05/09/2022 16:41 GMT+7

'Đà Lạt ơi, xin ráng giữ lại vẻ đẹp rừng trong phố'

YẾN TRINH
YẾN TRINH

TTO - Trước thông tin thành phố Đà Lạt ngập sau cơn mưa ngắn đầu tháng 9, nhiều người đã bất ngờ và xót xa. Riêng mình, tôi mong Đà Lạt vẫn vẹn nguyên hình hài thành phố mù sương hơn một thế kỷ nay.

Đà Lạt ơi, xin ráng giữ lại vẻ đẹp rừng trong phố - Ảnh 1.

Du khách chụp hình lưu niệm khi đến Đà Lạt - Ảnh: YẾN TRINH

Nhằm góp thêm một góc nhìn, Tuổi Trẻ Online giới thiệu ý kiến này tham gia mục Bạn đọc làm báo.

Là du khách "ruột" của Đà Lạt và từng có thời điểm muốn sinh sống tại nơi này, tôi cũng sốc dù biết Đà Lạt sẽ có ngày này…

Tiếc nuối cho một đô thị nghỉ dưỡng hàng đầu

Ngược dòng thời gian, Đà Lạt được bác sĩ Yersin khám phá vào năm 1893. Sau đó, giới cầm quyền Pháp quyết định xây dựng nơi đây trở thành đô thị nghỉ dưỡng đầu tiên ở Việt Nam.

Theo thông tin mà tôi tìm hiểu được từ các nhà nghiên cứu trong một buổi tọa đàm online hồi cuối tháng 6-2022, trong đó có kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, trải qua nhiều đợt xây dựng và chỉnh trang với nhiều đồ án kiến trúc của giới kiến trúc Pháp, đến cuối thập niên 1930, Đà Lạt được mệnh danh là thủ đô mùa hè của Liên bang Đông Dương.

Nơi đây hình thành nhiều cơ sở du lịch, biệt thự nghỉ dưỡng. Tất cả được xây dựng phục vụ nhu cầu nghỉ mát của giới cầm quyền và những người giàu có thời bấy giờ.

Còn về mặt kiến trúc công trình, Đà Lạt được quy hoạch và quản lý quy hoạch một cách nghiêm ngặt. Việc này tuân theo các nguyên tắc bố trí, phối cảnh hài hòa để giữ được vẻ đẹp thiên nhiên rừng trong phố, vườn trong phố.

Đà Lạt ơi, xin ráng giữ lại vẻ đẹp rừng trong phố - Ảnh 2.

Không khí lãng mạn, thơ mộng của Đà Lạt níu chân du khách - Ảnh: YẾN TRINH

Tôi còn được biết rằng, ngày đó người ta quy định nhà xây ở Đà Lạt không được cao hơn ngọn cây thông, phổ biến không quá 3 tầng, nhất là trên các trục đường chính, các điểm cao, vị trí kiến trúc đắc địa... Giới quy hoạch kiến trúc đã khéo léo sắp đặt Đà Lạt thành 2 nửa Đông - Tây, lấy dòng suối Cam Ly - hồ Xuân Hương làm chuẩn.

Yếu tố làm nên bản sắc Đà Lạt

Tại sao Đà Lạt thu hút người ta tìm đến? Giới nghiên cứu kiến trúc và văn hóa đã thống nhất rằng cảnh quan kiến trúc, khí hậu cùng với lịch sử hình thành đô thị nghỉ dưỡng chính là các yếu tố chính làm nên bản sắc của phố phường lẫn phong cách người Đà Lạt.

Có người đã ví von Đà Lạt tuy không có những công trình kiến trúc to lớn, không phải là cô gái đẹp rực rỡ nhưng người ta lại có cảm tình và muốn tìm đến. Một nhà nhiếp ảnh sống tại Đà Lạt cũng từng nói, đại ý rằng không gian Đà Lạt làm người ta thấy nhớ chính mình.

Và thực tế, không khí nơi này có sự hài hòa giữa các yếu tố môi trường, mỹ thuật, gợi nguồn cảm hứng cho nhiều nghệ sĩ. Ngay cả những bạn trẻ từ nơi xa xôi cũng chọn Đà Lạt làm nơi lập nghiệp để phát triển chất thơ, chất lãng mạn trong con người mình.

Đà Lạt trong tâm tưởng nhiều người là chốn lãng đãng sương mù với hình ảnh những đồi thông, dốc thoải, với những cô gái mặc áo măng tô thong thả dạo bước. Trong dòng chảy hiện đại, Đà Lạt là điểm check-in gây thương nhớ của giới trẻ, của du khách nhiều độ tuổi. Nhiều người những lúc mỏi mệt hay có ý nghĩ "đi Đà Lạt để F5".

Hy vọng Đà Lạt không phải trả giá quá đắt

Cùng với thời gian, Đà Lạt trở nên nóng hơn và cảnh quan kiến trúc đô thị thay đổi nhiều so với những ngày xưa cũ.

Các nhà nghiên cứu lý giải thực tế này xảy ra do nhiều nguyên nhân như sự ấm lên toàn cầu, mật độ dân cư dày hơn, khách du lịch đông hơn hàng trăm lần… Bên cạnh đó là sự xuống cấp và mai một của các di sản kiến trúc.

Thế nhưng nói đi cũng phải nói lại, giữa mong muốn của du khách và của người dân nói chung, so với thực tế sinh kế và yêu cầu phát triển cần có sự thỏa đáng. Chúng ta kêu gọi dỡ bỏ nhà kính, nhưng mùa vụ rau màu, hoa trái và lợi nhuận của nông dân có được đảm bảo?

Nơi nào đẹp thì du khách đến và phải thừa nhận rằng du khách là một phần tạo nên sức sống của Đà Lạt. Chẳng phải trong thời gian dịch bệnh COVID-19 hoành hành, ngành dịch vụ nơi thành phố hoa này cũng dở khóc dở cười hay sao? Vậy có cách nào để thành phố vẫn đông du khách mà không xảy ra cảnh kẹt xe, quá tải, bát nháo?

Và còn rất nhiều vấn đề về quản lý, quy hoạch, về bảo tồn di sản… nơi thành phố sương mù. Giải quyết những vấn đề này cần có một tầm nhìn mang tính trăm năm, sao cho đời con đời cháu vẫn có thể thụ hưởng một Đà Lạt như vốn có. Một sự thay đổi nhỏ hay góc nhìn hạn hẹp khó cứu được tình thế.

Tôi mong rằng Đà Lạt không phải trả cái giá quá đắt trong tương lai, không phải ngậm ngùi trước bài toán phát triển bền vững. Hãy vào cuộc ngay bây giờ!

Điều gì đang xảy ra ở Đà Lạt? Điều gì đang xảy ra ở Đà Lạt?

TTO - Rất nhiều bạn đọc cùng tâm trạng từ bất ngờ, ngạc nhiên rồi đến thảng thốt khi một trận mưa lớn vào chiều 1-9 đã khiến nhiều điểm tại thành phố Đà Lạt ngập nặng, nhiều đoạn phố biến thành sông. Điều gì đã xảy ra ở thành phố cao nguyên thơ mộng?

YẾN TRINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên