04/07/2020 10:28 GMT+7

Dập bệnh bạch hầu khẩn cấp

THÙY DƯƠNG
THÙY DƯƠNG

TTO - Các chuyên gia cho rằng trẻ nhỏ khi đã được chích ngừa đầy đủ các loại vắcxin trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia rất khó mắc bệnh bạch hầu. Bệnh này thường chỉ gặp ở trẻ lớn, người lớn do không được chích ngừa nhắc lại.

Dập bệnh bạch hầu khẩn cấp - Ảnh 1.

Người dân tiêm vắcxin phòng bệnh bạch hầu tại Trung tâm tiêm chủng VNVC (Q. Phú Nhuận, TP.HCM) chiều 3-7 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Gần đây, tại một số tỉnh liên tục xuất hiện những trường hợp mới mắc bệnh bạch hầu, trong đó có cả những trường hợp tử vong, làm nhiều người dân lo lắng về nguy cơ mắc căn bệnh này. Sáng 3-7, báo Tuổi Trẻ đã tổ chức tọa đàm "Làm thế nào để phòng ngừa hiệu quả bệnh bạch hầu?" với sự tham dự của nhiều bác sĩ, chuyên gia uy tín.

Tại sao xuất hiện trở lại?

Tại sao các ca bệnh bạch hầu lẻ tẻ lại xuất hiện trong thời gian gần đây và những người mắc bệnh đều là trẻ lớn và người lớn? ThS Nguyễn Hiền Minh, phó giám đốc y khoa hệ thống Trung tâm VNVC, lý giải là do trẻ lớn và người lớn ít chích ngừa nhắc lại vắcxin bạch hầu, ho gà, uốn ván. Đây là một khoảng trống tiêm chủng. 

Những nghiên cứu đưa ra cho thấy hiệu lực của vắcxin bạch hầu sau khi hoàn tất những mũi cơ bản của vắcxin bạch hầu - ho gà - uốn ván ở trẻ nhỏ hoặc trong các thành phần vắcxin phối hợp 6 trong 1, 5 trong 1 dịch vụ hay 5 trong 1 trong chương trình tiêm chủng mở rộng đều rất cao, lên tới gần 100%. 

Khi đã chích ngừa đầy đủ các mũi cơ bản cho trẻ em, trẻ vẫn cần có mũi tiêm nhắc lại nhưng vì một lý do nào đó trẻ đã bị bỏ lỡ hoặc bỏ quên những mũi tiêm nhắc lại này. Khi hiệu quả của vắcxin giảm nhưng không được chích ngừa nhắc lại chính là cơ hội cho mầm bệnh xâm nhập.

BS Trương Hữu Khanh, trưởng khoa nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, khẳng định trẻ đã chủng ngừa vắcxin phòng bệnh bạch hầu trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia rất khó bị bệnh bạch hầu, thường bệnh bạch hầu chỉ gặp ở những trẻ từ 4-5 tuổi trở lên, ở người lớn.

Bệnh bạch hầu thường xuất hiện ở những vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa là do nơi đây có tỉ lệ chích ngừa vắcxin phòng bệnh bạch hầu thấp - BS Trương Hữu Khanh phân tích. Nguyên tắc của chích ngừa bạch hầu là ngừa độc tố chứ không phải ngừa con vi khuẩn. 

Tác nhân gây bệnh bệnh hầu xuất hiện, hồi phục do hai yếu tố. Yếu tố thứ nhất là người mắc bệnh do không có đủ kháng thể, yếu tố thứ hai là do cộng đồng đó có tỉ lệ chích ngừa bệnh này thấp, hay còn gọi là độ phủ thấp.

Hiện nay, Việt Nam chưa chích ngừa nhắc lại vắcxin phòng ngừa bệnh bạch hầu miễn phí cho người dân vì chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia không đủ khả năng để chích ngừa hết cho người dân. Do vậy, mỗi người dân phải biết khi nào cần chích ngừa nhắc lại mũi vắcxin này. Chích ngừa lại không chỉ phòng chống bệnh cho riêng bản thân mình mà cho cả gia đình, cơ quan và môi trường xung quanh. 

Ngoài chích ngừa đầy đủ các mũi trong chương trình tiêm chủng quốc gia mở rộng, để phòng ngừa bệnh bạch hầu hiệu quả, trẻ đến 5 tuổi phải được chích ngừa nhắc lại, 9-12 tuổi chích ngừa nhắc lại tiếp, sau đó cứ sau 10 năm phải chích ngừa nhắc lại một lần...

Nhiều biến chứng

TS Phan Tứ Quí, trưởng khoa hồi sức tích cực chống độc trẻ em Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, nhấn mạnh khi đã nhiễm bệnh bạch hầu thì quá trình điều trị bệnh bạch hầu rất phức tạp và khó khăn. Bệnh có nhiều biến chứng rất nặng kèm theo như: tắc nghẽn đường hô hấp trên, viêm cơ tim (phải dùng máy tạo nhịp tim nhân tạo), tổn thương các tế bào cơ tim...

Các bác sĩ cho rằng triệu chứng bệnh bạch hầu không quá khó nhưng dễ bị bỏ quên, các ca bệnh bạch hầu đến bệnh viện hầu như đã bị biến chứng. Các bác sĩ khuyên người dân khi thấy có triệu chứng đau họng, sốt nhẹ... cần đi khám ngay chứ không nên tự ra nhà thuốc mua thuốc về uống.

ThS Lê Hồng Nga, trưởng khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho biết đến nay TP.HCM mới có một ca mắc bệnh bạch hầu và trước đó ca này cũng mới đến TP.HCM. Qua điều tra dịch tễ cho thấy việc sinh hoạt, học tập của người này chỉ trong môi trường nội trú, không giao lưu với môi trường bên ngoài. Vậy tại sao người này lại mắc bệnh bạch hầu, chắc chắn là do người này chích ngừa chưa đầy đủ.

Bạch hầu là một trong 36 bệnh truyền nhiễm cần phải khai báo. Cho nên tại các cơ sở y tế nếu phát hiện một trường hợp mắc bệnh bạch hầu thì phải báo ngay trong hệ thống báo cáo của cơ sở y tế. Còn người dân nếu phát hiện 2-3 người khác ở trong một cụm dân cư có những triệu chứng giống nhau phải báo cáo ngay cho trạm y tế phường, xã nơi mình cư trú để kích hoạt phản ứng nhanh cho hệ thống phòng chống dịch.

Chích ngừa là quan trọng nhất

toadam_bachhau _phamtuquy 3(read-only)

TS.BS Phan Tứ Quí trao đổi tại buổi tọa đàm - Ảnh: D.PHAN

TS Phan Tứ Quí dẫn ra kết quả một nghiên cứu ở Anh. Người ta đo nồng độ kháng thể đối với độc tố bạch hầu trên người lớn từ 20-50 tuổi, trên 1.000 ca. Những người này đều đã được chích ngừa từ lúc nhỏ và chỉ có 1/3 số người này có khả năng bảo vệ tốt với độc tố bạch hầu. Do đó, không chỉ trẻ lớn mà người lớn cũng cần được tiêm nhắc lại. Những nơi có ổ dịch bạch hầu là những nơi có tỉ lệ chích ngừa bệnh này thấp. Chích ngừa là quan trọng nhất trong phòng ngừa bệnh bạch hầu, còn khi người bệnh đã bị bệnh nặng thì bác sĩ cũng "bó tay".

Bệnh bạch hầu diễn biến phức tạp tại miền Trung và Tây Nguyên

Ngày 3-7, Bộ Y tế đã có văn bản gửi một số tỉnh thành miền Trung và Tây Nguyên như Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng và Bình Phước, cảnh báo từ đầu tháng 6 đến nay đã ghi nhận 26 ca bệnh bạch hầu tại Đắk Nông và Kon Tum, 2 trẻ em đã tử vong. Đó là chưa kể 9 trường hợp mang vi khuẩn nhưng không phát bệnh, 1 ca bệnh bạch hầu dương tính ở TP.HCM.

Để hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong, Bộ Y tế yêu cầu triển khai rộng các biện pháp phòng dịch, bao gồm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, khoanh vùng và cách ly triệt để ổ dịch, không để dịch lan rộng và kéo dài.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các tỉnh kể trên chuẩn bị sẵn khu cách ly, buồng cách ly, phương tiện, vật tư, thuốc điều trị bệnh bạch hầu theo hướng dẫn của Bộ Y tế, đồng thời tập huấn lại về chẩn đoán và điều trị các ca bệnh nặng. Đây là dịch bệnh nhóm B (bệnh truyền nhiễm là bệnh lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp từ người hoặc từ động vật sang người, do tác nhân gây bệnh truyền nhiễm gây ra.

Tác nhân gây bệnh truyền nhiễm có thể là virus, vi khuẩn, ký sinh trùng và nấm. Bệnh truyền nhiễm nhóm B là những bệnh nguy hiểm, có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong), Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh thành thu dung, điều trị như bệnh nhân nhóm B, thường xuyên báo cáo tình hình điều trị về Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế.

L.ANH

26 ca mắc bệnh bạch hầu, 2 ca tử vong, Bộ Y tế ra công điện khẩn 26 ca mắc bệnh bạch hầu, 2 ca tử vong, Bộ Y tế ra công điện khẩn

TTO - Trước diễn biến phức tạp của bệnh bạch hầu ở một số tỉnh với 26 ca mắc, trong đó 2 ca tử vong, Bộ Y tế ra công điện khẩn yêu cầu khoanh vùng xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lan rộng và kéo dài, hạn chế ca tử vong.

THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên