13/11/2017 10:34 GMT+7

Đặc khu kinh tế cần một 'thể chế vượt trội'

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Nếu coi đây là động lực phát triển đất nước thì các trói buộc của luật chung, luật chuyên ngành phải được gỡ bỏ mới đem lại được những quy định "đặc biệt", "vượt trội" cho các đặc khu này.

Đặc khu kinh tế cần một thể chế vượt trội - Ảnh 1.

Năm 1979, ông Đặng Tiểu Bình chỉ đạo thành lập đặc khu kinh tế Thâm Quyến, thử nghiệm mô hình "cải cách, mở cửa" của Trung Quốc.

Mô hình này được cho là thành công vang dội, giúp Trung Quốc tổng kết chính sách, kết nối Trung Hoa đại lục với thế giới rộng lớn bên ngoài, biến tỉnh Quảng Đông và vùng đồng bằng Châu Giang của Trung Quốc thành công xưởng sản xuất của thế giới cùng với thời đại phát triển tự do hóa thương mại toàn cầu.

Chỉ 5 năm sau khi thành lập đặc khu Thâm Quyến, Trung Quốc đã đưa ra chính sách tổng thể phát triển kinh tế vùng ven biển.

Đến thời điểm hiện tại, khoảng 2/3 các quốc gia trên thế giới đã cho thành lập các đặc khu kinh tế với mô hình và chính sách khác nhau. Tuy vậy, không phải quốc gia nào cũng thành công và đặc khu nào cũng đạt được mục đích. 

Người ta thường nhắc tới Ấn Độ với những trải nghiệm thất bại khi quốc gia này cho thành lập quá nhiều đặc khu kinh tế (con số lên đến hàng trăm), dẫn tới tình trạng đầu tư dàn trải và thiếu chính sách đặc thù.

Với Việt Nam, dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được trình Quốc hội, trong khi chủ trương xây dựng Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc thành các đặc khu đã nhận được sự hậu thuẫn của Bộ Chính trị và chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ. 

Bộ Chính trị chủ trương xây dựng ba đơn vị này "để khai thác tốt tiềm năng trong khu vực, thu hút mạnh vốn đầu tư, công nghệ cao, phương thức quản lý mới tiên tiến, tạo thêm nguồn lực và động lực, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình phát triển và tái cơ cấu kinh tế cho tỉnh, vùng và cả nước"

Trích kết luận số 21 của Bộ Chính trị

Phú Quốc, Vân Đồn, Bắc Vân Phong được xây dựng cho kỳ vọng tương lai Việt Nam. Đây không đơn thuần là các đặc khu kinh tế, mà còn thí nghiệm về mô hình hành chính - chính quyền mới với mong muốn thật sự gọn nhẹ, hiệu lực, hiệu quả.

Cũng có những hoài nghi về sự thành công của mô hình này, bởi chúng ta xây dựng đặc khu sau các nước trong khu vực 3-5 thập kỷ. Các đặc khu kiểu như Thâm Quyến là phòng thí nghiệm cho thời đại "cải cách, mở cửa", bắt đầu tự do hóa thương mại, trong khi bây giờ đã là thời đại của thương mại tự do (FTA) - khi mà dòng chảy thương mại dường như đã không còn biên giới và những ưu đãi như đầu tư, thuế không còn nhiều ý nghĩa. 

Tuy vậy, khi trao đổi với lãnh đạo cơ quan soạn thảo luật (Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Nguyễn Chí Dũng) và lãnh đạo các tỉnh Quảng Ninh, Kiên Giang, Khánh Hòa, có thể thấy sự quyết tâm và những mục tiêu đầy tham vọng. Bộ trưởng Dũng khẳng định các đặc khu này sẽ thành công nếu được chúng ta trao cho một "thể chế vượt trội".

Bài toán "vượt trội" bây giờ được đặt lên bàn các đại biểu Quốc hội. Cụ thể, cơ quan lập pháp phải giải quyết sự xung đột giữa các luật chung, luật chuyên ngành với dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (về đất đai, thuế, ngân sách, tiền tệ, lao động…). 

Nếu coi đây là "phòng thí nghiệm thể chế" làm động lực phát triển đất nước trong tương lai thì các trói buộc của luật chung, luật chuyên ngành phải được gỡ bỏ mới đem lại được những quy định "đặc biệt", "vượt trội" cho các đặc khu này.

Lập đặc khu kinh tế Lập đặc khu kinh tế' thì 'phải biết nhà đầu tư cần gì' Tháo ‘vòng kim cô’ để phát triển đặc khu kinh tế Tháo ‘vòng kim cô’ để phát triển đặc khu kinh tế Khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa 14: Rõ dần hình hài các đặc khu kinh tế Khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa 14: Rõ dần hình hài các đặc khu kinh tế
LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên