02/08/2021 10:51 GMT+7

Điền kinh và những cuộc tranh cãi bất tận: Chuyển giới, nhập tịch, doping...

HUY ĐĂNG
HUY ĐĂNG

TTO - Mỗi khi môn điền kinh khởi tranh, những câu chuyện gây tranh cãi lại ngập tràn trên các kênh truyền thông, từ vấn nạn doping, việc nhập tịch loạn xạ của các nước Trung Đông cho đến cả nghi án... VĐV trai giả gái.

Điền kinh và những cuộc tranh cãi bất tận: Chuyển giới, nhập tịch, doping... - Ảnh 1.

Những VĐV chuyển giới ngày càng xuất hiện nhiều ở môn điền kinh - Ảnh: Hartford Courant

Là môn thể thao cơ bản nhất của Olympic, điền kinh cũng trở thành môn thể thao dễ bị gian lận nhất.

Vì sao nữ... giống nam?

Những ngày qua, mạng xã hội xôn xao với loạt hình ảnh cho thấy 2 VĐV trong đội điền kinh tiếp sức nữ của Trung Quốc có ngoại hình như nam giới. Đi kèm với đó là tin đồn đội này đã đoạt huy chương vàng Olympic Tokyo làm tăng thêm sự phẫn nộ của dư luận.

Đó là 2 VĐV Liao Mengxue và Tong Zenghuan, từng thi đấu ở Giải vô địch điền kinh tiếp sức thế giới 2019 tại Nhật Bản. Thông tin họ giành huy chương vàng Olympic Tokyo là giả, vì họ không được đến Olympic Tokyo 2020.

Giới thể thao từ lâu đã tồn tại câu chuyện về việc các VĐV nữ tiêm hormone nam để tăng cơ bắp cùng các yếu tố khác liên quan đến sức mạnh. Nhưng còn một hình thức nữa nhạy cảm hơn, đó là những VĐV nam chuyển giới sang nữ.

Cuối năm ngoái, VĐV điền kinh trẻ Selina Soule của Mỹ từng gây tranh luận dữ dội khi lên tiếng phản bác việc để các VĐV chuyển giới thi đấu ở nội dung của nữ. "Những chàng trai sinh học" là cách Soule gọi những VĐV này, và cô có rất nhiều chứng cứ để cho thấy lợi thế quá lớn của những VĐV chuyển giới khi họ bước sang sân đấu của nữ.

Allyson Felix - người từng giành 6 huy chương vàng Olympic - đạt thành tích tốt nhất sự nghiệp ở nội dung 400m là 49,26 giây. Nhưng dữ liệu cho biết trong năm 2018 có đến 300 nam sinh ở Mỹ vượt qua mốc này.

Năm 2003, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) ban hành quy định cụ thể về những điều kiện để VĐV chuyển giới được thi đấu ở Olympic. Họ phải đáp ứng ba điều kiện bao gồm một cuộc phẫu thuật chuyển đổi giới tính, giấy xác nhận giới tính hợp pháp của họ, và trải qua liệu pháp điều trị lượng hormone trước khi tham gia (kéo dài khoảng 2 năm).

Đến năm 2015, IOC bãi bỏ hết các quy định này và VĐV chuyển giới chỉ cần chứng minh được lượng testosterone trong cơ thể ít hơn 10 nanomole/lít trong vòng một năm trước khi tham gia các giải đấu.

Vì vậy, việc tham dự các giải đấu quốc tế cũng dễ dàng hơn nhiều với VĐV chuyển giới. Ở Olympic Tokyo 2020, VĐV cử tạ Laurel Hubbard đã trở thành người chuyển giới đầu tiên trong lịch sử thi đấu một nội dung cá nhân ở Olympic.

Vấn nạn doping

Không môn thể thao nào bị nhiều tai tiếng doping như điền kinh. Tính từ Olympic 1968 cho đến trước Olympic 2020, đã có 149 trường hợp bị tước huy chương Olympic (cả mùa hè lẫn mùa đông) vì doping.

Trong đó, điền kinh chiếm nhiều nhất với 50 huy chương (19 HCV). Cử tạ cũng có 50 trường hợp bị tước huy chương (14 HCV). Nga là quốc gia dính líu nhiều nhất đến doping, với 46 trường hợp bị tước huy chương.

Năm 2017, Cơ quan Liêm chính điền kinh (Athletics Integrity Unit) được thành lập với mục đích kiểm soát vấn nạn doping ở điền kinh. Và chỉ trong 3 năm, họ đã ra án phạt 196 VĐV, trong đó có 66 người là những VĐV tên tuổi từng giành huy chương Olympic hoặc thế giới.

Bóng ma doping trong làng điền kinh không đơn giản chỉ là việc các VĐV lén lút sử dụng chất cấm và các tổ chức có trách nhiệm như IOC hay WADA (Cơ quan chống doping thế giới) điều tra. Vụ bê bối doping có hệ thống của Nga, kèm theo việc một số quan chức trong Liên đoàn Điền kinh thế giới tìm cách bao che, cho thấy độ phức tạp của vấn đề này.

Nó nghiêm trọng đến mức khi chứng kiến các cuộc đua điền kinh vào lúc này, mọi người không thể vội vàng đưa ra lời ca ngợi với những người chiến thắng được.

Nhập tịch tràn lan

Ở Asiad 2018, Bahrain tranh chấp huy chương quyết liệt với Trung Quốc ở môn điền kinh khi giành đến 10 HCV (Trung Quốc giành 12). Qatar cũng đạt được 4 huy chương vàng. Nhưng ít ai xem 2 quốc gia này là những cái nôi điền kinh thực thụ, khi hầu hết những ngôi sao điền kinh của họ đều là VĐV nhập tịch từ châu Phi.

Trong số các VĐV mang về huy chương vàng điền kinh cho Bahrain ở Asiad 2018, Hajar Al-Khaldi là người "thuần Bahrain" duy nhất. Nhưng cô chỉ là một thành viên trong đội 4x100m tiếp sức nữ. Còn lại, những ngôi sao điền kinh xuất sắc nhất của Bahrain là Edidiong Odiong (gốc Nigeria, 3 HCV), Eid Naser (gốc Nigeria, 2 HCV), Birhanu Balew (gốc Ethiopia, HCV 5.000m nam)...

Dù vậy, vấn nạn nhập tịch không thực sự nổi cộm ở Olympic khi xuất hiện những VĐV điền kinh cự phách từ vùng Bắc Mỹ và châu Phi. Trong lịch sử tham dự Olympic, Bahrain mới chỉ giành được 1 HCV, 2 HCB và đều của những VĐV nhập tịch.

Điều đáng nói, vì chuyện nhập tịch khá dễ dàng mà hầu như sau mỗi giải đấu lớn, Bahrain lại "thay máu" một lần và không dễ để giới chuyên môn nhận định về sức mạnh thực sự của họ.

Đêm kỳ tích của người Ý

Thế giới hồi hộp chờ đợi ai sẽ thay thế Usain Bolt trở thành "vua tốc độ" của làng điền kinh (giành HCV cự ly chạy 100m nam), và người chiến thắng lại là một cái tên ít ai ngờ đến. Đó là VĐV Lamont Marcell Jacobs của Ý. Với thành tích 9,80s, Jacobs vượt mặt Kerley của Mỹ (9,84s) và De Grasse của Canada (9,89s) để kế thừa tấm huy chương vàng 100m đơn nam của Usain Bolt. Điều đáng nói là trước đó Jacobs chưa từng giành được bất kỳ thành tích nào ở các giải đấu lớn. Anh cũng chỉ được xếp hạng 8 thế giới ở nội dung này.

Một chuyện hi hữu cũng xảy ra ở nội dung nhảy cao nam, khi Essa Barshim (Qatar) và Gianmarco Tamberi (Ý) cùng được trao HCV sau khi cùng đạt được mức xà 2m37 và bằng nhau ở tất cả các thông số.

Điền kinh Olympic Tokyo khởi tranh: Ai thay Bolt, Farah? Điền kinh Olympic Tokyo khởi tranh: Ai thay Bolt, Farah?

TTO - Điền kinh - môn thể thao 'nữ hoàng' - đã chính thức khởi tranh ở Olympic Tokyo 2020. Cảm giác trống vắng có lẽ là điều đầu tiên người hâm mộ điền kinh cảm thấy.

HUY ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên