18/08/2020 13:23 GMT+7

Đà Lạt: quy hoạch sai sẽ không còn cơ hội sửa

MAI VINH thực hiện
MAI VINH thực hiện

TTO - Hiện đại hóa đô thị là nhu cầu chính đáng của người dân Đà Lạt, nhưng như thế nào để Đà Lạt không mất đi giá trị cốt lõi, không mất tính hấp dẫn của một đô thị đặc thù và xứng đáng trở thành đô thị di sản như mong mỏi của thành phố?

Đà Lạt: quy hoạch sai sẽ không còn cơ hội sửa - Ảnh 1.

Nhiều bạn trẻ quan tâm đến dinh tỉnh trưởng và không gian đồi dinh - Ảnh: M.VINH

Trong câu chuyện quy hoạch chi tiết trung tâm Hòa Bình - Đà Lạt và các phương án quy hoạch không gian đồi dinh (địa điểm có dinh tỉnh trưởng), nhiều nhà chuyên môn đã tham gia phản biện ở các khía cạnh: phát triển đô thị, bảo tồn di sản, tính khả thi của quy hoạch.

Trò chuyện với Tuổi Trẻ, PGS.TS Nguyên Hạnh Nguyên (giảng viên Đại học Kiến trúc TP.HCM, từng thực hiện các tọa đàm về di sản khu Hòa Bình - Đà Lạt) nói:

"Hiện đại hóa đô thị là nhu cầu chính đáng của người dân Đà Lạt, nhưng hiện đại hóa ở đâu, quy hoạch như thế nào để Đà Lạt không mất đi giá trị cốt lõi, không mất tính hấp dẫn của một đô thị đặc thù và xứng đáng trở thành đô thị di sản như mong mỏi của thành phố?".

Theo KTS Hạnh Nguyên, đó là câu hỏi bắt buộc các phía tham gia trong câu chuyện này phải thận trọng nhìn nhận trước khi quyết định sinh mạng khu lõi đô thị này. Bởi sai lầm với di sản thì sẽ không còn có cơ hội để sửa chữa.

* Bà cho rằng để thực hiện quy hoạch một không gian dù lớn, dù nhỏ cần có những tiêu chí chung tương thích với hiện trạng và giá trị hiện hữu của không gian ấy. Vậy theo bà, bộ quy tắc ứng xử cho khu đồi dinh và toàn bộ trung tâm Hòa Bình cần cụ thể như thế nào?

- Khi lập đề bài cho khu đồi dinh hay toàn bộ trung tâm Hòa Bình, trước tiên phải xây dựng bộ tiêu chí (hay quy tắc ứng xử), bao gồm:

- Không tác động, can thiệp quá lớn đến cảnh quan hiện hữu;

- Không di dời công trình dinh tỉnh trưởng ra khỏi vị trí hiện trạng (đỉnh đồi);

- Bảo tồn nguyên trạng kiến trúc dinh và hệ thống cây xanh gồm rừng long não cổ 100 tuổi và thông trồng xung quanh đồi;

- Không xây chen vào đồi dinh các công trình dịch vụ, thương mại, lưu trú, nghỉ dưỡng;

- Chuyển đổi mục đích sử dụng cho công trình dinh tỉnh trưởng để mở ra phục vụ cộng đồng bằng các hoạt động tham quan di sản;

- Có thể xây dựng Bảo tàng Đà Lạt tại đồi dinh và đưa một phần hiện vật trưng bày vào bên trong dinh;

- Phần công năng thêm vào (nếu có) chỉ phục vụ bảo tàng và phải được làm ngầm hoặc nếu nổi cũng không vượt quá 1 tầng để đảm bảo không tranh chấp về chiều cao với dinh. Không thể chấp nhận xây đè lên đồi dinh thêm 10 tầng (7 tầng nổi).

Vai trò của bên tư vấn thiết kế là phải giúp nhà đầu tư và chính quyền một phương án thiết kế đạt được các tiêu chí như đề cập ở trên. Phải hiểu đâu là giá trị khu đồi dinh và khu vực rộng hơn: khu trung tâm Hòa Bình - Đà Lạt.

* Có nhiều ý kiến cho rằng trong câu chuyện đồi dinh hay khu trung tâm Hòa Bình - Đà Lạt hiện nay, các đơn vị tư vấn, thiết kế với chủ yếu là các nhóm kiến trúc sư bỏ qua vai trò phản biện mà chỉ chú tâm thực hiện "đầu bài" được giao từ chủ đầu tư?

- Thực chất bản thân công trình dinh tỉnh trưởng không phải công trình mang giá trị nghệ thuật, kiến trúc mà nó mang tính lịch sử, giá trị cảnh quan.

Vì vậy không thể ứng xử theo cách chỉ giữ lại cái xác nhà rồi di dời đi chỗ khác, tạo bố cục vây các khối mới xung quanh hay đẩy lên cao để tất cả mọi điểm đều có thể "ngước lên chiêm bái". Cả 3 phương án đều chưa cho thấy sự nghiên cứu kỹ về về việc tôn trọng di sản đô thị.

Họ không tư duy ở tỉ lệ lớn mà chỉ nhăm nhăm vào tác động trên tỉ lệ nhỏ, là một cái nhà cụ thể. Họ không tư duy sâu sắc cho bối cảnh Đà Lạt từ lịch sử tới tầm nhìn tương lai.

Không thấy vai trò chính là nâng cao vị thế của một vùng đất thông qua tầm nhìn về di sản và bản sắc đô thị đặc thù mà chỉ tập trung sao cho thỏa mãn đề bài. Vai trò của đơn vị tư vấn thiết kế không phải là "gật đầu" và tìm cách hợp thức hóa mong muốn của chủ đầu tư.

Lần này, khi chính quyền địa phương đưa ra các phương án để xin ý kiến dân, nếu những người làm chuyên môn không quyết liệt bảo vệ quan điểm "bảo tồn để phát triển" thì trung tâm hiện hữu Đà Lạt sẽ mất, cấu trúc đô thị bị phá vỡ từ trong lõi bởi những hành động sinh thêm khối, chất tải lên khu Hòa Bình...

Đà Lạt cần những nhà chuyên môn tham gia hỗ trợ lãnh đạo tỉnh và thành phố vì Đà Lạt vượt quá tầm của bản thân đô thị, thành phố này không chỉ của Lâm Đồng mà còn là đô thị đặc biệt của cả nước.

Nâng cao giá trị sử dụng đất

Ngày 14-3-2019, quy hoạch chi tiết khu trung tâm Hòa Bình - Đà Lạt được công bố. Đây là quy hoạch lớn của địa phương có tính thay đổi toàn diện khu vực trung tâm Đà Lạt, trong đó có khu vực đồi dinh.

Tại buổi công bố, ông Đoàn Văn Việt - chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng - cho rằng quy hoạch này sẽ là cơ sở để xây dựng khu trung tâm Hòa Bình thành khu phức hợp, là điểm đến hấp dẫn.

Theo ông Việt, việc quy hoạch như đồ án sẽ nâng cao được chất lượng dịch vụ ở khu vực trung tâm, tạo ra nhiều không gian thương mại, mua sắm, không gian đi bộ, bãi đậu xe; sắp xếp chỉnh trang các khu ở đảm bảo hài hòa cảnh quan khu vực, từ đó thu hút nguồn lực đầu tư nâng cao giá trị sử dụng đất thông qua hoạt động dịch vụ, du lịch chất lượng cao.

Chúng ta đang làm giảm chất lượng sống của Đà Lạt

Nhiều ý kiến của chuyên gia, người dân thẳng thắn rằng muốn có đất vàng cho nhà đầu tư thì không thể xây dựng Đà Lạt thành đô thị di sản như mục tiêu hiện nay của Lâm Đồng.

* Ông Nguyễn Quang Đại (65 tuổi, người dân Đà Lạt):

Tự tạo "đất vàng" cho tương lai

Ngay từ năm 2012, khi tỉnh Lâm Đồng đang xây dựng quy hoạch Đà Lạt và vùng phụ cận theo hướng mở rộng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tôi đã theo dõi rất kỹ. Quy hoạch này về sau là quyết định 704 của Thủ tướng Chính phủ.

Tại buổi công bố, tôi có xin vào dự và tôi nhớ rất rõ rằng Thủ tướng chỉ đạo tỉnh Lâm Đồng phát triển các đô thị vệ tinh (5 đô thị vệ tinh - PV). Đà Lạt hiện hữu sẽ là đô thị trung tâm đảm nhiệm chức năng của một trung tâm hành chính, nghỉ dưỡng cao cấp, bảo tồn các di sản kiến trúc.

Đà Lạt hiện hữu cần được chỉnh trang một cách nghiêm túc, bảo vệ các công trình kiến trúc cổ khỏi hư hỏng nhằm hướng đến xây dựng thành công đô thị di sản.

Người dân có cần các công trình có tính chất hiện đại? Nhìn từ gia đình tôi bao năm ở Đà Lạt thì biết là rất cần. Nhưng điều đó không có nghĩa muốn đặt các cơ sở phục vụ cho nhu cầu: mua sắm, giải trí, thụ hưởng các dịch vụ mới... ở chỗ nào cũng được mà phải chiếu theo quy hoạch với tầm nhìn dài hạn đã được Chính phủ thông qua.

Nhà đầu tư mang đến sự phát triển hiện đại cho thành phố hiển nhiên là cần "đất vàng". Điều này không có gì xấu hay mắc mứu, nhưng nếu "đất vàng" chính là vùng di sản có yếu tố lịch sử thì nên cân nhắc thật thấu đáo, thận trọng hoặc nên mời nhà đầu tư cùng tỉnh Lâm Đồng kiến tạo một vùng "đất vàng" mới.

* KTS Ngô Doãn Đức:

Làm nóng Đà Lạt bằng bêtông là thất bại

Đà Lạt rất thảnh thơi, nhà trong cây. Nhưng chúng ta tiếp quản, sử dụng, khai thác nó không đến nơi đến chốn, thậm chí khai thác kiệt quệ, đặc biệt là ở khu trung tâm Đà Lạt.

Ngày nay, nếu đi trên đường Hai Bà Trưng nhìn lộn ngược lại thì sẽ thấy một Đà Lạt thất vọng. Hay đứng ở cầu góc hồ Xuân Hương nhìn chéo về trụ sở các cơ quan liên ngành sẽ thấy một niềm tiếc nuối sâu xa về một đồi thông rất đẹp đã mất.

Tại sao cứ phải quanh quẩn ở khu trung tâm cũ mà không mạnh dạn kéo dãn dân số Đà Lạt ra bên ngoài?

Thiết kế chất tải ở khu đồi dinh mà UBND TP Đà Lạt đang lấy ý kiến, với tư cách là một người có chuyên môn và một công dân, tôi không đồng thuận, vì nó đi ngược lại tính chất của một đô thị nghỉ dưỡng mà người Pháp đã xây dựng ra rất đẹp.

Chúng ta thành thị hóa một thành phố nghỉ dưỡng như Đà Lạt thì hỏng hết, làm giảm chất lượng đời sống, không gian. Làm nóng Đà Lạt bằng những khối bêtông là một sự thất bại về tư duy và tầm nhìn.

Tất nhiên chúng ta không khư khư giữ tất cả những gì của quá khứ, nhưng những thiết kế quy hoạch ở khu đồi dinh nói riêng và khu phố Việt Hòa Bình theo hướng làm tăng mật độ, chiều cao trong khu trung tâm là không ổn. Tôi thiên về giải pháp chỉnh trang, nâng cấp, có thể tác động nhẹ nhưng không thể chỉ thiên vị mục tiêu kinh tế mà làm hỏng không gian rất đẹp của Đà Lạt.

Dinh tỉnh trưởng trước họ định phá, do có nhiều ý kiến phản đối nên giờ người ta lại quây nó lại trông ngồn ngộn bêtông như vậy. Chúng ta phải giữ Đà Lạt cho con cháu. Đà Lạt là của chung cho các thế hệ. Đà Lạt là trời cho nước Việt, để người Việt không cần visa vẫn có thể thưởng thức không khí châu Âu.

M.VINH - THIÊN ĐIỂU ghi

Khai thác khu đồi dinh ở Đà Lạt thế nào? Khai thác khu đồi dinh ở Đà Lạt thế nào?

TTO - Thiếu tinh tế tối thiểu, cưỡng đoạt tự nhiên… là nhận xét của các chuyên gia, kiến trúc sư về các phương án kiến trúc khu vực dinh tỉnh trưởng thuộc quy hoạch chi tiết khu trung tâm Hòa Bình (Đà Lạt, Lâm Đồng).

MAI VINH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên