17/10/2020 15:03 GMT+7

Đàn ông không được rửa bát quét nhà

NGUYỄN THU QUỲNH
NGUYỄN THU QUỲNH

TTO - Nghiên cứu do một phụ nữ chủ trì (*) vừa công bố về nam giới Việt Nam cho thấy bổn phận phải trở thành một người đàn ông đích thực chính là một trong những căn nguyên gây nên áp lực tinh thần cho họ.

Đàn ông không được rửa bát quét nhà - Ảnh 1.

Từ tấm bé, nam giới đã được kiến tạo bởi khuôn mẫu này, được củng cố bởi một nền tảng gốc rễ là cấu trúc trọng nam truyền thống và khó tìm cách thay đổi. Nữ giới cũng chịu hệ quả xấu từ hiện trạng này.

"Làm trai cho đáng nên trai" đã là câu thành ngữ cửa miệng bắt nhịp vào đời sống của mỗi gia đình ngay từ khi các gia đình bắt đầu nuôi dạy một bé trai. Các nhà nghiên cứu xã hội gọi đó là một quá trình "xã hội hóa giới" (gender socialization) một đứa trẻ.

Phái mạnh bất ổn

Nhưng thế nào là "đáng nên trai"? Câu hỏi tưởng như rất đơn giản này đã góp phần hé mở những hiểu biết căn bản về thước đo, hay "khuôn mẫu" giới, dành cho nam trước đây chưa hề được đề cập để lượng hóa trong các nghiên cứu về con người ở Việt Nam. 

Quá trình "xã hội hóa" một bé trai ở Việt Nam có những vấn đề gì đặt ra cũng ít được phân tích. 

Hầu hết mỗi người thường tự hình dung bằng cảm nhận và trải nghiệm trong đời sống, thay vì có những khảo sát ở phạm vi rộng. Sự im ắng, thiếu vắng nghiên cứu này trái ngược với một xu hướng tìm hiểu, chỉ ra từ điểm tốt cho tới thói hư tật xấu rồi so sánh đàn ông Việt với Tây đang nở rộ trên nhiều diễn đàn.

Một "phái mạnh" (và buộc luôn phải mạnh) được coi đương nhiên là có nhiều ưu trội, về mặt giới luôn là giới nắm quyền chi phối (các) giới còn lại, lãnh đạo xã hội, đảm đương nhiều trọng trách rường cột nên cũng mặc nhiên không cần được nghiên cứu suốt bao năm qua. 

Điều này trái ngược với phụ nữ, phái yếu thế hơn. Trong suốt mấy chục năm qua, phụ nữ lên tiếng nhiều và tự tiến hành các nghiên cứu về cái gọi là bổn phận của nữ giới - vốn gắn quá chặt với một ý thức hệ phụ hệ phụ quyền đòi hỏi phụ nữ phải nhún nhường, phải lệ thuộc vào nam giới và đòi được giảm bớt sự lệ thuộc ấy.

Hệ quả là trong khi các chị em có thể rành mạch chỉ ra nữ giới Việt Nam đang phải đảm đương những nhiệm vụ gì, vấp phải bao nhiêu rào cản với sự phát triển của phụ nữ, đòi hỏi nữ giới được giải phóng khỏi các lực cản không cần thiết thì không mấy ai trong cánh mày râu biết rõ có bao nhiêu trở lực đối với các anh, các anh đang gặp phải những khó khăn đặc thù gì mà chỉ nam giới mới phải gánh chịu.

Việc lờ đi nam giới Việt Nam trong các nghiên cứu về con người đó, việc xã hội và chính người đàn ông không tự đặt câu hỏi cho mình thực ra là sự tự che mắt cứ bước về phía trước mặc cho những thực tế nguy hiểm có thể tới. 

Ví dụ, sẽ không ai hiểu điều gì khiến tỉ lệ tự sát của đàn ông Việt - nhóm được cho là nhiều ưu thế - luôn cao hơn hẳn so với nữ vốn luôn là phái được tin là chịu nhiều khổ sở. 

Số liệu của Ngân hàng Thế giới vào năm 2016 (1) cho thấy tỉ lệ tự sát của nam giới Việt Nam là 10,8/100.000, trong khi ở phụ nữ kém gần 3 lần với khoảng 3,7/100.000, cũng như cao hơn hẳn tỉ lệ trung bình của Việt Nam ở khoảng 7,3/100.000 (so với năm 2000, tỉ lệ này tương ứng là 10 - 3,6 - 7, nghĩa là tỉ lệ tự tử ở nam giới vẫn tăng nhanh rõ rệt hơn so với nữ).

Tương tự, không ai biết liệu có phải đàn ông sinh ra đã có bản tính giới là bạo lực, hay trấn áp người khác không nhưng các thực hành tiêu cực với bản thân như rượu bia nhiều, lái xe ẩu, tai nạn hầu như chỉ gắn liền với đàn ông.

Đã nhiều năm qua, các con số điều tra khảo sát nào cũng cho thấy các kết quả tương tự: cứ 10 đàn ông Việt thì 7 ông uống, thậm chí ¼ số đó uống ở mức có hại; gần một nửa đàn ông Việt hút thuốc; 80% các vụ tai nạn là do nam, dù nam nữ tham gia giao thông như nhau. Và rượu là 1 trong 5 nguyên nhân hàng đầu gây tai nạn.

Sự im ắng trong nghiên cứu và thảo luận về nam giới Việt này khá trái ngược với thế giới. 

Trong 20-30 năm qua, các nghiên cứu nam giới đã được thúc đẩy ngày càng nhiều hơn; hàng loạt tạp chí, tổ chức nghiên cứu dành riêng cho việc phân tích chân dung nam giới, nam tính hoặc ở từng khía cạnh như tâm lý, bản sắc văn hóa tác động tới nam giới, nam tính trong bối cảnh chuyển đổi xã hội... ra đời nhằm tìm hiểu những gánh nặng nào đang đè lên một nửa của thế giới. 

Trong đó, giới nghiên cứu chẻ ra những vấn đề sức khỏe thể chất và tinh thần cụ thể gắn với những đặc thù giới, với hàng loạt khuyến cáo chi tiết về những gì cần thay đổi để người đàn ông cải thiện môi trường sống lành mạnh hơn cho họ (2).

Khi khám phá nam giới như một thế giới đa dạng có nhiều nhóm, các nhà nghiên cứu đã thảo luận về việc có nhiều loại nam tính khác nhau như nam tính bá quyền, nam tính trực thuộc/phụ thuộc, nam tính đồng lõa, nam tính bị ngoại biên hóa/lề hóa. 

Trong đó, cuộc thảo luận về nam tính bá quyền (3) (hegemonic masculinity) - với bản sắc đặc trưng ưa thích bạo lực, xâm lược, khắc kỷ, đề cao lòng dũng cảm, độ dẻo dai, thích phiêu lưu mạo hiểm, chinh phục, khả năng cạnh tranh, lập chiến tích... là kiểu nam tính được nam giới đánh giá cao nhất và có nhiều quyền lực nhất - cho thấy nếu mẫu hình này được đề cao thái quá thì sẽ để lại nhiều hệ lụy với cả nam giới và các nhóm khác vì nó quá gây áp lực cho nam giới và các giới còn lại.

Đàn ông không được rửa bát quét nhà - Ảnh 2.

Kẹt giữa hiện đại và truyền thống?

Bởi câu hỏi này không được tự đặt ra nên cả xã hội, và đặc biệt là nam giới, đã vô tình lướt qua một vấn đề nữa. 

Phải chăng những người đàn ông Việt Nam đang ở trong một nan đề vừa phải đáp ứng những đòi hỏi hiện đại (là trụ cột trong gia đình, rường cột quốc gia, bắt kịp và đáp ứng tất cả những yêu cầu của một xã hội ngày càng đề cao nhu cầu vật chất) nhưng đồng thời vẫn bảo lưu những mong mỏi của một cấu trúc xã hội truyền thống trọng nam vốn yêu cầu người đàn ông phải hoàn thành nhiều bổn phận với gia đình, dòng họ?

Truyền thống trọng nam bền bỉ chưa bao giờ ngừng chảy tại Việt Nam, thậm chí vẫn tiếp tục mạnh hơn trong một thế giới hiện đại: những năm 2000, tỉ số giới tính khi sinh của Việt Nam vẫn ở mức cân bằng sinh học (từ 102 - 106 bé trai/100 bé gái), nhưng khi Việt Nam bắt đầu hiện đại hơn, giàu có hơn, cởi mở hơn với thế giới bên ngoài thì tỉ số giới tính khi sinh không cân bằng như thế nữa. 

Có một điều gì đó đã thúc đẩy sự chênh lệch này: tỉ số giới tính tăng nhanh kể từ 2004 và vọt lên mức 112,1 bé trai/100 bé gái vào năm 2017. Đặc biệt là ở lần sinh con thứ ba đã tăng đến mức 120 bé trai/100 bé gái (trong giai đoạn 2010-2014).

Trong những gia đình mà đứa bé thứ ba rốt cuộc là một bé trai, sự xuất hiện của em cất đi gánh nặng cho cả gia đình, thậm chí dòng họ: họ đã có người "nối dõi tông đường". 

Nhưng đó cũng là lúc gánh nặng của bé trai ấy bắt đầu: bé phải trở thành một người đàn ông hiện đại nhưng đồng thời gìn giữ bổn phận, trọng trách với gia đình, dòng họ. 

Người đàn ông Việt nói chung, đặc biệt là những đứa bé trai được chọn lọc để gánh chở những kỳ vọng của một cấu trúc trọng nam truyền thống suốt cả nghìn năm, có cần phải được giải phóng, giảm bớt những bổn phận ấy không? Nếu không thì điều gì xảy ra?

Phải đến nghiên cứu Nam giới và nam tính trong một Việt Nam hội nhập (tiến hành năm 2019, mới công bố tháng 10-2020) của TS Khuất Thu Hồng, Viện Nghiên cứu phát triển xã hội - ISDS, và cộng sự, những câu hỏi này mới dần dần có thể trả lời. 

Khái niệm "thế nào là một người đàn ông đích thực" mới được mang ra thảo luận, đong đếm. Quá trình xã hội hóa cái gánh nặng đan bện giữa cả hiện đại và quá khứ mới được thảo luận.

Câu hỏi này được mang tới hơn 2.500 người đàn ông ngẫu nhiên, ở cả nông thôn và thành thị, trong 4 tỉnh để họ tự trả lời. Nhờ đó, lần đầu tiên các giới khác được biết đàn ông Việt đang đứng trước những nguy cơ về sức khỏe thể chất và tinh thần cụ thể ra sao: 

Trong vòng 1 năm, tỉ lệ có hành vi nguy cơ và tiêu cực đều cao (từng uống rượu bia tới say xỉn và hút thuốc lá lần lượt là 58% và 67%), trải qua cảm giác "cô đơn lạc lõng" lên tới 17.5%, "cảm thấy chán nản thất vọng" (19%) và "nghĩ cuộc đời mình thất bại" (9.4%), mà nặng nề nhất là nhóm nam giới trẻ và sinh sống ở đô thị.

Và những nguy cơ ấy đều được "điểm mặt chỉ tên" với mối liên quan tới một "thủ phạm" vô hình: áp lực phải hoàn thành bổn phận đàn ông.

Hãy nghe hơn 2.500 người đàn ông tự kiểm kê hình mẫu "người đàn ông đích thực" mà họ kỳ vọng, hoài mong.

Về sự nghiệp: người đàn ông đích thực ưu tiên sự nghiệp, coi trọng học vấn và bằng cấp, phấn đấu vào Đảng Cộng sản và có vị trí cao trong cơ quan nhà nước, làm những công việc có tay nghề chuyên môn/kỹ thuật cao, trở thành người lãnh đạo và ra quyết định.

Về năng lực và tư cách: người đàn ông đích thực có một cơ thể khỏe mạnh, biết sử dụng thành thạo công nghệ hiện đại, có quan hệ xã hội rộng, có phong thái mạnh mẽ, cử chỉ dứt khoát, ăn to nói lớn, biết chấp nhận mạo hiểm và thử thách, tính cách mạnh mẽ, không tỏ ra yếu mềm, và biết uống rượu giỏi.

Về sinh lực: người đàn ông đích thực có khả năng tình dục cao, có nhiều kinh nghiệm tình trường, luôn chủ động và dẫn dắt khi quan hệ tình dục.

Về gia đình: người đàn ông đích thực lấy vợ, sinh con, là trụ cột trong gia đình và kiếm đủ tiền nuôi được vợ con, và có trách nhiệm thờ cúng tổ tiên.

Đây là những giá trị xã hội phổ quát đang xác lập thân phận của mỗi người đàn ông, kể từ khi còn là một đứa trẻ nằm nôi.

Đàn ông không được rửa bát quét nhà - Ảnh 3.

Ông khổ thì bà cũng bất hạnh

Nếu người đàn ông không thực hiện được hết những bổn phận ấy? Trong một cấu trúc xã hội phân cấp theo giới, khi nam giới cảm thấy quyền lực, vị thế thượng đẳng của mình không thể đạt được thì sự căng thẳng vai trò giới xảy ra. 

Điều đó không chỉ ảnh hưởng xấu tới nam giới mà còn các giới khác ở bên dưới họ trong hệ thống. Nghiên cứu này đã cho thấy nam giới càng ủng hộ các chuẩn nam tính hay các khuôn mẫu giới về đàn ông thì càng có xu hướng thực hiện nhiều hành vi nguy cơ, hành vi kiểm soát, bạo lực với bạn tình, ép buộc bạn tình trong đời sống tình dục và càng thiên vị con trai.

Sự mắc kẹt giữa hiện đại và truyền thống của đàn ông Việt thể hiện rất rõ ở việc những đòi hỏi của họ dành cho phụ nữ vẫn rất nhấn mạnh vào vai trò chăm sóc gia đình như "đảm đang quán xuyến", "luôn đồng ý với chồng", "nhường nhịn, hi sinh cho gia đình", "có nhiều thời gian cho gia đình". Tỉ lệ người đàn ông mong muốn vợ mình đảm bảo các tiêu chí trên lên tới 70%, thậm chí gần 90%.

So với nghiên cứu cách đây gần 10 năm của UNFPA (7), những quan niệm này hầu như không thay đổi: đa số (81%) cho rằng "nam giới nên đưa ra quyết định cuối cùng trong tất cả các vấn đề của gia đình" và có đến 78% cho biết "vai trò quan trọng nhất của phụ nữ là chăm sóc nhà cửa và nấu ăn cho gia đình mình".

Thậm chí, gần 2/3 nam giới (62%) được hỏi đã tán thành mệnh đề "một khi phụ nữ đã kết hôn sẽ thuộc về gia đình nhà chồng". Những người đàn ông vẫn kỳ vọng "xem việc trong bếp biết nết đàn bà" chứ chưa chờ đợi những người phụ nữ được giải phóng sẽ sáng tạo gì, có những thành quả gì trong sự nghiệp, họ vẫn luôn kỳ vọng phụ nữ phải khép nép dưới mình một bậc.

Cả nghiên cứu này ở Việt Nam cũng như trên thế giới đều cho thấy khuôn mẫu giới "nhào nặn" một đứa trẻ từ khi chào đời sẽ quyết định tới tâm lý, tình cảm, thái độ của chúng. Trải nghiệm bạo lực từ gia đình và xã hội, việc chứng kiến nam giới bạo hành phụ nữ từ thuở nhỏ sẽ ảnh hưởng tới xu hướng kiểm soát hoặc bạo lực với bạn đời khi trẻ trưởng thành.

Chừng nào nam giới còn trải nghiệm bạo lực, áp lực thì điều đó còn gây tai họa cho nữ giới: 60% nam giới từng gây ít nhất một kiểu bạo lực (thể xác, tình dục, tinh thần, kinh tế hay kiểm soát hành vi) với bạn đời của mình. 

Gần một nửa nữ giới từng bị bạn đời bạo lực tinh thần trong đời, cứ 5 phụ nữ Việt Nam thì có một phụ nữ (20,6%) bị bạn đời bạo lực kinh tế trong đời, hơn 1/4 (27,3%) phụ nữ phải chịu một hoặc nhiều dạng bạo lực kiểm soát hành vi từ bạn đời trong đời. (8)

Đến nay, nhìn chung các nghiên cứu trên thế giới cho thấy nam giới có thể tăng bạo lực, hung hăng khi không đáp ứng được kỳ vọng phải đạt được nam tính chuẩn mực (4). Và sự căng thẳng vai trò giới của nam (masculine gender role stress) có liên quan tới tình trạng bạo lực của nam giới với các nhóm yếu thế hơn (5) (mà cho đến nay chưa điều gì có thể thay đổi được một thực tế đáng kinh sợ là 38% các vụ giết phụ nữ là do chính bạn tình, bạn đời gây ra (6)).

Từ đó, các nhà nghiên cứu đề xuất phải nghiên cứu và tìm cách giảm bớt áp lực cho nam giới với việc thay đổi nhận thức và bắt đầu từ gốc rễ "xã hội hóa đàn ông" từ khi còn là một đứa trẻ sao cho lành mạnh.

Và đương nhiên, khi môi trường sống lành mạnh hơn cho nam thì các giới còn lại cũng được hưởng lợi, chí ít là giảm bớt những gánh nặng bạo lực do những người đàn ông chịu áp lực và dồn lên các giới yếu thế hơn cũng như dồn lên những nhóm yếu ớt hơn trong chính giới nam.

*********

Chú thích:

(*) "Nam giới và nam tính trong một Việt Nam hội nhập" (tiến hành năm 2019, công bố tháng 10-2020) của TS Khuất Thu Hồng, Viện Nghiên cứu phát triển xã hội ISDS và cộng sự.

1) https://data.worldbank.org.

2) Baugher, A.R. & Gazmararian, J.A., Masculine Gender Role Stress and Violence: A Literature Review and Future Directions, Aggression and Violent Behavior (2015).

3) Khởi nguồn với nam tính, Raewyn Connell (NXB Đại học California).

4) Berke, D. S., & Zeichner, A. (2016). Man's heaviest burden: A review of contemporary paradigms and new directions for understanding and preventing masculine aggression. Social and Personality Psychology Compass.

5) UN women, Understanding masculinities and violence against women and girls.

6) WHO, Violence against women (www.who.int).

7) Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UNFPA), Nghiên cứu về giới, nam tính và sự ưa thích con trai ở Nepal và Việt Nam, 2012.

8) Bộ LĐ - TB&XH, Tổng cục Thống kê và Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, Báo cáo Điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019.

Quảng cáo đàn ông không biết thay tã, giảm cân… sẽ bị cấm Quảng cáo đàn ông không biết thay tã, giảm cân… sẽ bị cấm

TTO - Những quảng cáo chứa đầy sự định kiến về giới tính đã buộc các tổ chức liên quan của Anh đưa ra những quy định quảng cáo cụ thể nhằm tránh gây tổn thương tâm lý và tạo sự bình đẳng giữa mọi người dân.

NGUYỄN THU QUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên