31/10/2021 09:00 GMT+7

Đại sứ Hoàng Anh Tuấn: Một ASEAN đã trưởng thành, có vị thế hơn

DUY LINH thực hiện
DUY LINH thực hiện

TTO - 2021 là năm thứ hai liên tiếp của dịch COVID-19 khiến các lãnh đạo ASEAN không thể bắt tay nhau theo nghi thức truyền thống. Dù đối mặt nhiều thách thức cả ngoài lẫn trong khối, ASEAN cũng đã tìm được cách hóa giải.

Đại sứ Hoàng Anh Tuấn: Một ASEAN đã trưởng thành, có vị thế hơn - Ảnh 1.

Đại sứ Hoàng Anh Tuấn - Ảnh: NVCC

Trò chuyện với Tuổi Trẻ, đại sứ Hoàng Anh Tuấn - nguyên phó tổng thư ký ASEAN phụ trách chính trị, an ninh (giai đoạn 2018 - 2021) - cho rằng đại dịch và thách thức đã thôi thúc thêm tinh thần hợp tác và vươn lên mạnh mẽ, linh hoạt của khối. 

Điều này được phản ánh qua chuỗi hội nghị cấp cao ASEAN thứ 38, 39 và cấp cao ASEAN với các đối tác từ ngày 26 đến 28-10.

Không để khác biệt riêng ảnh hưởng lợi ích chung

* Trong chuỗi hội nghị lần này, Úc và ASEAN đã thống nhất nâng cấp lên đối tác chiến lược toàn diện. Điều này có ý nghĩa như thế nào với cả hai bên, nhất là Úc, trong bối cảnh nước này vừa đạt thỏa thuận ba bên AUKUS khiến một số nước ASEAN lo ngại, thưa đại sứ?

- Để nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện, Úc phải có yêu cầu và gửi cho các nước ASEAN bản tài liệu khái niệm, trong đó nói rõ lý do nâng tầm quan hệ, Úc sẽ làm gì để thúc đẩy hợp tác với ASEAN... Sau bước này, ASEAN sẽ thảo luận và tham khảo ý kiến sâu rộng.

Ở đây có hai câu chuyện tách bạch nhau. Một mặt ASEAN xem Úc là đối tác chiến lược quan trọng của khối, Úc là nước đầu tiên thiết lập đối thoại với ASEAN. Việc nâng cấp quan hệ sẽ tạo cơ sở để hai bên tăng cường quan hệ, hợp tác trong thời gian tới.

Mặt khác, dù các nước ASEAN có quan điểm khác nhau về AUKUS - cơ chế an ninh ba bên vừa được ký giữa Úc, Anh và Mỹ giữa tháng 9 - việc ASEAN nhất trí nâng cấp quan hệ cho thấy sự khác biệt trong chính sách, quan điểm giữa các nước là điều bình thường và quan trọng hơn là không để các khác biệt riêng ảnh hưởng đến lợi ích chung của ASEAN.

Điểm mấu chốt là ASEAN nhìn chung hài lòng với lời đảm bảo của Úc rằng AUKUS sẽ góp phần vào việc xây dựng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương ổn định và an ninh, điều này thể hiện qua phát biểu của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tại cuộc họp cấp cao ASEAN - Úc.

Đoàn kết, linh hoạt

* Đã từng 7 lần tham dự các hội nghị cấp cao ASEAN, đại sứ có nhận xét gì về chuỗi hội nghị vừa qua?

- Một là, đoàn kết, hòa bình, hợp tác và phát triển là thông điệp quan trọng được truyền tải liên tục. 

ASEAN thấy rằng chỉ có đoàn kết, tăng cường nội lực mới giúp họ duy trì an ninh, hòa bình cũng như phát huy vai trò trung tâm của mình trong các vấn đề khu vực và trong quan hệ giữa các nước lớn.

Hai là, chuỗi hội nghị ASEAN cấp cao lần này ghi nhận/công bố/thông qua 101 văn kiện - khối lượng lớn nhất từ trước đến nay, bao gồm các tuyên bố, chiến lược, khung hợp tác, kế hoạch hành động, báo cáo, tài liệu tầm nhìn... trên nhiều lĩnh vực ở 3 trụ cột hợp tác của ASEAN.

Ba là, ASEAN tiếp tục duy trì được sự hấp dẫn của mình, được các nước lớn coi trọng trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang diễn ra hết sức quyết liệt. 

Tổng thống Mỹ Joe Biden và lãnh đạo các đối tác quan trọng của ASEAN đều tham dự các hội nghị cấp cao ASEAN + 1.

* Chuỗi hội nghị năm nay không có sự tham gia của lãnh đạo Myanmar. Theo đại sứ, điều này có ảnh hưởng thế nào đến các vấn đề "kỹ thuật" như sự đồng thuận ASEAN?

- Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hơn 54 năm tồn tại, chuỗi hội nghị cấp cao của ASEAN không có sự tham dự của một lãnh đạo lên nắm quyền quốc gia sau chính biến. 

Cũng cần nói thêm đó là "quyết định của ASEAN" được đưa ra trên cơ sở đồng thuận của 9 nước ASEAN, còn chính quyền Myanmar thì có "sự bảo lưu".

Với quyết định lịch sử này, ASEAN đã bước sang trang mới, cho thấy từ nay trở đi việc thay đổi chính quyền thông qua chính biến trong ASEAN là một điều khó được chấp nhận. 

Việc này cũng cho thấy một ASEAN trưởng thành, có khả năng thích ứng cao và sẵn sàng có những thay đổi mạnh mẽ khi tình hình thay đổi.

COC hoàn tất trong năm 2022?

"Năm tới là kỷ niệm 20 năm ký Tuyên bố ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC). Do đó Trung Quốc hy vọng cùng các nước ASEAN sử dụng DOC như một cơ hội (...), xúc tiến đàm phán và hoàn thành sớm Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) để Biển Đông thành vùng biển hòa bình, hữu nghị và hợp tác" - Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường kêu gọi trong Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc ngày 26-10.

Năm 2022 không chỉ tròn 20 năm ký DOC mà còn là năm Campuchia giữ chức chủ tịch luân phiên ASEAN.

Theo đại sứ Hoàng Anh Tuấn, Campuchia sẽ tiếp tục thúc đẩy chủ đề đối phó đại dịch COVID-19 và phục hồi sau dịch. Về COC, theo ông Tuấn, đây là vấn đề quan trọng đối với hòa bình và an ninh khu vực.

"Cốt lõi không nằm ở thời biểu hoàn tất tiến trình đàm phán mà là chất lượng bản COC. Chính vì vậy, các nước liên quan đều nhấn mạnh đến một COC thực chất có hiệu quả phù hợp với luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982" - ông nói.

ASEAN, các đối tác bàn nhiều về Biển Đông ASEAN, các đối tác bàn nhiều về Biển Đông

TTO - Bỏ qua các chủ đề về COVID-19, tình hình Myanmar cũng như các tuyên bố chính trị thường thấy, chuỗi hội nghị cấp cao ASEAN lần 38, 39 và các hội nghị cấp cao giữa ASEAN và các nước đối tác đã bàn bạc rất nhiều về vấn đề Biển Đông.

DUY LINH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên