08/11/2023 16:06 GMT+7

Đề xuất hình thành Quỹ phát triển vi mạch 5 triệu USD

Trong bối cảnh ngành công nghiệp vi mạch thiếu lao động tương lai, PGS.TS Nguyễn Anh Thi - trưởng Ban quản lý Khu Công nghệ cao TP.HCM - đề xuất thành lập Quỹ phát triển vi mạch với mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư cả nước.

Ông Nguyễn Anh Thi đề xuất hình thành Quỹ phát triển vi mạch để đào tạo nhân lực cho ngành này thời gian tới - Ảnh: VŨ THỦY

Ông Nguyễn Anh Thi đề xuất hình thành Quỹ phát triển vi mạch để đào tạo nhân lực cho ngành này thời gian tới - Ảnh: VŨ THỦY

Đào tạo 50.000 nhân lực ngành vi mạch

Đề xuất được nêu ra tại hội thảo khoa học "Định hướng chiến lược lao động, việc làm và phát triển kỹ năng tại TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025 và tầm nhìn đến 2050" ở Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM sáng 8-11, trong tham luận của PGS.TS Nguyễn Anh Thi.

Ngành vi mạch bán dẫn toàn cầu đã tăng trưởng 14% mỗi năm từ năm 2001 đến nay và vẫn đang tăng trưởng mạnh mẽ, dự kiến đạt 1.000 tỉ USD vào năm 2030. Đồng thời ngành này cần bổ sung gần 1 triệu nhân lực.

Hầu hết các quốc gia đều đang thiếu nhân lực ngành vi mạch. Trong đó Mỹ thiếu 55.000, châu Âu thiếu 40.000, Trung Quốc thiếu 55.000, Hàn Quốc thiếu 50.000...

Việt Nam cũng đặt mục tiêu trở thành trung tâm thiết kế vi mạch của khu vực và thế giới, lọt top 5 thế giới vào năm 2030 với nhu cầu nhân lực cho ngành này khoảng 50.000. Ông Thi nhận định rằng mục tiêu đào tạo với con số này là khả thi.

Tuy nhiên cần tập trung mở mới, mở rộng quy mô đào tạo chuyên ngành vi mạch, bán dẫn bậc đại học, tiến sĩ. Đồng thời đào tạo nâng cao đối với nhân lực từ các ngành phù hợp, ngành gần.

Ông Thi thông tin khóa đào tạo kỹ năng tiêu chuẩn do Trung tâm đào tạo thiết kế vi mạch Khu Công nghệ cao và Viện Đào tạo ESC Việt Nam thí điểm thời gian qua.

Trong 2 tháng với học phí khoảng 1.000 USD, áp dụng mô hình học viên 50%, doanh nghiệp 50%, học viên cam kết trong 6 tháng đầu làm việc cho các doanh nghiệp do trung tâm giới thiệu.

Kết quả tuyển sinh thí điểm được đánh giá khá tốt, nhu cầu học và chính sách học phí được đánh giá là phù hợp với khả năng chi trả của học viên (phần lớn là sinh viên năm cuối).

"Để thực hiện mục tiêu là trung tâm thiết kế vi mạch của khu vực và cả nước, TP.HCM cần đào tạo nâng cao kỹ năng cho khoảng 40.000 kỹ sư từ nay đến năm 2030, tức khoảng 6.000 kỹ sư/năm.

Với vòng quay hoàn trả kinh phí cho Quỹ phát triển vi mạch giả định là 6 tháng (từ khi tham gia khóa đào tạo đến khi nhận được việc làm), TP.HCM cần hình thành Quỹ phát triển vi mạch với quy mô vào khoảng 3 triệu USD (khoảng 75 tỉ đồng)", ông Thi đề xuất.

Đầu tư cho phát triển nhân lực

Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.HCM Lê Văn Thinh cho biết sở được UBND TP.HCM giao chủ trì đề án "Chiến lược lao động và việc làm trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030", và cho rằng TP.HCM hoàn toàn đủ khả năng hình thành quỹ này.

"Muốn phát triển phải đầu tư, TP.HCM muốn có lực lượng lao động có trình độ đáp ứng mục tiêu, định hướng phát triển phải đầu tư vào công tác đào tạo nhân lực. Tôi thấy đề xuất Quỹ phát triển vi mạch tại TP.HCM là phù hợp.

TP.HCM cũng cần có quỹ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đào tạo nhân lực cho nhiều ngành nghề khác nằm trong định hướng phát triển của thành phố", ông Thinh nêu.

Ông đề nghị các nhà nghiên cứu cần quan tâm, đề xuất chính sách tạo ra lực hút đối với người lao động, cả những chính sách liên quan đến tiền lương, quan hệ lao động để giải quyết bài toán lương thấp chưa đảm bảo đời sống của công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp, làm sao để "người lao động thấy hạnh phúc khi đến làm việc tại TP.HCM".

Tháo điểm nghẽn nhân lực chất lượng cao ngành chip bán dẫnTháo điểm nghẽn nhân lực chất lượng cao ngành chip bán dẫn

Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo nhằm thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ phát triển ngành công nghiệp chip bán dẫn của đất nước.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên