14/06/2019 06:30 GMT+7

Đề xuất 'phí chia tay': Chưa phải thời điểm thích hợp

NHƯ BÌNH - VŨ THIỆN
NHƯ BÌNH - VŨ THIỆN

TTO - Đề xuất thu "phí chia tay" với mức 3-5 USD đối với mỗi công dân xuất cảnh ra nước ngoài nhận được nhiều phản ứng từ xã hội.

Đề xuất phí chia tay: Chưa phải thời điểm thích hợp - Ảnh 1.

Du khách Việt vào sân bay Tân Sơn Nhất làm thủ tục trước khi lên máy bay xuất ngoại - Ảnh: T.T.D.

Ngày 12-6, phát biểu tại Quốc hội, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội), nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, đề xuất thu khoảng 3-5 USD "phí chia tay" khi công dân xuất cảnh. Theo đề xuất, một phần của khoản thu này sẽ dùng bổ sung cho việc phát triển hạ tầng du lịch, xúc tiến du lịch.

Chưa hợp lý, không công bằng

Những người đang hoạt động trong ngành du lịch cho rằng lúc này chưa phải là thời điểm thích hợp. Theo bà Ngô Thị Quỳnh Xuân - hiệu trưởng Trường CĐ nghề Du lịch Sài Gòn, ngành du lịch Việt Nam đang mới phát triển giai đoạn đầu, mọi thứ còn ngổn ngang. Trong hoàn cảnh như vậy, thay vì nghĩ thêm các khoản phí, thuế thì điều Việt Nam cần tập trung là cải thiện chất lượng dịch vụ du lịch, phát triển ngành du lịch tốt hơn nữa trong mắt du khách.

"Ngay cả khi đề xuất này được đưa ra dựa trên các thông lệ quốc tế thì việc áp dụng cho Việt Nam cũng không phù hợp lúc này. Vì mức độ phát triển của mỗi quốc gia là khác nhau, thật khập khiễng nếu so du lịch Nhật Bản với du lịch Việt Nam. Trước mỗi đề xuất mới cần cân nhắc xem việc thu phí mới sẽ giúp ích gì cho du lịch Việt Nam?" - bà Quỳnh Xuân đặt vấn đề. 

Chẳng hạn câu chuyện đào tạo nhân sự cho ngành du lịch vẫn đang thiếu và yếu về chuyên môn lẫn số lượng. Ngành du lịch cần cải thiện trước vấn đề này rồi mới nên nghĩ đến chuyện tăng thu.

Các công ty du lịch lữ hành cũng thừa nhận ngành du lịch Việt Nam luôn luôn thiếu ngân sách để đầu tư, phát triển, quảng bá... nhưng để dựa vào một nguồn thu như vậy thì không hợp lý. 

Theo bà Trương Thị Thu Giang - phó giám đốc ban tiếp thị Công ty du lịch Vietravel, chúng ta có chục lý do để xuất ngoại từ du lịch, khám bệnh đến công tác và cả xuất khẩu lao động. Trong khi đó, một phần của số thu này sẽ được cho là đóng vào quỹ phát triển du lịch để góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài. Liệu các công dân có thoải mái với điều này trong khi họ không hề đi du lịch? Những người đi xuất khẩu lao động, đem ngoại tệ về cho quốc gia cũng phải đóng phí chia tay thì thật không công bằng! Đây chưa phải là thời điểm thích hợp để thu phí.

"Chúng tôi không đồng tình"

Ý kiến của một giám đốc doanh nghiệp tại TP.HCM: "Theo tôi biết, đầu năm 2019 Nhật thu phí (levy) với du khách vào Nhật (visitor) chứ không phải công dân Nhật. Phí này gọi là "departure tax", khoảng 1.000 yen. Người quá cảnh 24 giờ và trẻ dưới 2 tuổi miễn phí. Phí này dùng vào việc đầu tư cho du lịch. Nhiều nước có phí sân bay (airport charge) hoặc thuế xuất cảnh nhưng được tính vào vé máy bay. Đề xuất của ông Nguyễn Quốc Hưng lại nhằm thu tiền của người Việt. Đây là hai chuyện khác nhau".

Dư luận chưa thông mục đích thu để làm gì? Nếu thu để xúc tiến du lịch may ra hợp lý và nên thu từ du khách đến Việt Nam. Để làm được điều này, cần gọi đúng tên khoản thu, gọi là phí môi trường, phí an ninh chẳng hạn. 

Chúng ta phải có lý lẽ và thực tế đủ thuyết phục để du khách sẵn lòng đóng tiền. Thực tế đó là gì? Là chúng ta phải có môi trường sạch đẹp và an ninh. Muốn người ta bỏ tiền ra, mình phải bỏ tiền đầu tư trước rồi mới tính chuyện thu tiền sau. Và thu rồi phải đảm bảo gìn giữ, tái tạo mọi thứ sạch và an toàn.

Có một thực tế khác: hiện các công ty lữ hành tổ chức tour du lịch trong nước (cho cả người nước ngoài và người Việt) đều đóng 10% VAT trong khi nhiều tour người Việt du lịch nước ngoài thuế suất đang là 0%. 

Thay vì đi thu thuế cá nhân xuất cảnh, có thể thay bằng việc tính thuế suất các tour đi nước ngoài. Đây cũng là một khoản thu không nhỏ khi giá tour người Việt đi nước ngoài ở mức hàng chục đến hàng trăm triệu đồng.

* TS Nguyễn Sĩ Dũng - Nguyên phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội:

Cân nhắc với đề xuất thuế, phí

Ý kiến của đại biểu Nguyễn Quốc Hưng - người đề xuất thu "phí chia tay" khi công dân Việt Nam ra nước ngoài - chỉ là một gợi ý mang tính chất tham khảo. Để ý tưởng này thành luật thì trước hết Chính phủ nhận thấy đề xuất này hợp lý và giao Bộ Tài chính soạn thảo, sau đó trình các bộ ngành liên quan xem xét. Khi Chính phủ phê duyệt xong dự thảo luật mới trình sang Quốc hội.

Hoặc nếu đi từ Quốc hội lên, đại biểu Hưng phải đề xuất một sáng kiến lập pháp để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Nếu được đồng ý, Văn phòng Quốc hội sẽ giúp ông Hưng soạn thảo ý tưởng thành luật, sau đó phải trình các cơ quan hữu quan xem xét, xin ý kiến của Chính phủ.

Theo tôi, một đại biểu phát biểu trên diễn đàn phải rất cẩn trọng. Hiện nay người dân đã phải chịu quá nhiều loại thuế, phí nên việc đề xuất thêm khoản thuế, phí đều phải cân nhắc. Mặt khác, khái niệm phí mà đại biểu Hưng đưa ra cũng không chính xác. Khi cơ quan nhà nước không cung cấp thêm một dịch vụ nào cho người dân mà thu tiền thì đó gọi là thuế chứ không phải phí.

Việc đại biểu phát biểu thiếu cân nhắc, bất cẩn trên nghị trường là đáng trách nhưng không nên chửi bới. Người dân có thể có những ý kiến đánh giá phê phán mang tính chất xây dựng để các đại biểu cân nhắc hơn khi phát biểu.

TIẾN LONG (ghi)

'Phí chia tay mà tôi đề xuất chỉ ngang một bữa ăn sáng'

TTO - Bên hành lang Quốc hội sáng 13-6, đại biểu Nguyễn Quốc Hưng - người đề xuất thu "phí chia tay" khi công dân Việt Nam ra nước ngoài - trao đổi thêm về ý tưởng của mình.

NHƯ BÌNH - VŨ THIỆN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên