23/03/2020 15:30 GMT+7

'Đi từng ngõ, gõ từng nhà' ngăn chặn lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng

N.AN - T. HÀ
N.AN - T. HÀ

TTO - Các cấp chính quyền sẽ "đi từng ngõ, gõ từng nhà", xác định đầy đủ các trường hợp đã nhập cảnh, những người tiếp xúc gần, có biện pháp cách ly và theo dõi y tế phù hợp, hoàn thành trước 12h ngày 25-3.

Đi từng ngõ, gõ từng nhà ngăn chặn lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng - Ảnh 1.

Ban chỉ đạo yêu cầu rà soát chặt chẽ, ngăn lây nhiễm trong cộng đồng - Ảnh: CHÍNH PHỦ/ĐÌNH NAM

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 họp trong ngày 23-3 đã triển khai các biện pháp ứng phó, trong đó có giải pháp như trên. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, trưởng Ban chỉ đạo, chủ trì cuộc họp đã thống nhất phải quyết liệt kiểm soát dịch bệnh cả từ hai nguồn (từ ngoài vào và từ trong nước).

Để thực hiện, Ban chỉ đạo yêu cầu cần tiếp tục kiểm soát chặt chẽ để ngăn chặn dịch lây lan từ bên ngoài vào trong nước qua đường bộ, đường hàng không.

Bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ tổ chức các khu cách ly tập trung an toàn, bố trí thêm địa điểm cách ly, phương tiện vận chuyển và nhân lực phục vụ cách ly tập trung, không để lọt, không để lây nhiễm; đẩy nhanh tiến độ sàng lọc, xét nghiệm phát hiện người mắc bệnh.

Đối với việc tiếp tế nhu yếu phẩm cho người thân trong khu cách ly, yêu cầu và mục đích cao nhất của cách ly tập trung là bảo đảm an toàn cho người được cách ly và đặc biệt là cho cộng đồng, sau đó mới đến việc khắc phục các điều kiện sinh hoạt còn chưa thuận tiện.

Do đó, cần phải tạo điều kiện tối đa cho lực lượng làm nhiệm vụ, bảo đảm an toàn. Những người có điều kiện có thể đóng góp, hỗ trợ cho công tác cách ly thông qua hệ thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Ban Chỉ đạo cũng bàn giải pháp trước hết ưu tiên cơ sở lưu trú, khách sạn để cách ly có thu phí đối với người nước ngoài có hộ chiếu ngoại giao, công vụ, các chuyên gia làm việc tại các dự án quan trọng ở Việt Nam.

Để kiểm soát dịch bệnh trong nước, phải quyết liệt ngăn chặn tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng. Theo đó, cấp ủy, chính quyền cơ sở chỉ đạo sát sao với lực lượng nòng cốt là công an và y tế "đi từng ngõ, gõ từng nhà", xác định đầy đủ các trường hợp đã nhập cảnh từ nước ngoài vào, những người tiếp xúc gần, có biện pháp cách ly và theo dõi y tế phù hợp, hoàn thành trước 12h trưa ngày 25-3.

Cùng với việc bảo đảm trang thiết bị bảo hộ, thuốc men, test kit xét nghiệm, máy móc, vật tư y tế, kinh phí…, Bộ Y tế phải khẩn trương hướng dẫn, tạo điều kiện cho các địa phương sử dụng các bộ kit xét nghiệm để đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm, sàng lọc.

Các bộ Y tế, Tài chính, Công thương thống nhất cơ chế mua sắm, cung cấp trang thiết bị y tế, vật tư phòng chống dịch trên toàn quốc.

3 bệnh nhân rất nặng, 8 bệnh nhân tiến triển nặng hơn

Cập nhật tình hình dịch bệnh từ Ban Chỉ đạo cho biết, tại Việt Nam đã ghi nhận 121 trường hợp mắc COVID-19, trong đó 17 trường hợp đã được điều trị khỏi và xuất viện, không ghi nhận ca tử vong.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khoẻ (cách ly) là 52.790 người, trong đó có 1.376 người cách ly tập trung tại bệnh viện, 21.119 người cách ly tập trung tại cơ sở khác và 30.295 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Có 39 trường hợp mắc về được cách ly từ sân bay; 74 trường hợp mắc phát hiện sau đó. Hiện có 96 bệnh nhân (69 người Việt Nam và 27 người nước ngoài) đang được điều trị tại 11 cơ sở khám chữa bệnh.

Về tình trạng sức khỏe các bệnh nhân, báo cáo của Ban Chỉ đạo cho biết hiện 3 bệnh nhân trong tình trạng rất nặng đang được điều trị tích cực; 8 bệnh nhân có tiến triển nặng hơn trước; các bệnh nhân khác sức khỏe ổn định, trong đó có 18 trường hợp đã có kết quả âm tính lần 1.

Chuẩn bị sẵn sàng tiếp nhận, xử trí phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh nhiễm COVID-19

Các bệnh viện phụ sản, nhi, sản - nhi, bệnh viện đa khoa tỉnh (đối với các tỉnh chưa có bệnh viện chuyên khoa sản, nhi) cần chuẩn bị đủ cơ sở vật chất , trang thiết bị, nhân lực sẵn sàng tiếp nhận, xử trí các trường hợp phụ nữ mang thai, bà mẹ và trẻ sơ sinh nghi ngờ hoặc đã xác định nhiễm COVID-19.

Các bệnh viện được Bộ Y tế phân công chỉ đạo tuyến lĩnh vực sản khoa và nhi khoa cũng phải chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị, đặc biệt là trang thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế, nhân lực để sẵn sàng tiếp nhận, xử trí các trường hợp phụ nữ mang thai, bà mẹ và trẻ sơ sinh nghi nhiễm hoặc nhiễm COVID-19.

Đó là yêu cầu của Bộ Y tế trong hướng dẫn tạm thời Dự phòng và xử trí viêm đường hô hấp cấp tính do chủng virus SARS-CoV-2 (COVID-19) ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh gửi tới hệ thống y tế cả nước.

Bộ Y tế cho biết đối với phụ nữ mang thai, theo ý kiến các chuyên gia, chưa có cơ sở khoa học khẳng định thai nhi có khả năng lây nhiễm vi rút SARS-COV-2 qua bánh nhau trong quá trình mang thai. "Đến nay mới có một trường hợp được báo cáo là một phụ nữ mang thai 30 tuần nhiễm COVID-19 mức độ nặng phải thở máy đã được mổ lấy thai cấp cứu và hồi phục sức khỏe tốt" - Bộ Y tế cung cấp thông tin.

Tuy nhiên, theo Bộ Y tế, mặc dù "chưa có cơ sở khoa học chỉ ra mối liên quan giữa COVID-19 ở phụ nữ mang thai và tình trạng thai bị nhiễm virus trong tử cung hay thai bị các dị tật bẩm sinh do virus SARS-COV-2", nhưng "cũng có bằng chứng cho rằng viêm phổi do virus ở phụ nữ mang thai có liên quan đến tăng nguy cơ sinh non, thai chậm phát triển và tử vong chu sinh...".

TP.HCM thêm 3 ca bệnh COVID-19, tổng cả nước 121 ca TP.HCM thêm 3 ca bệnh COVID-19, tổng cả nước 121 ca

TTO - Bộ Y tế vừa công bố 2 người nước ngoài và 1 người Việt Nam là những ca nhiễm SARS-CoV-2 mới nhất, đưa tổng ca bệnh COVID-19 cả nước lên 121 ca.

N.AN - T. HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên