03/04/2020 10:26 GMT+7

Dâu tây, xà lách phải đổ cho bò ăn vì COVID-19

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Trong khi người dân ở Ấn Độ phải hạn chế đi lại trong 3 tuần nước này phong tỏa toàn quốc để chống dịch COVID-19, nông sản bất ngờ bị ùn ứ, cả những loại cao cấp như dâu tây, nho, bông cải cũng phải đổ bỏ hoặc làm thức ăn gia súc.

Dâu tây, xà lách phải đổ cho bò ăn vì COVID-19 - Ảnh 1.

Anh Anil Salunkhe, nông dân ở làng Darewadi, quận Satara, bang Maharashtra, Ấn Độ cho bò ăn dâu tây (ảnh chụp ngày 1-4) - Ảnh: REUTERS

Khi nông sản cao cấp không bán được, dù giá cao đến mấy cũng trở thành thứ bỏ đi như thực tế xảy ra với nông sản cao cấp của Ấn Độ giữa lệnh phong tỏa toàn quốc để phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Tại Ấn Độ, nhu cầu về nông sản chất lượng cao và cao cấp tăng cao vào mùa hè. Tuy nhiên, năm nay do dịch bệnh COVID-19, chuỗi cung ứng nông sản của Ấn Độ bị rối loạn vì lệnh phong tỏa toàn quốc. Nông dân không thể đưa hàng hóa đến các thị trường.

Theo Times of India, số ca nhiễm virus corona ở Ấn Độ hiện là 2.069 trường hợp với 53 người tử vong và các biện pháp hạn chế mạnh mẽ đã vô tình khiến nông dân gặp khó. 

Anh Anil Salunkhe chia sẻ với Reuters trong khi đổ dâu tây cho bò ăn: "Du khách và những nhà nhà máy làm kem là khách hàng mua dâu tây chính nhưng hiện chúng tôi không còn du khách". 

Vườn dâu của Salunkhe rộng hơn 8.000m2 ở quận Satara, cách Mumbai khoảng 250km về phía đông nam.

Trước đó anh hi vọng đạt doanh thu 800.000 rupee (khoảng 10.600 USD), nhưng nay gia đình anh thậm chí còn không nghĩ đến khả năng lấy lại chi phí đã đầu tư, khoảng 250.000 rupee. Vì lệnh phong tỏa toàn quốc, anh không thể vận chuyển nông sản đến các thành phố lớn để bán.

Munishamappa, một nông dân ở gần Bengaluru, trung tâm công nghệ thông tin của Ấn Độ, phải chở 15 tấn nho vào rừng để bỏ do không bán được. Anh mất trắng 500.000 rupee cho vụ mùa này. 

Munishamappa cũng thông báo với dân làng: bất cứ ai cũng có thể đến lấy nho miễn phí nhưng cũng chẳng có nhiều người đến lấy nho. 

Nho của Ấn Độ còn được xuất khẩu đi châu Âu nhưng theo Dyanesh Ugle của nông trại Sahyadri, việc xuất khẩu đã bị cắt giảm mạnh.

Những nhà xuất khẩu của những loại hoa đắt tiền như hoa đồng tiền, layơn, thiên điểu,… cũng rất lo lắng vì nhiều sự kiện, đám cưới, vốn là những sự kiện cần nhiều hoa tươi, đã hủy, kéo theo cac đơn hàng lớn bị bốc hơi.

Rahul Pawar có 2ha trồng hoa cho biết: "Trong mùa hè, tôi bán 1 bông hoa giá từ 15-20 rupee, bây giờ thì bán 1 rupee cũng không có người mua. Nông dân trồng hoa phải cắt hoa làm phân bón".

Ajay Jadhav, người trồng rau, chuyên cung ứng rau thơm, xà lách, cải… từ nông trại 3ha của mình, cho biết những người dân trong làng thậm chí còn không đến lấy rau dù chúng là miễn phí, vì ở Ấn Độ, đây là những loại rau cao cấp, không phải khẩu vị của đa số người bình dân.

Dâu tây, xà lách phải đổ cho bò ăn vì COVID-19 - Ảnh 2.

Một nông dân đổ xà lách cho bò ăn ở làng Bhuinj, quận Satara, bang Maharashtra, Ấn Độ (ảnh chụp ngày 1-4) - Ảnh: REUTERS

Theo Tổ chức Lương thực và nông nghiệp (FAO) của Liên Hiệp Quốc ngày 2-4, giá thực phẩm đã giảm mạnh trong tháng 3-2020 trên toàn cầu do nhu cầu giảm vì đại dịch COVID-19.

Chỉ số giá lương thực của FAO, đo lường sự thay đổi hàng tháng của một giỏ hàng hóa gồm ngũ cốc, hạt có dầu, các sản phẩm từ sữa, thịt và đường, trung bình đạt 172,2 điểm vào tháng 3-2020, giảm 4,3% so với tháng 2-2020.

Abdolreza Abbassian, nhà kinh tế của FAO, cho biết giá giảm chủ yếu do nhu cầu giảm, không phải do cung ứng. Nhu cầu giảm do triển vọng kinh tế ngày càng xấu đi.

Chỉ số giá đường của FAO có mức giảm lớn nhất, giảm 19,1% so với tháng trước, liên quan đến giảm tiêu dùng vì nhiều nước cũng như nhu cầu của những nhà sản xuất ethanol giảm do giá dầu thô giảm liên tục gần đây. 

Chỉ số giá dầu thực vật giảm 12%. Chỉ số giá sản phẩm từ sữa giảm 3%. Trên toàn cầu, nhu cầu nhập khẩu với sữa bột tách béo, sữa bột nguyên kem đều giảm. Chỉ số giá thịt giảm 0,6%.

Chỉ số giá ngũ cốc giảm 1,9%, trong đó giá gạo có diễn biến giảm/tăng do những lo ngại về đại dịch và thông tin Việt Nam có thể ngừng xuất khẩu gạo mặc dù Việt Nam chưa đưa ra biện pháp này.

Người Trung Quốc đầu tiên đắc cử ghế Tổng giám đốc FAO Người Trung Quốc đầu tiên đắc cử ghế Tổng giám đốc FAO

TTO - Ông Qu Dongyu, 55 tuổi, một nhà sinh vật học, vừa trở thành người Trung Quốc đầu tiên đắc cử vị trí Tổng giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO).

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên