22/04/2020 12:52 GMT+7

Đề xuất cho Hà Nội, TP.HCM mở các loại hình kinh doanh đường phố

THANH HÀ - NGỌC AN - LÊ DÂN
THANH HÀ - NGỌC AN - LÊ DÂN

TTO - Hà Nội, TP.HCM được Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép mở các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu, các loại hình kinh doanh đường phố và theo tình hình thực tiễn tại địa phương.

Đề xuất cho Hà Nội, TP.HCM mở các loại hình kinh doanh đường phố - Ảnh 1.

Chợ Đồng Xuân (Hà Nội) trong những ngày cách ly xã hội để phòng chống dịch bệnh COVID-19 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 cho biết thống nhất đề xuất danh sách các địa phương thuộc các nhóm nguy cơ và kiến nghị mức độ áp dụng giãn cách xã hội tương ứng với từng nhóm.

Theo đó, đối với nhóm nguy cơ cao, chỉ còn Hà Nội, Ban chỉ đạo kiến nghị tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng thêm 1 tuần nữa đến hết 30-4. 

Tuy nhiên, đề xuất Thủ tướng cho phép chủ tịch UBND thành phố quyết định theo thẩm quyền việc mở các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu, các loại hình kinh doanh đường phố và theo tình hình thực tiễn tại địa phương nhưng phải bảo đảm phòng, chống dịch.

Tương tự, đối với nhóm có nguy cơ gồm TP.HCM, Bắc Ninh và Hà Giang, Ban chỉ đạo cũng đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh, thành quyết định theo thẩm quyền việc mở các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu, các loại hình kinh doanh đường phố và theo tình hình thực tiễn tại địa phương nhưng phải bảo đảm phòng, chống dịch.

Đối với nhóm nguy cơ thấp là các tỉnh thành còn lại, Ban chỉ đạo đề xuất cho các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu được phép hoạt động nhưng phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho người mua hàng; yêu cầu khách hàng phải thực hiện dãn cách đúng quy định. 

Chủ cửa hàng phải chịu trách nhiệm về các biện pháp phòng chống dịch của cơ sở do mình quản lý.

Ngoài ra, với các địa phương có cửa khẩu, khu công nghiệp lớn, có nhiều lao động tự do ở các thành phố lớn… cần hết sức chú trọng công tác phòng chống dịch cho các nhóm đối tượng này. 

UBND tỉnh, thành phố tập trung công tác phòng chống dịch cho nhóm nguy cơ: công nhân ở các khu lao động đặc biệt ở các khu nhà trọ; người lao động tự do; người yếu thế; học sinh, sinh viên - Ban Chỉ đạo nêu rõ

Ngoài ra, Ban chỉ đạo cũng đề xuất sửa đổi một số nội dung trong dự thảo Chỉ thị mà Thủ tướng sắp ban hành liên quan đến việc tập trung đông người và yêu cầu tiếp gần. 

Theo đó, đối với nhóm nguy cơ cao vẫn giữ nguyên việc không tập trung quá 2 người, thực hiện giữ khoảng cách 2m và đeo khẩu trang khi tiếp xúc.

Đối với nhóm có nguy cơ, hiện dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng dự kiến quy định về việc không tập trung quá 10 người, Ban chỉ đạo xin ý kiến nâng lên không tập trung quá 20 người, khoảng cách tiếp xúc là 1m và khi hai người tiếp xúc đeo khẩu trang.

Đối với nhóm nguy cơ thấp xin ý kiến nâng lên không tập trung quá 30 người hoặc nhiều hơn, khoảng cách tiếp xúc là 1m khi hai người tiếp xúc đeo khẩu trang thay vì không tập trung quá 20 người như dự thảo trước đó.

Cần Thơ đề xuất nới lỏng: Mỗi quán ăn không quá 10 người

Ngày 22-4, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP Cần Thơ đã họp bàn các giải pháp thực hiện khi chuyển sang trạng thái chung sống an toàn với COVID-19.

Theo ông Cao Minh Chu - giám đốc Sở Y tế Cần Thơ - hiện thành phố đang kiểm soát tốt và đã đề xuất đưa Cần Thơ xuống nhóm nguy cơ thấp. Còn ông Lê Tiến Dũng - giám đốc Sở GTVT cho rằng nên nới lỏng để người dân đi lại.

Theo đó đường bộ tuyến cố định cho phép hoạt động 11 tuyến giữa các địa phương nhóm nguy cơ thấp. Xe hợp đồng, xe du lịch được phép di chuyển trong các tỉnh, thành nhóm 3, riêng taxi, xe buýt chỉ được phép hoạt động nội tỉnh.

Ông Lê Quang Mạnh - chủ tịch UBND TP Cần Thơ - cho biết sau ngày 22-4, thành phố sẽ chuyển sang giai đoạn mới trong phòng chống dịch COVID-19, từ tập trung quyết liệt sang chung sống an toàn.

TP Cần Thơ cùng các tỉnh miền Tây đã đề xuất Chính phủ đưa vào nhóm nguy cơ thấp. Thành phố đã đưa ra các nhóm giải pháp thực hiện trong khi chờ Thủ tướng có chỉ thị mới thay thế chỉ thị 15 và 16.

Nhóm giải pháp thứ nhất, mọi người dân phải thực hiện đeo khẩu trang, hạn chế ra đường, tập trung đông người… các sơ sở kinh doanh, văn phòng phải đáp ứng bộ tiêu chuẩn an toàn y tế.

Nhóm giải pháp thứ 2, mở cửa trở lại bình thường, ông Mạnh đồng ý với đề xuất của quận Ninh Kiều đồng thời yêu cầu thông báo cho quán ăn uống được hoạt động trở lại nhưng không phục vụ quá 10 người.

Các cơ sở sản xuất hoạt động bình thường nhưng không tập trung đông người để tổ chức hội nghị khách hàng, hội thảo giới thiệu sản phẩm… và lãnh đạo doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm.

Ông Mạnh cũng thống nhất đề xuất của Sở GD-ĐT cho phép học sinh trở lại trường học từ đầu tháng 5 tới.

Cụ thể học sinh THPT, học viên giáo dục thường xuyên, học sinh THCS khối lớp 8,9 đi học trở lại vào ngày 4-5; học sinh tiểu học, học sinh THCS các khối còn lại đi học ngày 11-5. Riêng khối mầm non, mẫu giáo sẽ quay lại trường học kể từ 18-5.

Tập trung đông người nơi công cộng: phạt 10 triệu/người, vứt khẩu trang ra đường: 7 triệu Tập trung đông người nơi công cộng: phạt 10 triệu/người, vứt khẩu trang ra đường: 7 triệu

TTO - Theo Sở Tư pháp TP Hà Nội, người không chấp hành việc hạn chế tập trung đông người nơi công cộng để phòng chống dịch COVID-19 sẽ bị phạt 10 triệu đồng, với các tổ chức mức phạt là 20 triệu đồng.

THANH HÀ - NGỌC AN - LÊ DÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên