01/06/2019 09:11 GMT+7

Đà Lạt mạnh tay trị 'cò' đặc sản

LÂM THIÊN
LÂM THIÊN

TTO - Chính quyền TP Đà Lạt (Lâm Đồng) vừa tuyên bố sẽ rút giấy phép các cơ sở kinh doanh dùng “cò” chèo kéo du khách và kêu gọi mọi người chung tay dẹp nạn 'cò' nhằm lấy lại hình ảnh du lịch cho Đà Lạt.

"Cò đặc sản" chèo kéo du khách ở vườn hoa TP Đà Lạt - Video: LÂM THIÊN

Trung tá Phạm Văn Huấn - phó đội trưởng đội điều tra tội phạm kinh tế và chức vụ Công an Đà Lạt - cho biết vừa có buổi làm việc với chủ các cơ sở chuyên kinh doanh mặt hàng đặc sản Đà Lạt.

Ngoài việc tuyên truyền, cơ quan này cũng khuyến cáo bất cứ cơ sở nào sử dụng "" đều sẽ bị rút giấy phép kinh doanh.

“Chúng tôi đã xây dựng một app riêng, giới thiệu những điểm mua sắm uy tín trên mạng, du khách có thể truy cập để tìm đến các địa điểm mua sắm chất lượng, an toàn...

Ông NGUYỄN VĂN SƠN (phó chủ tịch UBND TP Đà Lạt)


"Cò" làm xấu hình ảnh Đà Lạt

Thời gian qua, dư luận từng phản ảnh câu chuyện "cò" đặc sản lộng hành trước các điểm du lịch nổi tiếng tại Đà Lạt như: Vườn hoa TP, Thung lũng Tình yêu, Lang Biang... chèo kéo du khách đến các vườn rau, hoa, dâu tây... để tham quan miễn phí và thu hái nông sản nhưng sau đó ép du khách mua với giá "cắt cổ".

Thậm chí có nhiều vụ du khách bị "cò" đánh vì không chịu mua hàng. Điều này đã làm xấu đi hình ảnh du lịch Đà Lạt trong mắt nhiều du khách.

Nhiều du khách cảm thấy bất an khi đặt chân đến các cơ sở kinh doanh đặc sản. Thay vì được tham quan vườn dâu và tận tay hái dâu để trải nghiệm, du khách thường bị "cò" chèo kéo, thậm chí buông lời đe dọa nếu du khách từ chối hoặc tỏ ra bất hợp tác.

Vì vậy, nhiều du khách đều bày tỏ mong muốn Đà Lạt dẹp bỏ được tình trạng "cò" đặc sản này.

Chị Nguyễn Thanh Thúy, du khách đến từ TP.HCM, cho biết mỗi lần đi vào Thung lũng Tình yêu hay Vườn hoa TP, chị rất bất an khi thấy những nam thanh niên cứ chạy xe máy theo mình kỳ kèo đi tới chỗ này chỗ kia hái dâu.

"Có lần, khi tôi từ chối liền bị một thanh niên trừng mắt chửi rủa thậm tệ. Nếu Đà Lạt không xử lý dứt điểm tình trạng này, chắc chắn hình ảnh du lịch của địa phương sẽ bị ảnh hưởng, nhiều du khách sẽ một đi không trở lại" - chị Thúy nói.

Không chỉ du khách, những cơ sở kinh doanh đàng hoàng cũng bức xúc với tình trạng lộng hành của "cò".

Chị Trần Thị Phương (chủ một cửa hàng đặc sản Đà Lạt tại phường 8) cho rằng những người Đà Lạt làm ăn đàng hoàng đều ủng hộ việc rút giấy phép kinh doanh của các cơ sở sử dụng "cò", tạo môi trường làm ăn lành mạnh, thay vì để các cơ sở làm ăn đàng hoàng cũng mang tiếng lây.

"Chúng tôi làm ăn, buôn bán niêm yết giá rõ ràng, đóng thuế đầy đủ. Trong khi nhiều cơ sở sử dụng "cò" này "cò" kia để lôi kéo khách, cạnh tranh không lành mạnh.

Mỗi khi thấy cơ sở chúng tôi đông khách hơn, khách tự động kéo đến nhiều, một số cơ sở lại kiếm chuyện, thuê "cò" đến lôi kéo. Rất mệt mỏi" - chị Phương bức xúc.

Gia đình bà Nguyễn Thị Tâm (ở phường 8), người đã trồng dâu hơn 10 năm nay, cho biết gia đình bà sẵn sàng cho khách vào tham quan chứ không lấy tiền.

"Trong khi đó, nhiều du khách bị "cò" dẫn dụ vào vườn rồi bắt trả phí. Một số vườn dâu chỉ lưa thưa trái, trái nào trái nấy còi cọc, nhưng nhờ "cò" dắt khách vào rồi bắt khách trả tiền 200.000-300.000 đồng/kg gây bức xúc nơi du khách" - bà Tâm cho biết.

Đà Lạt mạnh tay trị cò đặc sản - Ảnh 3.

Những cửa hàng bán dâu tây trên đường Nguyễn Công Trứ, nơi đây là trung tâm đầu mối dâu tây của cả Đà Lạt - Ảnh: LÂM THIÊN

Đưa "cò" vào tầm ngắm

Thông tin từ đội cảnh sát kinh tế Đà Lạt cho biết từ đầu năm 2018 đến nay, cơ quan này đã bắt và xử lý 73 "cò" có hành vi chèo kéo, ép buộc du khách mua hàng hóa, dịch vụ tại các cơ sở kinh doanh đặc sản Đà Lạt.

Ngoài ra, tạm giữ 65 môtô của các "cò" đặc sản, phạt 168 triệu đồng. Công an Đà Lạt cũng lập các tổ chốt trực tuần tra khu vực "cò" đặc sản thường tụ tập chèo kéo, tiếp thị du khách.

Theo trung tá Huấn, các cơ sở kinh doanh trên chủ yếu ở các đường Nguyên Tử Lực, Phù Đổng Thiên Vương (phường 8) từng vi phạm liên quan tới hành vi sử dụng "cò" để lôi kéo du khách đều được đưa vào tầm ngắm.

"Cơ quan chức năng đã rút giấy phép kinh doanh một số cơ sở vi phạm nhiều lần, nhưng một số chủ cơ sở đối phó bằng cách đổi giấy phép kinh doanh với tên cơ sở mới.

Do vậy, chúng tôi sẽ đấu tranh quyết liệt với tình trạng trên nhằm lấy lại hình ảnh văn minh, lịch sự của người Đà Lạt trong mắt du khách" - ông Huấn nói.

Ông Nguyễn Văn Sơn, phó chủ tịch UBND TP Đà Lạt, cũng khẳng định đây là chủ trương quan trọng của TP Đà Lạt. Trong các năm qua, Đà Lạt đã tích cực tuyên truyền, vận động các cơ sở kinh doanh không sử dụng "cò" nên tình trạng này đã giảm bớt.

Tuy nhiên trong thực tế, tình trạng sử dụng "cò", nhất là trong hoạt động kinh doanh du lịch và các loại đặc sản địa phương, vẫn chưa được trị dứt điểm.

Do đó, Đà Lạt đã lắp đặt hoàn thiện hệ thống camera theo dõi tại các khu du lịch, các khu mua sắm để sớm phát hiện "cò" đặc sản.

Nếu phát hiện cơ sở nào sử dụng "cò", đội điều tra tội phạm kinh tế và chức vụ sẽ làm việc với Phòng tài chính kế hoạch TP kiên quyết rút giấy phép kinh doanh của cơ sở đó.

"Nếu phát hiện cò đặc sản, hãy báo ngay về đường dây nóng gồm: 0912903178, 0912903707, 0912903615, 0912903294 để phản ảnh những hành vi chèo kéo khách, nâng giá, gian lận thương mại. Chúng tôi sẽ cử lực lượng chức năng đến ngay tức khắc" - ông Sơn cho biết.

Một số vụ "cò" giở thói côn đồ

- Ngày 27-4-2017, "cò" đặc sản tên Đào Bá Lộc (24 tuổi, ngụ phường 6, Đà Lạt) dùng mũ bảo hiểm hành hung anh Nguyễn Như Vĩnh, bảo vệ khu du lịch Thung lũng Tình yêu, khi anh Vĩnh ngăn cản Lộc vào bên trong khu du lịch chèo kéo khách mua hàng đặc sản.

- Ngày 12-2-2017, một "cò" đặc sản tên Trần Văn Anh (cu Anh) của cửa hàng K, đường Mai Anh Đào, phường 8, Đà Lạt, ngang nhiên đưa du khách vào khu du lịch Thung lũng Tình yêu và chèo kéo du khách đi mua đặc sản.

Khi bị bảo vệ khu du lịch chặn lại, tên này cùng đồng bọn mang theo dao, cây sắt tấn công làm bảo vệ bị trọng thương phải đi cấp cứu.

"Cò" mang theo dao găm, sử dụng ma túy

comutdalat

Các “cò” đặc sản tiếp cận, chèo kéo du khách trên đường Phù Đổng Thiên Vương (Đà Lạt) - Ảnh: LÂM THIÊN

Ngày 26-7-2018, Công an TP Đà Lạt đã bắt quả tang Thái Hữu Thanh (32 tuổi, ngụ đường Nguyên Tử Lực, phường 8, Đà Lạt) đang có hành vi chèo kéo du khách đến mua đặc sản tại các cửa hàng trên địa bàn TP.

Ngay sau đó, Công an Đà Lạt đã triệu tập Thanh về trụ sở để làm việc.

Qua kiểm tra chiếc túi xách Thanh mang bên người, lực lượng chức năng phát hiện bên trong có 1 con dao găm, 17 triệu đồng, giấy vay mượn tiền, 16 phong bì in tên, địa chỉ các cơ sở đặc sản mứt. Bên trong mỗi phong bì có 300.000-1,5 triệu đồng.

Tại cơ quan công an, Thanh khai nhận đã làm "cò" đặc sản Đà Lạt cho các cơ sở mứt, kết hợp cho vay nặng lãi. Số phong bì chứa tiền là để chi cho các lái xe khi đưa khách đến mua hàng tại cơ sở mứt.

Công an Đà Lạt đã test nhanh và xác định Thanh dương tính với chất cần sa.

Mổ xẻ chuyện Mổ xẻ chuyện 'cò' mứt cấu kết liên tỉnh gây hại du lịch Đà Lạt

TTO - Trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh Lâm Đồng sáng 11-7, Phó giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng Lê Hồng Phong nói cò mứt hoạt động có tổ chức, cấu kết từ Đà Lạt đến nhiều tỉnh thành gây nhức nhối trong dư luận.

LÂM THIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên