14/03/2022 09:55 GMT+7

Địa chí Thừa Thiên Huế - phần Văn hóa: Nhiều 'hạt sạn', sẽ hiệu đính ở lần tái bản tiếp theo?

MINH TỰ - NHẬT LINH
MINH TỰ - NHẬT LINH

TTO - Sau sự cố bản quyền khiến cho Địa chí Thừa Thiên Huế - phần Văn hóa phải rút khỏi giải thưởng Sách quốc gia 2021, bộ sách này lại vừa nhận tiếp những ý kiến phê bình, cho rằng sách còn nhiều sai sót, cần phải chỉnh sửa.

Địa chí Thừa Thiên Huế - phần Văn hóa: Nhiều hạt sạn, sẽ hiệu đính ở lần tái bản tiếp theo? - Ảnh 1.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ra mắt bộ sách Địa chí Thừa Thiên Huế - phần Văn hóa - Ảnh: thuathienhue.gov.vn

Bộ sách Địa chí Thừa Thiên Huế - phần Văn hóa (dưới đây gọi tắt là Địa chí) do UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chủ trì, Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành năm 2020, gồm hai tập dày 2.270 trang, được biên soạn bởi 19 nhà nghiên cứu.

Sai và sót, thừa và thiếu

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cho biết bộ sách có nhiều sai và sót, có sự việc viết quá dài gây ra thừa, lại có sự việc viết sơ sài nên thiếu, trên nhiều lĩnh vực văn hóa Huế, như: âm nhạc, văn học, lăng tẩm, phủ đệ, thời Tây Sơn, kiến trúc Pháp, phố cổ Gia Hội, nhân vật văn hóa, tư liệu tham khảo, bảng tra cứu...

Sách địa chí dày đến 2.270 trang dày đặc toàn chữ, chỉ lác đác vài hình ảnh. Ông Xuân đã viết đến 8 bài để trình bày về những sai, sót, thừa, thiếu này, đăng trên trang thông tin của Hội Nghiên cứu và phát triển di sản văn hóa Huế (huehoc.com).

Trả lời báo Tuổi Trẻ, ông Xuân nói: "Sách địa chí mà sai sót sẽ dẫn đến sai lầm tai hại cho các công trình khác, khi họ căn cứ vào địa chí để viết".

Chẳng hạn, mục Nhân vật văn hóa Thừa Thiên Huế mà bỏ sót những nhân vật rất quan trọng, có nhiều đóng góp cho văn hóa Huế, như: Cao Xuân Dục, Đào Tấn, Đào Duy Anh, Nguyễn Trường Tộ, Lê Văn Miến, Lê Đình Thám, Đào Đăng Vỹ, Phan Khôi, Thái Văn Kiểm, bà Tuần Chi...

Phần viết về tân nhạc ở Thừa Thiên Huế, sách Địa chí viết Nguyễn Văn Thương là người tiên phong của nền tân nhạc Việt Nam tại Huế. Ông Nguyễn Đắc Xuân cho rằng nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên mới là người sáng tác bản tân nhạc Việt Nam đầu tiên tại Huế.

Một thiếu sót rất khó hiểu đó là tuyệt nhiên không nhắc gì đến nhạc sĩ Phạm Duy, dù nhạc sĩ này có rất nhiều hoạt động gắn bó với tân nhạc Huế. Trong khi đó, sách Địa chí lại đưa vào những tác giả nghiệp dư và nhạc phẩm phong trào.

Nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh cho hay ông đã nhặt ra khá nhiều "hạt sạn", đó là những sai sót nhỏ như: sai ngày tháng năm, sai tên người, địa danh, cơ quan... Những sai sót kiểu này xảy ra nhiều ở chương viết về Báo chí.

Ông Vĩnh đã từng viết bài góp ý về việc này từ năm 2014, nhưng không hiểu sao khi soạn sách Địa chí vẫn giữ nguyên những cái sai như thế. Và sai sót nặng nhất là bảng tra cứu, công cụ luôn phải có của các loại sách như địa chí.

Tập 1 không có bảng tra cứu, toàn bộ bảng tra cứu đều nằm cuối tập 2, và toàn bộ số trang đều không khớp với nội dung cần tra.

Địa chí Thừa Thiên Huế - phần Văn hóa: Nhiều hạt sạn, sẽ hiệu đính ở lần tái bản tiếp theo? - Ảnh 2.

Bộ sách Địa chí Thừa Thiên Huế - phần Văn hóa - Ảnh: MINH TỰ

Đã bỏ qua khâu biên tập hoàn chỉnh

Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh, chủ biên bộ sách này, cho biết địa chí phần văn hóa là một phần thuộc bộ Địa chí Thừa Thiên Huế, đã khởi sự từ năm 2000.

Tuy nhiên, do phải thay đổi đơn vị chủ nhiệm đề tài nên bị chậm trễ. Đến năm 2014, Sở Khoa học và công nghệ mời ông Vinh làm chủ biên. Cuối năm 2017 công trình hoàn tất, qua hai lần nghiệm thu cấp cơ sở và cấp tỉnh, có các chuyên gia trung ương tham gia.

Ông Vinh cho hay thông thường như với các phần địa chí đã hoàn thành trước đó (tự nhiên, lịch sử, dân cư - hành chính, kinh tế), sau khi nghiệm thu thì được biên tập hoàn chỉnh trước khi xuất bản.

Nhưng phần địa chí văn hóa thì lại không được như vậy. Sau khi nghiệm thu (2017), đến năm 2020 thì Sở Khoa học và công nghệ chuyển qua cho Nhà xuất bản Thuận Hóa để tiến hành xuất bản. "Tôi đề nghị nhà xuất bản cho tôi ba ngày để đọc lại bản thảo và biên tập hoàn chỉnh. Chúng tôi cũng đã chuẩn bị cả kho hình ảnh tư liệu để đưa vào sách khi xuất bản.

Nhưng vì lý do gì đó, bản thảo chỉ giao cho biên tập viên của nhà xuất bản. Khi chuyển từ bản thảo sang sách, biên tập viên và người thiết kế sách không điều chỉnh cho nội dung bảng tra cứu khớp với trang sách.

Nhà xuất bản cũng không đưa thêm hình ảnh vào sách để tránh phát sinh thêm kinh phí. Vì vậy, lần xuất bản này không đạt yêu cầu về kỹ thuật, hình ảnh", ông Vinh nói.

Về những ý kiến phản biện, ông Vinh nói ban biên soạn đang lắng nghe và tiếp nhận tất cả ý kiến góp ý cho bộ sách.

Ông Vinh thừa nhận những sai sót nhỏ sẽ được hiệu đính trong lần tái bản. Ông Vinh cũng cho rằng: "Địa chí không phải là bộ bách khoa toàn thư để đưa vào đó mọi sự vật, sự việc của tất cả mọi lĩnh vực.

Địa chí cũng không phải là công trình chỉ biên soạn một lần cho mãi mãi, mà nó là công trình phản ánh tất cả những kết quả nghiên cứu đến thời điểm này. Qua thời gian, người kế tục sẽ tiếp tục bổ sung, chỉnh lý".

Sẽ hiệu đính ở lần tái bản tiếp theo

Ông Hồ Thắng - giám đốc Sở Khoa học và công nghệ Thừa Thiên Huế, người chỉ đạo biên soạn và xuất bản bộ sách - cho biết nếu cho rằng sở bỏ qua khâu biên tập trước xuất bản là không đúng.

Sở đã có hợp đồng với Nhà xuất bản Thuận Hóa về việc chỉnh sửa, biên tập trước khi xuất bản sách, và nhà xuất bản phải chịu trách nhiệm về việc này. Tuy nhiên, ông Thắng cũng nói rằng lãnh đạo tỉnh và sở đã ghi nhận những lỗi sai và sẽ cho hiệu đính lại những lỗi sai trong lần tái bản.

UBND Thừa Thiên Huế ra mắt Tủ sách Huế để quảng bá văn hóa cố đô UBND Thừa Thiên Huế ra mắt Tủ sách Huế để quảng bá văn hóa cố đô

TTO - Ngày 17-3, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức buổi lễ công bố đề án "Tủ sách Huế" và ra mắt cuốn sách đầu tiên thuộc tủ sách này - Địa chí Thừa Thiên Huế.

MINH TỰ - NHẬT LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên