11/03/2019 11:25 GMT+7

Đã có công nghiệp văn hóa, sao TP.HCM chưa được như Hong Kong?

MAI HOA
MAI HOA

TTO - Tới năm 2020, ngành điện ảnh TP.HCM sẽ phấn đấu đạt được doanh thu hằng năm chiếm 35% cả nước, số lượng vé bán trên đầu người tại TP.HCM hơn 0,8 (mỗi người dân đi xem phim 0,8 lần/năm).

Đã có công nghiệp văn hóa, sao TP.HCM chưa được như Hong Kong? - Ảnh 1.

Khá đông bạn trẻ đến rạp chiếu phim vào ngày cuối tuần - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Công nghiệp văn hóa đã hiện diện ở TP.HCM. Nếu chúng ta biết phát triển, ngành này có thể đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của TP.HCM. Như Hong Kong, công nghiệp văn hóa chiếm tới hơn 80% GDP, từ điện ảnh, giải trí, thời trang...

Ông Nguyễn Thành Phong (chủ tịch UBND TP.HCM)

Đây là một mục tiêu cụ thể trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trên địa bàn TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Cần phát triển công nghiệp văn hóa

Trong buổi làm việc mới đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã yêu cầu lãnh đạo ngành văn hóa - thể thao của TP.HCM sớm xây dựng đề án phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Việc này được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của TP.HCM trong năm 2019. UBND TP.HCM giao ông Lê Thanh Liêm, phó chủ tịch thường trực UBND TP, phụ trách xây dựng đề án này.

Sở Văn hóa - thể thao cũng vừa trình UBND TP triển khai chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trên địa bàn TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó tập trung vào các ngành điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh - triển lãm, quảng cáo và du lịch văn hóa.

Trong chiến lược này, TP.HCM phấn đấu doanh thu ngành công nghiệp văn hóa đóng góp tích cực cho GDP của TP với tỉ lệ 7% năm 2020 và 15% năm 2030. Đồng thời đặt mục tiêu cụ thể về doanh thu hằng năm: tới năm 2020, ngành điện ảnh đạt được doanh thu chiếm 35% cả nước, số lượng vé bán trên đầu người tại TP là hơn 0,8 (mỗi người dân đi xem phim 0,8 lần/năm).

Ngành nghệ thuật biểu diễn đặt mục tiêu doanh thu trên 30% cả nước, trong đó nghệ thuật truyền thống tập trung cho loại hình hát bội, cải lương, kịch nói và các loại hình nghệ thuật đương đại. Một mục tiêu đáng chú ý khác là ngành du lịch văn hóa cần đạt 10 - 15% tổng doanh thu của ngành du lịch (tương đương 17.000 - 25.500 tỉ đồng).

Theo Sở Văn hóa - thể thao, hiện nay TP.HCM có 7 đơn vị nghệ thuật công lập và một trung tâm tổ chức biểu diễn và điện ảnh, trên 700 doanh nghiệp có đăng ký chức năng tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, trong đó có khoảng 100 đơn vị hoạt động thường xuyên. 

Riêng hoạt động điện ảnh, trên địa bàn TP hiện có hàng trăm tổ chức, hàng ngàn cá nhân hoạt động, thuộc nhiều thành phần và loại hình khác nhau.

Phát triển hãng phim tư nhân

Với ngành điện ảnh, đề cương của TP.HCM nêu một số giải pháp đáng chú ý như xây dựng trường quay hiện đại, quy mô dự kiến trên 100ha, trung tâm kỹ thuật tiền kỳ hậu kỳ trong sản xuất phim. Tăng dần tỉ trọng phim Việt chiếu rạp, sản xuất phim hoạt hình gắn với các sản phẩm dịch vụ đi kèm như truyện tranh, đồ chơi, đồ lưu niệm...

Đồng thời, thực hiện đề án liên hoan phim của TP.HCM theo các đề tài riêng, xây dựng và phổ biến các tác phẩm điện ảnh có giá trị nghệ thuật, có tính thương mại cao. Tạo điều kiện phát triển các hãng phim tư nhân, thu hút đầu tư nước ngoài, tổ chức chợ phim...

Về nghệ thuật biểu diễn, đề cương sơ bộ nêu cần tập trung thực hiện một số công trình trọng điểm như dự án nhà hát giao hưởng - nhạc vũ kịch 1.700 chỗ ngồi tại Thủ Thiêm, xây dựng rạp xiếc và biểu diễn nghệ thuật đa năng Phú Thọ 2.000 chỗ ngồi tại quận 11; hình thành trung tâm biểu diễn nghệ thuật truyền thống dân tộc. 

Ngoài ra, về mỹ thuật, có dự định sẽ hình thành trung tâm giám định và đấu giá các tác phẩm mỹ thuật, không gian trưng bày triển lãm dành riêng cho các loại hình nghệ thuật.

Lãnh đạo Sở Văn hóa - thể thao cho biết đã tổ chức 5 cuộc họp lấy ý kiến các sở, ngành và các hội nghề nghiệp liên quan đến các ngành công nghiệp văn hóa để lên được đề cương này. 

"Đề án hoàn chỉnh sẽ được sở phối hợp cùng Viện Nghiên cứu phát triển xây dựng và trình UBND TP phê duyệt trong quý 4" - vị này cho biết. Quá trình đó sẽ tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi.

Đang triển khai nhiều công trình văn hóa "ngàn tỉ"

TP.HCM đang xúc tiến nhiều công trình văn hóa - thể thao với tổng mức đầu tư mỗi dự án lên tới hàng ngàn tỉ đồng.

Các dự án đầu tư bằng ngân sách có dự án nhà hát giao hưởng - nhạc vũ kịch với tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỉ, dự kiến thực hiện từ năm 2019 - 2022, đang phải chờ cấp vốn để lập nhiệm vụ thiết kế và tổ chức thi tuyển kiến trúc.

Dự án rạp xiếc và biểu diễn đa năng Phú Thọ tổng mức đầu tư gần 1.500 tỉ, thực hiện 2017 - 2022, dự kiến khởi công vào quý 1-2020. Đề án xây dựng Bảo tàng TP.HCM tại công viên Lịch sử văn hóa dân tộc (Q.9) tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỉ đồng, thực hiện dự kiến 2020 - 2025.

Ngoài ra còn có các dự án đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa như Trung tâm thể dục thể thao Phan Đình Phùng (hợp đồng BT) tổng vốn đầu tư gần 2.000 tỉ, Khu liên hợp thể thao quốc gia Rạch Chiếc tại phường An Phú (Q.2), các dự án tại khu trường đua Phú Thọ (Q.11)...

Người Việt vẫn khao khát xem phim Việt? Người Việt vẫn khao khát xem phim Việt?

TTO - Như một quy luật, hành trình của phim truyền hình Việt cũng có lúc thăng, trầm. Phải chăng, phim Việt đang ở thời kỳ quá độ - như thể 'sau cơn mưa, trời lại sáng'?

MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên