11/08/2020 14:18 GMT+7

'Dịch sẽ sớm được khống chế!'

LAN ANH thực hiện
LAN ANH thực hiện

TTO - Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, chuyên gia trong điều trị bệnh nhân COVID-19 - cho biết ông có hi vọng và cơ sở để tin như vậy trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 10-8.

Dịch sẽ sớm được khống chế! - Ảnh 1.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Ảnh: VIỆT DŨNG

Nhận định về tình hình dịch COVID-19 hiện nay, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp nói:

- Bất cứ biện pháp chống dịch nào cũng có một khoảng trễ, có hiệu quả sau một thời gian. Với các biện pháp liên tục trong thời gian qua như truy vết, xét nghiệm, các nhà dịch tễ tính toán trong khoảng cuối tuần này sẽ kiểm soát được để dịch không đi lên nữa. 

Biểu đồ của dịch như quả đồi, khoảng giữa của dốc là tăng cao hơn cả, khi tốc độ tăng giảm dần thì dịch sẽ đi ngang, sau đó sẽ đi xuống. Khi dịch đi ngang, đó là đỉnh dịch.

* Giai đoạn trước của dịch, mặc dù số ca mắc tương đương nhưng không có ca tử vong nào; trong khi giai đoạn này sau hơn nửa tháng đã có 14 ca tử vong, ông lý giải như thế nào?

- Ở phần đầu của giai đoạn này, dịch lây nhiễm trong môi trường bệnh viện, số ca lây nhiễm không nhiều nhưng bệnh nhân nặng nhiều. Ở phần sau (hiện nay), dịch có lây ra cộng đồng, số ca mắc nhiều hơn, diện mắc rộng hơn nhưng ca nặng ít hơn. 

Với các ca tử vong, điểm chung là đều có bệnh nền, hầu hết đều đang điều trị tại bệnh viện trước khi mắc COVID-19. Có 10/14 bệnh nhân trên 60 tuổi, 4 bệnh nhân tử vong có tuổi trẻ hơn thì 3 người có nhiều bệnh nền, 1 người còn lại có bệnh nền là tăng huyết áp. 

Đây là các yếu tố khiến bệnh cảnh của bệnh nhân nặng thêm, nặng nhanh hơn khi mắc COVID-19. Ở các nước khác, tình hình cũng tương tự như vậy.

* Hiện đã có khoảng 15 tỉnh thành có bệnh nhân COVID-19 liên quan đến tâm dịch Đà Nẵng, tức là vùng có dịch đã mở rộng thêm nhiều. Ông có cho rằng đỉnh dịch là trong cuối tuần này?

- Nếu dịch xuất hiện ở thêm địa phương nào thì ngành y tế và cơ quan chức năng cũng phát hiện sớm, khoanh vùng, cách ly ngay được bệnh nhân đầu tiên thì sẽ không phát sinh thêm ổ dịch mới. 

Như ở Hải Dương, bệnh nhân từ nơi khác đến được cách ly ngay và không gây lây nhiễm. Nhiều địa phương khác cũng có dấu hiệu như vậy nên số địa phương có bệnh nhân khá nhiều, nhưng số ca ngoài Đà Nẵng không nhiều.

* Hiện ông đang hỗ trợ Bệnh viện Trung ương Huế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng. Gần đây, các bệnh viện khu vực Quảng Nam, Đà Nẵng đang thiếu cán bộ y tế, việc hỗ trợ của các bác sĩ như ông có ý nghĩa như thế nào?

- Số bệnh nhân nặng ở Bệnh viện Trung ương Huế rất đông, có những ca đang trong tình trạng trầm trọng nguy kịch, chúng tôi đang cố gắng cứu chữa hết sức có thể. Trong điều kiện như vậy, chúng tôi sắp xếp nhân lực làm sao tối ưu để tăng hiệu quả làm việc. 

Những ngày đầu dịch xuất hiện ở khu vực này, có tình trạng nhân lực y tế thiếu thốn, y bác sĩ kiệt quệ sức lực ở một số bệnh viện, trong đó có Bệnh viện Đa khoa trung ương Quảng Nam. Vì là giai đoạn đầu nên có thể có chỗ sắp xếp còn chồng chéo. 

Các bác sĩ đến hỗ trợ, với kinh nghiệm của mình từng trải qua, đã phát hiện những điểm bất hợp lý nên tình hình chung đang thay đổi dần. Chúng tôi đánh giá cao đội ngũ nhân viên y tế ở Bệnh viện Trung ương Huế, đây đều là những người giỏi, có quyết tâm, nỗ lực.

* Đã phải có người đến can thiệp tâm lý cho các y bác sĩ ở vùng dịch. Là người đang làm việc tại khu vực này, ông thấy giai đoạn này của dịch có gì khác trước và tinh thần của y bác sĩ như thế nào?

- Chúng tôi cũng có những lo lắng nhất định vì quy mô của đợt dịch này lớn hơn, tác động nhiều tới TP Đà Nẵng và khu vực lân cận, dẫn đến nhiều khó khăn tới tất cả mọi người, trong đó có cả nhân viên y tế chúng tôi. 

Nhưng trong khó khăn thì thấy sự nỗ lực của từng y bác sĩ, từng bệnh viện, từng người dân... Tôi hi vọng và có cơ sở để tin dịch sẽ sớm được khống chế. Khi đó, chúng tôi mới về nhà...

* Ông nhận định gì về 2 ca tử vong dưới 50 tuổi mới đây?

- Trong 3 ca tử vong ngày 10-8, có 2 bệnh nhân 47 và 33 tuổi nhưng chưa thể kết luận gì vì những bệnh nhân đã tử vong thời gian qua đều nhiều bệnh nền và đều nguy kịch. Tuy nhiên có những trường hợp không có bệnh nền gì rõ ràng, như một số bác sĩ trẻ ở Trung Quốc, nhưng vẫn chuyển nặng sau khi mắc COVID-19 và tử vong, đó là tùy khả năng đề kháng và đáp ứng của từng người.

Buổi sáng liên tiếp Việt Nam không ca nhiễm COVID-19 mới, vài ngày tới sẽ còn Buổi sáng liên tiếp Việt Nam không ca nhiễm COVID-19 mới, vài ngày tới sẽ còn 'trồi sụt'

TTO - Sáng nay 11-8, Bộ Y tế công bố không ghi nhận thêm ca nhiễm COVID-19 mới, số người mắc toàn quốc đang dừng ở 847 ca và đây là sáng thứ 2 liên tiếp không có thêm bệnh nhân.

LAN ANH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên