10/10/2023 06:21 GMT+7

Đã giải mã gene bệnh đậu mùa khỉ ở TP.HCM

TP.HCM ghi nhận nhiều ca đậu mùa khỉ trong những ngày gần đây, có thời điểm ghi nhận bốn ca trong một ngày. Trong số những ca nhiễm đậu mùa khỉ có nhiều ca có mối quan hệ với nhau.

Khu vực cách ly, điều trị bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) - Ảnh: X.M.

Khu vực cách ly, điều trị bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM) - Ảnh: X.M.

Bệnh đậu mùa khỉ (Mpox) là bệnh truyền nhiễm nhóm B. Ngành y tế TP.HCM đã và đang tăng cường giám sát nhằm phát hiện sớm và điều trị bệnh đậu mùa khỉ.

Không dễ lây ra cộng đồng

Theo thông tin từ Sở Y tế TP.HCM, trong số những ca nhiễm đậu mùa khỉ có nhiều ca có mối quan hệ với nhau. Điển hình ca đậu mùa khỉ nội địa đầu tiên (nam, 25 tuổi) được phát hiện tại TP.HCM, thường trú ở Đồng Nai là bạn trai của ca đậu mùa khỉ ở Bình Dương (nữ, 22 tuổi).

Hay ca đậu mùa khỉ mới nhất ở Bình Dương (nam, 19 tuổi) tiếp xúc gần với ca đậu mùa khỉ ở quận Tân Bình, TP.HCM (nam, 22 tuổi)...

Kết quả giải mã gene của trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ nội địa đầu tiên cho thấy bệnh nhân đã mắc chủng vi rút monkeypox, thuộc kiểu gene C1 của Clade IIb. Chủng này khác với chủng vi rút có kiểu gene A.2.1 được phát hiện ở hai ca nhập cảnh vào Việt Nam tháng 10-2022 từ Dubai, cho thấy sự đa dạng về di truyền của vi rút đậu mùa khỉ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 9-10, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết vì bệnh đậu mùa khỉ là bệnh truyền nhiễm nhóm B, không công bố từng ca đơn lẻ.

Các chuyên gia cho rằng bệnh đậu mùa khỉ không dễ lây lan ra cộng đồng. Chúng có cách lây gần giống HIV do tiếp xúc, cọ xát với mụn nước người đang mắc bệnh, tuy nhiên bệnh đậu mùa khỉ sẽ tự thải trừ hoàn toàn vi rút và lành bệnh nếu bệnh nhân có miễn dịch tốt.

Bệnh chỉ diễn tiến nặng, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng đối với người suy giảm miễn dịch như xơ gan, đái tháo đường, AIDS…

Không bỏ sót ca bệnh

Là một trong những bác sĩ đầu tiên điều trị bệnh nhân nhiễm HIV tại TP.HCM, bác sĩ Dư Tuấn Quy - trưởng khoa nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) - chia sẻ trong thời điểm TP.HCM ghi nhận một số ca đậu mùa khỉ, ông đã tham gia tham vấn từ xa cho nhiều bệnh nhân ở lứa tuổi vị thành niên được các phòng khám, bệnh viện trên địa bàn TP.HCM gửi vì những trẻ này có sang thương trên da, nghi ngờ đậu mùa khỉ.

Quan sát các sang thương, bác sĩ Quy chẩn đoán những bệnh nhân này chỉ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như giang mai, bệnh lậu, HIV/AIDS…

"Bệnh đậu mùa khỉ không dễ lây, thường gặp ở người trưởng thành, người có yếu tố dịch tễ là đi từ vùng dịch về hay quan hệ tình dục không an toàn, hay tiếp xúc dịch tiết người bệnh… Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chú ý, đánh giá các biểu hiện sang thương trên da ở trẻ nếu nghi ngờ đậu mùa khỉ, trước khi loại trừ bệnh này", bác sĩ Quy cho biết thêm.

Tại TP.HCM, Sở Y tế TP cho hay ngay từ khi phát hiện ca đậu mùa khỉ đầu tiên xâm nhập từ nước ngoài vào tháng 9-2022, sở chỉ đạo HCDC và các bệnh viện, phòng khám… triển khai các hoạt động giám sát và truyền thông phòng chống sự lây lan của bệnh.

Đặc biệt đẩy mạnh hệ thống giám sát ca bệnh nghi ngờ tại các cơ sở y tế trong và ngoài công lập, đặc biệt chú trọng ở các phòng khám da liễu có khám các bệnh lây truyền qua đường tình dục, bệnh phụ khoa/nam khoa.

Bệnh đậu mùa khỉ khó lây qua đường hô hấp?

Có một số lý do cho sự khác biệt này.

- Tính không ổn định của vi rút: Vi rút đậu mùa khỉ không ổn định trong các giọt hô hấp, khác với một số loại vi rút đường hô hấp khác như sởi hoặc cúm.

Chúng ta biết thời gian ủ bệnh đậu mùa khỉ thường 6 - 13 ngày, nhưng có thể dao động 5 - 21 ngày, trong khi Covid-19 là 24 - 48 giờ, cúm là 2 ngày. Đường lây bệnh đậu mùa khỉ do tiếp xúc trực tiếp qua da là chủ yếu. Các mụn nước, mụn mủ chứa vi rút khi vỡ sẽ thoát vi rút ra ngoài và sẽ lây cho người khác.

- Yếu tố vật chủ: Cơ địa từng cá nhân có hệ thống miễn dịch khác nhau sẽ ảnh hưởng đến khả năng lây truyền qua đường hô hấp. Một số người có khả năng chống lại các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp tốt hơn nhờ hệ miễn dịch mạnh mẽ, ngược lại với những người suy giảm miễn dịch sẽ dễ nhiễm bệnh hơn.

Thực tế qua nghiên cứu của các nhà khoa học về bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới cho thấy sự lây lan của vi rút đậu mùa khỉ qua dịch tiết đường hô hấp là không phổ biến.

Hầu hết các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đều báo cáo là có tiếp xúc gần gũi với người nhiễm bệnh. Các nghiên cứu đều khẳng định người mắc bệnh thường mô tả sự tiếp xúc thân thể gần gũi và liên tục với những người bị nhiễm vi rút đậu mùa khỉ.

TP.HCM ghi nhận 4 ca đậu mùa khỉ trong một ngày, tổng cộng 13 caTP.HCM ghi nhận 4 ca đậu mùa khỉ trong một ngày, tổng cộng 13 ca

Trong ngày 6-10, TP.HCM đã ghi nhận 4 ca mắc mới đậu mùa khỉ, nâng tổng số ca mắc đậu mùa khỉ từ đầu năm đến nay tại TP là 13 ca. Ngành y tế vẫn đang tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm và điều trị bệnh này.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên