12/06/2017 01:14 GMT+7

Đại biểu Quốc hội trước phiên chất vấn: Hóa giải các 'điểm nóng'

LÊ KIÊN - VIỄN SỰ - ĐỨC BÌNH thực hiện
LÊ KIÊN - VIỄN SỰ - ĐỨC BÌNH thực hiện

TTO - Trong ba ngày từ 13 đến 15-6 Quốc hội tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ và Thủ tướng. Trao đổi với Tuổi Trẻ, một số đại biểu bày tỏ quan điểm rõ ràng về những vấn đề mà họ quan tâm.

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) - Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội): Đột phá giải quyết khiếu nại, tố cáo

Tôi thấy Thủ tướng và các phó thủ tướng nhiệm kỳ này thường xuyên có ý kiến chỉ đạo, yêu cầu báo cáo những vụ việc cụ thể được dư luận, báo chí nêu. Tuy vậy, quyết tâm của Chính phủ vẫn chưa làm cho bộ máy chính quyền các cấp, đặc biệt là bộ máy ở cấp cơ sở chuyển động.

Thời gian qua, không ít các vụ việc bùng phát rất đáng tiếc, gây dư luận bất an, khiến cả chính quyền và người dân mất thời gian, công sức, tiền của để giải quyết, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào bộ máy.

Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng tôi cho rằng nguyên nhân lớn nhất vẫn là do đội ngũ cán bộ trực tiếp giải quyết khiếu nại, tố cáo còn nhiều yếu kém, đùn đẩy lòng vòng, khiến người dân bức xúc.

Kết quả giám sát của Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy nhiều lãnh đạo các cấp, đặc biệt là người đứng đầu các cấp hành chính ở cơ sở, nơi gần dân nhất lại ngại tiếp dân, ít đối thoại với dân, đây là tình trạng rất đáng báo động.

Để giải quyết triệt để các “điểm nóng” đã phát sinh và có nguy cơ phát sinh, tôi đề nghị Chính phủ rà soát lại một lần nữa công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo ở các bộ, ngành, địa phương, điểm danh từng vụ việc cụ thể.

Chính phủ cần yêu cầu người đứng đầu các cấp hành chính thực hiện nghiêm túc Luật tiếp công dân. Báo cáo của Ban Dân nguyện cho thấy luật quy định chủ tịch UBND mỗi tháng tiếp dân một lần, nhưng thực tế trung bình nhiều nơi chỉ tiếp được 2-3 lần/năm, như vậy là vi phạm pháp luật.

Tôi cho rằng với các trường hợp không thực hiện nghiêm quy định của pháp luật thì phải xử lý, kỷ luật, công bố rõ.

Đồng thời với thực hiện nghiêm quy định tiếp công dân thì lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các cấp phải tăng cường đối thoại với dân, tôi xin nhấn mạnh là đối thoại chủ động chứ không phải là khi xảy ra vụ việc bức xúc, nảy sinh vấn đề phức tạp, bất khả kháng mới đối thoại.

Chính phủ cần yêu cầu người đứng đầu các cấp hành chính thực hiện nghiêm túc luật tiếp dân
Đại biểu Ngọ Duy Hiểu

 

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) - Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An): Tôi chỉ quan tâm đến vấn đề đất đai

Đất đai nếu quản lý không tốt thì thất thoát rất nhiều. Dự án treo rất nhiều, dân không có đất sản xuất mà đất dự án treo thì bỏ không. Tiền thuế không thu được ở thành phố, còn ở nông thôn, miền núi thì dân không có đất sản xuất.

Tại sao dân lại không có đất sản xuất? Tôi ứng cử ở miền núi, bà con dân tộc rất tâm tư về đất đai.

Chuyện rừng ở Sơn Trà, Phú Yên bị chuyển sang làm dự án kinh tế, theo tôi, ta làm dự án, nhưng 10 năm, 20 năm sau, khi ta có tiền, muốn có lại cánh rừng đó thì không có được đâu.

Cái gì của Phú Yên, của Sơn Trà thì nên để yên cho nó tồn tại một cách tự nhiên, đừng nghĩ giờ mình nghèo mà phát triển du lịch, rồi sau này muốn tìm lại cũng không được nữa.

Ta làm dự án nhưng 10 năm, 20 năm sau, khi ta có tiền, muốn có lại cánh rừng đó thì không có được đâu
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu

 

Đại biểu Dương Trung Quốc: lần trước với sự kiện giàn khoan Quốc hội đã có tuyên bố thì lần này phải có thái độ gì đó hơn cả tuyên bố lần trước - Ảnh: Việt Dũng
Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) - Ảnh: Việt Dũng

Đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai): Đất quốc phòng phải công khai

Tôi nghĩ khái niệm đất quốc phòng tự thân nó rất thiêng liêng. Nhưng liệu khái niệm này có bị lạm dụng không?

Về lịch sử, khi chiến tranh, người dân sẵn sàng hi sinh đất đai, nhà cửa, ruộng đồng để làm bãi pháo, tên lửa. Kết thúc chiến tranh phải trả đất cho dân, trừ trường hợp dùng để sử dụng với mục đích lâu dài.

Tôi chưa nói đến tham nhũng, nhưng đất quốc phòng phải công khai minh bạch, chứ đừng người bảo không phải, còn người lại bảo là phải. Vụ Đồng Tâm là như vậy.

Theo tôi, đất quốc phòng nên để trồng cây dự trữ khi nào cần thì dùng, chứ đừng để đất không, rồi lập lờ.

Đặc biệt phải coi đất quốc phòng khác với đất của Bộ Quốc phòng quản lý. Đất quốc phòng rất quan trọng, không thể dùng vào việc này việc kia được.

Đất quốc phòng nên để trồng cây dự trữ khi nào cần thì dùng, đừng để đất không rồi lập lờ

Đại biểu Dương Trung Quốc

 

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) - Ảnh: TTO

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM): Bảo hiểm y tế làm khó người bệnh

Tôi muốn đặt câu hỏi này với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Tôi thấy rằng cơ chế để vận hành, quản lý quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) hiện nay chưa ổn.

Với lý do hạn chế nguy cơ vỡ quỹ, hạn chế việc rút ruột ăn gian, BHYT đã có những thông tư, nghị định mới làm việc khám chữa bệnh cho người dân khó khăn hơn. Ví dụ như nghị định đưa các biệt dược gốc ra khỏi nhóm biệt dược được cấp cho người có BHYT.

Tôi đồng ý là phải kiểm soát để không lạm dụng, vì biệt dược gốc rất đắt tiền, nhưng nó rất cần cho các trường hợp bệnh nặng. Nhưng bằng một mệnh lệnh hành chính cắt các biệt dược đó ra khỏi danh mục thì vô hình trung khám dịch vụ sẽ được kê toa các thuốc đó, còn khám BHYT thì không được.

Gần đây nhất, BHYT đơn phương từ chối thanh toán với một số trường hợp vì thông tư 40 quy định thuốc phải đúng với chỉ định được đăng ký trong tờ đơn thuốc. Các quy định này dẫn đến thực trạng hiện nay các bác sĩ khó lòng tập trung vào chuyên môn mà phải xem thuốc này hay thuốc kia có được thanh toán hay không để kê toa.

Bộ Y tế còn quy định phải kê khai giá thuốc trên mạng. Đây là việc làm đúng, nhưng là trách nhiệm của Bộ Y tế, không phải trách nhiệm của doanh nghiệp, cũng không phải là lỗi của bệnh viện.

Nhiều bệnh viện bị đặt vào thế bị động vì có nhiều loại thuốc chưa hiện diện giá trên mạng nên không được BHYT thanh toán.

Vụ chạy thận vừa rồi cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, một màng lọc dùng tới 3 lần, thậm chí có bệnh viện “sáng kiến” dùng tới 8 lần. Chung quy vì thanh toán BHYT cực kỳ khó khăn.

Việc siết đầu ra của BHYT là kìm hãm sự phát triển của ngành y, tạo khoảng cách xa hơn giữa khám dịch vụ và khám BHYT

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan

 

Ông Phạm Phú Quốc - Tổng giám đốc HFIC phát biểu tại hội thảo
Đại biểu Phạm Phú Quốc - Ảnh: Quang Định

Đại biểu Phạm Phú Quốc (TP.HCM): Bao giờ TP.HCM trở thành trung tâm tài chính?

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, tôi chất vấn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là tại sao đất nước chưa có những trung tâm tài chính ngang tầm khu vực? Tôi mong muốn điều này bởi chỉ khi có những trung tâm này thì thứ hạng quốc gia mới nâng lên, tạo động lực phát triển thực sự.

TP.HCM đã là một trung tâm kinh tế của đất nước nhưng cần phải là một trung tâm tài chính khu vực, đó là lõi của kinh tế trọng điểm. Từ trung tâm tài chính này, dòng tiền sẽ chảy phục vụ hệ thống doanh nghiệp, dân sinh của cả một khu vực, rồi kết nối với các khu vực khác làm cho đất nước phát triển lên.

Tại kỳ họp thứ 2, Thủ tướng hứa giao các bộ ngành triển khai thực hiện trung tâm tài chính đúng nghĩa tại Hà Nội và TP.HCM. Nhưng sau đó khi Chính phủ ban hành nghị định 48 về cơ chế đặc thù tài chính ngân sách cho TP.HCM thì không có gì đặc thù hay đột phá để mang dáng dấp hình thành một trung tâm tài chính.

Vốn dĩ khi TP.HCM vận hành một cách tự nhiên, khách quan thì vùng đất này đã hình thành dần trung tâm tài chính rồi. Nhưng muốn TP.HCM là trung tâm tài chính đúng nghĩa thì đòi hỏi sự vận hành của cả một quốc gia, Chính phủ phải đầu tư.

Tôi kiến nghị Thủ tướng nên xem việc đưa TP.HCM trở thành trung tâm tài chính ngang tầm khu vực là chuyện của Chính phủ.

Chính phủ hãy xem đây là nhiệm vụ của mình, chỉ phân lại một số việc cho TP.HCM làm theo thẩm quyền, còn lại cả bộ máy Chính phủ phải làm. Phải có sự đồng lòng của cả nước để hình thành trung tâm tài chính tại TP và lan tỏa ra.

LÊ KIÊN - VIỄN SỰ - ĐỨC BÌNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên