17/01/2021 09:05 GMT+7

Đại sứ Kritenbrink: Mỹ - Việt có tầm nhìn, lợi ích tương đồng

QUỲNH TRUNG - KHOA THƯ thực hiện
QUỲNH TRUNG - KHOA THƯ thực hiện

TTO - Đại sứ Daniel Kritenbrink được gọi là đại sứ của những "lần đầu tiên", như lần đầu tiên viếng nghĩa trang Trường Sơn hay thăm cầu Hàm Rồng. Trong nhiệm kỳ của ông, hai tàu sân bay Mỹ đã đến thăm Việt Nam.

Đại sứ Kritenbrink: Mỹ - Việt có tầm nhìn, lợi ích tương đồng - Ảnh 1.

Đại sứ Kritenbrink - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Tôi thường ví von rằng trong tương lai quan hệ Mỹ - Việt giới hạn là bầu trời. Nếu chúng ta tiếp tục củng cố niềm tin và giải quyết các vấn đề trong quá khứ một cách rốt ráo, không gì là chúng ta không thể làm cùng nhau. Mỹ đã học được từ quá khứ một điều rằng chúng tôi không thể thúc ép Việt Nam làm bất cứ điều gì. Tất cả những gì chúng ta đạt được hôm nay đều dựa trên những lợi ích chung.

Đại sứ Daniel Kritenbrink chia sẻ với phóng viên Tuổi Trẻ đầu tuần này.

Trong hơn 3 năm qua dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, đại sứ Daniel Kritenbrink đã có những đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ Việt - Mỹ ở nhiều lĩnh vực. Nhân dịp gần kết thúc nhiệm kỳ, ông dành cho Tuổi Trẻ cuộc phỏng vấn riêng.

Ông được gọi là đại sứ của những "lần đầu tiên", như lần đầu tiên viếng nghĩa trang Trường Sơn hay thăm cầu Hàm Rồng. Trong nhiệm kỳ của ông, hai tàu sân bay Mỹ đã đến thăm Việt Nam.

Trong hoạn nạn mới biết ai là bạn

* Ngay trước và sau cuộc bầu cử 3-11 vừa qua, Ngoại trưởng Mike Pompeo và Cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien đã thăm Việt Nam. Hai chuyến thăm này gửi thông điệp gì, thưa ông?

- Cả hai chuyến thăm đều nhằm mục đích kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao. Trong những chuyến thăm này, các lãnh đạo cấp cao cũng đã có những trao đổi quan điểm, tầm nhìn về tương lai khu vực cũng như những thách thức hiện hữu và các công việc cần làm để vượt qua.

Ngoại trưởng Pompeo đã công bố gói hỗ trợ 2 triệu USD cho việc khắc phục hậu quả lũ lụt miền Trung và Cố vấn an ninh O’Brien đã công bố thêm 20 triệu USD cho việc khắc phục dioxin tại sân bay Biên Hòa.

Hai bên cũng có trao đổi về việc xây dựng đại sứ quán mới tại Hà Nội và Washington D.C. Nhiều bạn bè của tôi cũng ngạc nhiên về việc hai chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao Mỹ đến Việt Nam được thông báo sát giờ. Điều này cho thấy bước phát triển đặc biệt trong quan hệ của hai nước.

* Kinh tế - thương mại rõ ràng là một trong những trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương. Nhìn một cách tổng quan, hai nước đã được tiến triển như thế nào, đặc biệt là trong năm 2020 bị đại dịch COVID-19 phủ bóng?

- Thương mại Mỹ - Việt đã có bước phát triển vượt bậc từ khoảng 100 triệu USD vào năm 1994 lên gần 80 tỉ USD hiện nay. Mỹ hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Ngược lại, các công ty Mỹ cũng nhìn ra nhiều cơ hội đầu tư ở Việt Nam trên nhiều lĩnh vực như y tế, năng lượng, phát triển cơ sở hạ tầng hay công nghệ thông tin.

Hai bên cũng đang gặp phải những thách thức lớn như rào cản tiếp cận thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp, ôtô cũng như vấn đề thặng dư thương mại. Tin tốt là hai nước luôn thể hiện thiện chí giải quyết các vấn đề này một cách tôn trọng và hợp tác.

2020 là một năm đầy thách thức dưới tác động của COVID-19. Tuy vậy, chúng ta cũng có thể nhìn thấy điểm sáng lớn trong hợp tác y tế.

Hơn 20 năm qua, Mỹ đã hỗ trợ hàng tỉ USD cho lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của Việt Nam cũng như 100 máy thở để giúp Việt Nam ứng phó với COVID-19.

Cùng lúc, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã quyên góp hàng triệu khẩu trang và trang phục bảo hộ cho nhân dân Mỹ, giúp cứu sống nhiều người dân và nhân viên y tế Mỹ.

Chúng ta vẫn thường nói: "Trong hoạn nạn mới biết ai là bạn". Những thách thức của năm 2020 đã soi tỏ các lĩnh vực mà Mỹ và Việt Nam có thể làm cùng nhau với tư cách là đối tác, bạn bè - đó là y tế, kinh tế, thương mại, an ninh, ngoại giao nhân dân và giải quyết hậu quả chiến tranh. Tôi tin rằng những hợp tác này sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa trong tương lai.

Đại sứ Kritenbrink: Mỹ - Việt có tầm nhìn, lợi ích tương đồng - Ảnh 3.

Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám ngày 17-11-2020 - Ảnh: HẢI PHẠM

Xây dựng tương lai từ tôn trọng quá khứ

* Nhìn lại nhiệm kỳ qua, đâu là thành tựu có ý nghĩa nhất với ông?

- Ở bình diện cá nhân, điều có ý nghĩa nhất mà tôi và các đồng nghiệp đã làm là vấn đề hòa giải sau chiến tranh. Tôi là đại sứ Mỹ đầu tiên đến viếng nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, nghĩa trang liệt sĩ TP.HCM và nghĩa trang Biên Hòa.

Tôi cũng đã chứng kiến hai cựu binh Mỹ - Việt dắt tay nhau đi qua cầu Hàm Rồng ở Thanh Hóa. Những sự kiện đó khiến tôi - một đại sứ Mỹ và cũng là một công dân Mỹ - vô cùng cảm động. Chúng tôi cũng đang triển khai các dự án lớn hỗ trợ Việt Nam khắc phục dioxin.

Tôi nhớ rằng khi tôi mới đặt chân đến Việt Nam, tùy viên quốc phòng của chúng tôi - một người Mỹ gốc Việt - đã nói rằng hai nước sẽ luôn luôn phải tiếp tục giải quyết vấn đề hậu quả chiến tranh.

Tôi đồng tình với anh ấy rằng chúng ta sẽ không và không được quên những điều đã xảy ra, cố gắng từng bước để giải quyết hậu quả và biến sai thành đúng. Một vị tướng quốc phòng Việt Nam nói với tôi rằng nếu chúng ta tiếp tục công tác khắc phục hậu quả chiến tranh sẽ mở ra cánh cửa cho những hợp tác chiến lược lớn hơn.

Là một đại sứ Mỹ, tôi không thể cứ thế viếng thăm nghĩa trang Trường Sơn mà nếu Chính phủ Việt Nam không cảm thấy thoải mái và đồng ý. Về phía người Mỹ, đây cũng là vấn đề đau thương và nhạy cảm.

Do đó, đây là một đặc ân khi tôi đến Việt Nam vào đúng thời điểm mà quan hệ và lòng tin giữa hai nước đã chạm ngưỡng cho phép tôi được làm những điều từng được coi là nguy hiểm hay cấm kỵ.

Tôi hi vọng rằng đây chỉ mới là bước khởi đầu cho các hoạt động định kỳ sau này. Niềm tin mà hai bên vun đắp được là nhờ chúng ta đã dám đối diện một cách thành thật và sòng phẳng các vấn đề trong quá khứ.

Đại sứ Kritenbrink: Mỹ - Việt có tầm nhìn, lợi ích tương đồng - Ảnh 4.

Chia sẻ với báo chí về lần ghé thăm Văn Miếu, đại sứ Kritenbrink ấn tượng với những thông tin về truyền thống hiếu học của người Việt - Ảnh: HẢI PHẠM

Lạc quan về quan hệ Việt - Mỹ thời ông Biden

* Trong suốt những năm của chính quyền Tổng thống Trump, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương xuất hiện dày đặc trên truyền thông thế giới. Tầm nhìn của Mỹ đối với vai trò của Việt Nam trong khu vực ra sao?

- Việt Nam, cùng với các nước ASEAN khác, là trọng tâm trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ.

Nhìn vào lịch sử, chúng tôi nhận ra Mỹ chỉ có thể mạnh hơn, an toàn hơn và thịnh vượng hơn khi các đồng minh, bạn bè và đối tác của Mỹ ổn định, thành công và mạnh mẽ.

Bởi vì khi chúng tôi làm việc với những nước chia sẻ chung giá trị như Việt Nam, chúng ta sẽ đạt được những mục tiêu chung cũng như đảm bảo được các quy tắc được tin tưởng sẽ đóng góp vào hòa bình, ổn định của khu vực, nơi các bên tuân thủ luật pháp và giải quyết các xung đột bằng biện pháp hòa bình, nơi các nước lớn không ăn hiếp các nước nhỏ, nơi thương mại được tự do và thị trường rộng mở, tạo điều kiện cạnh tranh để phục vụ lợi ích của người dân.

Việt Nam khớp với viễn cảnh đó, bởi vì đây là một trong những nước thành công nhất khu vực Đông Nam Á cũng như tầm nhìn và lợi ích của hai nước là tương đồng.

* Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có tầm quan trọng thế nào trong việc đảm bảo ổn định ở Biển Đông?

- Là một cường quốc hàng hải, chúng tôi tin rằng tự do hàng hải, hàng không cũng như các nguyên tắc nền tảng của luật pháp quốc tế là tối quan trọng với thương mại quốc tế, hòa bình và ổn định trên toàn thế giới.

Tình huống nghiêm trọng nhất trong quan hệ quốc tế là khi chân lý thuộc về kẻ mạnh. Không có luật pháp, người mạnh nhất, hung hăng nhất sẽ luôn thắng. Thực tế chúng ta có trật tự quốc tế dựa trên luật pháp nơi các quốc gia phải chơi đúng luật.

Tại Biển Đông, điều này đang bị thách thức. Đó là lý do tại sao chúng tôi phải lên tiếng mạnh mẽ về vấn đề này. Tất cả các nước đều nên được hưởng lợi ích này và tôi nghĩ chúng ta có thể làm việc cùng nhau để giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình trong những năm tới đây.

Tôi không có tư cách để phát ngôn cho chính quyền của Tổng thống đắc cử Joe Biden về cách tiếp cận với vấn đề Biển Đông sắp tới. Tuy nhiên, tôi dự đoán rằng Mỹ sẽ tiếp tục các chính sách và cách tiếp cận tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Ở mỗi thời kỳ chuyển giao quyền lực, tất nhiên sẽ có những chính sách bị thay đổi. Tuy nhiên, vì lợi ích thiết thân của Mỹ phụ thuộc vào sự thịnh vượng và ổn định của khu vực này, khả năng cao là nó sẽ được tiếp tục thực thi.

* Ông có kỳ vọng gì về quan hệ Việt - Mỹ dưới thời ông Biden?

- Tôi nhìn thấy nhiều khả năng nối tiếp các thành công mà chúng ta đã cùng nỗ lực vươn tới từ năm 1995 đến nay. Mối quan hệ nào cũng có lúc này lúc khác, như hôn nhân vậy, ở đây là tôi nói từ kinh nghiệm cá nhân.

Nhưng tôi nghĩ hai nước sẽ tiếp tục giải quyết các khác biệt một cách tôn trọng và xây dựng như chúng ta đã từng trong 25 năm qua. Tôi rất lạc quan về quan hệ hai nước.

Ở Việt Nam là "giấc mơ đẹp"

* Tháng 11-2017, trong cuộc trả lời báo chí Việt Nam đầu tiên (báo Tuổi Trẻ), ông có chia sẻ rằng trở thành đại sứ ở Việt Nam là "giấc mơ thành hiện thực". Sau 3 năm, ông có muốn "tỉnh dậy" khỏi giấc mơ này. Có điều gì ông thấy luyến tiếc không?

- Nhận nhiệm vụ này thực sự là giấc mơ thành hiện thực đối với tôi. Tôi hiểu rằng đây là công việc vinh quang nhưng cũng lắm thách thức. Việc tôi không ngờ đến là tình cảm nồng hậu mà người dân Việt Nam dành cho tôi, dù là đối với một đại sứ Mỹ hay một người nước ngoài bình thường mà họ bắt gặp trên đường phố.

Tôi đến đây không chỉ với vai trò một nhà ngoại giao mà còn là một người chồng, người cha. Những trải nghiệm ở đây là quá đỗi tuyệt vời với vợ và hai con tôi khi kết bạn với những người Việt, đến trường, đi đây đó dọc dải đất chữ S, từ Hà Giang cho tới tận Cần Thơ.

Nếu có một niềm luyến tiếc nhỏ, tôi ước mình đã có thể đi được nhiều nơi hơn. Nhìn một cách tích cực, tôi để dành cơ hội đó khi trở lại Việt Nam những lần sau nữa. Tôi cũng muốn cải thiện tiếng Việt của mình.

Từ tận đáy lòng, tôi không nghĩ đây là thời gian "tỉnh dậy" từ một giấc mơ đẹp. Tôi đã sống trong giấc mơ đời mình ở Việt Nam và tôi hi vọng sẽ được quay trở lại nhiều lần nữa.

Nước Mỹ sẽ vượt qua khó khăn

* Chúng tôi rất lấy làm tiếc với những gì đã xảy ra tại Đồi Capitol hôm 6-1. Ông có suy nghĩ gì về sự cố vừa qua?

- Quả là một năm khó khăn với COVID-19 và những gì xảy ra ở Đồi Capitol. Tuy nhiên, tôi có niềm tin rằng tất cả rồi sẽ qua. Tôi rất lạc quan về tương lai của nền dân chủ Mỹ cũng như quan hệ Mỹ - Việt.

Chúng tôi đã đi một quãng đường dài phấn đấu để tốt hơn từ năm 1776, cho quyền lợi của mỗi người dân Mỹ. Đó là con đường không hề dễ dàng, từ thuở lập quốc đến nội chiến đến thời kỳ tái thiết, phong trào quyền công dân rồi đòi quyền cho cộng đồng LGBT.

Lịch sử nước Mỹ là một chuỗi tranh đấu bất tận để đảm bảo rằng mọi công dân Mỹ có thể thụ hưởng các quyền mà họ được trao trong Hiến pháp Mỹ. Con đường đó không dễ dàng và luôn có xung đột, nhưng tôi tin rằng chúng tôi sẽ vượt qua.

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ: Dù ai là tổng thống, Việt - Mỹ vẫn bền chặt Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ: Dù ai là tổng thống, Việt - Mỹ vẫn bền chặt

TTO - Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien kết thúc chuyến thăm chính thức Việt Nam kéo dài hai ngày hôm 22-11 bằng sự kiện giao lưu với các sinh viên Học viện Ngoại giao tại nhà khách Chính phủ ở Hà Nội.

QUỲNH TRUNG - KHOA THƯ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên