24/04/2020 10:05 GMT+7

Đi lại, lưu trú sau ngày 23-4 ra sao?

P.TUẦN - TR.TRUNG
P.TUẦN - TR.TRUNG

TTO - Mục hỏi đáp Covid-19 hôm nay sẽ giải đáp thắc mắc đi lại, vui chơi, du lịch, lưu trú tại Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế; thông tin về việc hỗ trợ khó khăn cho lao động tự do tại TP.HCM.

Đi lại, lưu trú sau ngày 23-4 ra sao? - Ảnh 1.

Một khách sạn tại Đà Nẵng vẫn đóng cửa dù thành phố đã cho phép hoạt động trở lại - Ảnh: TR.TRUNG

* TP Đà Nẵng vừa có quyết định cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú trên địa bàn TP hoạt động trở lại. Khách lưu trú sẽ được kiểm tra sức khỏe như thế nào để đảm bảo phòng dịch? (Ngô Anh Tú, tuanhngo49@...)

- Bà Trương Thị Hồng Hạnh (giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng) trả lời: Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Đà Nẵng, chúng tôi yêu cầu chủ các khách sạn thực hiện khai báo y tế cho khách lưu trú theo mẫu quy định. Danh sách và thông tin y tế của khách được tổng hợp gửi về Công an TP, UBND các quận huyện nơi cơ sở lưu trú đóng trụ sở trước 17h hằng ngày.

Đối với công tác y tế và vệ sinh dịch tễ phải đảm bảo các biện pháp giãn cách xã hội theo quy định, chỉ đón khách từ các vùng Bộ Y tế không khuyến cáo và được sự cho phép của UBND TP Đà Nẵng. Sức khỏe của du khách được kiểm tra hằng ngày, khách sốt trên 37 độ hoặc có dấu hiệu ho, khó thở thì kịp thời báo cho trung tâm y tế các quận huyện. 

Đối với các khu vực dịch vụ công cộng tại cơ sở lưu trú như sảnh lễ tân, nhà hàng, phòng hội nghị, phòng hội trường... không được tập trung quá 20 người và đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2m. Hạn chế tổ chức các tiệc buffet, ưu tiên ăn uống tại phòng.

* Cho hỏi các bãi biển và khu du lịch dã ngoại, nhà hàng, khách sạn ở Thừa Thiên Huế khi nào mở lại? (Nguyễn Văn Lợi, xã Phú Diên, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế)

- Ông Phan Ngọc Thọ (chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết: Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh vẫn yêu cầu tạm dừng hoạt động tại các khu vui chơi giải trí tập trung; di tích, bảo tàng, thắng cảnh, địa điểm tham quan, các khu du lịch, điểm du lịch, các bãi tắm, các khu du lịch thác, suối sinh thái... trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục tạm dừng đón khách từ ngày 23-4 cho đến khi có thông báo mới.

Ngoài ra, các tuyến xe buýt nội tỉnh, xe buýt liên tỉnh, xe du lịch điện, thuyền du lịch cũng tạm ngưng hoạt động. Các hoạt động văn hóa, giải trí nơi công cộng tập trung trên 10 người; hồ bơi công cộng, câu lạc bộ thể dục thể hình, khiêu vũ, bida, yoga tiếp tục dừng hoạt động.

Tỉnh đã nới lỏng, cho phép các lĩnh vực được phép hoạt động có kiểm soát, đảm bảo nguyên tắc về giãn cách, đeo khẩu trang, sát khuẩn, hạn chế tiếp xúc, tập trung đông người.

Toàn bộ nhân viên và khách lưu trú thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, khai báo lưu trú và khai báo y tế theo quy định. 

Các cơ sở, nhà hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống phải đảm bảo khoảng cách bàn cách bàn 2m, ghế cách ghế 1m, nếu có phòng riêng không quá 20 người.

Ngưng 62 chốt kiểm dịch ở TP.HCM

* Hiện tại, người đến TP.HCM có phải kiểm tra y tế ở cửa ngõ TP như trước không? (Trần Thu Lê, Long An)

- Theo thông tin từ Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08) Công an TP.HCM, từ 15h ngày 23-4, 62 chốt kiểm dịch phòng chống COVID-19 trên địa bàn TP chính thức ngừng hoạt động.

Lực lượng làm nhiệm vụ tại các chốt trở lại công việc bình thường. Riêng lực lượng CSGT chú trọng thường xuyên tuần tra, xử lý giao thông ở các khu vực giáp ranh khu vực TP và các tỉnh, thành để điều tiết giao thông, không để xảy ra ùn tắc.

Trong thời gian triển khai các chốt kiểm dịch (từ ngày 5-4 đến hết ngày 22-4), 16 chốt do PC08 quản lý tổng kiểm tra 266.266 xe, trong đó có 234.489 ôtô, 592.083 người. Kết quả xử lý đã lập biên bản 24 trường hợp, đo thân nhiệt 592.083 người, yêu cầu khai báo y tế 132.424 người.

Trước đó, ngày 4-4, UBND TP.HCM công bố tổ chức 62 chốt, trạm kiểm dịch phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP. Các chốt này có lực lượng liên ngành kiểm soát toàn bộ xe và kiểm soát y tế người ra vào TP.HCM.

T.DUNG - M.HÒA

Lao động tự do có được trợ cấp không?

* Chúng tôi làm nghề tự do ở TP.HCM, chưa tham gia đóng BHXH thì có được nhận hỗ trợ khó khăn do mất việc, mất thu nhập vì Covid không? Nếu có thì thủ tục như thế nào? (Hoàng Dũng, TP.HCM)

- Ông Lê Minh Tấn - giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM: Danh sách người lao động tự do đang gặp khó khăn vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 do tổ dân phố thu thập, điều tra theo địa bàn dân cư.

Đồng thời, người dân cũng có thể tự đăng ký, khai báo cho tổ dân phố để được xem xét hỗ trợ. Việc xác định ảnh hưởng đến thu nhập sẽ theo nguyên tắc không còn thu nhập, giảm thu nhập sâu và các thông tin này được công khai tại nơi cư trú.

Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã có văn bản gửi UBND các quận, huyện về việc báo cáo số liệu người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Số tiền hỗ trợ là 1 triệu đồng/tháng trong các tháng 4, 5, 6-2020.

Theo đó, người lao động được nhận hỗ trợ có đủ các điều kiện sau: mất việc làm và không có thu nhập, hoặc có thu nhập thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo TP tính từ thời điểm 1-4-2020 (chuẩn hộ nghèo hiện nay là dưới 28 triệu đồng/người/năm, tương đương khoảng 2,3 triệu đồng/người/tháng); cư trú hợp pháp tại địa phương (trường hợp vừa có hộ khẩu thường trú và tạm trú tại TP.HCM thì chọn thống kê theo nơi ở thường xuyên ổn định để tránh trùng lắp).

Quỹ hỗ trợ cho người làm các công việc: thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe hai bánh chở khách, xe xích lô, bán vé số lưu động, tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc, sức khỏe, thể thao, giải trí (bao gồm cả bảo vệ).

THỦY VŨ ghi

TP.HCM: Xe khách chạy lại, xe buýt chờ tới 3-5 TP.HCM: Xe khách chạy lại, xe buýt chờ tới 3-5

TTO - Chiều 23-4, Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM đã đưa ra phương án tổ chức lại vận tải hành khách, theo đó xe khách liên tỉnh bắt đầu được hoạt động lại từ 23-4, xe buýt tiếp tục rà soát và công bố các chuyến được hoạt động lại sau ngày 3-5.

P.TUẦN - TR.TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên