04/11/2020 08:20 GMT+7

Đề án 'đi trước thời đại' ở Tây Giang: Dời làng

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Với đặc thù 97% diện tích có người ở trên đồi núi nên năm 2003, khi thành lập huyện Tây Giang, chính quyền đã nghĩ ngay đến việc phải tổ chức đưa dân ra khỏi các ngôi làng tách biệt nằm cheo leo trên các sườn núi.

Đề án đi trước thời đại ở Tây Giang: Dời làng - Ảnh 1.

Thôn tái định cư Da Dinh 1, xã Gari, huyện Tây Giang, Quảng Nam hiện nay nằm trên khu đất được dọn ủi bằng phẳng, an toàn - Ảnh: B.D.

"Bão vào gây thiệt hại không lớn, nhưng hoàn lưu bão gây mưa, lũ lụt, sạt lở đất lại gây thiệt hại rất lớn" - Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu trong cuộc họp ứng phó với bão Goni (bão số 10) ngày 2-11. 

Sạt lở đất là vấn đề rất khó dự báo, cảnh báo, ứng phó, kể cả đã áp dụng khoa học, công nghệ như nhiều nước đã làm. Tuy vậy, trong thực tế cũng có những mô hình, kinh nghiệm tránh họa sạt lở cần nhân rộng.

Trong khi chính quyền, người dân nhiều huyện vùng cao của tỉnh Quảng Nam cuống cuồng chạy sạt lở thì tại huyện Tây Giang nằm sát biên giới Việt - Lào, 115 ngôi làng ở đây vẫn vững chãi. Tất cả là nhờ một đề án "đi trước thời đại" được khởi động cách đây 14 năm.

"17 năm kể từ ngày thành lập huyện, tài sản lớn nhất mà chúng tôi đem ra báo cáo tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam vừa rồi là di dời được toàn bộ các ngôi làng ra ngoài để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bà con trong mùa mưa bão" - phó chủ tịch UBND huyện Tây Giang Lê Hoàng Linh nói với Tuổi Trẻ.

Cuộc di dời dân lịch sử

Ông Bh’ríu Liếc - nguyên bí thư Huyện ủy Tây Giang - khẳng định nếu không có quyết tâm di dời dân và làm kiên quyết từ ngày huyện này mới thành lập, chắc chắn số dân ở Tây Giang thiệt mạng trong mưa lũ liên tiếp hai tháng qua sẽ nhiều nhất. 

"Những ngày mưa vừa dứt mới đây, tôi xuống tận các thôn, đi dọc các suối thấy cảnh tượng nhà rẫy bị vùi lấp, suối bị xẻ hở hàm ếch, cầu cống bị xé đứt mà sởn gai ốc. Nhiều vị trí từng tập trung dân làng trước đây cũng bị sạt núi vùi lấp. Nếu bà con còn ở đó chắc chắn sẽ không thoát được đâu" - ông Liếc nói.

Theo ông Lê Hoàng Linh, với đặc thù là 97% diện tích có người ở tại Quảng Nam nằm trên đồi núi nên năm 2003, khi thành lập huyện Tây Giang, chính quyền đã nghĩ ngay đến việc phải tổ chức đưa dân ra khỏi các ngôi làng tách biệt nằm cheo leo trên các sườn núi. 

Còn theo ông Liếc, Tây Giang lúc đó có hơn 90 ngôi làng, đa phần nằm men các khe suối hoặc neo như các ụ nấm giữa rừng già, nhiều làng nằm ngay trên sườn đồi có độ dốc 45 độ, trải qua rất nhiều trận sạt lở ám ảnh nhiều thế hệ.

Tháng 4-2006, thôn Pơr’ning (xã Lăng) là ngôi làng đầu tiên ở đây được tổ chức di dời. Ông Bh’ríu Liếc nói người dân Cơ Tu sống dựa vào rừng, coi rừng là chốn linh thiêng thì việc di dời dân là chuyện không phải bằng mệnh lệnh, ý chí mà áp đặt được. 

"Sau khi chọn được mặt bằng, chúng tôi xuống tận nơi thuyết phục già làng, người có uy tín. Rồi khi dân chịu, già làng sẽ dẫn họ đến nơi ở mới. Về đấy, chính quyền cũng hỗ trợ cho bà con làm lễ cúng, tuân thủ đầy đủ các nghi lễ kiêng cữ để bà con yên tâm" - ông Liếc nói.

Đề án đi trước thời đại ở Tây Giang: Dời làng - Ảnh 2.

Nhờ di dời dân sớm, các ngôi làng vùng cao của huyện Tây Giang (Quảng Nam) vẫn an toàn trong mưa bão - Ảnh: B.D.

Quan trọng nhất là nói cho bà con hiểu thì bà con sẽ đồng ý đi ra khỏi làng cũ để vào nơi an toàn, chính quyền làm tất cả cũng vì sự an toàn đó của bà con

Ông Bh’ríu Liếc (nguyên bí thư Huyện ủy Tây Giang)

Những ngôi làng mới

Sau liên tiếp những đợt lũ, trở lại những làng tái định cư của Tây Giang dễ dàng thấy cảnh bà con vẫn trú ngụ trong những ngôi nhà an toàn, cách xa các khối núi. 

Ở thôn A Banh 1, A Banh 2 xã A Xan, cây cầu võng qua hai làng bị lũ cuốn đứt nhưng hai ngôi làng này nằm giữa mặt bằng rộng thênh thang nên nhà bà con vẫn vững chãi. 

Ông A Mưr - bí thư chi bộ thôn A Banh - cho biết làng cũ trước đây nằm cách làng mới khoảng 1km, kẹp dưới các khe suối và nằm ngay chân đỉnh núi cao. Thôn A Banh 1 được di dời ra trước và được xây dựng thành một làng du lịch cộng đồng, đường sá xẻ chân chim vào tới nhà, hoa được trồng hai bên đường bêtông vào làng. 

Thấy vậy, năm 2017, bà con thôn A Banh 2 cũng xin chính quyền cho dời ra trên khu đất nằm cách A Banh 1 khoảng 700m. Đợt lũ vừa qua, nhiều người dân quay lại làng cũ và thấy suối bị xé toạc, đất đá tràn vào các ngôi nhà cũ mà không khỏi rùng mình.

Nằm ngay dưới chân đồn biên phòng ở xã Gari là thôn Da Dinh 1 và Da Dinh 2 - hai ngôi làng tái định cư theo diện phải di dời nhiều năm trước. Mưa lũ và sạt đường liên tiếp đã khiến toàn bộ xã Gari bị cô lập trong hơn 1 tháng, tuy nhiên bà con ở hai thôn vẫn bình yên, làng nằm ở vị trí cao ráo, cách xa chân núi và các sông suối. 

Ông Hôih Mem - trưởng thôn Da Dinh 2 - cho biết làng mình được dời từ 7 năm trước, trước đó bà con sống ở một vị trí cách chỗ ở hiện nay 2km nhưng thường xuyên bị lũ cuốn. Từ khi về nơi ở mới, chưa một lần ngôi làng này bị sạt lở hay nước từ núi tràn vào. 

"Nếu không về đây, bà con sẽ rất khổ. Ở đây đi đâu cũng tiện, trẻ con đi học cũng gần, quan trọng nhất là không lo lắng gì khi mưa bão tới" - ông Mem nói.

Theo UBND huyện Tây Giang, từ khi bắt đầu thực hiện đề án di dời ra khỏi rừng và sườn núi tới nay, huyện này đã làm xong hơn 90% công việc sắp xếp dân cư. Đã có 115 điểm dân cư với 19.000 người được bố trí an toàn trên tổng diện tích hơn 63ha.

Di dời dân quyết liệt hơn nữa

Chiều 3-11, ông Phan Việt Cường - bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - cho biết những thiệt hại sau bão lũ hai tháng vừa qua cho thấy việc chủ động di dời dân như cách làm của huyện Tây Giang là một bài học rất cần áp dụng nhanh và sẽ làm mạnh hơn nữa. Tỉnh ủy Quảng Nam cũng đã có một nghị quyết về miền núi, trong đó có bố trí ngân sách di dời dân. Trong tổng số 13.000 hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở, toàn tỉnh Quảng Nam đã di dời được 7.000 hộ, Tây Giang là nơi làm tốt nhất.

"Sau những thiệt hại to lớn vừa qua, việc di dân sẽ làm nhanh hơn nữa bởi dân có ổn định đời sống, an toàn tại nơi mình sống mới làm việc khác được. Di dời dân là một trong những giải pháp để ứng phó với biến đổi khí hậu, sống chung với thiên tai" - ông Cường nói.

Làng bình yên, dân an toàn

Ông Lê Hoàng Linh cho biết khi di dân ra nơi ở mới, chính quyền tính toán rất kỹ mọi góc cạnh để làm sao bà con an tâm tư tưởng nhất, tiện lợi nhất cho việc đi lại, sản xuất nương rẫy. Mặt bằng làng mới, chính quyền đưa ra các vị trí rồi họp xin ý kiến của các già làng, chọn những đồi núi có độ dốc nhỏ, không sạt lở, không xảy ra lũ quét, tránh được thiên tai và gần nguồn nước sinh hoạt.

Thêm nữa, phải phù hợp với văn hóa làng của đồng bào, gắn đảm bảo quốc phòng an ninh, nhất là khu vực biên giới, có quỹ đất để dựng nhà sinh hoạt cộng đồng, phòng học mầm non, sân thể thao...

Tiêu chí nữa là phải gần khu sản xuất, chăn nuôi được quy hoạch tập trung, từng bước chấm dứt tình trạng thả rông gia súc trong khu dân cư, tránh dịch bệnh. Để dân làng chấp nhận dời ra, huyện Tây Giang cũng chọn dời những làng kiểu mẫu trước, cho bà con ra ở trước. Khi thấy nơi ở mới đủ an toàn, tiện lợi, bà con sẽ về kéo thêm người dân khác ra ở theo hiệu ứng dây chuyền.

Huyện Tây Giang xưa nay luôn đặt ra 5 bước đi để phát triển, trong đó việc mở đường giao thông là ưu tiên số một. Ưu tiên số hai chính là mặt bằng, là việc di dời ổn định dân cư ra nơi an toàn. Kế tiếp mới đến trường trạm, ruộng, rừng, du lịch...

"Chúng tôi xác định giao thông và mặt bằng dân cư là nhiệm vụ ưu tiên trước hết. Dân có an toàn, làng có bình yên thì mới có thời gian để làm việc khác" - ông Lê Hoàng Linh nói.

Tấm lòng trẻ nhắn gửi: Tấm lòng trẻ nhắn gửi: 'Xin đừng quên Tây Giang'

TTO - Trần Đăng Vinh - một người trẻ ở Đà Nẵng - đang tạo những đổi thay lớn trên mảnh đất miền núi Tây Giang (Quảng Nam) sau trận lũ dữ vừa qua.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên