18/11/2020 14:16 GMT+7

Đến miền Trung - đến với một Việt Nam thu nhỏ

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung là một vùng có tất cả đặc trưng về thiên nhiên, văn hóa, xã hội của cả nước, một Việt Nam thu nhỏ đợi du khách tới khám phá.

Đến miền Trung - đến với một Việt Nam thu nhỏ - Ảnh 1.

Họp báo về Diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa Thành phố Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh, thành Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Ảnh: T.ĐIỂU

Sáng 18-11, trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2020 tại Hà Nội, đã diễn ra buổi họp báo về Diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa TP Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh, thành Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung: Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế.

Việt Nam thu nhỏ

Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng cho rằng diễn đàn lần này đánh dấu một bước liên kết mới (Bắc - Trung - Nam) nhằm mở rộng phạm vi liên kết hướng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững trong thời gian tới.

Ông Hồng, cũng là Chủ tịch Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung, cho biết, khu vực 5 tỉnh, thành phố: Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định với diện tích tự nhiên toàn vùng 28.114km2,  là vùng kinh tế lớn thứ 3 tại Việt Nam, có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, với 4 sân bay (Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Phù Cát); 5 cảng biển (Chân Mây, Đà Nẵng, Chu Lai, Dung Quất, Nhơn Hội); nhiều khu kinh tế, khu công nghiệp có hạ tầng tốt; có nguồn tài nguyên khá đa dạng và phong phú với nhiều tiềm năng nổi trội về cảnh quan thiên nhiên và tiềm năng về du lịch.

Trong số đó, ông Hồng cho rằng tiềm năng du lịch biển, đảo được xem là thế mạnh với chuỗi các bãi biển đẳng cấp quốc tế, nhiều vịnh đẹp thế giới, và nhiều đảo, bán đảo hấp dẫn; tiềm năng du lịch di sản (vùng này chiếm 3/5 di sản văn hoá vật thể thế giới ở Việt Nam) và đây cũng là nơi giao thoa nhiều nền văn hoá thế giới, tài nguyên du lịch núi rừng phong phú với nhiều điểm du lịch sinh thái đồi núi, thác, hồ nổi tiếng.

Ngoài ra toàn khu vực còn có nhiều vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên hoang sơ, nguyên vẹn, là địa bàn sinh sống của nhiều dân tộc anh em - những chủ nhân đã và đang xây dựng lên một bảo tàng văn hoá vật thể và phi vật thể đặc sắc bậc nhất của Việt Nam hiện nay.

"Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung là một vùng có tất cả đặc trưng về thiên nhiên, văn hóa, xã hội của Việt Nam, một Việt Nam thu nhỏ", ông Nguyễn Thanh Hồng nói, nhấn mạnh đó là một lợi thế, tiềm năng rất mạnh của vùng. 

Tuy nhiên, theo ông Hồng, nếu chỉ liên kết trong vùng với nhau thì chưa thể khai thác, phát huy hết tiềm năng, rất cần liên kết với hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM là những thành phố có kinh nghiệm, tiềm năng xây dựng sản phẩm phát triển du lịch.

"Chúng tôi rất kỳ vọng liên kết lần này mở ra các hướng phát triển bền vững và khai thác được tiềm năng, phục vụ được công tác bảo tồn và phát huy các giá trị của vùng kinh tế", Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam nói.

Tập trung vào chất

Đại diện các tỉnh, thành tham gia liên kết lần này cho biết các địa phương đều đã có sự chuẩn bị tốt cho liên kết kích cầu du lịch, theo hướng tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch mới độc đáo, khai thác đặc trưng của từng vùng, từng địa phương, bên cạnh giải pháp giảm giá.

Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Quảng Nam cho biết định hướng du lịch của tỉnh trong thời gian qua và kế tiếp là không đặt nặng về số lượng, mà tăng chất lượng dịch vụ để thời gian lưu trú của khách.

"Chúng tôi không muốn khai thác hết tài nguyên ở Mỹ Sơn hay Cù Lao Chàm qua số lượng khách du lịch đông đảo mà đang đưa vào những sản phẩm du lịch văn hóa của địa phương, phát triển du lịch cộng đồng để hấp dẫn du khách lưu trú dài hơn", ông Hồng nói.

Ông Hồng cũng cho biết, tỉnh này sẽ tiếp tục miễn vé tham quan tất cả các điểm du lịch cho đến tháng 6-2021, còn các doanh nghiệp cũng đưa ra các mức giá kích cầu hấp dẫn.

Đại diện tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, từ ngày 11 đến 14 -12 sẽ tổ chức Ngày hội áo dài Huế và ẩm thực Huế tại khu phố đi bộ TP Huế và kêu gọi các tỉnh, thành khác tổ chức ngay các tour tuyến cho khách trải nghiệm các di sản phi vật thể hấp dẫn này.

Trong khi đó, Quảng Ngãi đang gấp rút hoàn thành sản phẩm du lịch mới Hành trình khám phá di sản địa chất biển đảo với 17 điểm đến, trong đó có Lý Sơn, giúp du khách được khám phá tất cả các nền văn hóa đặc sắc của tỉnh, từ văn hóa Sa Huỳnh, đến văn hóa Champa, văn hóa của người Việt cổ.

Diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa TP Hà Nội, TP.HCM và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với chủ đề "Dòng chảy tinh hoa" dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 27 và 28-11 tại Khu nghỉ dưỡng phức hợp Nam Hội An - Hoiana, tỉnh Quảng Nam với sự tham dự của lãnh đạo Chính phủ; lãnh đạo Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch và các Bộ, ban, ngành trung ương, tỉnh thành, các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, điểm tham quan du lịch, các hãng hàng không Việt Nam.

Tại diễn đàn sẽ diễn ra lễ ký kết thỏa thuận liên kết phát triển du lịch giữa lãnh đạo các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP. HCM, Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế; thỏa thuận hợp tác giữa các Hãng hàng không Việt Namvà hiệp hội du lịch 7 tỉnh, thành phố; các thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp kinh doanh du lịch.

TP.HCM bắt tay cùng 8 tỉnh Tây Bắc vực dậy du lịch nội địa TP.HCM bắt tay cùng 8 tỉnh Tây Bắc vực dậy du lịch nội địa

TTO - Liên kết du lịch giữa TP.HCM và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng sẽ giúp phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù có lợi thế cạnh tranh, kêu gọi các nguồn lực đầu tư và thu hút du khách đến với vùng Tây Bắc và TP.HCM.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên