27/02/2023 08:59 GMT+7

'Đi chợ' thay cho doanh nghiệp

Lĩnh vực "đi chợ" thay cho các nhà máy của doanh nghiệp nội và FDI từng là "sân chơi" của doanh nghiệp ngoại. Nhưng nay đã có doanh nhân trẻ Việt đầu tư công nghệ và vượt lên trong cuộc chơi.

Đi chợ thay cho doanh nghiệp - Ảnh 1.

Các sản phẩm khẩu trang, găng tay, vải lau... được nhân viên công ty vận chuyển đến cho các nhà máy - Ảnh: THUY THỦY

Phó giám đốc Công ty TNHH TM&DV Giá Trị Thật (Real Value) Trần Ngọc Ẩn cho biết cao điểm dịch COVID-19 đã kiểm chứng năng lực của công ty khi vẫn đảm bảo cung ứng đủ thứ, từ lều bạt, chăn màn... đến các vật phẩm phục vụ hoạt động của doanh nghiệp. Nhờ công nghệ, lượng sản phẩm được nhờ "đi chợ" ngày càng nhiều.

Mua đến 30.000 sản phẩm qua phần mềm

Vừa trò chuyện với chúng tôi, phó giám đốc Trần Ngọc Ẩn vừa bật laptop điều hành các hoạt động, theo dõi các đơn hàng của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp này cung cấp các loại vải lau công nghiệp cho các chi tiết máy công nghiệp đắt tiền, tận dụng các loại vải vụn trong các công xưởng sản xuất hàng xuất khẩu. Tuy nhiên, oái oăm thay là năm nay xuất khẩu gặp khó, nhà máy ít đơn hàng nên lượng vải vụn làm giẻ lau cũng hiếm.

Hiện giẻ lau chỉ là một trong số 30.000 loại hàng hóa cả nội địa lẫn nhập khẩu mà phía doanh nghiệp này đang cung ứng cho các nhà máy. Trong đó, từ cái chổi, khăn bàn, chiếc máy tính, bộ đồng phục, bảo hộ lao động... đến những chi tiết máy đều được doanh nghiệp này đóng vai trò "đi chợ hộ" mang về cho các công xưởng.

Theo ông Ẩn, đối tác của doanh nghiệp này đều là các "ông lớn" trong lĩnh vực FDI như P&G, Uni-President, Mitsubishi... hay một số công ty lớn trong ngành tiêu dùng Việt. 

"Danh mục hàng hóa lên đến hàng chục ngàn sản phẩm như thế, trong khi làm ăn với nước ngoài đòi hỏi phải chính xác cao từ sản phẩm, tiến độ lẫn quản lý nên chỉ có cách ứng dụng công nghệ thông qua phần mềm quản trị, quản lý thu mua mới có thể giúp công ty vận hành chính xác được", ông Ẩn nói.

Đi chợ thay cho doanh nghiệp - Ảnh 2.

Quản lý hoạt động của công ty “đi chợ hộ” qua phần mềm tại… quán cà phê - Ảnh: NGỌC HIỂN

Mọi công việc đều qua mạng

Nhớ lại quá trình lập doanh nghiệp cung ứng này, ông Đỗ Hồng Anh - giám đốc công ty - cho biết các nhà máy thường cần rất nhiều các sản phẩm lặt vặt, nhưng các nhà sản xuất lại chỉ cung ứng một sản phẩm trong khi dịch vụ lại không được như mong muốn của doanh nghiệp FDI.

Tuy nhiên, mảng cung ứng dịch vụ này lại rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài. Do đó, sau hai năm liên kết với công ty quốc tế, ông Hồng Anh cho biết doanh nghiệp này đã đủ tiêu chuẩn để làm việc với các khách hàng lớn mà không cần thông qua nhà thầu chính là các công ty mua hàng quốc tế. 

Ban đầu doanh nghiệp chỉ có hai người, doanh thu chỉ vài tỉ đồng. Đến nay, doanh nghiệp đã có 12 người với doanh thu triệu USD/năm. "Do quản lý hoàn toàn bằng công nghệ nên không tốn quá nhiều thời gian, những người điều hành đều có thời gian để kinh doanh thêm những lĩnh vực khác", ông Hồng Anh chia sẻ.

Cầm chiếc điện thoại chia sẻ một đoạn email cảnh báo từ giám đốc hàng hóa khu vực châu Á của doanh nghiệp FDI đến ông Ngọc Ẩn, có đoạn: "Bạn đã trễ đơn hàng trong tháng, vì sao lại trễ... nếu không chúng tôi sẽ có một cuộc họp online với bạn". Theo ông Ẩn, mặc dù các email cảnh báo này rất hiếm hoi, phía doanh nghiệp sẽ giải trình, song đây là điển hình cho việc mọi chuyện đều được giải quyết qua kênh online.

"Đến bây giờ, hơn chục năm hoạt động trong ngành này rồi nhưng rất nhiều doanh nghiệp mua hàng chúng tôi không hề biết mặt họ, mọi giao dịch đều online chứ như làm ăn ở Việt Nam ít ra cũng phải gặp đối tác, mời nhau một ly bia cuối năm, còn ở đây chỉ là... chúc nhau trên mạng", ông Ẩn nói.

Chủ tịch một tập đoàn trong ngành tiêu dùng nhanh tại Việt Nam cho biết nhờ Real Value vận hành online nên đã cung cấp nhanh được các sản phẩm bảo quản, sửa chữa máy móc, góp phần giúp nhà máy của doanh nghiệp này hoạt động xuyên suốt.

Tối thiểu hóa diện tích kho nhờ công nghệ

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp dùng công nghệ kết nối với các nhà máy một cách thông suốt, theo dõi được tiến độ từng đơn hàng. Theo ông Trần Ngọc Ẩn, ở công ty ông, từ đặt hàng đến vận chuyển, giao nhận… đều được quản lý, giám sát.

Trong giai đoạn dịch, rất nhiều nhà máy phải sản xuất "3 tại chỗ" nên rất cần mua nhiều loại hàng hóa khác nhau, nhờ quản trị bằng phần mềm nên doanh nghiệp này biết được cái gì còn, cái gì cần phải mua. "Lúc đó mới hiểu nếu làm việc trực tiếp, quản lý bằng sổ sách là thua ngay", ông Ẩn bộc bạch và cho hay cũng nhờ công nghệ mà hàng lưu thông liên tục, công ty chỉ duy trì mặt bằng kho tương đối nhỏ, giảm chi phí.

Chợ 123 năm tuổi ở Huế mở app cho dân đi chợ onlineChợ 123 năm tuổi ở Huế mở app cho dân đi chợ online

TTO - Từ ngày 1-1-2022, ban quản lý chợ Đông Ba - khu chợ 123 năm tuổi - đã đưa ứng dụng mua sắm trực tuyến, thương mại điện tử của riêng mình vào hoạt động.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên