12/07/2020 13:23 GMT+7

Đẹp thay những bàn tay lao động - Làng đầu bếp 'lên đời'

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Dù mục đích lao động là gì đi nữa, nấu đám tiệc phục vụ người khác để mưu sinh, đan võng chuối giữ nghề truyền thống hay tỉ mẩn chế tạo đồ chơi tặng trẻ em, hằng ngày những bàn tay ấy vẫn vẽ nên những nét đẹp của lao động chân chính.

Đẹp thay những bàn tay lao động - Làng đầu bếp lên đời - Ảnh 1.

Bảng phân công công việc và lịch đặt tiệc cưới chi chít trên bảng của dịch vụ Nam Quý - Ảnh: T.B.D.

Chúng tôi trở lại xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn (Quảng Nam), nơi nhiều năm trước từng được giới thiệu có nhiều đầu bếp chuyên đi nấu ăn thuê khắp vùng Quảng Nam, Đà Nẵng. Nhiều gia đình tại đây bây giờ đã "nâng cấp" lên làm chủ, làm dịch vụ, phục vụ đám tiệc đến tận TP.HCM, Huế…

Làng Châu Lâu (xã Điện Thọ) hiện nay có 361 hộ thì số hộ làm dịch vụ phục vụ tiệc tùng đã lên tới hơn 60 dịch vụ. Nhà có điều kiện thì tự đứng ra tổ chức, nhiều nhóm chị em phụ nữ ráp lại, người phụ trách nấu ăn, người làm MC, người phụ trách âm thanh ánh sáng. 

Họ ra thành phố tìm mối, rồi "hợp đồng" với nhau cùng làm. Cái nghề tưởng như tình cờ, tạm bợ đó không ngờ đã giúp bao gia đình đổi đời, có của ăn của để. Ở làng Đông Hòa, Đa Trung cũng có những gia đình đổi đời như thế.

Đầu bếp "Hai Lúa"

Ngôi nhà ông phó bí thư chi bộ làng Châu Lâu Trương Đức Thương tấp nập người vào ra giữa chính ngọ. Ông Thương ngồi giữa nhà, giở cuốn sổ ghi chép, liệt kê từng món ăn để phục vụ tiệc thôi nôi tại TP Đà Nẵng vào ngày mai. 

Dưới gian nhà bếp, hàng chục bếp gas khò lớn nhỏ dựng san sát. Những giàn thép xếp chi chít chén bát, môi muỗng, xoong nồi chuyên để phục vụ tiệc. Bà Nguyễn Thị Minh Tính - vợ ông - ngồi hí hoáy sơ chế các món ăn, ráp thực đơn cho khách.

Ông Thương lấy chiếc thùng nhựa đựng đống danh thiếp in tên ông cùng vợ kèm địa chỉ, số điện thoại. 

Ông cười khà khà: "Có khách đặt tiệc thì nhớ giới thiệu cho tui nghe. Ma chay, cưới hỏi, sinh nhật, thôi nôi, hoàn công nhà... lễ gì tui cũng nhận tất. Miễn là đủ 3 mâm trở lên". 

Vị phó bí thư chi bộ này bảo rằng ngày xưa ông rất nghèo, vợ làm nghề trông trẻ, ông làm lúa quanh năm. Nhưng mọi thứ "đổi đời" hẳn từ năm 2010 khi nghề nấu tiệc nở rộ ở các ngôi làng nơi ông ở. 

"Tui bàn với bà xã nghỉ việc ở trường, đi học nghề nấu ăn. Lúc đầu tui ra Đà Nẵng tìm nhà hàng học khóa cấp tốc, đứng nhìn người ta sơ chế đồ ăn rồi về mình nấu thử. Thấy ăn được thì đi nấu... cho người nhà thử trước" - ông Thương nhớ lại.

Chủ dịch vụ cưới hỏi Thương Tính nói rằng "tiệc lớn" đầu tiên mà vợ chồng ông nấu là lễ cưới của em vợ. Sau khóa học cấp tốc, vợ chồng ông bàn với em vợ rằng cần có nơi để "trổ tài". Không chút nghi ngại, người em vợ của ông Thương gật đầu. Tiệc mời tới 700 khách, vợ chồng ông Thương đứng ra gọi thêm người rồi bao trọn gói. 

"Lúc nấu xong, người mướt mồ hôi mà nhìn khách ăn vợ chồng tui vẫn thấy... rét run. Sợ mình nấu không đạt trong một dịp quan trọng như vậy. Nhưng khách rời tiệc và khen đồ ăn ngon quá trời, hai vợ chồng tối về nhìn nhau mà mừng phát khóc. Tui chuyển hẳn qua làm nghề nấu tiệc từ đó" - ông Thương nói.

Ở đâu có cưới hỏi, ở đó có... Nam Quý

Phục vụ tiệc cưới, đám hỏi, ma chay... ở Điện Thọ giờ nổi tiếng tới nỗi một số tiệc tại TP.HCM, Huế cũng mời các đầu bếp ở đây "rời làng ra phố". Ở xã này, hộ "thành danh" bậc nhất phải nhắc đến ông Trương Văn Nam - bà Nguyễn Thị Quý - chủ dịch vụ "Tiệc cưới Nam Quý".

Ông Nam bảo mọi thứ vợ chồng ông đang có cũng nhờ nấu tiệc mà ra. Trước đây ông gầy dựng được một trại gà. Nhưng tới năm 2008, một cơn dịch cúm đã cuốn sạch mọi thứ. Vị "giám đốc" dịch vụ này nói rằng ông đã lang thang ra Đà Nẵng tìm việc. 

Lúc đó ở Điện Thọ chưa có nhiều người làm tiệc nên ông học nấu ăn. Khi về làng, ông gọi người chung vốn mở cơ sở phục vụ đám tiệc nhưng không ai hưởng ứng. Một mình ông Nam lầm lụi gầy dựng. "Thương hiệu" của ông phất lên từ năm 2015 trở đi, khách hàng đặt liên tục.

Ông Nam dẫn chúng tôi vào "hậu cứ" của gia đình. Có tất cả 7 dãy nhà được nối liền nhau để xếp các vật dụng như đồ trang trí, rèm màn, kho bếp, kho chén bát... Những hàng xe tải chuyên chở người, đồ đạc đi ra các tỉnh xa nấu cũng luân phiên vào ra. 

"Hiện nay tui biên chế hẳn 9 nhân viên, trả lương quanh năm để làm nhân viên chính thức cho dịch vụ của mình. Hơn 100 người khác, trong đó có rất nhiều sinh viên các trường cũng vào làm cho tôi mỗi khi có tiệc. Tôi tạo ra được mạng lưới nhân công khắp nơi, tiệc diễn ra ở đâu sẽ có đội ngũ phục vụ ngay ở đó" - ông Nam nói.

Chủ cơ sở nấu tiệc nổi tiếng bậc nhất xã Điện Thọ này nói rằng phần lớn các hộ gia đình ở xã ông chỉ đảm trách được một phần trong tiệc, ví dụ như có hộ chuyên về ẩm thực, hộ khác lo khâu âm thanh ánh sáng, hộ khác lo xe đưa đón. Nhưng riêng ông thì tự đầu tư được toàn bộ. 

"Mỗi ngày tui nhận được khoảng 7 tiệc, lúc thì Quảng Nam, khi thì Huế. Tùy khách chọn nấu rồi mang tới hay nấu tại tư gia, ở đâu có tiệc cưới, ở đó có... Nam Quý" - ông Nam cười nói. Vị "giám đốc" này khoe hiện dịch vụ của ông phục vụ tối đa 4.000 khách/ngày.

Đẹp thay những bàn tay lao động - Làng đầu bếp lên đời - Ảnh 2.

Chở đồ đạc từ làng Châu Lâu ra ngoài phục vụ tiệc nhỏ - Ảnh: T.B.D.

"Gặp là phải... vui"

Người dân ở xã Điện Thọ cho biết cứ vào tháng 6 và tháng 10 âm lịch hằng năm, làng gần như vắng hoe. Chỉ có người lớn và trẻ con có mặt ở làng. Đây là mùa cao điểm cưới hỏi nên tất cả người làng, các dịch vụ chạy đua ra thành phố, đi khắp nơi để phục vụ.

Chủ các cơ sở nấu tiệc lớn cho biết phần lớn các hộ khi "khởi nghiệp" thì đi nấu thuê, sau đó về mở dịch vụ. Ban đầu họ nấu cả tiệc nhỏ lẫn lớn, các mối tiệc đám ma, tiệc "buồn đau" đều nhận tất.

Nhưng khi phát triển lên đến một quy mô nhất định thì các cơ sở chỉ nhận "tiệc vui". "Trước đây ma chay cưới hỏi, tiệc nhỏ to gì tui cũng nhận tất. Nhưng nay cứ gặp Nam Quý là... phải vui, không vui thì không nhận" - ông Nam hóm hỉnh.

Mở lớp đào tạo nghề phục vụ cưới hỏi

Ở xã Điện Thọ, nghề phục vụ tiệc nở rộ quá nhanh và giúp người dân có thu nhập đã khiến xã này phải phân hẳn việc quản lý ngành nghề này cho Hội phụ nữ xã. Thay vì tự phát, làm theo kiểu "học lỏm, nhìn nhau", xã Điện Thọ tổ chức hẳn các khóa dạy nấu ăn, khóa tập huấn vệ sinh an toàn thực phẩm để người dân đến học.

Khi hoàn thành chương trình, người dân làm dịch vụ được cấp chứng chỉ từ các trung tâm dạy nghề, cơ sở y tế.

Chủ tịch Hội phụ nữ xã Điện Thọ Nguyễn Thị Lân cho biết trong tổng 9 làng của xã này đã có tới 300 cơ sở (dịch vụ) phục vụ tiệc lớn nhỏ.

"Xã bố trí hội trường để mời bà con về học nghề, ai có nhu cầu vay vốn thì chúng tôi giới thiệu cho Ngân hàng Chính sách. Bà con muốn làm thì được học lý thuyết, rồi thực hành nấu nướng ngay tại nơi học, có bằng cấp rồi về tự gầy dựng làm ăn. Nghề này ban đầu ở xã chỉ có mấy chị em làm, nấu nướng cho các đám lễ nhỏ loanh quanh xã, nhưng nay đã trở thành nghề chính rất nổi tiếng của người dân toàn xã Điện Thọ" - bà Lân nói.

10 năm Tiếp sức người lao động: Điểm tựa của người lao động nghèo 10 năm Tiếp sức người lao động: Điểm tựa của người lao động nghèo

TTO - YES Center nhận một nhiệm vụ “khó nhằn” suốt 10 năm qua: chủ động tiếp cận người lao động nghèo từ các tỉnh, thành lên TP.HCM tìm việc làm để họ không bị rơi vào bẫy lừa đảo của cò việc làm.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên