01/04/2024 17:47 GMT+7

Đề xuất trường quản lý sinh viên làm thêm giờ: Không khả thi

Nhiều bộ ngành cho rằng đề xuất giao các cơ sở giáo dục phổ thông, đại học, giáo dục nghề nghiệp quản lý sinh viên làm thêm giờ là 'không khả thi', 'khó khả thi'.

Sinh viên làm thêm giờ để phụ giúp gia đình trong quá trình theo học tại các nhà trường cũng như tích lũy kinh nghiệm - Ảnh: HÀ QUÂN

Sinh viên làm thêm giờ để phụ giúp gia đình trong quá trình theo học tại các nhà trường cũng như tích lũy kinh nghiệm - Ảnh: HÀ QUÂN

Những ngày qua, quy định quản lý sinh viên làm thêm giờ nêu trong dự thảo Luật Việc làm sửa đổi nhận nhiều ý kiến trái chiều.

Theo dự thảo do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, học sinh, sinh viên đủ độ tuổi lao động (đủ 15 tuổi trở lên) được làm không quá 20 giờ/tuần trong kỳ học và không quá 48 giờ/tuần trong kỳ nghỉ.

Các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp hoặc tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp có trách nhiệm quản lý học sinh, sinh viên làm việc bán thời gian.

Cơ quan soạn thảo cảnh báo nếu các bạn trẻ sa đà vào làm thêm giờ có thể ảnh hưởng đến học tập, đồng thời tiềm ẩn nhiều nguy cơ liên quan lừa đảo, bóc lột sức lao động, sa ngã vào các tệ nạn xã hội…

Góp ý dự thảo, Bộ Công Thương cơ bản nhất trí với hồ sơ dự án Luật Việc làm sửa đổi, song cho rằng quy định cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp quản lý học sinh, sinh viên làm việc bán thời gian "không khả thi".

Bộ lý giải các cơ sở giáo dục chỉ quản lý học sinh, sinh viên khi tham gia học tập tại đơn vị, chứ không đủ nhân lực quản lý việc làm thêm bán thời gian của nhóm đối tượng trên.

Trong khi đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng quy định cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp có trách nhiệm quản lý học sinh, sinh viên làm việc bán thời gian trong kỳ nghỉ "khó khả thi", do các em thường không sinh hoạt ở trường vào kỳ nghỉ. 

Thay vào đó, cơ quan này góp ý chỉ cần quy định học sinh, sinh viên làm thêm giờ có trách nhiệm thông báo cho nhà trường.

"Các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp ban hành quy chế quản lý học sinh, sinh viên làm việc trong kỳ học và kỳ nghỉ", văn bản của Bộ Công Thương nêu.

Một số chuyên gia lao động cho rằng nên áp dụng lương tối thiểu giờ cũng như tuyên truyền, nâng cao nhận thức để các cơ sở kinh doanh như quán cà phê, nhà hàng cân đối giờ làm của học sinh, sinh viên thay vì quy định "cứng".

Hiện lương tối thiểu giờ được chia làm 4 vùng để bảo vệ người lao động. Theo đó, vùng 1 là 22.500 đồng/giờ, vùng 2 là 20.000 đồng/giờ, vùng 3 là 17.500 đồng/giờ và vùng 4 là 15.600 đồng/giờ.

Ngoài ra, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất Chính phủ quy định các mức lương tối thiểu giờ tăng 6% từ 1-7-2024. Cụ thể, vùng 1 là 23.800 đồng/giờ, vùng 2 là 21.200 đồng/giờ, vùng 3 là 18.600 đồng/giờ và vùng 4 là 16.600 đồng/giờ.

Cách nào quản lý giờ làm thêm của sinh viên?Cách nào quản lý giờ làm thêm của sinh viên?

Sinh viên lo lắng giới hạn giờ làm thêm họ sẽ bị mất thu nhập, trong khi nhà trường nói không thể quản lý sinh viên làm thêm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên