02/08/2016 15:55 GMT+7

​Đến Olympic Rio, chiến thắng hủ tục trọng nam khinh nữ

LAN CHI (THEO AFP)
LAN CHI (THEO AFP)

TTO - Hạ gục đối thủ bằng một cú đòn quyết liệt, nữ đô vật Vinesh Phogat đang mài sắc kỹ năng chiến đấu để chuẩn bị tranh tài tại Olympic Rio. Tại đó, dù thành công hay thất bại, cô cũng đã giành chiến thắng xứng đáng chống lại chủ nghĩa phân biệt giới tính ở quê nhà Ấn Độ.

Nữ đô vật Vinesh Phogat. Ảnh: INDIANTVNEWS

Vinesh, em họ Babita và đồng đội Sakshi Malik đều giành quyền tham dự Olympic Rio dù sinh ra và lớn lên tại bang Haryana, nơi từ lâu nay phụ nữ luôn bị coi là “công dân hạng hai”, và những vụ “giết người vì danh dự” cũng như nạn phá thai nhi nữ thường xuyên xảy ra.

Vinesh và Sakshi kể, dân làng ở Haryana tỏ ra giận dữ khi chứng kiến họ chơi đấu vật với các chàng trai hoặc mặc quần ngắn. Bởi tại đó, phụ nữ thường phải mặc quần áo kín mít từ đầu đến chân và ru rú ở nhà suốt ngày.

“Mọi người thường nhìn chúng tôi một cách ghê tởm khi chúng tôi mặc quần ngắn luyện tập. Họ xì xào với nhau rằng đó là điều sai trái” - Vinesh, 21 tuổi, kể. Cô xuất thân từ một gia đình có truyền thống đô vật.

Quê nhà cổ hủ

Haryana, ở bên cạnh thủ đô New Delhi, nổi tai tiếng với các hội đồng làng do đàn ông làm chủ, kiểm soát cuộc sống tại vùng nông thôn này. Các hội đồng thường ra quy định ngăn cấm phụ nữ làm bất kỳ điều gì đi ngược lại với các thông lệ bảo thủ.

Hôn nhân khác biệt về đẳng cấp hay tôn giáo thường dẫn tới những đòn trừng phạt cực kỳ tàn bạo, bao gồm cả hành vi “giết người vì danh dự”. Người phụ nữ khi “phạm lỗi” bị coi là hủy hoại danh dự gia đình và bị sát hại.

Nạn phá thai cũng rất nghiêm trọng và dai dẳng bởi hủ tục trọng nam khinh nữ. Bang Haryana có tỷ lệ chênh lệch nam nữ vô cùng trầm trọng, cứ 1.000 nam giới mới có 877 nữ, trong khi tỷ lệ toàn quốc là 940.

Sakshi, 23 tuổi, luyện tập từ năm 12 tuổi. Cô kể người dân địa phương thường mắng nhiếc cha mẹ cô, cảnh báo họ rằng cô sẽ bị dị tật vì tập đấu vật và sẽ khó kiếm được một tấm chồng tử tế. “Những lời lẽ đó khiến tôi bị tổn thương. Tôi không hiểu sao họ lại nói những lời độc ác như thế, đặc biệt khi đó tôi còn quá nhỏ. Đã có lúc tôi nghi ngờ bản thân mình” - Sakshi hồi tưởng.

Thái độ của người dân địa phương ở Haryana chỉ bắt đầu thay đổi khi cô Geeta Phogat, chị gái của Babita, giành huy chương vàng tại Đại hội Thể thao khối Thịnh vượng chung năm 2010 và trở thành nữ đô vật đầu tiên của Ấn Độ được thi đấu tại Olympic vào năm 2012.

Các cô gái nhà Phogat khẳng định ông Mahavir Singh Phogat, người cha và chú của họ, đã giúp họ trở nên mạnh mẽ. “Ông ấy vật mấy anh chàng không quyết liệt như vật chúng tôi” - Vinesh, cháu của ông Mahavir, cho biết - Ông ấy luôn nói rằng chúng tôi đừng nghĩ mình yếu hơn đám con trai”.

Ở Haryana, các bậc phụ huynh muốn con gái mình phải lấy chồng sớm. Nhưng Mahavir tin tưởng rằng con và cháu của mình có thể thành danh với môn Kushti, môn đấu vật truyền thống của Ấn Độ, được nhiều nam giới địa phương ưa thích.

“Đó là điều không hề dễ dàng vì nó đi ngược lại văn hóa địa phương. Nhiều dân làng sỉ vả tôi. Kể cả cha mẹ tôi cũng mắng nhiếc tôi hàng ngày - ông Mahavir tâm sự - Đã có lúc tôi nổi giận vì những lời sỉ vả đó. Nhưng tôi quyết phớt lờ chúng vì tôi biết mình phải chứng minh rằng mọi người đã sai. Tôi muốn cho thấy cả thấy phụ nữ có thể làm được những gì”. Cuộc đời và sự nghiệp của ông Mahavir sẽ được dựng thành phim ở Bollywood.

Ưu tiên sự nghiệp

Giống như các thành viên trong gia đình Phogat, Sakshi trở thành người nổi tiếng ở bang Haryana sau khi giành huy chương bạc tại Đại hội Thể thao khối Thịnh vượng chung năm 2014.

“Thật kỳ lạ khi người ta có thể thay đổi thái độ một cách chóng mặt như vậy. Trước đây họ không coi tôi ra gì, giờ lại quay sang quan tâm và ủng hộ tôi” - Sakshi nói. Cô cho biết giờ dân làng luôn đòi chụp ảnh selfie chung với cô và luôn phản hồi các dòng trạng thái của cô trên Twitter.

Các thành viên nữ trong gia đình Phogat giờ đều thi đấu cho đội tuyển quốc gia và có mặt tại các cuộc tranh tài khắp thế giới. Cả Sakshi và Vinesh đều thừa nhận nếu gia đình không ủng hộ họ hết mình thì có lẽ giờ đây họ đã lấy chồng, có con, phải từ bỏ giấc mơ thể thao đỉnh cao.

“Cuộc sống của tôi đặc biệt hơn nhiều so với bạn bè cùng lứa. Một số chỉ được học hành chút đỉnh, chủ yếu làm việc nhà. Những người đã lấy chồng thì bận rộn chăm sóc chồng con” - Sakshi nói. Cô tiết lộ có thể cuối năm nay sẽ kết hôn, nhưng vẫn sẽ ưu tiên sự nghiệp của mình.

Với Vinesh, hôn nhân là chuyện xa xôi. Cô chỉ nói về ước mơ giành huy chương vàng tại Olympic Rio và đưa môn đấu vật nữ của Ấn Độ lên một tầm cao mới.

Nhưng việc mặc bộ trang phục truyền thống saree vào ngày khai mạc Olympic Rio hôm 5-8 tới là rất quan trọng đối với cô. “Sẽ thật tuyệt vời khi được tham dự lễ khai mạc, chứng kiến quốc kỳ tung bay và được diện saree. Chúng tôi chả mấy khi mặc saree và các đồ nữ tính khác” - cô cười.

LAN CHI (THEO AFP)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên