29/03/2012 21:36 GMT+7

Dắt tay con trong "tâm bão"

TRUNG UYÊN thực hiện
TRUNG UYÊN thực hiện

TTO - Sự việc 3 học sinh lớp 7 ở Đắk Nông "chết cùng nhau" ngày 17-3, học trò khủng hoảng tinh thần, che giấu "bí mật nguy hiểm", những trăn trở của mẹ cha khi thấy con trẻ xa cách... thật sự "nóng" trên TTO.

Xin tạm khép lại chủ đề này bằng cuộc trao đổi với chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ (Văn phòng tư vấn Tâm Lý Trẻ) - tác giả hai đầu sách Viết cho con đang tuổi dậy thì, Con muốn tự lập! (đều do NXB Tổng Hợp TP.HCM ấn hành).

Làm sao cho con hiểu đúng lòng tôi?Thầy cô ít gần gũi học tròThư một bạn đọc trẻ từng trở về từ cõi chết

4N1I4i3A.jpgPhóng to

Sự quan tâm, chia sẻ giữa những thành viên trong gia đình là yếu tố quan trọng tạo nên mái ấm hạnh phúc - Ảnh minh họa: từ Internet

Không dạy con kiểu "đẽo cày giữa đường"

* Một số cha mẹ than phiền rằng con cái ở tuổi mới lớn trở nên xa cách bố mẹ, còn một số bạn trẻ cho biết rất khó tâm sự những chuyện thầm kín với bố mẹ. Theo chị, những điều gì tạo nên "khoảng trắng" này?

- Nhiều cha mẹ muốn quyết định cuộc sống của con, còn con cái có xu hướng "đấu tranh" để tự quyết định đời mình. Lượng thông tin về việc nuôi dạy con cái hiện quá phong phú. Một mặt mang tính hướng dẫn, nhưng mặt khác có thể làm phụ huynh nhiễu thông tin, không biết nên chọn cách nào dạy con hay phải phối hợp nhiều giải pháp ra sao. Cuối cùng, hóa ra dạy con mà cứ như "đẽo cày giữa đường", ai bảo gì cũng làm theo.

Khoảng cách về tuổi tác sẽ gay gắt hơn bởi những tác động của môi trường sống. Bên cạnh đó, nhiều người có xu hướng sống cho mình nhiều hơn, cả cha mẹ lẫn con cái, bằng cách tập trung theo đuổi những mục tiêu riêng.

c84umK9M.jpgPhóng to

Chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ - Ảnh: nhân vật cung cấp

* Khi nuôi dạy hai con, chị có vất vả "chiến đấu" với con?

- Tất nhiên là có. Con gái tôi hiện 19 tuổi, đang du học. Khi con đến tuổi dậy thì, hai mẹ con cãi nhau từ chuyện chọn màu sắc quần áo cho con, đến chuyện kết bạn, địa điểm đi chơi và nhiều chuyện khác.

Khi tức giận vì không được làm theo ý mình, con gái từng nói với tôi rằng "nhà mình như nhà tù, con là tù nhân, mẹ là quản ngục". Như bao bà mẹ, đầu tiên tôi thấy tức giận, nhưng tôi cũng biết chắc rằng không ai có thể thay thế mình trong "cuộc chiến" này. Tôi bỏ đi nơi khác và sau đó nói chuyện thẳng thắn, "đàm phán" với con trong phòng riêng.

Tôi luôn xác định trong những "xung đột" với con, chuyện nào giải quyết dứt điểm chuyện đó, tránh kiểu "đồng quang sang đồng rậm", chỉ khiến rắc rối thêm.

Con bạn có bị tự kỷ không?

Đó là chuyên đề do Nhà Thiếu nhi Q.1, TP.HCM và Công ty Tâm Lý Trẻ phối hợp tổ chức lúc 9g ngày 7-4 tại Nhà Thiếu nhi Q.1, TP.HCM (7 Trần Cao Vân, Q.1). Vào cửa tự do.

Tiến sĩ tâm lý học Phạm Toàn - nguyên trưởng khoa tâm lý trị liệu, Trung tâm Sức khỏe tâm thần Hamilton-Madison House, Mỹ - sẽ giải đáp các thắc mắc về trẻ tự kỷ.

Nói chuyện xong với con thì tôi "rủ" con đi ăn, mua sắm... và hai mẹ con cùng xem như mọi chuyện đã qua.

Từ năm con gái 12 tuổi, tôi quyết định xưng hô với con là "tớ - cậu" vì tôi nghĩ nếu tôi giữ một quan hệ mẹ - con quá nghiêm túc thì sẽ "bùng nổ chiến tranh". Điều này sẽ phần nào tạo không khí nhẹ nhàng mà con vẫn không xem tôi "bằng vai phải lứa". Trong những cuộc nói chuyện nghiêm túc, cháu vẫn gọi tôi là mẹ.

Có kinh nghiệm trong quá trình dạy con gái nên khi con trai dậy thì, tôi không quá vất vả.

Nâng "chất" thời gian bên nhau

* Thời gian qua có những vụ học trò tự tử mà một số cha mẹ trong cuộc cho biết “không thấy biểu hiện lạ” ở con. Phải chăng con trẻ trong cơn khủng hoảng vẫn cố gắng "ngụy trang"?

- Việc các em "ngụy trang" trước người lớn cho thấy lỗ hổng trong quan hệ cha mẹ - con cái đã rất lớn. Việc "ngụy trang" ấy chính là một phần của kế hoạch tự tử, để người lớn không hay biết, không ngăn cản.

Hoặc cũng rất có thể vì các em nghĩ rằng có nói ra kế hoạch ấy thì người lớn cũng không hiểu, thậm chí lên án là bồng bột, ngông cuồng. Trẻ tự tử thường nghĩ mình không còn giá trị với ai, không thấy được ý nghĩa của sự tồn tại của mình. Vì vậy, bố mẹ phải nhận thấy rõ lỗ hổng ấy, phải nỗ lực tiến gần con, nhận biết những cảm xúc, thấu hiểu khó khăn của con để kịp thời ngăn chặn hành động liễu lĩnh, dắt con đi qua khủng hoảng.

Cuộc sống dường như ngày càng bận rộn, khi quỹ thời gian bên nhau hạn hẹp thì càng cần nâng "chất lượng" những khoảng thời gian ấy bằng cách tạo không khí ấm áp, thân tình. Cũng không nên để trẻ dư thừa về vật chất lẫn tình cảm, tốt nhất là vừa đủ, thậm chí hơi thiếu một chút để trẻ khát khao, cố gắng đạt được.

Muốn dạy con quản lý cảm xúc, giúp con vượt qua những khủng hoảng tinh thần thì chính bố mẹ phải có kỹ năng đó. Bố mẹ hãy cho con không gian tự do nhất định, để con tự xoay xở phần nào trong quá trình trưởng thành, đừng dồn tất cả kỳ vọng vào con. Trong quá trình giáo dục con, bố mẹ nên học hỏi một cách có bản lĩnh từ những nguồn xung quanh và cả từ chính con mình.

* Cảm ơn chị về cuộc trao đổi!

TRUNG UYÊN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên