09/08/2017 12:16 GMT+7

'Dịch' tin giả lan tới Đông Phi

D.KIM THOA
D.KIM THOA

TTO - Tin tức giả, thông tin méo mó, cáo buộc qua lại giữa các ứng cử viên tổng thống, những chuyện quen thuộc ở Mỹ và châu Âu, đang diễn ra trong cuộc bầu cử tổng thống của nền kinh tế lớn nhất Đông Phi là Kenya.

Cụ bà Lydia Gathoni, 104 tuổi, bỏ phiếu bầu tổng thống tại điểm bầu ở Gatundu, Kenya - Ảnh: REUTERS
Cụ bà Lydia Gathoni, 104 tuổi, bỏ phiếu bầu tổng thống tại điểm bầu ở Gatundu, Kenya - Ảnh: REUTERS
Có cả một hệ sinh thái tin tức giả xung quanh cuộc bầu cử lần này. Người dân Kenya thực sự không biết đâu là sự thật
Alphonce Shiundu - biên tập viên của Tổ chức xác thực tin tức Africa Check 

Tình hình càng trở nên đáng lo ngại hơn khi "dịch" tin giả lại xảy ra ở một đất nước mà bầu cử thường gắn liền với bạo lực.

Không “tha” CNN lẫn BBC

Cuộc đua giành ngôi lãnh đạo Kenya năm nay diễn ra giữa đương kim Tổng thống Uhuru Kenyatta và đối thủ kỳ cựu của ông, ông Raila Odinga. Bốn năm trước, khi hai nhân vật này đối đầu, người ta cho rằng chính khả năng tận dụng sáng tạo công cụ mạng xã hội là yếu tố chủ chốt giúp ông Kenyatta chiến thắng. Nhưng ở mùa bầu cử năm nay Kenya lại đối mặt với một hiện tượng khác. Đó là tình trạng nổi lên và lây lan nhanh chóng, lấn át của tin tức giả trên mạng Internet.

Trước ngày bầu cử chính thức khoảng chục ngày, trên mạng xã hội ở Kenya lan tràn bản tin giả mạo của Đài CNN đưa tin Tổng thống Uhuru Kenyatta đang là ứng cử viên dẫn trước về tỉ lệ ủng hộ. Trong khi đó, các kết quả thăm dò dư luận trên thực tế lại cho thấy hai ứng cử viên dẫn đầu cuộc đua là ông Kenyatta và ông Odinga đang bám đuổi nhau rất sát sao và chưa bên nào chứng tỏ lợi thế vượt trội hơn đối thủ. Đoạn video giả mạo đã sử dụng logo màu đỏ, trắng quen thuộc của CNN gắn vào góc khuôn hình, tuy nhiên phần font chữ của tiêu đề lại khác so với kiểu font chữ thường dùng trong các bản tin của CNN. Nhưng không phải ai cũng nhận ra khác biệt đó. Cũng không thể biết bao nhiêu người đã share bản tin giả mạo này trên mạng xã hội ngay cả sau khi CNN đã chính thức bác bỏ thông tin này.

Không chỉ thương hiệu CNN bị lạm dụng, chương trình Focus on Africa của Đài BBC (Anh) tuần trước cũng thành "nạn nhân". Các đối tượng tung tin giả đã lấy lại bản tin của BBC, cắt cúp rồi thêm vào đó thông tin sai lạc về kết quả thăm dò dư luận.

Anh Alphonce Shiundu - biên tập viên của Tổ chức xác thực tin tức Africa Check, một tổ chức hoạt động phi lợi nhuận chuyên cổ xúy cho sự chính xác của truyền thông châu Phi - cho rằng những video giả mạo dạng này có thể gây tác động rất lớn tới quyết định bỏ phiếu của cử tri, đặc biệt những cử tri còn đang do dự.

Theo Hãng thăm dò dư luận GeoPoll, 90% người dân Kenya tham gia điều tra của họ hồi tháng 7 cho biết họ đã đọc hoặc đã nghe thấy những tin tức giả cố tình được tung ra.

Vài tuần qua, dư luận Kenya xôn xao trước thông tin nhóm vận động tranh cử cho Tổng thống đương nhiệm Kenyatta đã hợp tác với Công ty big-data Cambridge Analytics, một công ty từng "góp sức" trong chiến dịch tranh cử thành công của Tổng thống Mỹ Donald Trump và cả chiến dịch vận động Brexit tại Anh.

Những phụ nữ bộ tộc Turkana ở Kenya đi bỏ phiếu ngày 8-8 - Ảnh: REUTERS
Những phụ nữ bộ tộc Turkana ở Kenya đi bỏ phiếu ngày 8-8 - Ảnh: REUTERS

Facebook đã chủ động hơn

Vài ngày trước cuộc bầu cử tổng thống chính thức diễn ra tại Kenya, Facebook đã triển khai chiến dịch tăng cường nâng cao nhận thức chống tin giả cho người dân nước này. Theo đó, công ty chủ quản của mạng xã hội lớn nhất đã đặt những quảng cáo toàn trang trên các tờ báo địa phương và phát các nội dung chỉ dẫn phân biệt tin giả trên nhiều đài phát thanh/truyền hình để người dân cảnh giác.

Không những thế, Facebook cũng kích hoạt chế độ "ghim" cố định thông báo trên timeline của ứng dụng này tại Kenya, nội dung chỉ dẫn người dùng có thể tìm hiểu thêm thông tin giúp phân biệt tin giả ở Trung tâm trợ giúp Facebook (Facebook Help Center). Tại đây người dùng được trang bị công cụ xác minh địa chỉ web, điều tra về nguồn tin và tìm thêm các nội dung báo chí khác về cùng thông tin họ quan tâm.

Cùng với đó, công cụ thông báo sẽ được triển khai trong vài ngày phục vụ bầu cử tại Kenya bằng cả 2 thứ tiếng Swahili và tiếng Anh cho khoảng 7 triệu tài khoản Facebook hoạt động hằng tháng tại đây.

“Tội đồ” gieo rắc tin giả

Theo trang tin Technology Review, các tài khoản tự động (bot) được lập trình sẵn để tung tin giả mạo chính là những công cụ chính yếu bị các đối tượng sử dụng trong nhiều chiến dịch tung tin thất thiệt trên mạng thời gian qua.

Đây là kết quả nghiên cứu của chuyên gia Chengcheng Shao và nhóm cộng sự thuộc ĐH Indiana tại Bloominton (Mỹ) thực hiện. Rốt cuộc họ nhận thấy "những tài khoản tích cực phát tán thông tin nhất phần lớn là các bot".

D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên