29/10/2021 17:32 GMT+7

Điều chỉnh mới của Bộ Y tế liên quan tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ

CẨM NƯƠNG
CẨM NƯƠNG

TTO - Bộ Y tế cho biết chống chỉ định tiêm chủng đối với trẻ có tiền sử phản vệ với vắc xin phòng COVID-19, trì hoãn tiêm chủng với trẻ đang mắc bệnh cấp tính, mạn tính tiến triển.

Điều chỉnh mới của Bộ Y tế liên quan tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ - Ảnh 1.

Học sinh Trường THCS Lam Sơn (Q.Bình Thạnh) được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 sáng 29-10 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Chiều 29-10, Bộ Y tế đã ban hành quyết định số 5002/QĐ-BYT về việc "Hướng dẫn sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em".

Theo đó, Bộ Y tế đã bổ sung Bảng kiểm trước tiêm chủng COVID-19, nhằm kết luận và phân loại chỉ định tiếp theo cho trẻ tại khâu khám sàng lọc trước tiêm chủng. Trong đó có lưu ý rõ trường hợp nào đủ điều kiện tiêm, trường hợp nào trì hoãn, thận trọng. Đồng thời, ở bước sàng lọc, bảng kiểm cũng đưa ra các công việc cần có bao gồm đo thân nhiệt, nhịp tim.

Những trẻ đủ điều kiện tiêm chủng khi không có bất kỳ điểm bất thường nào và không có chống chỉ định tiêm vắc xin theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất.

Chống chỉ định tiêm chủng vắc xin khi trẻ có tiền sử rõ ràng phản vệ với vắc xin phòng COVID-19 lần trước hoặc các thành phần của vắc xin. Mặt khác, nếu trẻ chỉ đang mắc bệnh cấp tính, mạn tính tiến triển thì sẽ được trì hoãn tiêm chủng

Đặc biệt, những trẻ có tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào hoặc rối loạn tri giác, rối loạn hành vi được xếp vào nhóm thận trọng khi tiêm chủng. Ngoài ra, trẻ sẽ được chuyển khám sàng lọc, tiêm chủng tại bệnh viện khi mắc các bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính ở tim, phổi, hệ thống tiêu hóa, tiết niệu, máu… hay khám nghe thấy tiếng tim, phổi bất thường ở trẻ hoặc trẻ có phản vệ độ 3 trở lên với bất kỳ dị nguyên nào.

Bên cạnh đó, các bác sĩ khám sàng lọc cũng sẽ chú ý các trường hợp chống chỉ định/trì hoãn khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với loại vắc xin COVID-19 sử dụng hoặc phát hiện các yếu tố bất thường khác để có chỉ định phù hợp theo hướng dẫn của nhà sản xuất vắc xin.

8 yếu tố khám sàng lọc cần quan tâm khi tiêm vắc xin cho trẻ em:

- Hỏi tiền sử rõ ràng phản vệ với vắc xin phòng COVID-19 lần trước hoặc các thành phần của vắc xin;

- Đang mắc bệnh cấp tính, mạn tính tiến triển;

- Tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào;

- Rối loạn tri giác, rối loạn hành vi;

- Mắc các bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính ở tim, phổi, hệ thống tiêu hóa, tiết niệu, máu;

- Nghe tim, phổi bất thường;

- Phản vệ độ 3 trở lên với bất kỳ dị nguyên nào (ghi rõ tác nhân dị ứng…);

- Các chống chỉ định, trì hoãn khác (nếu có cần ghi rõ).

TP.HCM đã tiêm vắc xin cho 40.000 trẻ 12-17 tuổi, chưa có phản ứng nặng TP.HCM đã tiêm vắc xin cho 40.000 trẻ 12-17 tuổi, chưa có phản ứng nặng

TTO - Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết 2 ngày qua TP.HCM đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho gần 40.000 trẻ 12-17 tuổi.

CẨM NƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên