04/07/2016 00:04 GMT+7

Đánh bom khủng bố ở Baghdad: hơn 130 người thiệt mạng

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) lên tiếng nhận trách nhiệm vụ đánh bom kép tại Baghdad (Iraq) làm ít nhất 130 người thiệt mạng.

Khu dân cư sầm uất Karrada tan hoang sau vụ nổ bom xe - Ảnh: AFP
Khu dân cư sầm uất Karrada tan hoang sau vụ nổ bom xe - Ảnh: AFP

“Các hình ảnh (trên mạng) cho thấy chúng có thể được truyền cảm hứng từ các hoạt động của IS ở nước ngoài. Nhưng điều đó không cho thấy mối liên hệ trực tiếp với IS

MUHAMMAD ZAMIR (cựu quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Bangladesh)

Trên chiến trường, các lực lượng liên quân cùng lực lượng quân sự của Syria, Iraq, Libya liên tục tiến hành những chiến dịch tổng phản công khiến IS thiệt hại nặng về quân lực lẫn các vị trí chiến lược. Vì lẽ đó, các nhà quan sát quân sự cho rằng chúng tìm cách gây thanh thế trở lại bằng kiểu tấn công khủng bố.

Mất đất ở Iraq, đánh thủ đô Baghdad

Mới nhất là hai vụ tấn công bằng bom xe đẫm máu ở một khu chợ đông đúc của thủ đô Baghdad ngày 3-7 làm hơn 130 người thiệt mạng. Theo CNN, quả bom xe thứ nhất phát nổ trên một khu phố sầm uất ở khu trung tâm Karrada làm ít nhất 125 người thiệt mạng và 133 người bị thương. Quả bom thứ hai nổ sau đó ở khu chợ Shaab làm chết 5 người và 16 người bị thương.

IS nhanh chóng lên tiếng nhận trách nhiệm và khẳng định chúng nhắm đến cộng đồng người Hồi giáo Shiite sống tại khu vực này. Các vụ đánh bom này xảy ra trong bối cảnh tháng lễ ăn chay Ramadan sắp kết thúc và nhiều gia đình, thanh niên đổ ra các đường phố mua sắm sau khi mặt trời lặn.

Vài giờ sau hai vụ đánh bom khủng bố, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã có mặt tại hiện trường nhưng ông bị những đám đông giận dữ ném đá.

Dù Chính phủ Iraq liên tục tuyên bố “chiến thắng” ở nhiều mặt trận, mới đây nhất là thông tin giải phóng thành phố chiến lược Fallujah, nhưng nhóm khủng bố IS vẫn cho thấy chúng có khả năng tấn công ở cách nơi xa căn cứ của chúng.

Bí ẩn bọn khủng bố ở Bangladesh

Trong khi đó, vụ tấn công và bắt giữ con tin ở nhà hàng khu ngoại giao tại thủ đô Dhaka (Bangladesh) hôm 1-7 được xác định không phải do IS dù chúng nhanh chóng nhận trách nhiệm. Bangladesh đã tuyên bố hai ngày tưởng niệm 20 nạn nhân vụ tấn công, trong đó có 9 người Ý, 7 người Nhật và 1 người Mỹ.

Đại sứ Mỹ kêu gọi công dân ở Bangladesh cẩn trọng và tránh xa những chiếc xe khả nghi. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cũng ra tuyên bố “lên án mạnh mẽ vụ tấn công khủng bố ghê tởm và hèn hạ” ở thành phố Dhaka.

Sau vụ tấn công, IS nhanh chóng lên tiếng nhận trách nhiệm kèm với cảnh báo công dân những nước tham gia cuộc chiến chống khủng bố sẽ không an toàn. Chúng cũng tự nhận là thủ phạm của nhiều loạt tấn công ở Bangladesh vài tháng trở lại đây.

Tối 2-7, Bộ trưởng Nội vụ Bangladesh Asaduzzaman Khan khẳng định IS lẫn lực lượng al-Qaeda đều không liên quan trong vụ tấn công và thủ phạm là một nhóm phiến quân người Bangladesh thực hiện nhiều vụ giết người trong 18 tháng qua.

Tuy nhiên, nhóm mà ông Khan nhắc đến là Jamaat-ul-Mujahideen Bangladesh tự nhận mình là đại diện của IS tại Bangladesh. Vụ tấn công nghiêm trọng nhất của Jamaat-ul-Mujahideen Bangladesh là loạt đánh bom năm 2005 làm 25 người chết, chủ yếu là các thẩm phán, cảnh sát và phóng viên.

Dù vậy, phó tổng thanh tra cảnh sát Bangladesh Shahidur Rahman cho biết họ vẫn đang điều tra mối liên hệ giữa những kẻ tấn công và các nhóm khủng bố đa quốc gia như IS và al-Qaeda.

Các quan chức Bangladesh tiết lộ thêm những kẻ tấn công đều là con của những gia đình giàu có, quyền lực và được giáo dục tốt nhưng đã biệt tăm khỏi gia đình từ nhiều tháng qua.

Theo India Express, những kẻ tấn công ở độ tuổi 20, 21 và là sinh viên của những trường danh tiếng. “Có năm người trong nhóm của chúng trước đó đã bị liệt vào danh sách phiến quân và lực lượng hành pháp từng nhiều lần cố bắt chúng” - cảnh sát trưởng Bangladesh Shahidul Hoque nói với Reuters.

Vụ tấn công là đỉnh điểm bạo lực gây ra bởi những nhóm phiến quân đòi áp dụng luật Hồi giáo tại Bangladesh thời gian qua. Nhưng vụ tấn công diễn ra hôm thứ sáu, một trong những ngày cuối cùng của tháng Ramadan, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và phối hợp chặt chẽ giữa những tay súng so với các cuộc tấn công gần đây chủ yếu nhắm vào các cá nhân.

Một nguồn tin của Bangladesh cho biết chúng đã tách riêng con tin nước ngoài trước khi nổ súng. Chúng bắt con tin người Bangladesh đọc kinh Koran để chứng minh là người Hồi giáo.

Có hãng tin nói rằng những người vượt qua bài kiểm tra thì được tha, trong khi những người không đọc được kinh Koran bị tra tấn. Những kẻ tấn công thậm chí sử dụng điện thoại của các nạn nhân để đăng ảnh xác chết lên mạng xã hội.

Đức cảnh báo nguy cơ xảy ra tấn công

Đức mới đây lên tiếng cảnh báo những vụ tấn công như vụ bắn giết và đánh bom ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ có nguy cơ xảy ra tại Đức, trong bối cảnh nhiều phần tử của IS đã trà trộn trong dòng người tị nạn đổ vào nước này. Báo Frankfurter Allgemeine ngày 2-7 dẫn lời giám đốc Cơ quan Tình báo nội địa Đức Hans-Georg Maassen cho rằng lực lượng an ninh không thể đảm bảo ngăn chặn hết các vụ tấn công tương tự ở Istanbul xảy ra trong lãnh thổ Đức.

Theo các số liệu chính thức, có khoảng 200.000 người tị nạn vào Đức tính từ tháng 1-2016. Trong số này, chính quyền Đức phát hiện 17 phần tử IS, phần lớn đều đã bị bắt hoặc chết và truy dấu hơn 320 mối liên hệ giữa người tị nạn trong nước với IS.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên