16/01/2009 16:46 GMT+7

Đến Bắc cực thăm ông già Tuyết

DIÊN THÁI
DIÊN THÁI

TTO - Ông già Tuyết liệu có thật hay chỉ là liệu pháp tinh thần cho trẻ em mỗi khi năm mới đến? Nhưng dù thế nào thì việc được diện kiến một ông già Tuyết bằng xương bằng thịt tại nhà của ông trong ngôi làng nhỏ gần Bắc cực vào đầu năm mới cũng là cơ hội hiếm có với bất kỳ ai.

Nhân mấy ngày nghỉ đầu năm, chúng tôi quyết định làm một chuyến phiêu lưu lên Bắc cực đến thăm Ông già Tuyết (Tiếng Nga: Дед Мороз) tại nhà của ông ở làng Velikiy Ustyug, một địa danh mà nếu không có Ông già Tuyết thì chắc không bao giờ chúng ta được biết đến. Một chuyến đi để lại cho chúng tôi những cảm xúc có lẽ chỉ có thể có được một lần trong đời.

Thứ nhất, phong cảnh thiên nhiên tuyệt vời làm con người ta như trở thành một người hoàn toàn khác, ở một thế giới khác. Những con phố, bờ sông với những mái vòm của các nhà thờ vẫn còn nguyên sinh, những lớp tuyết dày lấp lánh, không khí trong lành đến tinh khiết - tất cả làm ta có thể quên đi những tất bật ngày thường.

Điều tuyệt vời thứ hai là được tận mắt chứng kiến Ông già Tuyết được công nhận trên toàn nước Nga trong ngôi nhà được xây dựng riêng cho ông.

rGKUd4Bx.jpgPhóng to
Nhà thờ Uspenskiy được coi là đẹp nhất ở đây nằm trên đường bờ sông
3CbSYxJV.jpgPhóng to
Ông già Tuyết trong ngôi nhà của mình

Trước hết xin mời các bạn quay ngược thời gian để trở về với lịch sử ra đời của Ông già Tuyết và ngôi nhà của ông.

Trước năm 1998, trẻ em Nga muốn viết thư cho Ông già Tuyết của chúng vẫn phải gửi về địa chỉ của Santa Claus ở Joulupukin, Lapland, Phần Lan. Và nước Nga hằng năm phải cử những Ông già Tuyết của mình đến đó để đọc và trả lời những bức thư viết bằng tiếng Nga. Cũng không ít phiền phức đã xảy ra khi phải sử dụng một ngôi nhà chung cho cả Santa Claus và Ông già Tuyết, nhất là khi chức năng hai người không hoàn toàn giống nhau.

g3kqrfHE.jpgPhóng to
Toàn cảnh ngôi nhà và khu rừng phủ đầy tuyết

Có lẽ chính vì vậy mà vào năm 1998 chính quyền thành phố Matxcơva đã kết hợp với Văn phòng kiến trúc sư trưởng thành phố tổ chức cuộc thi chọn ngôi nhà và quê hương cho Ông già Tuyết của người Nga. Vượt qua rất nhiều ứng cử viên khác, ngôi làng xa xôi Velikiy Ustyug (cách Matxcơva gần 1.000km về phía đông bắc) này đã được chọn làm quê hương cho Ông già Tuyết.

Điều này được rất nhiều người hưởng ứng, nhất là trẻ em vì bây giờ không những chúng có được địa chỉ trên đất nước mình để gửi thư cho Ông già Tuyết, mà còn có cơ hội để đến tận nơi gặp gỡ nhân vật huyền thoại đáng yêu này.

JYG85orS.jpgPhóng to
Cổng vào khu điền trang

Đến thành phố Kotlas cách đó nửa giờ xe buýt vào buổi sáng, chúng tôi quyết định đến thăm điền trang của Ông già Tuyết trước vì theo lịch trình chúng tôi chỉ ở lại đây có hai ngày. Nhiệt độ thấp ở đây (âm 40oC ngoài trời) không là trở ngại đối với chúng tôi vì mấy ngày này ít nắng và gió không nhiều nên ngoài trời vẫn còn ấm áp.

Khu điền trang của Ông già Tuyết nằm ngoài bìa rừng, một khu rừng thông bạt ngàn tuyết phủ trắng xóa. Tòa nhà được xây dựng theo kiểu nhà cổ của Nga với tất cả chi tiết đều được làm bằng gỗ.

Ngay ngoài lối vào là một chiếc cổng trông như cổng nhà thờ với những chi tiết chạm trổ đẹp mắt. Bên trong cổng là một con đường cổ tích với những nhân vật cổ tích cũng được tạc bằng gỗ, trong đó có một số nhân vật cầm trước ngực tấm biển chỉ đường rất ngộ nghĩnh.

Trên đường có những cỗ xe tam mã chạy đi chạy lại, trong khu vườn có các kiôt bán đồ lưu niệm, những khu trượt tuyết, một sân băng nho nhỏ, ở đây không chỉ trẻ em mà cả người lớn cũng tham gia các trò vui cười hét ầm ĩ.

AcizRMT2.jpgPhóng to
Đầu con đường cổ tích
eo106laA.jpgPhóng to
Xe tam mã trên đường vào khu nhà chính
nPoZnNef.jpgPhóng to
Trẻ em trượt xe tuyết ngay ngoài vườn

Bên trong nhà kiến trúc không có gì đặc biệt, ngoại trừ việc tất cả chi tiết đều được làm bằng gỗ. Theo lời kể lại thì đây là một trong những nguyên nhân giúp Ustyug có được lợi thế trong cuộc đua vào vị trí quê hương của Ông già Tuyết.

Những chi tiết nội thất được chạm trổ theo kiểu nông thôn Nga, đơn giản và mộc mạc, ngoại trừ các khung cửa sổ và chiếc gương trong phòng khách được chạm trổ tinh xảo. Phòng ngủ của ông được trang bị một chiếc giường gỗ, trên giường là chồng gối cao ngất đến tận bảy chiếc, điều này gây thắc mắc với không ít du khách. Sau này chúng tôi được biết mỗi ngày ông sử dụng một chiếc cho đến hết tuần.

WPeNplx5.jpgPhóng to
Giường của Ông già Tuyết với chồng gối đến bảy chiếc
Cx0xDzhD.jpgPhóng to
Khung cửa sổ chạm trổ

Các phòng còn lại, trừ phòng của Cô gái Tuyết (Снегурочка) đều mang tính chất triển lãm là chủ yếu, ở đây có những bức ảnh ghi lại những sự kiện trọng đại. Cựu tổng thống Nga Vladimir Putin từng có mặt ở đây, Santa Claus từ Phần Lan cũng từng đến thăm đồng nghiệp của mình và để lại lời mời ông đến Phần Lan tái ngộ. Vào mùa hè nơi này thường diễn ra các lễ hội văn hóa dân gian.

gPZW2ZNv.jpgPhóng to
Những bức thư gửi cho ông từ khắp mọi miền đất nước

Một căn phòng làm việc được sử dụng để lưu trữ thư của trẻ em từ khắp miền đất nước. Hằng năm có gần trăm ngàn lá thư được gửi tới đây. Tất cả đều được phúc đáp đầy đủ.

Vào những ngày đầu năm này khách đến tham quan khá đông, nhất là trẻ em. Chúng được gặp gỡ, kể chuyện, đọc thơ hoặc hát cho Ông già Tuyết nghe rồi sau đó nhận quà từ ông.

Trong không khí đó tất cả đều cảm thấy mình được sống lại những khoảnh khắc của tuổi thơ. Khi ra về, những khách đi theo tour được tặng những món quà nhỏ làm kỷ niệm (được tính vào giá thành tour).

d2tssoox.jpgPhóng to
Điền trang lúc lên đèn

Rời điền trang là đã chập choạng tối, chúng tôi tranh thủ làm cuộc đi dạo quanh thành phố. Thành phố quá nhỏ nên cũng không có nhiều nơi tham quan vào buổi tối, các nhà thờ đóng cửa, đường phố hầu như vắng tanh làm thời tiết đã lạnh càng thêm lạnh. Ngay cả đại lộ Sovietskiy, được coi là con phố chính của thành phố, giờ cũng chỉ lác đác vài bóng người.

9wnmf2Si.jpgPhóng to
Khi thành phố lên đèn

Ngày hôm sau được dành riêng cho tham quan thành phố. Ban ngày tuyết phủ trắng xóa khắp các con đường nên trông mọi thứ như rộng hẳn ra. Các nóc nhà thờ mạ vàng và bạc nhờ đó lại càng hiện ra rõ mồn một.

Nhà thờ Uspenskiy, nhà thờ lớn nhất thành phố, nằm trên đường bờ sông. Nhìn từ phía bờ sông, những ngọn tháp hình củ hành mạ vàng lấp lánh, nổi bật trên nền trời trắng toát trông như những ngôi sao. Nhà thờ được xây từ năm 1619 và là nhà thờ trung tâm của Ustyug đến tận bây giờ. Về mùa hè, từ phía tháp cao nhất của khu nhà thờ mở ra một tầm nhìn tuyệt đẹp.

uxdCNRiJ.jpgPhóng to
Nhà thờ của tu viện Spasso - Preobrazhenskiy với năm chiếc tháp bằng bạc

Quần thể nhà thờ của tu viện Spasso - Preobrazhenskiy được xây dựng từ năm 1689 với kiến trúc điển hình cho nhà thờ Nga hồi đó: năm ngọn tháp củ hành mạ bạc và một tháp chuông án ngữ phía ngoài. Ngoài hai nhà thờ trên trong thành phố người ta còn liệt kê ra tám nhà thờ lớn nhỏ khác nhau, một con số ấn tượng với một thành phố chỉ vỏn vẹn 36.000 dân.

jDN0QYWa.jpgPhóng to
Những lớp băng trên mặt sông này có thể dày đến 2m

Mùa này các đoạn sông hầu hết đều đóng băng và năm nào cũng phải có tàu phá băng làm nhiệm vụ khơi thông lòng sông. Năm 1999 nước từ lớp băng dày hơn 2m đã làm ngập gần hết các con đường bên khu phố mới.

Maepub0j.jpgPhóng to
Đại lộ Sovietskiy

Trở về đại lộ Sovietskiy chúng tôi còn kịp rẽ qua ngôi nhà và bưu điện của Ông già Tuyết, thăm phòng lưu niệm và xem các cộng sự của ông đọc và trả lời thư của trẻ em. Tại bưu điện này bạn có thể gửi thư, thiệp chúc mừng cho bạn bè và được đóng dấu bưu điện đặc trưng của Ông già Tuyết.

RRilGRLh.jpgPhóng to
Các cộng sự của Ông già Tuyết

Nhớ lại nét mặt rạng rỡ của những đứa trẻ khi tham quan Ustyug, tôi nghĩ chắc không bậc phụ huynh nào lại nỡ từ chối việc đưa chúng trở lại đây lần nữa.

DIÊN THÁI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên