04/12/2022 07:59 GMT+7

Cứu sông rạch là cứu chúng ta!

NGUYỄN THANH BÌNH
NGUYỄN THANH BÌNH

TTO - TP.HCM được thiên nhiên ưu đãi khi ban tặng hai con sông chính: Sài Gòn và Đồng Nai cùng hệ thống kênh rạch phong phú. Phát triển đi đôi với bảo vệ món quà vô giá này là nhiệm vụ của thế hệ hôm nay và mai sau.

Cứu sông rạch là cứu chúng ta! - Ảnh 1.

Sông Sài Gòn trung tâm TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Giữ cho hệ thống sông rạch bất khả xâm phạm thì mới mong khai thác thế mạnh sông nước để phục vụ giao thông, kinh tế, du lịch.

Ai đã bức tử sông rạch?

Sông tại TP.HCM được ưu đãi tự nhiên, hai bờ đều thoai thoải như nhau. Lòng sông khá rộng và sâu, đón được nhiều tàu chở container có trọng tải lớn. Tuy nhiên, cũng vì vậy nên một số đối tượng đã lợi dụng bơm hút cát trái phép ban đêm tại những nơi vắng vẻ. Lợi nhuận "siêu khủng" khiến họ chưa chịu từ bỏ hành vi này dù từng bị lực lượng chức năng xử phạt.

Hậu quả nặng nề chính là bờ sông sạt lở nghiêm trọng, nhiều khu đất vốn rất lý tưởng ven sông đã chìm xuống nước. Hệ lụy đến ngay khi dòng chảy thay đổi bất đắc dĩ, môi trường sinh thái bị đe dọa, nguồn thủy sản ảnh hưởng theo và cảnh quan hai bên sông cũng bị xâm hại.

Tình trạng lén lút xả chất thải chưa qua xử lý và ném rác bừa bãi cũng góp phần bức tử sông, rạch. Sông ô nhiễm dẫn đến nguồn cung cấp nước thô cho các nhà máy nước không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng đến nước sinh hoạt cho hơn 10 triệu người dân.

Kênh, rạch ở nội đô cũng khổ sở do phải hứng nhiều chất thải. Chính quyền thành phố đã chi hàng ngàn tỉ đồng để hồi sinh hàng loạt dòng kênh đen ngòm, bốc mùi.

Thành phố đã rất tốn kém để khôi phục 500m kênh Hàng Bàng trước đây bị san lấp. Dẫu vậy, còn một vài tuyến kênh từng rơi vào cảnh bị lấn chiếm một phần cũng đang rất cần được trả lại hiện trạng cũ. Nỗi khổ "đường phố biến thành sông" mỗi khi mưa to vẫn tái diễn, do kênh rạch bị giảm khả năng tiêu thoát nước mưa.

Nên lập tổ tự quản?

Bơm hút cát trái phép thường xảy ra ban đêm tại những đoạn sông đi qua vùng ven, ngoại thành. Nên chăng thành lập những tổ tự quản bờ sông, bờ kênh gồm chủ yếu là những người dân có nhà đất gần bờ sông, do cán bộ địa phương phụ trách, luân phiên túc trực.

Mô hình giao rừng cho dân tự bảo vệ đã phát huy hiệu quả thì những nơi có bờ sông, bờ kênh cũng nên vậy. Một khi những người có quyền lợi gắn liền với sông rạch trực tiếp tham gia, chắc chắn sẽ trở thành lực lượng đóng vai trò quan trọng, như "thần sông" có trách nhiệm giữ gìn nguồn lợi vô giá này.

Chính quyền nên gắn camera quan sát và tạo điều kiện cho cư dân tại đây mở dịch vụ giữ xe gắn máy, quầy bán giải khát. Người dân vừa có thu nhập ổn định vừa có quyền lợi trực tiếp từ cảnh quan bờ kênh, hiển nhiên tự giác phát hiện ngăn chặn các hành vi xả rác xuống kênh, chích điện, câu cá trái phép.

Sông rạch chính là hồn cốt và sắc thái riêng của Sài Gòn. Nhìn sang nhiều thành phố lớn trên thế giới, do thiếu sông tự nhiên nên đã phải làm kênh đào, sông nhân tạo, càng thấm thía giá trị chúng ta đang được hưởng.

Kiên quyết xóa sổ nạn bơm hút cát trái phép, không để hai bờ sông sạt lở hoặc bị lấn chiếm. Khôi phục hiện trạng ban đầu cho sông rạch nếu bị lấn chiếm, khơi thông dòng chảy, "cải tử hoàn sinh" một số đoạn đang "hấp hối" do chất thải công nghiệp, rác các loại xả vô tội vạ.

Từ trên máy bay sắp hạ cánh xuống Tân Sơn Nhất, mới cảm nhận được hết vẻ đẹp quyến rũ của mạng lưới sông rạch TP.HCM như những dải lụa mềm mại uốn lượn, ôm chặt lấy thành phố của chúng ta. Muộn còn hơn không, cứu sông rạch cũng là cứu chính con người!

20 năm bị 20 năm bị 'bức tử' vì ô nhiễm, rạch Xuyên Tâm sắp được cải tạo ra sao?

TTO - Rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật, qua hai quận Bình Thạnh và Gò Vấp, TP.HCM) sắp được hồi sinh sau hơn 20 bị "bức tử" do ô nhiễm.

NGUYỄN THANH BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên