14/03/2022 13:39 GMT+7

Dịch ở Hong Kong căng thẳng, y bác sĩ Trung Quốc tới hỗ trợ

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - Đến nay, 50% số giường bệnh công tại Hong Kong đã dành cho điều trị bệnh nhân COVID-19, trong khi tình hình dịch vẫn còn căng thẳng. Tại Trung Quốc đại lục, hàng triệu người đang phải trải qua lệnh phong tỏa.

Dịch ở Hong Kong căng thẳng, y bác sĩ Trung Quốc tới hỗ trợ - Ảnh 1.

Nhân viên y tế trong thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) đưa một bệnh nhân xuống xe cấp cứu tại Bệnh viện Princess Margaret ở Hong Kong hôm 11-3 - Ảnh: AFP

Nhân viên y tế đại lục hỗ trợ Hong Kong

Báo South China Morning Post đưa tin dự kiến 75 nhân viên y tế từ Trung Quốc đại lục đến đặc khu hành chính Hong Kong trong hôm nay (14-3) để bắt đầu hỗ trợ thành phố đối phó đợt dịch thứ 5 nghiêm trọng. 300 nhân viên hỗ trợ khác dự kiến đến vào cuối tuần này.

Trong cuộc họp báo về COVID-19 sáng nay 14-3, Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong Carrie Lam cho biết nhóm hỗ trợ đầu tiên gồm bác sĩ, y tá và các nhân viên y tế khác từ Trung Quốc đại lục.

Theo bà Carrie Lam, một nhóm gồm 16 người từ tỉnh Quảng Đông đã đến Hong Kong tuần trước để kiểm tra và liên lạc với Cục Quản lý y viện Hong Kong.

Bà Lam cũng tiết lộ lô thuốc Paxlovid trị COVID-19 đầu tiên của Hãng dược Pfizer sẽ được đưa đến Hong Kong trong hôm nay 14-3. Các lô khác dự kiến tiếp tục được đưa đến trong vòng 2-3 tháng tới.

Hong Kong đang đối mặt với đợt dịch nghiêm trọng do biến thể Omicron, với 32.430 ca nhiễm mới ghi nhận hôm 13-3. 

Chính quyền Hong Kong cho biết đến nay khoảng 11.000 giường bệnh tại các bệnh viện công, chiếm 50% tổng số giường bệnh công, đã được chỉ định dùng để điều trị bệnh nhân COVID-19.

Trung Quốc đại lục: Tiếp tục trên 1.000 ca nhiễm mới/ngày

Tại Trung Quốc đại lục, sáng 14-3, Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết có 1.437 ca nhiễm mới được ghi nhận trong 24 giờ qua, gồm 1.337 ca nhiễm trong cộng đồng và 100 ca nhập cảnh. Trước đó, hôm 10-3, Trung Quốc ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm/ngày lần đầu tiên trong 2 năm kể từ tháng 2-2020.

Dịch ở Hong Kong căng thẳng, y bác sĩ Trung Quốc tới hỗ trợ - Ảnh 2.

Một trung tâm triển lãm được sử dụng làm bệnh viện dã chiến ở TP Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc hôm 12-3 - Ảnh: REUTERS

Ngoài ra, Trung Quốc đại lục còn ghi nhận 906 ca nhiễm mới không có triệu chứng (Trung Quốc không phân loại là các "ca nhiễm đã xác nhận") trong ngày 13-3 và có 7.039 bệnh nhân không có triệu chứng vẫn đang được theo dõi y tế.

Tỉnh Cát Lâm, một trong những nơi bị ảnh hưởng nặng do đợt dịch hiện tại, đã ghi nhận 895 ca nhiễm trong cộng đồng và 131 ca nhiễm không có triệu chứng hôm 13-3.

Trước tình hình ca nhiễm gia tăng, chính quyền các địa phương tại Cát Lâm đã tiến hành nhiều đợt xét nghiệm PCR trên diện rộng và lập các bệnh viện dã chiến để kiềm chế đợt dịch mới nhất.

Các nhân viên cộng đồng tại đây đang tích cực hoạt động để đảm bảo các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát COVID-19 được thực hiện.

Hiện nay hàng triệu người tại Trung Quốc đang trải qua cảnh phong tỏa. TP Cát Lâm thuộc tỉnh Cát Lâm đã bị phong tỏa một phần, trong khi TP Trường Xuân (9 triệu dân) cũng thuộc tỉnh này đã bị phong tỏa. 

Chính quyền TP Thượng Hải đã đóng cửa các trường học, còn Thâm Quyến (một trong những thành phố lớn nhất Trung Quốc với dân số 17 triệu người) đã bị phong tỏa...

Trung Quốc phong tỏa thành phố Thâm Quyến với 17 triệu dân Trung Quốc phong tỏa thành phố Thâm Quyến với 17 triệu dân

TTO - Trung Quốc đã đặt toàn bộ 17 triệu dân của thành phố Thâm Quyến vào tình trạng phong tỏa từ ngày 13-3, sau khi số ca COVID-19 tăng nhanh trên toàn quốc.

BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên