18/03/2021 13:23 GMT+7

Di tích nhà tù Hỏa Lò vừa ra mắt trưng bày 'Một thời sôi nổi'

PHẠM TUẤN
PHẠM TUẤN

TTO - Ban quản lý di tích nhà tù Hỏa Lò vừa ra mắt trưng bày “Một thời sôi nổi”, không gian trưng bày nhằm tái hiện những câu chuyện về ký ức một thời sôi nổi của lứa thanh niên Việt Nam sinh ra trong thời chiến và giai đoạn hiện nay.

Di tích nhà tù Hỏa Lò vừa ra mắt trưng bày Một thời sôi nổi - Ảnh 1.

Bên trong không gian trưng bày "Một thời sôi nổi" - Ảnh: PHẠM TUẤN

Sự kiện nhằm hướng tới kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (26-3-1931 - 26-3-2021), được khai mạc sáng 18-3 tại khu di tích nhà tù Hỏa Lò (phố Hỏa Lò, Hoàn Kiếm, Hà Nội).

Xuyên suốt không gian trưng bày kể câu chuyện về ký ức một thời sôi nổi của lứa thanh niên Việt Nam sinh ra trong thời chiến và giai đoạn hiện nay.

Với bầu máu nóng và trái tim rực lửa, bao thế hệ thanh niên đã dũng cảm xông pha nơi chiến trường ác liệt, rèn luyện bản lĩnh trong các nhà tù thực dân, đế quốc hay dấn thân vượt mọi thử thách trong thời đại mới để bảo vệ và xây dựng Tổ quốc thân yêu.

Một thời sôi nổi của lớp lớp thanh niên "đẹp như hoa hồng, cứng hơn sắt thép" đã trở thành niềm tự hào của cả dân tộc.

Di tích nhà tù Hỏa Lò vừa ra mắt trưng bày Một thời sôi nổi - Ảnh 2.

Buổi trưng bày thu hút sự chú ý của nhiều cựu chiến binh, thanh niên xung phong thời chiến và các bạn đoàn viên, thanh niên trẻ - Ảnh: PHẠM TUẤN

Tại buổi trưng bày, bà Đỗ Hồng Phấn (sinh năm 1933, Hà Nội) - cô nữ sinh Hà thành tiêu biểu của ngôi trường Chu Văn An - cho biết bà rất xúc động khi xem những hình ảnh gợi nhớ những kỷ niệm về quãng đời học sinh, bà tham gia hoạt động kháng chiến và bị bắt nhốt tại nhà tù Hỏa Lò.

"Thời điểm đó chúng tôi có những niềm đau khổ riêng của người nô lệ, nhờ Cách mạng Tháng Tám, những đứa trẻ như tôi mới biết mình là một nước thuộc địa. Vậy nên đã thôi thúc chúng tôi dấn thân, lên đường bảo vệ Tổ quốc", bà Phấn xúc động.

Bà Phấn cho biết thêm niềm đau đáu lớn nhất của bản thân là mong đất nước Việt Nam càng phát triển, hòa bình, tiệm cận các nước phát triển trong tương lai gần. "Điều đó tùy thuộc rất lớn vào thế hệ trẻ ngày nay", bà Phấn nói.

Bạn Tòng Thị Quý (19 tuổi, sinh viên Học viện Thanh thiếu niên) chia sẻ rất xúc động, tự hào khi được hòa mình vào không gian của một thời máu lửa.

"Thời xưa ông cha đã rất khó khăn, gian khổ để giành lấy độc lập nên chúng em phải trân trọng những phút giây hòa bình hiện tại. Tới đây em như được sống lại, cùng trải qua một thời máu lửa của ông cha...", Quý chia sẻ.

Di tích nhà tù Hỏa Lò vừa ra mắt trưng bày Một thời sôi nổi - Ảnh 3.

Nhiều người tới dự buổi trưng bày tranh thủ ghi lại những thông tin, tư liệu quý về "Một thời sôi nổi" - Ảnh: PHẠM TUẤN

Trưng bày "Một thời sôi nổi" được thể hiện qua hai nội dung lớn: Ánh lửa từ trái timƯớc vọng xây đời.

Ánh lửa từ trái tim là câu chuyện của tuổi trẻ Việt Nam trên chặng đường đấu tranh giải phóng dân tộc. Với niềm tin tất thắng vào cách mạng, bao lớp thanh niên đã vượt qua mọi gian khổ, hi sinh; xông pha nơi chiến trường ác liệt; hăng say lao động nơi hậu phương hay kiên trung, bất khuất nơi ngục tù thực dân, đế quốc.

Với phần Ước vọng xây đời sẽ là những hoạt động của tuổi trẻ Việt Nam hôm nay đã và đang góp phần nối dài thêm những chiến công, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của dân tộc.

Những thanh niên trẻ thế hệ mới đã biến ngọn lửa nhiệt huyết, rực cháy trong tim mình thành những hành động, việc làm thực tế, sáng tạo, hiệu quả.

Di tích nhà tù Hỏa Lò vừa ra mắt trưng bày Một thời sôi nổi - Ảnh 4.

Chiếc mũ cối đặt ngay ngắn cạnh quyển sách của anh lính tân binh gửi lại ngày lên đường nhập ngũ - Ảnh: PHẠM TUẤN

Di tích nhà tù Hỏa Lò vừa ra mắt trưng bày Một thời sôi nổi - Ảnh 5.

Hai bác cựu chiến binh cùng xem lại những hình ảnh của cuộc Cách mạng Tháng Tám đầy bi tráng - Ảnh: PHẠM TUẤN

Di tích nhà tù Hỏa Lò vừa ra mắt trưng bày Một thời sôi nổi - Ảnh 6.

Trưng bày tái hiện khung cảnh anh bộ đội Trường Sơn xưa vẫn lạc quan, yêu đời dù trong khói lửa chiến tranh - Ảnh: PHẠM TUẤN

Di tích nhà tù Hỏa Lò vừa ra mắt trưng bày Một thời sôi nổi - Ảnh 7.

Nhiều người vui vẻ khi được sống lại thanh xuân với nước chè xanh cùng lương khô quân nhu trên đường hành quân - Ảnh: PHẠM TUẤN

Di tích nhà tù Hỏa Lò vừa ra mắt trưng bày Một thời sôi nổi - Ảnh 8.

Báo Nhựa Sống, được in đều đặn hằng tháng, mỗi số báo ra 300 - 400 tờ từ năm 1952 để tuyên truyền, phục vụ cách mạng - Ảnh: PHẠM TUẤN

Tái hiện cuộc gặp mặt xúc động của Nguyễn Đức Cảnh với mẹ trong nhà tù Hỏa Lò Tái hiện cuộc gặp mặt xúc động của Nguyễn Đức Cảnh với mẹ trong nhà tù Hỏa Lò

TTO - Cuộc gặp mặt của hai mẹ con đồng chí Nguyễn Đức Cảnh tại nhà tù Hỏa Lò năm xưa và câu chuyện nhạc sĩ Đỗ Nhuận dùng cành bàng để chế tạo nhạc cụ trong những năm tháng bị giam cầm ở nhà tù này sẽ được tái hiện với công chúng.

PHẠM TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên