19/06/2019 17:23 GMT+7

Dì Ba tuyến xe buýt 14: 'Cho mượn một triệu mà bả không lấy, buồn ghê!'

THU DUNG
THU DUNG

TTO - Những người quen biết đều gọi bà Rớt hai tiếng thân thương "dì Ba". 18 năm qua làm tiếp viên xe buýt trên chính chiếc xe của gia đình, dù thu nhập chẳng nhiều nhưng dì Ba đều đặn quyên góp, cho tiền người nghèo khổ, cơ nhỡ.

Dì Ba tuyến xe buýt 14: Cho mượn một triệu mà bả không lấy, buồn ghê!  - Ảnh 1.

Dì Ba chỉ mong có thể có cơ hội giúp đỡ được nhiều mảnh đời hơn nữa, chứ không mong nhận lại bất cứ điều gì - Ảnh: MINH HẢI

Câu chuyện về người nữ tiếp viên lớn tuổi trên chuyến xe buýt số 14 (TP.HCM) được bạn đọc Nguyễn Lý Huỳnh chia sẻ trên Tuổi Trẻ Online và mạng xã hội hai ngày qua nhận được nhiều sự mến mộ của bạn đọc và cư dân mạng.

Sinh viên miễn phí, người nghèo cho quá giang 

Phóng viên đã tìm tới bến xe miền Tây và được biết người nữ tiếp viên trong câu chuyện là bà Nguyễn Thị Rớt - 68 tuổi, người đã gắn bó với tuyến xe buýt số 14 (BX Miền Đông - BX Miền Tây) mười mấy năm trời. 

Hiện dì Ba sống tại một căn nhà cấp 4 trên đường Phan Chu Trinh, quận Bình Thạnh. Gặp chúng tôi, dì cười hiền queo. 

"Suốt 18 năm tui lênh đênh trên những chuyến xe buýt, đi khắp các nẻo đường TP. Nghề lơ xe này đưa đẩy tui gặp không biết bao nhiêu mảnh đời bất hạnh. Mỗi lần, thấy ai bất hạnh, hoàn cảnh khó khăn là tui thương gì đâu... Nhiều lúc tui bỏ hết tiền túi ra trả tiền xe, cho thêm tiền người ta mua thuốc thang này kia nữa. Thôi kệ cô ơi, mình không giàu có gì nên giúp được người ta cái gì thì giúp", dì Ba chia sẻ. 

Nhưng mà dì Ba giúp hoài cũng không xuể, có những người nghèo, vô gia cư, ban ngày bán vé số, ban đêm ngủ vạ vật ngoài đường, dì không bao giờ lấy tiền vé. Thậm chí, các con dì cũng noi theo, không lấy tiền người khó khăn bao giờ.

Lắm bữa cơm, dì nhịn bữa để tiền cho người nghèo khổ hơn. Dì Ba quan niệm mình giúp được gì thì giúp, giúp việc lớn không được thì giúp những việc nhỏ thôi. Dì vẫn dặn các con ra đường, gặp ai khó khăn thì đều làm phước. Sinh viên thì mình miễn phí, người nghèo cho quá giang… Mình không có nhiều tiền, nhưng mình có cái tâm".

"Cách đây mấy bữa, có hai cha con lên xe đi Bệnh viện Nhi Đồng khám bệnh, không may bị móc túi hết tiền không biết phải làm sao. Thấy người cha rầu rĩ, tui liền cho vài chục ngàn rồi kêu gọi người trên xe lúc đó đóng góp. Gom hết lại cũng chỉ được vài trăm. Nhìn hai cha con xuống xe mà ứa nước mắt, giá mình giàu có hơn thì mình cho họ nhiều", dì Ba tâm sự.

Dì Ba còn nhắc trên xe cũng năm bảy loại người, có những người lên xe móc túi, lừa đảo… cũng sợ lắm, sợ khách mất đồ. Cho nên, trước khi xe chạy, dì thường cảnh báo: "Bà con, cô bác giữ giỏ xách, tiền bạc cẩn thận".

Anh Cao Hoài Phong - con trai dì Ba - kể lại hồi đó dì hay giúp người trên xe buýt lắm, gặp chuyện gì cũng giúp. Có khi bị người ta lợi dụng lòng tốt lúc nào không hay. Sau này, dì cũng cân nhắc bản thân phải biết phân biệt người tốt, người xấu.

"Cô hổng biết đâu, có mấy người giả bộ lên xe la khóc bù lu bù loa báo mất trộm, bị rạch giỏ. Mẹ tôi tình thiệt móc hết tiền ra cho. Mấy ngày sau thì phát hiện mình bị người ta lừa gạt. Nghĩ mà buồn ghê", anh Phong nói.

'Con cái không đón, cho mượn tiền không nhận, buồn ghê!'

Nói về câu chuyện giúp đỡ người phụ nữ nhặt ve chai bị đau chân trên chuyến xe cách đây mấy ngày, dì Ba cho biết vừa thương, vừa bức xúc trước hoàn cảnh của bà.

"Chị kia năm nay 63 tuổi nhưng do khổ cực quá nên lúc nào cũng lam lũ, bệnh tật. Ở tuổi gần đất xa trời mà ngày nào bả cũng đi lượm ve chai ở bến xe Miền Tây từ 4h chiều đến 8h tối để nuôi nấng con cái. Cứ tầm 8h tối, bả lại quá giang xe để về nhà. Mấy mẹ con tui chẳng bao giờ lấy tiền vé của chị đó".

"Bữa đó mưa to gió lớn, chân bả bị đau nhức không đi đứng nổi, vậy mà con cái không thèm ra đón. Bả sợ tốn tiền đi xe ôm nên ráng lếch thếch đi bộ về. Thấy bả tủi thân ngồi khóc, tui tức mấy đứa con lắm. Tui muốn bả gọi tụi nó ra bằng được nhưng cuối cùng bả cảm ơn rồi lẳng lặng đi bộ về. Tui thấy vậy liền dìu bả xuống, dặn dò bả phải biết giữ gìn sức khỏe. Tui cho mượn 1 triệu mà bả không nhận, buồn ghê!", dì Ba chậc lưỡi tiếc nuối.

"Đưa bà ve chai đi rồi, tui lên xe trầm ngâm nghĩ mãi sao người ta còn mẹ mà không biết thương mẹ? Tính ra, tui cũng còn may mắn hơn nhiều người quá, được 3 đứa con yêu thương, chăm sóc", dì nói. 

Đau đáu nỗi lo khách bỏ xe buýt

Mười tám năm trôi qua từ ngày đầu làm xe buýt, đã 3 thế hệ trong gia đình sống trụ với nghề xe buýt. Cả nhà từ ông bà, cha mẹ, con cái gắn với nghiệp tài xế, lơ xe, gắn với sự sống còn của ngành xe buýt. 

Dì Ba kể hồi năm 2001 vợ chồng dì gom góp mua chiếc xe buýt với ước mong đổi đời. Ấy vậy mà suốt những năm qua, gia đình dì lâm vào cảnh khó khăn. Từ khi tuyến 54 ngưng chạy, dì chuyển qua tuyến 14, nhưng tuyến này cũng dần ế ẩm, vốn chưa kịp hoàn lại thì gia đình dì đã đổ nợ. Tiền trợ giá không thấm vào đâu, những ngày qua dì phải bỏ tiền túi ra đổ dầu duy trì cho tuyến xe chạy đều.

Nỗi lo lớn nhất hiện nay của dì là khách đi xe buýt càng ngày càng ít, dù xe mới nhưng nhiều tài xế, tiếp viên chưa niềm nở, nạn móc túi trên xe... dần làm khách bỏ xe buýt. Mỗi ngày, khi chứng kiến tài xế xe buýt cãi cọ trên xe, hành khách bị móc túi, dì Ba thấy buồn. 

Vì vậy, dì luôn tâm niệm phải luôn nhiệt tình, ân cần với hành khách. Người tài xế, lơ xe là phải sẵn sàng giúp đỡ người gặp nạn giữa đường. Có như vậy, khách mới thương xe buýt mà ở lại.

Trải qua nhiều chuyện vui buồn trong nghề, dì Ba vẫn quyết tâm bám trụ. Ngày ngày, dì vẫn ôm tập vé rong ruổi trên những tuyến xe buýt. Dù bản thân cũng nợ nần chồng chất, dì sẵn sàng móc tiền túi tương trợ cho những mảnh đời bất hạnh xung quanh. 

"Xe ngưng chạy một ngày thì ảnh hưởng tới đi lại của bao nhiêu người nghèo, người lao động cần đi từ nơi này sang nơi khác. Những người nghèo khổ sẽ không còn ai cho quá giang để về trong đêm nữa. Nghĩ vậy, cả gia đình cứ cố gắng duy trì cho những chuyến xe lăn bánh", dì Ba nói.

"Cho đi là nhận lại mà cô. Mẹ con tui vẫn mong rằng có ngày trả hết nợ nần, cơm no áo ấm với nghề xe buýt. Để còn có tiền giúp đỡ những người bất hạnh hơn ngoài kia", nói rồi dì nhìn xa xăm thở dài.

Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM cho biết bà Trần Thị Rớt là tiếp viên xe buýt thuộc Liên hiệp HTX vận tải TP. Bà Rớt là tiếp viên được nhiều hành khách yêu quý, liên tiếp nhiều năm được khen ngợi vì có hành động đẹp. 

Cô luôn ân cần với hành khách, giúp đỡ hành khách gặp khó khăn. Đây là hình ảnh người nhân viên xe buýt mà trung tâm mong muốn phát triển để nâng cao chất lượng phục vụ hành khách với phương châm mỗi nhân viên trên xe buýt đều là người bạn, người đồng hành với hành khách. 

Mời bạn đọc đồng hành với "Chuyến xe văn minh"

Để lan tỏa các hành động đẹp, ứng xử văn minh trong giao thông, chương trình "Chuyến xe văn minh" đã xây dựng một cổng thông tin để cộng đồng dễ dàng chia sẻ những hình ảnh, câu chuyện hay tình cờ bắt gặp trên đường phố.

Ban tổ chức sẽ có những phần quà ý nghĩa dành cho những tác giả có câu chuyện thú vị, xúc động, góp phần thiết thực xây dựng nếp sống văn minh khi tham gia giao thông.

Để tìm hiểu và tham gia chương trình, mời bạn truy cập website: http://chuyenxevanminh.tuoitre.vn hoặc email: chuyenxevanminh@tuoitre.com.vn.

Cụ bà tiếp viên trên xe buýt số 14: Cụ bà tiếp viên trên xe buýt số 14: 'Hay tui cho chị mượn 1 triệu?'

TTO - Câu chuyện mộc mạc giữa người nữ tiếp viên với hành khách là một bà cụ nhặt ve chai trên chuyến xe buýt số 14 được bạn đọc Nguyễn Lý Huỳnh ghi lại và chia sẻ với Tuổi Trẻ Online.

THU DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên