06/03/2018 18:42 GMT+7

Đẩy mạnh kết nối, khuyến khích sáng tạo

TS NGUYỄN VIỆT LONG (Giám đốc Văn phòng Thành phố thông minh tỉnh Bình Dương)
TS NGUYỄN VIỆT LONG (Giám đốc Văn phòng Thành phố thông minh tỉnh Bình Dương)

TTO - Đề án thành phố thông minh (TPTM) Bình Dương hướng tới tạo ra một môi trường kết nối năng động sáng tạo, với nền tảng là mô hình “Ba Nhà”.

Nền tảng này xây dựng dựa trên quan hệ chặt chẽ giữa Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp, đặt con người làm trọng tâm, lấy hợp tác kết nối thông minh làm phương châm phát triển.

Tương tác giữa "Ba nhà"

Trong mối quan hệ hợp tác của "Ba Nhà", Nhà nước giữ vai trò lãnh đạo chung, doanh nghiệp và các trường nhận trách nhiệm tương ứng của mình trên mỗi lĩnh vực.

Bình Dương đã nghiên cứu, học hỏi mô hình liên kết "Ba Nhà" từ kinh nghiệm thành công của Eindhoven, và điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế.

Đề án TPTM đã thành lập ban chỉ đạo, hội đồng cố vấn "Ba Nhà", ban điều hành và văn phòng thành phố thông minh. Trong mỗi đơn vị đó đều có sự tham gia của "Ba Nhà" và cả quốc tế.

Có một thực tế là khi áp dụng các mô hình mới có thể vấp phải rào cản, nhưng khi có sự tương tác, liên kết thường xuyên, mọi người cùng chia sẻ khát vọng chung, phát huy điểm mạnh của mỗi bên thì sẽ tìm ra được các giải pháp tối ưu, dài hạn.

Thông qua mô hình "Ba Nhà", Bình Dương đang quyết tâm tạo ra một khu vực gọi là "vùng thông minh" kích thích sự sáng tạo và đổi mới, quy tụ được những người tài để tạo ra một cộng đồng thông minh và thịnh vượng.


Đẩy mạnh kết nối, khuyến khích sáng tạo - Ảnh 1.

Trao giải cho đội sinh viên vô địch Hackathon tại Hội nghị thành phố thông minh Bình Dương lần 2Ảnh tư liệu

Môi trường năng động, sáng tạo, kết nối

Đề án TPTM Bình Dương là định hướng để tìm ra câu trả lời cho những trăn trở như: Làm sao để nâng cao năng suất lao động, nền kinh tế tỉnh hướng đến công nghệ cao, nâng cao chất lượng đời sống của người dân? Làm sao để khai thác được hiệu quả nguồn tài nguyên, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng và phát huy năng lực sáng tạo, tri thức của nhân dân?...

Mục tiêu thông suốt khi xây dựng thành phố thông minh Bình Dương là tạo ra một hệ sinh thái năng động, sáng tạo, kết nối. Trong đó mọi thành tố đều liên tục cải tiến, đổi mới và tối ưu hóa không ngừng, hình thành văn hóa đổi mới và môi trường kích thích sự đổi mới.

Có thể hiểu xây dựng TPTM chính là một quá trình nghiên cứu và phát triển (R&D), là một quá trình khởi nghiệp (startup), nhưng về chính sách-chiến lược đột phá ở cấp tỉnh với sự tham gia của cả cộng đồng.

Chính sự năng động, sáng tạo, cùng với những chủ trương đúng đắn của chính quyền tỉnh Bình Dương. Thêm vào đó là những dự án nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống đã góp phần không nhỏ vào công cuộc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đóng góp cho sự phát triển của Bình Dương.

Thực vậy, để có thể bứt phá thành công và bền vững, Bình Dương xác định nhiệm vụ tiên quyết là đào tạo, giữ chân, qui tụ nhân tài, phát huy sức mạnh tập thể, cùng nhau phát triển.

Thu hút con người tri thức

Khi xây dựng TPTM, nhiều người hay hiểu theo hướng tiếp cận công nghệ. Nhưng công nghệ chỉ là một phần của đề án. Chúng ta đều biết công nghệ thay đổi liên tục.

Mấu chốt của thành phố thông minh là cuộc đua tìm kiếm, đào tạo, quy tụ và giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao. Kinh nghiệm thế giới là nơi nào quy tụ được nhân lực chất lượng cao sẽ là nơi phát triển thịnh vượng.

Khi áp dụng một công nghệ, không đơn thuần là chúng ta bỏ tiền ra mua, mà còn cần có con người sử dụng, bảo trì, cải tiến, tối ưu hóa, và cao hơn nữa là sản xuất, sáng tạo công nghệ. Vì vậy, bản chất của vấn đề là con người và tri thức.

TS NGUYỄN VIỆT LONG (Giám đốc Văn phòng Thành phố thông minh tỉnh Bình Dương)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên