bị giữ lại ở cảng Norfolk, không được điều động sang diễn tập chính là USS Bulkeley, chỉ bởi chỉ huy tàu này không chấp hành lệnh chích ngừa Covid! 

Đây có thể là lý do khiến hải quân Mỹ nay cách chức ông trung tá, kèm giải thích tối giản là ông này đã “đánh mất sự tin tưởng vào năng lực chỉ huy”.

Nôm na mà nói, trung tá Johnson, chỉ huy chiếc USS Bulkeley, đã chống lệnh chích ngừa bắt buộc với toàn bộ thủy thủ đoàn 300 người và việc này được thượng sĩ thường vụ Sanders “tiếp tay”, nay cả hai bị cách chức. 

Vụ chống lệnh này, đáng tiếc cho hải quân Mỹ, không phải là cá biệt. Mẩu tin về vụ cách chức cho biết thêm rằng ông Johnson chỉ là “một trong ít nhất 60 thành viên lực lượng hải quân đang đứng đơn trong hai vụ kiện chống lại lệnh bắt buộc chích ngừa của Bộ Quốc phòng”.

Khủng hoảng niềm tin

Việc hè nhau chống chích ngừa Covid, thậm chí đâm đơn kiện, không phải cuộc khủng hoảng niềm tin duy nhất với giới lãnh đạo hải quân Mỹ. Còn phải kể đến một thứ “dịch” khác của hải quân đã diễn ra cả chục năm nay: đụng tàu trên biển. 

Làm thế nào mà tàu chiến Mỹ, vốn trang bị radar, sonar… đủ loại tiên tiến bậc nhất, mà cứ lâu lâu lại có tin tàu ta đụng tàu mình, tàu địch đụng tàu ta, tệ lậu nhất là tàu ta đụng… tàu container dân sự, như trường hợp khu trục hạm cũng lớp Arleigh Burke - USS Fitzgerald.

Trang bị cụm radar mảng pha quét điện tử AN/SPY-1 cùng loạt tên lửa đánh chặn SM-2/3, RIM-156, RIM-161 có khả năng phá hủy máy bay, thậm chí cả tên lửa đạn đạo của đối phương, hệ thống tác chiến chống hạm nổi (ASuW) bằng các bệ phóng tên lửa chống hạm Harpoon…, vậy mà tàu này lại để đụng phải tàu chở container ACX Crystal mang quốc tịch Philippines, bự gấp 3 lần chiếc USS Fitzerald, lại chẳng hề trang bị chế áp điện tử hay gây nhiễu radar gì sất! 

Câu “đui sao không thấy” trong trường hợp này đúng theo nghĩa đen, dù lúc xảy ra sự cố là 2g30 sáng 17-6-2017. Vụ va chạm mạnh đến mức 7 thủy thủ tàu khu trục thiệt mạng, cả trung tá chỉ huy cũng bị thương, còn con tàu gần như đã chìm vào lúc được tàu kéo đến cứu!

Trước đó 5 tuần, hôm 9-5-2017, tuần dương hạm USS Lake Champlain, trọng tải 10.200 tấn, thủy thủ đoàn 400 người, va chạm với tàu cá Nam Yang 502 trọng tải 10 tấn trên biển Nhật Bản, may là tàu cá Hàn Quốc nên đỡ “quê” với Bình Nhưỡng. 

Báo cáo về vụ này của hải quân Mỹ đề ngày 20-11-2017 nêu ra 4 “sai số”: (1) không thực hiện các phương thức canh gác theo dõi cơ bản; (2) không tuân thủ các phương thức hàng hải nghiêm túc; (3) không sử dụng đúng các công cụ hàng hải hiện có; và (4) không đối phó một cách có dứt khoát và hiệu quả trong trường hợp ngặt nghèo.

Tới đây, phải trở lên thượng nguồn công tác đào tạo trong hải quân Mỹ, cả cho cấp sĩ quan lẫn binh sĩ. Có thể đây cũng là vấn đề của trung tâm huấn luyện tân binh hải quân ở Great Lakes (Illinois), mà viên chỉ huy trưởng mới đây bị cách chức. 

Các sự cố tiếp tục cho đến sau này càng khẳng định phát hiện của bản báo cáo về tàu Lake Chaplain rằng đào tạo thủy thủ đoàn về xử lý tình huống sự cố gần như con số không và trình độ các sĩ quan cũng thế.

Tháng 11-2021, một tàu ngầm hạt nhân của Mỹ đã đụng phải một ngọn núi ngầm dưới đáy biển, khiến CNN 5-11-2021 giựt mình đặt câu hỏi: “Làm thế nào mà một tàu ngầm trị giá 3 tỉ USD của Mỹ lại húc phải một ngọn núi ngầm dưới biển?”. 

Thế nhưng, khi các sĩ quan và thủy thủ đoàn những con tàu bạc tỉ USD kia bị “bóc phốt”, e rằng họ sẽ quay lại “bóc phốt” những ai đã đẻ ra, duyệt chi và chi cho những kế hoạch đóng tàu mà chỉ không lâu sau đã có quyết định cho loại biên như các tàu chiến đấu duyên hải (LCS), mà theo defenseindustrydaily.com, tổng chi phí lên đến 75,7 tỉ USD. Đây lại là một câu chuyện khác, xin hẹn kỳ sau!■

Chuyện một số quân nhân Mỹ, không những không chịu chích ngừa Covid, mà còn đâm đơn kiện Bộ Quốc phòng (DOD), quả là chuyện rất “đặc sản Hoa Kỳ”! 

Chỉ hai ngày sau khi Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chính thức phê duyệt vắc xin Pfizer-BioNTech, vào hôm 23-8-2021, DOD ra lệnh bắt đầu ngay lập tức tiêm chủng đầy đủ cho tất cả quân nhân tại ngũ hoặc dự bị, kể cả lực lượng dân quân vệ binh quốc gia.

Lệnh này được đưa ra với mục tiêu chích ngừa cho toàn bộ ba quân dưới cờ. 

Sau mệnh lệnh với các quân nhân, tới 4-10-2021, DOD ra tiếp một lệnh buộc toàn bộ nhân viên dân sự bộ phải được tiêm chủng đầy đủ trước ngày 22-11-2021, ngoại trừ các trường hợp miễn trừ mà pháp luật đã ấn định. 

Ngay lập tức, hôm 19-10-2021, theo Military.com, hơn một chục thành viên liên ngành của quân đội Hoa Kỳ, không được tiết lộ danh tính, đã đệ đơn kiện nhằm lật ngược lệnh chích vắc xin bắt buộc của DOD, nói rằng họ có khả năng miễn dịch tự nhiên, đang mang thai hoặc cố gắng sinh con và không muốn tiêm vắc xin.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận