17/04/2024 10:41 GMT+7

Đề xuất quy định cấm bán di vật, cổ vật ra nước ngoài

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng việc đề xuất cấm kinh doanh, xuất khẩu di vật, cổ vật nhằm tránh mất mát di sản văn hóa ra nước ngoài.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng - Ảnh: GIA HÂN

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng - Ảnh: GIA HÂN

Sáng 17-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Cấm mua bán cổ vật, bảo vật quốc gia có hạn chế quyền sở hữu tài sản?

Đáng chú ý, dự thảo luật quy định di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng được chuyển nhượng thông qua mua bán dân sự, trao đổi, tặng cho, thừa kế ở trong nước.

Bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng bị cấm kinh doanh mua bán theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư. 

Dự luật cũng quy định cấm đưa trái phép di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu ra nước ngoài.

"Cấm kinh doanh, xuất khẩu di vật, cổ vật nhằm tránh mất mát di sản văn hóa ra nước ngoài", Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Thẩm tra sơ bộ nội dung này, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, quy định chặt chẽ, đặc biệt làm rõ nội hàm "chuyển nhượng", "mua bán", "kinh doanh" để tránh có nhiều cách hiểu khác nhau.

Ngoài ra, theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh, trong cơ quan thẩm tra, có ý kiến cho rằng quy định không được kinh doanh đối với bảo vật quốc gia là giới hạn quyền sở hữu tài sản của người dân theo Bộ luật Dân sự.

Bởi Bộ luật Dân sự quy định quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt.

"Đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu quy định để bảo đảm thống nhất với Bộ luật Dân sự", ông Vinh nói.

Cân nhắc việc thành lập quỹ bảo tồn di sản văn hóa

Dự thảo quy định thành lập quỹ bảo tồn di sản văn hóa. Đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách… để hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa chưa được ngân sách nhà nước đầu tư, hỗ trợ hoặc đầu tư chưa đầy đủ.

Nguồn tài chính của quỹ được hình thành trên cơ sở viện trợ, tài trợ, hỗ trợ, tặng cho của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài và các nguồn tài chính hợp pháp khác ngoài ngân sách nhà nước.

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho hay một số ý kiến cho rằng Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các quỹ tài chính của một số luật.

"Thực tế khi thông qua một số luật, Quốc hội đã bãi bỏ một số quỹ được lập theo các luật chuyên ngành. Như quỹ hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV, quỹ hỗ trợ khám chữa bệnh, quỹ phòng, chống tác hại rượu bia", ông Vinh nói và đề nghị tiếp tục cân nhắc việc thành lập quỹ bảo tồn di sản văn hóa.

Còn theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, cần rà soát dự thảo luật để bảo đảm phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước.

Ông nêu dự thảo luật quy định việc sử dụng, khai thác di sản văn hóa thuộc sở hữu toàn dân, tạo ra nguồn thu cho Nhà nước phải theo quy định của luật này và pháp luật khác có liên quan, được giữ lại một phần để sử dụng trực tiếp trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

"Chúng tôi rất chia sẻ nhu cầu cần phải có nguồn kinh phí để đảm bảo việc quản lý, phát huy giá trị của di sản văn hóa. Nhưng điều này không phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước", ông Tùng nói.

Ông cho hay Luật Ngân sách nhà nước quy định mọi khoản thu từ thuế, phí và các khoản khác đều phải nộp vào ngân sách. Việc này không gắn với chi. Dự toán chi thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao thực hiện theo Luật Ngân sách nhà nước.

"Chúng ta không được giữ một phần khoản thu để chi", ông Tùng nêu rõ.

Phát biểu sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng cần nghiên cứu bổ sung chủ trương, chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, thị trường văn hóa, số hóa di sản văn hóa, hợp tác công tư phát triển văn hóa và kinh tế về văn hóa.

Trong đó, ông lưu ý cần rà soát lại Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, một số cơ chế chính sách thí điểm cho địa phương. Việc này để thực hiện chủ trương đa dạng hóa nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa.

Như ở Huế, một số di tích nếu có nguồn lực tư nhân đầu tư theo định hướng của Nhà nước vừa phát huy, vừa bảo tồn được. Ông nói thêm hiện "ở một số địa phương, di sản văn hóa chưa khai thác hết".

Ngắm những cổ vật bằng ngọc quý dưới triều NguyễnNgắm những cổ vật bằng ngọc quý dưới triều Nguyễn

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn đã giới thiệu hơn 70 cổ vật quý hiếm được chế tác bằng ngọc và đá quý, để công chúng ở Huế thưởng lãm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên