08/02/2021 10:30 GMT+7

Điện ảnh Việt: Sau năm 2020 nhọc nhằn, đã đến lúc đặt vấn đề 'tự cường'

MI LY
MI LY

TTO - Qua một năm 2020 nhọc nhằn vì COVID-19, nền điện ảnh toàn cầu như khựng lại. Trong khi nhiều bom tấn Hollywood lớn lùi đến giữa năm 2021, phim điện ảnh Việt đồng loạt ra rạp theo lời kêu gọi của các nhà rạp và hái quả ngọt giữa thời gian khó.

Điện ảnh Việt: Sau năm 2020 nhọc nhằn, đã đến lúc đặt vấn đề tự cường - Ảnh 1.

Tiệc trăng máu, phim Việt có doanh thu cao nhất năm 2020 với 175 tỉ đồng - Ảnh: ĐPCC

Sau năm 2020 kỳ lạ này, có lẽ đã đến lúc đặt vấn đề "tự cường" với nền điện ảnh nội địa, khi phim Việt phải chiếm giữ vị trí chủ đạo và có thể tự nuôi sống như ở các nền điện ảnh cùng khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc đã tự cường từ nhiều năm nay để không bị phụ thuộc vào nước ngoài, đặc biệt là Hollywood.

Thậm chí, phim bom tấn Hàn hay Trung còn lấn lướt các bom tấn Hollywood để trong trường hợp cần thiết, như hậu COVID-19, khán giả vẫn ủng hộ phim nội địa. Bài học nào cho Việt Nam?

Khi phim Việt giúp hồi sinh thị trường

Từ cuối tháng 9 đến tháng 11-2020, khi phim Việt mạnh dạn ra rạp, tình hình có khởi sắc so với bức tranh ảm đạm từ đầu năm. Theo Box Office Vietnam (trang thống kê phòng vé độc lập với sai số nhỏ), thành công và sức ảnh hưởng của một số phim Việt gần đây giúp toàn thị trường thu thêm gần 280 tỉ đồng (tính từ 25-9 đến 15-11).

Cụ thể theo số liệu do Box Office Vietnam cung cấp cho Tuổi Trẻ, doanh thu thị trường điện ảnh Việt có ba mốc nhảy vọt đáng chú ý trong năm 2020, tính từ sau khi dịch COVID-19 xuất hiện từ đầu năm.

Mốc đầu tiên là ngày 17-7, khi phim Bán đảo (Peninsula), bom tấn xác sống của Hàn Quốc, ra rạp Việt. Mốc thứ hai là ngày 25-9 khi Ròm, bộ phim độc lập Việt Nam đoạt giải New Currents tại Liên hoan phim Busan 2019, ra rạp. Mốc thứ ba là ngày 20-10, khi "phim trăm tỉ đầu tiên của thời hậu COVID-19" Tiệc trăng máu ra rạp.

Ba mốc thời gian nói trên đều chứng kiến sự tăng vọt về doanh thu của phòng vé Việt.

Cụ thể, trước Bán đảo, trong nửa tháng từ 1-7 đến 16-7, phòng vé Việt thu về 57 tỉ đồng. Từ 17-7 đến 31-7, cơn sốt Bán đảo nổ ra. Chỉ sau hai tuần, phim thu gần 70 tỉ đồng, còn doanh thu toàn thị trường vào khoảng 90 tỉ đồng, gần gấp đôi so với nửa tháng trước đó.

Điện ảnh Việt: Sau năm 2020 nhọc nhằn, đã đến lúc đặt vấn đề tự cường - Ảnh 2.

Ròm, Tiệc trăng máu thắng ở phòng vé khiến nhiều người hy vọng phim Việt "sẽ là đầu tàu để phát triển" thị trường - Ảnh: ĐPCC

Sau Bán đảo, thị trường tiếp tục ảm đạm. Giữa hoàn cảnh đó, Ròm "lĩnh ấn tiên phong" chiếu vào 25-9, trở thành phim độc lập có doanh thu lớn nhất Việt Nam. Từ 25-9 đến 9-10, toàn thị trường thu 74 tỉ đồng và Ròm chiếm 74% trong số đó, khoảng 55 tỉ đồng. Phim trụ rạp khá lâu và thu về tổng cộng khoảng 60 tỉ đồng.

Nổi bật hơn cả là Tiệc trăng máu. Phim ra rạp khi cơn sốt Ròm gần trôi qua. Từ 20-10 đến 3-11, sự xuất hiện của Tiệc trăng máu đẩy doanh số toàn thị trường tăng vọt lên 117 tỉ đồng, trong đó Tiệc trăng máu chiếm 83%, tức 97 tỉ đồng. Không có đối thủ, phim tiến rất nhanh đến con số 150 tỉ đồng.

Ông Lee Jin Sung, tổng giám đốc Lotte Entertainment Việt Nam, nhận định với Tuổi Trẻ: "Sau dịch, thị trường giảm 20-30% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng từ khi các phim Bán đảo, Tiệc trăng máu ra rạp đến ngày 15-11, tôi dự đoán thị trường Việt Nam đã hồi phục gần 80%. Tôi nghĩ Việt Nam là thị trường điện ảnh hồi phục nhanh và ổn định nhất thế giới.

Những phim Hollywood chiếu sau tháng 4-2021 có thể giúp thị trường hồi phục, nhưng phim Việt Nam sẽ là đầu tàu để phát triển. Việc này đã bắt đầu từ năm 2019".

Phòng vé Việt đã đủ sức tự cường?

Thế nhưng câu hỏi là: "Liệu phim Việt đã thực sự mạnh để tự đứng vững hay mới thành công ở các trường hợp đặc biệt?".

Trả lời câu hỏi này, đạo diễn - nhà sản xuất Nguyễn Quang Dũng (Tiệc trăng máu) và đạo diễn Trần Thanh Huy (Ròm) đều cho rằng không nên lạc quan quá sớm. Cả Ròm Tiệc trăng máu đều là những trường hợp đặc biệt, tạo nên cơn sốt bất ngờ so với dự báo của nhà phát hành.

Hơn nữa, cũng trong vài tháng qua, một số phim Việt khác vẫn ra mắt nhưng chìm nghỉm hoặc không nổi trội. Có những phim được đầu tư, sản xuất chỉn chu, nỗ lực bứt phá so với mặt bằng chung nhưng chất lượng chưa cao.

Điện ảnh Việt: Sau năm 2020 nhọc nhằn, đã đến lúc đặt vấn đề tự cường - Ảnh 3.

Phim Việt chưa thực sự tự cường nếu số phim có doanh thu cao như Chị Mười Ba hoặc hòa vốn vẫn còn là số ít - Ảnh: ĐPCC

Bởi vậy, phim Việt chưa thực sự tự cường nếu số phim có doanh thu cao hoặc hòa vốn vẫn còn là số ít, chưa quá đầu ngón tay. Trong khi đó, các phim lỗ và lỗ nặng là vào khoảng 30 phim mỗi năm. Điều này vừa khiến các nhà đầu tư không có vốn để tái sản xuất, vừa khiến thị trường không phát huy được hết tiềm năng về sức trẻ và nhu cầu giải trí.

Ông Nguyễn Văn Hải, giám đốc phát hành CJ CGV Việt Nam, cho biết: "Việt Nam đang ở một độ tuổi rất phù hợp để phát triển thị trường điện ảnh. Khán giả xem phim ở Việt Nam từ nhỏ đến 34 tuổi chiếm 90% thị phần, riêng nhóm khán giả dưới 29 tuổi chiếm 80% thị phần. Độ tuổi xem phim rất trẻ, trẻ hơn nhiều so với các nước trên thế giới. Thị trường sẽ ngày càng phát triển".

Để thị trường phát triển với trọng tâm thiên về phim Việt, sẽ còn rất nhiều việc phải làm. Bên cạnh chất lượng phim tăng lên, phim Việt cần có sự ưu tiên rõ rệt từ các cụm rạp, về số suất chiếu, giờ chiếu, mức độ truyền thông... để có thể cạnh tranh. Chẳng hạn, Tiệc trăng máu được "dọn đường" với gần 90.000 suất chiếu (tính đến ngày 15-11).

Tết Nguyên đán 2021 này, phim Việt sẽ đổ bộ hùng hậu với Trạng Tí, Lật mặt: 48h, Bố già. Riêng Gái già lắm chiêu V: Những cuộc đời vương giả ban đầu chiếu tết nhưng đã lùi lịch. Nhưng với 3 phim, đều là những phim được kỳ vọng thắng lớn, việc cạnh tranh suất chiếu được dự báo rất gay gắt.

Điện ảnh Việt: Sau năm 2020 nhọc nhằn, đã đến lúc đặt vấn đề tự cường - Ảnh 4.

Trạng Tí có vượt qua được những lùm xùm gần đây để chiến thắng tại phòng vé? - Ảnh: ĐPCC

Điện ảnh Việt: Sau năm 2020 nhọc nhằn, đã đến lúc đặt vấn đề tự cường - Ảnh 5.

Lật mặt: 48h đầu tư lớn vào các cảnh hành động, đánh vào thị trường TP.HCM và miền Tây - Ảnh: ĐPCC

Điện ảnh Việt: Sau năm 2020 nhọc nhằn, đã đến lúc đặt vấn đề tự cường - Ảnh 6.

Bố già của Trấn Thành là phim gia đình, có đối tượng khán giả khá rộng - Ảnh: ĐPCC

Nói "chèn ép phim Việt" cũng oan cho nhà rạp

nguyen quang dung 1

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: Có 'sự chèn ép phim Việt', nhưng cũng oan cho các nhà rạp - Ảnh: NVCC

Nói về "tự cường" bây giờ rất khó vì mới có một, hai phim thắng thôi. Về phía người làm phim, đó là lợi thế khi bớt áp lực cạnh tranh, nhưng thị trường chỉ có phim Việt thì quá bất công với khán giả. Về đường dài, không có phim ngoại tốt sẽ khó khăn cho nhà rạp.

Còn Trung Quốc và Hàn Quốc lâu nay họ đã có hạn ngạch nhập phim nước ngoài, tạo nền tảng khán giả quen với phim nội địa. Việt Nam chưa có sự bảo hộ đó, hiện thị trường bị thụ động do không có phim nước ngoài. Tôi nghĩ giải pháp là hạn chế, chọn số lượng phim nước ngoài vừa phải để không chèn ép phim Việt.

Các nhà quản lý phải ngồi lại với nhà làm phim, nhà phát hành để hiểu nội lực phim Việt như thế nào để tìm ra giải pháp hợp lý.

Về quan điểm lâu nay có "sự chèn ép phim Việt", tôi cho là có nhưng cũng oan cho các nhà rạp. Thị trường đang phát triển rất nhanh, không phải lúc nào cũng có phim Việt tốt. Khi đó, họ phải đẩy phim ngoại. Phim nhập rẻ và dễ qua kiểm duyệt hơn phim Việt. Nếu không may mắn, phim Việt chiếu trùng thời điểm với những phim ngoại lớn thì dễ gặp khó.

Hiện tại giới làm phim chưa cảm thấy ảnh hưởng trực tiếp của COVID-19. Nhưng thử tưởng tượng 6 tháng nữa, nếu rạp phải đóng cửa, chúng tôi biết chiếu phim ở đâu? Phải hiểu rằng người ta sống thì mình mới sống.

Nhiều khi nhà sản xuất, nhà phát hành và nhà rạp không có tiếng nói chung, mâu thuẫn và cạnh tranh khắc nghiệt. Còn mới đây khi khó khăn, họ ngồi lại với nhau kêu gọi đưa phim Việt tốt ra chiếu sớm, trong đó có Tiệc trăng máu. Tôi mong rằng mai mốt, khi tình hình ổn định, mọi người sẽ nhớ đến lúc khó khăn từng đồng lòng sẻ chia như bây giờ.

(Đạo diễn - nhà sản xuất NGUYỄN QUANG DŨNG)

Một mình một chợ, phim Việt khó phát triển

tran thanh huy 1

Đạo diễn Trần Thanh Huy: Không nên quá lạc quan để nghĩ thị trường Việt Nam có thể tự đứng vững - Ảnh: NVCC

Chúng ta không nên quá lạc quan để nghĩ rằng thị trường Việt Nam có thể tự đứng vững mà không cần bom tấn Hollywood. Không chỉ Việt Nam, trên thế giới cũng vậy. Thống kê doanh thu phòng vé nói lên bức tranh toàn cảnh, nhưng thực ra mỗi bộ phim có một số phận riêng. Không phim nào giống phim nào.

Mọi người thường lấy ví dụ một phim trước đó để rút ra quy luật, nhưng trên thế giới chưa làm được và Việt Nam cũng chưa. Ròm Tiệc trăng máu thắng, nhưng sau dịch cũng có nhiều phim ra rạp mà. Thị trường Việt Nam luôn rất khó đoán.

Chúng ta nên có sự cạnh tranh quyết liệt từ phim nước ngoài, đặc biệt là những phim chất lượng cao về giải trí và nghệ thuật để các nhà làm phim Việt Nam cảm thấy mình cần cố gắng để quyết chiến. Nếu một mình một chợ khó phát triển lắm.

Về doanh thu đối với một phim độc lập, nhiều người nói Ròm là trường hợp cá biệt. Có nhiều yếu tố để phim chiến thắng, có thể do gần gũi với người dân Việt Nam, nhưng tôi hi vọng thị trường sẽ có thêm nhiều trường hợp cá biệt như vậy nữa.

Tôi nghĩ chúng ta nên thay đổi quan niệm phim độc lập là có doanh thu thấp. Tôi tin dòng phim này có thể thắng khi ra rạp, nhiều bạn bè tôi cũng vậy. Tôi xác định mình sẽ đi giữa hai con đường: độc lập và thương mại, có thể nói là "lai" giữa hai dòng phim. Tôi muốn làm những bộ phim vừa thể hiện được cái tôi của người đạo diễn, vừa thu hút và khiến người xem đồng cảm.

Xu hướng này không mới mà đang rất phổ biến trên thế giới. Ký sinh trùng (Parasite) của đạo diễn Bong Joon Ho chính là một phim "lai" như thế, vừa độc lập vừa thương mại. Cuộc đời của Pi (Life of Pi) của Lý An nữa.

(Đạo diễn TRẦN THANH HUY)

Đừng vì lợi nhuận mà đánh mất lòng tự hào phim Việt

hua vi van

Diễn viên Hứa Vĩ Văn nhận định thẳng thắn về nội tại của điện ảnh Việt - Ảnh: NVCC

Vấn đề phim Việt hồi phục không phụ thuộc vào môi trường bên ngoài. Dù dịch bệnh và thiên tai gây ảnh hưởng đến doanh số rạp, vấn đề chính vẫn nằm ở nội tại của phim Việt.

Mỗi năm chúng ta có trung bình 60 phim Việt ra rạp, trong đó chỉ có từ 1 đến 5 phim tốt. Gần 10 năm nay, tôi thấy phim Việt cứ vừa lấy được lòng tin khán giả lại có một lớp khác làm mất đi lòng tin ấy.

Làm phim hay không khó bằng lấy lòng tin của khán giả. Nhưng một bàn tay không thể che cả bầu trời khi có vô số phim kém chất lượng vẫn sản xuất. Kịch bản yếu kém và tầm nhìn ăn nhanh rút gọn vẫn tồn tại.

Mỗi lần đọc được bình luận "không bao giờ xem phim Việt", tôi có cảm giác công sức mình lao động vất vả đều đổ sông đổ biển. Có những tác phẩm thành công mà sau 5 hay 7 năm nhiều khán giả vẫn chưa xem vì họ bị tổn thương bởi những tác phẩm nào đó.

Tôi từng mong có hội nhóm nhà làm phim đánh giá chất lượng phim rạp, nhà phát hành thẩm định phim tốt hơn trước khi chiếu để giữ lòng tin nơi khán giả. Không nên vì lợi nhuận trước mắt mà đánh mất lòng tự hào phim Việt, như người Hàn Quốc đã làm được ở nước họ.

Chúng ta nên xem xét lại, không phải tìm cách có phim trăm tỉ mỗi năm, mà tìm hướng đi tốt nhất cho phim Việt: về đội ngũ kịch bản, về marketing phù hợp với các thể loại phim. Như thế, chúng ta mới đi được con đường xa và tốt nhất cho nền điện ảnh, đạt thị phần đáng ao ước như Thái Lan hay Hong Kong.

Nếu không, các êkip tốt sẽ đuối sức vì vừa phải làm phim có doanh thu tốt lại vừa giữ chân lấy lòng khán giả, một chân đạp hai thuyền thì không bao giờ chèo lái được.

(Diễn viên HỨA VĨ VĂN)

Phim Việt Phim Việt 'chết': Đừng tin những lời khen do quen biết và hãy ngưng đổ lỗi

TTO - Phim lỗ trên 20 tỉ, nhà sản xuất 'Võ sinh đại chiến' đổ lỗi cho Galaxy, Galaxy chê nhà sản xuất thiếu chuyên nghiệp. Nhưng thị trường điện ảnh đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ COVID-19 và các nguyên nhân sâu xa hơn.

MI LY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên