26/01/2019 10:20 GMT+7

'Dẹp loạn' sổ sách: Không mâu thuẫn tinh thần đổi mới giáo dục

VĨNH HÀ thực hiện
VĨNH HÀ thực hiện

TTO - Bộ cho rằng áp lực sổ sách không mang lại hiệu quả tích cực cho công tác dạy học, khiến giáo viên mất quá nhiều thời gian, công sức, ảnh hưởng tới thời gian đầu tư nghiên cứu, nâng cao chất lượng chuyên môn.

Dẹp loạn sổ sách: Không mâu thuẫn tinh thần đổi mới giáo dục - Ảnh 1.

Ngoài công việc giảng dạy thì sổ sách, hồ sơ, tài liệu khiến giáo viên mất thời gian và chịu nhiều áp lực - Ảnh: NHƯ HÙNG

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - phó vụ trưởng Vụ giáo dục trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo - chia sẻ sở dĩ bộ phải ban hành chỉ thị chấn chỉnh lạm dụng hồ sơ, sổ sách vì một số trường có quy định riêng, gây áp lực cho giáo viên và điều này "không mâu thuẫn với tinh thần đổi mới".

Bộ GD-ĐT nhận định những áp lực này không mang lại hiệu quả tích cực cho công tác dạy học, trái lại khiến giáo viên bị mất quá nhiều thời gian, công sức vào việc ghi chép sổ sách, ảnh hưởng tới thời gian đầu tư nghiên cứu, nâng cao chất lượng chuyên môn. 

"Nhận định này đến từ việc tìm hiểu tình hình thực tế và lắng nghe phản ảnh của giáo viên, phải làm nhiều hơn hồ sơ, sổ sách so với quy định, làm mất thời gian, công sức của giáo viên" - ông Thành cho biết. 

Đó là lý do ra đời chỉ thị 138 ngày 18-1 để chấn chỉnh tình trạng này.

* Quy định về sổ sách đã có trong điều lệ trường học, nhưng trên thực tế các trường đã "linh hoạt" tăng số lượng sổ sách và quy định cứng nhắc, thậm chí vô lý... Tình trạng làm sai này trở nên phổ biến, theo ông, có phải do việc thiếu kiểm soát, chế tài không nghiêm?

- Bộ đã ban hành công văn số 68/BGDĐT-GDTrH ngày 7-1-2014 để chấn chỉnh tình trạng này. 

Dù hằng năm, nội dung quán triệt thực hiện công văn này đều được nhắc lại trong công văn hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học và đưa vào nội dung kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ năm học ở một số địa phương, tuy nhiên chế tài xử lý còn chưa đủ mạnh nên tình trạng trên vẫn còn, gây áp lực cho giáo viên. 

Hi vọng chỉ thị vừa ban hành sẽ đủ mạnh để các nhà trường phải rà soát và chấn chỉnh việc này.

Dẹp loạn sổ sách: Không mâu thuẫn tinh thần đổi mới giáo dục - Ảnh 2.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành (Phó vụ trưởng Vụ giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT)

* Vậy để chỉ thị mới của bộ trưởng được thực thi nghiêm túc, cần áp dụng việc kiểm tra, chế tài như thế nào với các trường hợp sai phạm?

- Năm 2018, bộ vừa ban hành thông tư về chuẩn hiệu trưởng và thông tư về chuẩn nghề nghiệp của giáo viên, trong đó quy định rõ tiêu chí về quản trị tổ chức, hành chính nhà trường và tiêu chí ứng dụng công nghệ thông tin của cán bộ quản lý, giáo viên. 

Chỉ thị yêu cầu lấy việc sử dụng hồ sơ, sổ sách làm minh chứng đánh giá cán bộ quản lý, giáo viên theo chuẩn. Đối với trường hợp cán bộ quản lý cố tình vi phạm vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm sẽ bị xử lý theo Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức.

* Chỉ thị yêu cầu các nhà trường từng bước ứng dụng công nghệ thông tin trong áp dụng và quản lý chuyên môn, nhưng năng lực của hiệu trưởng và điều kiện công nghệ thông tin hiện nay có sự chênh lệch ở nhiều vùng miền, vậy việc này có cách nào tạo sự lan tỏa dần không?

- Đúng là năng lực và điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin ở các địa phương, các trường có sự chênh lệch. Vì vậy, chỉ thị cũng nêu rõ là từng bước áp dụng một cách phù hợp với thực tiễn và khả năng thực hiện của giáo viên. Đó chính là giải pháp để lan tỏa dần.

Do vậy, giáo viên có thể sáng tạo, tích hợp trong việc thực hiện hồ sơ, sổ sách trên nguyên tắc bảo đảm đầy đủ các nội dung theo quy định; sử dụng phần mềm thông dụng để lập sổ điểm cá nhân trong máy tính để vào điểm cho học sinh. Khi đó, việc "làm điểm" cuối học kỳ trở nên nhẹ nhàng, đơn giản và chính xác hơn.

* Có ý kiến của các nhà quản lý giáo dục cho rằng trong xu thế đổi mới giáo dục cần khích lệ tự chủ ở các nhà trường, việc quy định cứng cả việc sử dụng sổ sách có đi ngược với tinh thần đổi mới? Ông có trao đổi thêm gì về ý kiến này?

- Hồ sơ, sổ sách trong quản lý và thực hiện nhiệm vụ là yêu cầu cần thiết. Đối với giáo viên, yêu cầu bắt buộc phải có giáo án, sổ theo dõi, đánh giá học sinh và sổ ghi chép kế hoạch giảng dạy, sinh hoạt chuyên môn, dự giờ. Điều đó không mâu thuẫn gì với tinh thần đổi mới.

Vấn đề là giáo viên phải được tự chọn hình thức trình bày, viết tay hay đánh máy để phát huy tinh thần sáng tạo và các hiệu trưởng cũng phải nắm tinh thần này để tránh những áp đặt gây áp lực không cần thiết cho giáo viên. Đó chính là điều mà chỉ thị đã yêu cầu các địa phương, cơ sở giáo dục phải thực hiện.

Giáo viên vui vì bớt sổ sách Giáo viên vui vì bớt sổ sách

TTO - Qua kiểm tra của Bộ GD-ĐT, nhiều trường quy định cả chục loại sổ sách khác nhau cho giáo viên.

VĨNH HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên