12/06/2023 16:07 GMT+7

Đạo luật gián điệp là gì, tác động đến ông Trump thế nào?

Đạo luật gián điệp được Quốc hội Mỹ thông qua năm 1917, từng được viện dẫn trong các vụ việc liên quan tới Edward Snowden, Julian Assange...

Đạo luật gián điệp là gì, tác động đến ông Trump thế nào? - Ảnh 1.

Ông Trump phát biểu ở Hội nghị Đảng Cộng hòa tại bang North Carolina ngày 10-6 - Ảnh: REUTERS

Vừa qua, Bộ Tư pháp Mỹ công bố bản cáo trạng dài 49 trang với cựu tổng thống Donald Trump về các sai phạm trong xử lý tài liệu mật quốc gia sau khi ông rời Nhà Trắng, trong đó nêu 37 tội danh. Phần lớn tội danh (31/37) liên quan đến việc cố ý lưu giữ thông tin quốc phòng - vi phạm Đạo luật gián điệp.

Vậy Đạo luật gián điệp là gì?

Theo Hãng tin Reuters ngày 11-6, Đạo luật gián điệp được Quốc hội Mỹ thông qua vào năm 1917, ngay sau khi nước này bắt đầu tham chiến trong Thế chiến 1.

Đạo luật này được đưa ra nhằm xử lý các hành vi liên quan đến việc xử lý sai các tài liệu chính phủ liên quan đến "quốc phòng" - thuật ngữ dùng để chỉ các báo cáo của quân đội, có thể làm tổn hại đến an ninh quốc gia nếu bị lộ.

Những năm gần đây, các nhân vật bị Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc vi phạm đạo luật này có thể kể đến như cựu nhân viên Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) Edward Snowden, người sáng lập trang web đăng thông tin mật bị rò rỉ Wikileaks Julian Assange, cựu phân tích viên tình báo của Lục quân Mỹ Chelsea Manning…

Đạo luật gián điệp là gì, tác động đến ông Trump thế nào? - Ảnh 2.

Cựu nhân viên Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) Edward Snowden từng gây chấn động khi tiết lộ thông tin về chương trình theo dõi của NSA hồi năm 2013 - Ảnh: NPR

Trong đó, bà Manning bị kết án 35 năm tù vì đã để rò rỉ 750.000 tài liệu mật hoặc nhạy cảm về quân đội và ngoại giao của Mỹ lên Wikileaks. Án phạt của bà sau đó được đích thân cựu tổng thống Barrack Obama giảm nhẹ.

Ông Snowden, người từng gây rúng động với vụ rò rỉ về chương trình theo dõi của NSA, đã đến Nga để tránh lệnh truy nã. Cuối năm 2022, ông chính thức trở thành công dân Nga sau 9 năm sống tại nước này.

Bộ Tư pháp sẽ làm gì để kết tội ông Trump vi phạm Đạo luật gián điệp?

Các công tố viên đang cáo buộc ông Trump vi phạm điều khoản "sở hữu trái phép" thông tin quốc phòng nêu trong Đạo luật gián điệp. Điều khoản này quy tội cho hành vi cố tình giữ lại tài liệu mà không trao trả cho nhân viên chính phủ có thẩm quyền.

Trong trường hợp của ông Trump, đó là 13.000 tài liệu chính phủ, trong đó có khoảng 100 tài liệu được đánh dấu mật hoặc tối mật được Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) tìm thấy tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago hồi tháng 8-2022.

Đạo luật gián điệp là gì, tác động đến ông Trump thế nào? - Ảnh 3.

Ảnh chụp một số tài liệu mật được FBI tìm thấy tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago hồi tháng 8-2022 - Ảnh: BỘ TƯ PHÁP MỸ

Ông Trump phủ nhận mọi cáo buộc vi phạm. Cựu tổng thống cho rằng ông đã sử dụng quyền tổng thống để giải mật toàn bộ số tài liệu trên.

Tuy nhiên, Đạo luật gián điệp không yêu cầu cụ thể việc công tố viên chứng minh các tài liệu bị che giấu có phải tài liệu mật hay không. Phía ông Trump và các luật sư cũng chưa đưa ra bằng chứng về việc đã giải mật các tài liệu trên.

Theo Hãng tin Reuters, để kết tội ông Trump, Bộ Tư pháp Mỹ sẽ cần phải chứng minh rằng ông Trump cố tình giữ lại các tài liệu mật và không giao chúng cho chính phủ. Các công tố viên không cần phải chứng minh rằng ông Trump có biết đó là thông tin quốc phòng hay không.

Chính phủ Mỹ cũng sẽ cần đưa ra bằng chứng thu được từ luật sư riêng của ông Trump. Theo bản cáo trạng, ông Trump đã cố gắng nhờ luật sư riêng của mình nói dối chính phủ về sự tồn tại của các tài liệu mật, thậm chí còn yêu cầu luật sư tiêu hủy hoặc che giấu chúng.

Ông Trump bị cáo buộc nặng nhưng mức ủng hộ vẫn ổnÔng Trump bị cáo buộc nặng nhưng mức ủng hộ vẫn ổn

Việc cựu tổng thống Mỹ, ông Trump bị truy tố ở cấp liên bang đánh dấu một sự kiện nữa chưa từng ghi nhận trong lịch sử nước Mỹ. Lần này là Bộ Tư pháp Mỹ ra tay.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên