12/01/2009 14:16 GMT+7

Đánh thức tour đường sông

KHÁNH NGỌC - MINH PHƯỚC
KHÁNH NGỌC - MINH PHƯỚC

TTO - Một ngày cuối năm 2008, đoàn du khách khám phá tour đường sông khởi hành từ bến Bạch Đằng (Q.1, TP.HCM) hăm hở bước lên thuyền buồm Đông Dương để làm một chuyến xuôi theo sông nước xuyên rừng ngập mặn thẳng tiến về cửa biển Cần Giờ.

rHBS2vAK.jpgPhóng to
Thưởng ngoạn cảnh đẹp yên bình ven sông Lòng Tàu xanh mát rừng đước, rừng bần từ du thuyền Đông Dương - Ảnh: KH.NGỌC

Thú vị tour thuyền buồm

Ai đã từng dạo chơi vịnh Hạ Long thì không xa lạ gì với đội thuyền buồm với dạng thuyền rồng khá dày đặc ở vùng vịnh kỳ quan phía Bắc. Song đặt chân xuống thuyền buồm từ bến Bạch Đằng, mà là chiếc thuyền buồm đầu tiên của Sài Gòn, quả là cảm giác mới mẻ!

Du thuyền lướt đi trên mặt sông Sài Gòn êm như ru, lướt trên nước nhẹ nhàng, những ngọn gió thơm lành từ mặt sông thỏai mái ùa vào...

wcBerin7.jpgPhóng to
Đoàn du khách từ TP.HCM chuẩn bị lên thuyền buồm khởi đầu chuyến du hành trên sông từ bến Bạch Đằng

Gọi là thuyền buồm nhưng buồm chỉ mang tính cách trang trí. Chủ tàu - ông An Sơn Lâm, giám đốc công ty Thuyền Buồm Đông Dương, đã cho gắn động cơ ô tô vào tàu và xử lý tiếng ồn, độ rung để du khách có thể vô tư chuyện vãn và thưởng lãm cảnh đẹp hai bên bờ những đoạn sông mà thuyền lướt qua.

Kỳ thú sóng nước Cần Giờ

Thuyền xuôi về hướng Q.7, Nhà Bè để từ sông Sài Gòn đổ ra sông Lòng Tàu về hướng Cần Giờ. Và vô vàn cảnh đẹp cùng những sinh hoạt đời thường trên sông cứ nối nhau mở ra trước ống kính của đoàn du khách - nhà báo, khiến chúng tôi mỏi miệng xuýt xoa và mỏi... tay bấm máy.

Những cánh rừng đước, rừng bần ngập mặn hai bên bờ sông Lòng Tàu mang những cảnh sinh hoạt sông nước đẹp như tranh vẽ. Một làng thuyền chài nhỏ thong thả bỏ neo ven rừng đước xanh tươi. Chiếc xuồng ba lá lướt nhẹ nhàng như một chiếc lá xuôi dòng, mang theo trên mình nó người chồng trẻ đang mải miết chèo thuyền, và người vợ trẻ bình thản cho con nhỏ bú ở đuôi thuyền. Mấy cha con nhà nọ đang cùng buông câu trên thuyền trước nếp nhà mái đỏ soi bóng ven sông...

5UiWZLNY.jpgPhóng to
Thuyền rồng nghênh đón tàu hàng vào từ cửa biển Vũng Tàu - Ảnh: KH.NGỌC

Thuyền chúng tôi cặp vào một bến trung chuyển để canô đón vào khu du lịch sinh thái Vàm Sát - một trong những điểm đến của tour khám phá thiên nhiên bằng đường sông. Đây là một trong hai khu du lịch sinh thái phát triển bền vững nhất của thế giới tại Việt Nam do tổ chức Du lịch thế giới (WTO) công nhận.

Ven những dòng sông biếc xanh nguyên sơ, vài chú cò trắng tinh rải bước tìm mồi, bầy dơi quạ to lớn treo mình lủng lẳng trên cao tít những tán lá đước cao cả chục mét. Lũ dơi vẫn say ngủ mặc tình cho đoàn du khách rộn ràng chèo thuyền vào ngắm nhìn và bấm máy nhoay nhoáy. Khu bảo tồn động vật hoang dã đã được xây dựng thành nơi thu hút các loài động vật đến sinh sống và khôi phục môi trường tự nhiên của hệ sinh thái rừng ngập mặn vốn bị chiến tranh tàn phá từ 40 năm trước.

Chinh phục tháp Tang bồng cao 25 mét nằm giữa khu du lịch Vàm Sát là một trong những trò giải trí được nhiều bạn trẻ thích thú. Leo lên đỉnh tháp, phóng tầm mắt ra khắp vùng rừng ngập mặn bao phủ xanh ngắt chung quanh tràn ra đến tận đường chân trời mới thấy hết vẻ đẹp kỳ bí của rừng Cần Giờ, cũng như hiểu hơn giá trị quý giá của khu dự trữ sinh quyển thế giới của Cần Giờ mà UNESCO đã công nhận.

h3oUHtpL.jpgPhóng to
Tháp Tang bồng cao 25 mét, điểm chinh phục khó bỏ qua đối với du khách trẻ khi đến Vàm Sát - Ảnh: KH.NGỌC
i05GRnMk.jpgPhóng to
Nhìn từ tháp Tang bồng, rừng ngập mặn Cần Giờ xanh tươi trải dài ngút tầm mắt đến tận chân trời - Ảnh: KH.NGỌC

Và còn không ít trò vui khác để du khách mặc sức khám phá thiên nhiên rừng Vàm Sát: câu cá sấu hoa cà trên bè nổi, câu cua trong ao, chơi đùa với đàn khỉ hoang dã, chèo thuyền luồn lách trong rừng đước ngắm dơi... Những tiếng cười vui hồn nhiên đưa con người tan vào giữa thiên nhiên trong trẻo.

Khó lòng không nhắc đến đặc sản của rừng Vàm Sát mà đoàn du khách chúng tôi đã được đích thân giám đốc khu du lịch Vàm Sát - ông Hà Thanh Linh tỉ mỉ giới thiệu và hướng dẫn cách thưởng thức từng món một: lẩu "dê núi quá hải", rau bui chấm với mắm kho quẹt ăn với cơm nắm và khô cá dứa, cá rô biển chiên giòn, cùi dừa nước giòn ngọt...

Còn có một thứ đặc sản độc đáo khác riêng có của rừng ngập mặn Cần Giờ mà các cô gái trẻ đua nhau xách về làm quà tặng cho người yêu: chậu gốm nhỏ trồng cặp đước mà theo lời của giám đốc Linh thì cây đước đôi này mọc lên từ hạt đước đôi, chúng không bao giờ tách rời nhau, như là một sự minh chứng cho lòng chung thủy.

e4bQyI0G.jpgPhóng to
Học cách câu cua là trò chơi thú vị được nhiều người ưa thích tại khu du lịch Vàm Sát - Ảnh: KH.NGỌC
7MGyiZxw.jpgPhóng to
Khoe chiến lợi phẩm là chú cua "bự" vừa tóm được - Ảnh: KH.NGỌC
iLydxna4.jpgPhóng to
Một đặc sản riêng có của Cần Giờ: mầm đước đôi mọc từ hạt đước đôi, là biểu tượng cho tình yêu đôi lứa của miền duyên hải, được nhiều du khách thích thú sưu tầm - Ảnh: KH.NGỌC

Cần nhiều "nhà" bắt tay làm tour đường sông

Ngồi trong khoang thuyền buồm lộng gió sông, đoàn du khách - nhà báo chúng tôi cùng chia sẻ những ưu tư trăn trở của những người quản lý và người làm du lịch về nhiều việc chưa làm được để đưa tour đường sông đến với du khách.

Ông Võ Xuân Nam, chuyên viên phòng lữ hành Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch, cùng đi trong đoàn chia sẻ: "Du lịch đường sông chưa phát triển trong khi cơ sở du lịch bên sông rất nhiều. Một trong những nguyên nhân chính là không có bến rước khách và rất thiếu tàu du lịch. Một mắc mứu nữa là nhiều cây cầu bắc qua sông Đồng Nai xây dựng từ thời Pháp thuộc có độ tĩnh không thấp, thuyền không chui qua được gầm cầu nên phải leo lên bờ, rất bất tiện cho khách du lịch.

Rừng ngập mặn Cần Giờ chỉ là một trong những tour tuyến thuộc loại tầm trung của nhiều tuyến du lịch đường sông. Tour tầm ngắn có tuyến từ bến Bạch Đằng đi Bình Quới, Nhà Bè; Tour tầm trung từ Sài Gòn đi Củ Chi, Nhà Bè, Đồng Nai. Các tour này khai thác nét đặc thù về cảnh quan sông nước, đời sống cư dân dọc hai bên bờ, tham quan các làng nghề gốm sứ, sơn mài, vườn cây cảnh, cây ăn trái... dài theo bờ sông Sài Gòn đi qua Hóc Môn, Củ Chi, Lái Thiêu... Tour tầm xa có tuyến từ Sài Gòn xuôi theo sông nước đi các tỉnh miền Tây, Phnompenh - Campuchia.

Ông Nguyễn Văn Mỹ, giám đốc công ty dã ngoại Lửa Việt, người rất tâm huyết với tour đường sông bộc lộ: "Tuyến du lịch trên sông Sài Gòn chạy quanh thành phố rất đẹp nhưng chưa phát triển được. Có thể gọi đây là tour "rửa phổi" khi du khách được ngồi trên canô chạy với vận tốc cao trên sông băng giữa rừng tự nhiên của khu dự trữ sinh quyển thế giới. Giá tour vào khoảng 1,5 triệu đồng/người, đi và về bằng thuyền buồm trong hai ngày, thuộc loại tour rẻ và gần. Du khách còn có thêm kiến thức về hệ sinh thái động thực vật ngập mặn như các loại cây rừng ngập mặn đước, bần, bần ổi, tràm..., hệ động vật sống trong rừng ngập mặn...".

Ông Mỹ cho rằng, du lịch đường sông của TP.HCM rất giàu tiềm năng nhưng thiếu sự kết nối giữa tàu du lịch, khu du lịch và các công ty lữ hành để tổ chức thành tour tuyến sinh thái trên sông. Các đầu mối cần ngồi lại với nhau để tìm tiếng nói chung và sự liên kết chặt chẽ hầu đẩy tour khám phá thiên nhiên bằng đường sông phát triển mạnh từ đây đến những năm tới. Và nhạc trưởng ở đây phải là cấp sở và hiệp hội ngành du lịch.

ZosS9IOh.jpgPhóng to
Cùng mê mẩn thưởng ngoạn và ghi hình mặt trời lặn trên cửa biển Cần Giờ

Nhiều ý kiến từ cấp quản lý đến các hãng lữ hành tại một cuộc tọa đàm gần đây về đẩy mạnh du lịch sông nước đều cho rằng du lịch đường sông của TP.HCM còn lẻ mẻ, chưa tương xứng với tiềm năng sông nước dồi dào. Các doanh nghiệp du lịch cũng cho rằng cần có sự liên kết giữa các điểm đến nằm dọc theo tour đường sông và các đơn vị lữ hành, đưa ra những sản phẩm du lịch đặc trưng của từng miền sông nước, xây dựng thêm những bến tàu quy mô nhỏ ở các quận 2, 7, 9, Nhà Bè để dễ dàng liên kết giữa vận chuyển du khách đường thủy và đường bộ.

Cũng trong cuộc tọa đàm trên, ngành du lịch thành phố đã kiến nghị UBND TP.HCM giao cho Saigontourist cải tạo bến Bạch Đằng thành bến tàu chuyên dùng cho du lịch đường sông, đãi ngộ xứng đáng cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các điểm đến, phương tiện, bến tàu.

Trong ánh hoàng hôn vụt sáng ở cửa biển Cần Giờ và giữa những đợt sóng biển nhồi lắc thân tàu nôn nao, ông Mỹ kết lại những nỗi niềm về du lịch đường sông của mình bằng một tin vui: "Rất nhiều du khách trong và ngoài nước thích đi tour du lịch đường sông, đặc biệt là tour tuyến đi xuyên rừng ngập mặn Cần Giờ - khu dự trữ sinh quyển trong lành của thế giới. Vấn đề là chúng ta phải làm thế nào để du lịch đường sông trở thành sản phẩm thực sự hấp dẫn du khách khắp các vùng miền trên thế giới không chỉ trong một chuyến đi...". Câu trả lời vẫn còn để ngỏ cho ngành du lịch.

KHÁNH NGỌC - MINH PHƯỚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên