18/03/2024 12:53 GMT+7

Đặt tên sau sáp nhập, đừng quên 'trong mỗi trái tim ta ấp ủ một tên làng'

Nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ Online có ý kiến rằng việc đặt tên mới cho các đơn vị hành chính sau khi sáp nhập các phường xã cần tránh thay đổi quá nhiều các từ tố mà cha ông đã gọi, vì sẽ dễ 'mất gốc'.

Núi Non Nước, hay còn gọi là Ngũ Hành Sơn, là địa danh mà hầu như người dân xứ Quảng nào cũng biết, được lấy đặt tên đơn vị hành chính quận Ngũ Hành Sơn - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Núi Non Nước, hay còn gọi là Ngũ Hành Sơn, là địa danh mà hầu như người dân xứ Quảng nào cũng biết, được lấy đặt tên đơn vị hành chính quận Ngũ Hành Sơn - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Nhân chuyện cả nước sắp tiến hành sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính, nhiều bạn đọc quan tâm cha ông xưa hay đặt tên làng, xã như thế nào?

Làng xã có vai trò rất lớn trong đời sống văn hóa người Việt. Tên làng tên xã không chỉ là bờ đê, gốc ruộng, là những ký ức thân thương của mỗi người như nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ từng viết: "Trong mỗi trái tim ta ấp ủ một tên làng / Trong mỗi giấc mơ nỗi nhớ một tên làng" .

Tên làng xã còn phản ánh quá trình khai phá của cha ông, hoạt động kinh tế, quá trình biến động lịch sử…

Có bao nhiêu cách đặt tên làng xã?

Một tiến sĩ lịch sử thuộc Trường đại học Sư phạm Đà Nẵng cho biết có rất nhiều cách đặt tên làng xã mà người xưa thường dùng.

Phổ biến nhất là việc sử dụng các địa danh cổ, các xứ đất cổ, các làng lớn, làng cổ nổi tiếng thuộc địa bàn của các phường, xã đó để chọn tên mới…

Có thể để ý thấy một cách đặt tên xã phường thời trước khá phổ biến như lấy 1 chữ trong tên huyện đặt cho các xã bên dưới.

Ví dụ ở huyện Duy Xuyên có lúc nhất quán lấy chữ đầu là Xuyên, các xã sẽ chọn thêm một chữ có ý nghĩa tốt đẹp/trang nhã (mỹ tự), hoặc một chữ trong tên một ngôi làng lớn, nổi tiếng của xã hoặc mang dấu ấn của riêng xã đó để đặt thành Xuyên Thọ, Xuyên Phước, Xuyên Long, Xuyên Tân…

Tuy nhiên sau đó và duy trì đến hiện nay thì các xã đã lấy chữ đầu là Duy: Duy Hải, Duy Nghĩa, Duy Thu, Duy Tân…

Tương tự như ở huyện Hòa Vang, Đà Nẵng hiện nay lấy chữ Hòa đặt tên cho các xã vậy: Hòa Phú, Hòa Châu, Hòa Thọ, Hòa Phong, Hòa An…

Vị tiến sĩ này cho rằng cách này tạo sự nhất quán với các địa danh hành chính cấp dưới quận, huyện không trùng lặp, giúp dễ nhớ và cũng dễ được đồng thuận từ cộng đồng bên dưới. Đặc biệt là trong trường hợp cộng đồng cư dân vùng đó bất đồng ý kiến, không thống nhất được.

Ví dụ quận Sơn Trà, có thể lấy chữ Trà hoặc chữ Sơn; quận Thanh Khê có thể lấy chữ Thanh; Liên Chiểu có thể lấy chữ Liên, quận Cẩm Lệ có thể lấy chữ Cẩm… làm chữ cái đầu, rồi chọn thêm một chữ nữa để thành tên phường trực thuộc bên dưới.

Một cách khác mà nhiều nơi cũng dùng để đặt tên đường là có thể thêm phương vị (Đông - Tây - Nam - Bắc - Trung - Thượng) vào tên quận để tạo ra tên phường (như cách hiện tại của quận Thanh Khê có 2 phường Thanh Khê Đông, Thanh Khê Tây).

Có nơi thì đánh số (thêm phần số) vào sau bộ phận định danh chính cấp quận, huyện để ra địa danh hành chính cấp phường (ví dụ cách hiện tại của quận Hải Châu, Đà Nẵng có 2 phường Hải Châu 1 và Hải Châu 2).

Cách ghép tên gọi của xã/phường mới bằng việc chọn ghép hai chữ trong 2 - 3 xã, phường cũ sao cho thuận, hay, ý nghĩa cũng khá phổ biến (như phường dự kiến thành lập ở quận Hải Châu, Đà Nẵng là Nam Bình Phước).

Hoặc có thể lấy lại tên gọi cũ, tên gọi đã có trong thời kỳ lịch sử trước đó (như phường dự kiến thành lập là phường Hà Tam Xuân ở quận Thanh Khê, Đà Nẵng)…

Sinh viên Đại học Sư phạm Đà Nẵng trò chuyện với người cao tuổi trước một ngôi miếu ở làng cổ Nam Ô, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng - Ảnh: TRẦN TUẤN

Sinh viên Đại học Sư phạm Đà Nẵng trò chuyện với người cao tuổi trước một ngôi miếu ở làng cổ Nam Ô, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng - Ảnh: TRẦN TUẤN

Có khi ngẫu nhiên, có khi bị chi phối nhiều yếu tố

Trong khi đó, các nghiên cứu về tên làng xã ở Việt Nam cho thấy cách gọi tên làng xã có liên quan mật thiết đến phong tục, tập quán, lối sống, tín ngưỡng, sở thích của cả cộng đồng. Cách đặt và gọi tên làng xã có khi mang tính ngẫu nhiên, có khi bị sự chi phối từ nhiều yếu tố.

Có nhiều trường hợp phường xã lấy theo tên làng chính trong vùng. Mà tên làng lại lấy tên theo làng nghề đặc trưng, dòng họ có sức ảnh hưởng, có số lượng đông nhất vùng.

Ngoài ra, tại một số địa phương có nhiều phường, xã lấy tên theo danh nhân địa phương, hoặc chọn đánh số…

Trong những ngày qua, nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ Online có ý kiến cho rằng việc đặt tên mới cho các đơn vị hành chính sau khi sáp nhập các phường xã cần tránh thay đổi quá nhiều các từ tố mà cha ông đã gọi, vì sẽ dễ "mất gốc".

Hầu hết các ý kiến cho rằng trong giai đoạn hiện nay cần xem xét việc đặt tên đơn vị hành chính mới phải đảm bảo tiết kiệm, tránh gây rắc rối về giấy tờ cho người dân.

Nhiều bạn đọc góp ý trường hợp tên gọi xã phường cũ đã mang đủ ý nghĩa khái quát được cả vùng đất thì cân nhắc giữ lại để tránh rắc rối giấy tờ cho người dân.

Địa danh Khuê Trung có gốc từ ngôi làng cổ Hóa Khuê ở Đà Nẵng. Nay được lấy làm tên đơn vị hành chính phường Khuê Trung, thuộc quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng. Trong ảnh là một góc khu di tích lịch sử - văn hóa Khuê Trung - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Địa danh Khuê Trung có gốc từ ngôi làng cổ Hóa Khuê ở Đà Nẵng. Nay được lấy làm tên đơn vị hành chính phường Khuê Trung, thuộc quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng. Trong ảnh là một góc khu di tích lịch sử - văn hóa Khuê Trung - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Sáp nhập phường ở Đà Nẵng, vì sao có nhiều tên gọi lạ lẫm?Sáp nhập phường ở Đà Nẵng, vì sao có nhiều tên gọi lạ lẫm?

Trong 2 năm tới, Đà Nẵng sẽ sáp nhập nhiều phường, tên của nhiều phường mới dự kiến khá lạ như An Hải Nam, Hòa Bình, Nam Bình Phước...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên