02/07/2019 08:00 GMT+7

Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành

T.D.V
T.D.V

Năm 2018 - 2019 là năm mà lần đầu tiên Lâm Đồng tổ chức xúc tiến thương mại – đầu tư với Thái Lan nhằm mở ra một kênh thương mại mới cho cả hai bên.

Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành - Ảnh 1.

Nông sản thương hiệu "Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành" là cầu nối để Lâm Đồng có kênh thương mại chính thức với Thái Lan

Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Yên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: GIA THỊNH.

Ông Nguyễn Văn Yên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho rằng xúc tiến thương mại - đầu tư du lịch và nông nghiệp giữa Lâm Đồng và Thái Lan là kết nối những khác biệt về thổ nhưỡng, khí hậu, kinh tế, thế mạnh,…giữa hai vùng đất nhằm tạo ra lợi ích cho cả hai. Đến giữa năm 2019, các doanh nghiệp của Thái Lan đã đến Lâm Đồng như đã tính toán trước đó và đưa ra những đường hướng triển vọng để những sản phẩm mang thương hiệu "Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành" đến Thái Lan và các thị trường ngoài nước do Thái Lan đang có ưu thế.

Mở thị trường ổn định

Thưa ông, Thái Lan và Việt Nam nói chung, Lâm Đồng nói riêng cơ bản có nhiều tương đồng trong lối sống, văn hoá và kinh tế. Có phải chương trình xúc tiến thương mại vừa qua dựa trên nền tảng này để thực hiện?

Chọn Thái Lan để xúc tiến thương mại là một sự cân nhắc rất kỹ càng của tỉnh Lâm Đồng. Sự tương đồng về văn hoá, kinh tế là nền tảng của sự thông hiểu, phương cách làm việc để tìm ra sự đồng thuận trong đầu tư thương mại từ hai phía. Nhưng điểm nhấn đầu tư và xúc tiến thương mại giữa Thái Lan và Lâm Đồng nằm ở những khác biệt. Hai bên cùng kết nối những khác biệt dựa trên những thông hiểu về lối sống, văn hoá, nhu cầu tiêu dùng và du lịch để cùng tạo ra giá trị.

Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành

Thái Lan là quốc gia có khí hậu nhiệt đới. Lâm Đồng có khí hậu ôn đới. Sự khác biệt về khí hậu dẫn đến Thái Lan phát triển mạnh sản xuất trái cây nhiệt đới. Lâm Đồng lại mạnh sản xuất nông sản ôn đới. Du khách Thái Lan rất thích khí hậu lạnh của Lâm Đồng và sự ôn hoà của những tỉnh lân cận. Trong khi đó, vùng Tây Nguyên và Lâm Đồng có xu hướng du lịch – mua sắm tại Thái Lan. Lâm Đồng có một nền sản xuất năng suất cao. Thái Lan lại có kinh nghiệm sau thu hoạch. Thế mạnh và điểm yếu, cung – cầu của Thái Lan và Lâm Đồng gần như khớp nhau do đó việc xúc tiến thương mại lần này nhằm gợi mở, chào đón những cơ hội hợp tác của cả hai bên để cùng tạo ra thị trường ổn định, cân bằng, nâng cao giá trị thương mại, du lịch và nông nghiệp của cả hai bên.

Trợ lý của Thủ tướng Thái Lan nói chuyện với tôi cũng xoay quanh những tương đồng và khác biệt này. Ông ấy đồng tình về hướng hợp tác khai thác những thế mạnh của nhau. Đoàn công tác chỉ mời 100 nhà đầu tư Thái Lan nhưng có lẽ những gợi ý chúng tôi đưa ra cũng như thương hiệu Đà Lạt có sức hấp dẫn nên lượng nhà đầu tư tham dự vượt dự kiến với hơn 300 người.

Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành - Ảnh 4.

Các doanh nghiệp sử dụng thương hiệu "Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành "là những đơn vị tiên phong trong sản xuất, cung ứng nông sản công nghệ cao. Ảnh:GIA THỊNH

Lâm Đồng định hướng kêu gọi đầu tư từ Thái Lan theo hình thức nào thưa ông?

Chúng tôi kêu gọi đầu tư 100% vốn nước ngoài (FDI) hoặc hợp tác với doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước cũng như tại Lâm Đồng có hướng đi tốt nhưng thiếu vốn cho các lĩnh vực công nghệ sau thu hoạch và du lịch. Ngoài ra, tỉnh Lâm Đồng cũng kêu gọi tạo chuỗi liên kết sản xuất giữa Thái Lan và địa phương nhằm tạo luồng phân phối sản phẩm rộng hơn để từ đó tăng giá trị ngành du lịch và nông nghiệp. Lần kết nối đầu tư này chúng tôi không đi tìm những giá trị cộng thêm mới mẻ nào mà đi tìm mối quan hệ hợp tác tạo sự ổn định, bền vững cho du lịch và nông nghiệp của cả hai bên.

Vậy đoàn xúc tiến của tỉnh Lâm Đồng có đề cập đến dự án nào cụ thể với các nhà đầu tư Thái Lan?

Chúng tôi đề xuất sớm đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cà chua công suất 200 tấn cà chua tươi/ngày và kho lạnh dự trữ nông sản. Hai dự án này sẽ kích thích phát triển công nghệ sau thu hoạch và tạo ra sản phẩm mới cho thị trường nông sản của cả hai nước.

Phát triển logistics

Tôi được biết đã có những hợp đồng được ký ngay trên đất Thái Lan tại chương trình xúc tiến thương mại – đầu tư?

Các doanh nghiệp 2 bên đã ký với nhau 4 hợp đồng và ghi nhớ ngay tại hội nghị, có 5 hợp đồng và ghi nhớ được tiếp tục thương thảo để ký kết sau. Các ký kết hợp tác tập trung vào các lĩnh vực thương mại và du lịch. Cùng đó Hiệp hội doanh nhân Việt kiều tại Thái Lan sẽ cùng doanh nghiệp tại Lâm Đồng khảo sát khả năng kết nối tour, các chương trình mua sắm, du lịch nghỉ dưỡng, tìm hiểu văn hoá địa phương và các hợp tác khác trong lĩnh vực nông nghiệp. Hiệp hội Tơ tằm Thái Lan sẽ sang thăm và khảo sát để phát triển chuỗi sản xuất, thương mại lụa tơ tằm của TP. Bảo Lộc.

Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành - Ảnh 5.

Sản phẩm tơ lụa của Bảo Lộc (Lâm Đồng) được giới thiệu tại Thái Lan trong chương trình xúc tiến thương mại tổ chức đầu tháng 10-2018. Ảnh: TUẤN ANH

Thương mại giữa Lâm Đồng và Thái Lan đến nay mới có những khởi động cụ thể đáng kể. Theo đồng chí có điểm thắt nào đã làm chậm các giao thương giữa hai bên?

Đáng lẽ hai bên đã có quan hệ thương mại tốt hơn nếu con đường vận chuyển hàng hoá và du khách trực tiếp Lâm Đồng – Thái Lan có sớm hơn và rộng mở hơn với nhiều phương tiện. Hiện chúng ta chỉ mới có đường hàng không do Thai – Vietjet Air khai thác với 5 chuyến/ tuần và sắp tới sẽ là 7 chuyến/tuần. Tôi cho rằng kênh vận chuyển hàng hoá, hành khách ở mức độ này mới cơ bản đáp ứng được mức độ thương mại của cả hai bên. Sắp tới hệ thống logistics (vận chuyển, lưu trữ hàng hoá – PV tạm dịch) phải được phát triển để phục vụ cánh cửa thương mại của 2 bên đang dần mở.

Ông có cho rằng cách thức xây dựng thương hiệu đối với du lịch và nông sản có lẽ là những kinh nghiệm để Lâm Đồng ghi nhận khi xúc tiến thương mại với Thái Lan?

Mỗi doanh nghiệp Thái Lan đều xác định việc xây dựng và phát triển thương hiệu là yếu tố quan trọng sống còn của doanh nghiệp nên đầu tư bài bản, chu đáo, cẩn thận. Ngoài ra họ xác định được ưu thế cạnh tranh và những điểm yếu để xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm nói chung và thương hiệu nông sản nói riêng. Do vậy, để có mối quan hệ hợp tác bền vững với đối tác Thái Lan, trong xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản doanh nghiệp Lâm Đồng cần quan tâm đảm bản quy cách, chất lượng nông sản theo đúng các quy chuẩn, các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, hình thành chuỗi giá trị nông sản từ khâu sản xuất, thu mua, phân phối,…Đối với doanh nghiệp du lịch, cần nghiên cứu kỹ lưỡng sản phẩm, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất các khu điểm du lịch một cách bài bản, chuyên nghiệp và có chiến lược quảng bá, xây dựng thương hiệu đúng tầm.

Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành - Ảnh 6.

Hoa mang thương hiệu "Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành" chiếm ưu thế xuất khẩu. Ảnh: GIA THỊNH

Hoa mang thương hiệu "Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành" có thế mạnh xuất khẩu

Hiện vùng hoa Đà Lạt có tổng diện tích canh tác hàng năm khoảng 9.000 hecta. Dự kiến trong 5 năm tới, sản lượng hoa xuất khẩu của Đà Lạt sẽ tăng 15% (400 triệu cành/năm). Thời gian gần đây, tham gia xuất khẩu hoa tại Lâm Đồng, ngoài các doanh nghiệp FDI, một số hộ tư nhân, doanh nghiệp tại Đà Lạt đang sử dụng thương hiệu "Đà Lạt – Kết tinh kỳ diệu từ đất lành" cũng tìm kiếm thị trường xuất khẩu thông qua liên kết hợp tác quốc tế với các nhà phân phối tại các thị trường hướng tới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia… Xuất khẩu hoa nhiều nhất ở Nhật, chiếm 60% sản lượng xuất khẩu, Úc (3,2%), Đài Loan (3,1%), còn lại tập trung ở các nước như Hàn Quốc, Bỉ, Thái Lan, Philippines, Singapore, Nga, Campuchia. Sản lượng xuất khẩu hoa Đà Lạt tăng đều từ năm 2013 và tăng mạnh trong 4 năm trở lại đây. Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, cần đẩy mạnh xuất khẩu hoa chậu nhỏ để tăng thêm 15% lợi nhuận từ xuất khẩu hoa trong vòng 3 năm tới.

đà lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành - clip 60 giây


T.D.V
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên