15/09/2014 07:55 GMT+7

​Cứu những vườn cây Lái Thiêu trăm tuổi

MINH PHƯỢNG
MINH PHƯỢNG

TT - “Khu vườn đẹp lá chen hoa/Nước biếc lơ thơ giọt nắng vàng/Chầm chậm cây gió vi vu/Trong vườn quả chín hương thơm...” - Một bức tranh vùng đất “cây lành trái ngọt” hàng trăm năm tuổi trong bài hát Về với Lái Thiêu đã in đậm trong tâm trí của người Sài Gòn và vùng Đông Nam bộ.

Ông Tôn Thất Tùng, 44 tuổi, chủ vườn măng cụt thuộc địa bàn thị trấn An Thạnh, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, cắt tỉa nhánh cho cây măng cụt - Ảnh: Hữu khoa
Ông Tôn Thất Tùng, 44 tuổi, chủ vườn măng cụt thuộc địa bàn thị trấn An Thạnh, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, cắt tỉa nhánh cho cây măng cụt - Ảnh: Hữu khoa

Để tất cả không chỉ là hồi ức của người xưa, trên mảnh đất Lái Thiêu thuộc các phường Bình Nhâm, Hưng Định, An Thạnh và xã An Sơn (thị xã Thuận An, Bình Dương), có những con người tâm huyết đang nỗ lực phục hồi, giữ gìn những vườn cây, hàng cây quý hàng trăm năm tuổi.

Bài toán giữ vườn cây cổ

“Những ngày 5-5 âm lịch trước đây, đường về các vườn cây Lái Thiêu rợp người. Trên đường, xe đạp kẹt cứng cả cây số, nhất là khu Cầu Ngang thuộc xã Hưng Định. Ngày ấy, tui bán vé qua khu du lịch Cầu Ngang, có mỗi dịp 5-5 âm lịch mà bán sạch trơn 100 tập vé, mỗi tập là 100 vé” - ông Lê Quốc Hưng, chủ tịch Hội Nông dân phường Hưng Định, nhớ về ký ức “một thời tấp nập Lái Thiêu”.

“Bây giờ, nguồn thu nhập chính của người dân Lái Thiêu không đến từ vườn cây trái nữa. Nhưng những vườn hàng trăm năm tuổi vẫn được lưu giữ đến bây giờ vì đây là kỷ niệm từ thời cha ông để lại. Người dân Lái Thiêu coi vườn cây trái xưa cũ như máu thịt nên dù địa phương có chính sách hỗ trợ cây giống để trồng mới, thay thế những cây măng cụt già cỗi thì người nông dân vẫn tìm cách phục hồi, giữ nguyên cây cũ” - ông Trương Công Thạch, trưởng Phòng kinh tế thị xã Thuận An, cho biết.

Hiện diện tích vườn cây trái Lái Thiêu gần 1.300ha. Trong đó, diện tích vườn măng cụt trên 660ha. Cây măng cụt có độ tuổi 60-100 năm tuổi chiếm đến hơn 64%. Đây được xem là những cây lâu năm, rất quý hiếm của cả vùng Nam bộ.

“Thời gian qua, măng đem về từ các vùng miền khác đều được người bán giới thiệu là “măng Lái Thiêu”, điều ấy ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, thương hiệu của những trái măng Lái Thiêu. Người ta không còn tin tưởng măng cụt Lái Thiêu nữa. Trong khi chỉ ở đây có những vườn cây trăm năm tuổi cho trái vốn có hương vị ngọt thanh rất đặc trưng” - đấy chính là điều để những người làm công tác quản lý cùng rất nhiều người dân vùng Lái Thiêu và yêu mảnh đất Lái Thiêu này trăn trở.

“Muốn lưu giữ được những vườn cây lâu năm của vùng đất này thì phải có những cách tính thiết thực và cụ thể nhất. Những lần bước chân vào siêu thị, thấy những trái cam, nho, táo... được dán tem thương hiệu, tôi cứ nghĩ mãi về hình ảnh trái măng cụt được dán lên những chiếc tem nhỏ xíu khẳng định “măng cụt Lái Thiêu” để không bị các vùng khác giả danh. Nhờ đó có thể giữ được vườn cây trăm tuổi” - ông Trương Công Thạch tâm sự.

Vậy là ban quản lý và ban kiểm soát của dự án “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể (NHTT) “Măng cụt Lái Thiêu” huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương” được thành lập gồm 12 thành viên. Ngoài ông còn có các thành viên thuộc Hội Nông dân của thị xã, của các xã, phường thuộc Thuận An. Những người nông dân vùng Lái Thiêu không thể nào quên được những chuyến về Chợ Lách (Bến Tre), Tân Quy (Trà Vinh), Cái Bè (Tiền Giang) rồi Vĩnh Long do ông Thạch làm trưởng đoàn.

“Sau mỗi chuyến đi là những kỷ niệm đáng nhớ. Chúng tôi học hỏi được rất nhiều điều bổ ích về cách quản lý, phát triển những vườn cây” - ông Nguyễn Văn Dội, chủ một vườn cây ở phường Hưng Định, kể.

Việc áp dụng NHTT “Măng cụt Lái Thiêu” ra sao cũng thật nan giải. Trong các buổi tập huấn, dù được giải thích rất kỹ nhưng nhiều nông dân vẫn lơ mơ với “NHTT là gì”, “có nó tui được lợi ích gì trong việc gìn giữ vườn cây?”. Người thì vô tư: “Mấy ổng vận động dữ quá, thôi thì tui tham gia đại...”. Thế là lại tiếp tục vận động, giải thích...

Khi người dân “chịu” làm đơn xin cấp quyền sử dụng NHTT “măng cụt Lái Thiêu”, đoàn công tác bắt tay ngay vào việc. Những hôm trời mưa rả rích, vườn cây nhẹp nước hòa lẫn đất sình, mọi người vẫn mặc áo mưa, lội bộ vào từng vườn để kiểm tra, thống kê sản lượng để kịp thời cấp dán nhãn...

“Logo” măng cụt trăm tuổi

Suốt một thời gian dài thai nghén, ngày 7-8-2013 giấy chứng nhận NHTT “Măng cụt Lái Thiêu” đã “tựu hình hài”. Ấp ủ thêm năm tháng nữa, ngày 19-6-2014 UBND thị xã Thuận An đã tổ chức lễ công bố NHTT “Măng cụt Lái Thiêu” và giao Hội Nông dân thị xã Thuận An quản lý.

Ngay trong buổi sáng, 12 hộ dân thuộc bốn phường xã: Hưng Định, Bình Nhâm, An Thạnh, An Sơn đã nhận mẫu nhãn dán phỏng theo hình dáng trái măng cụt. Theo ông Võ Khanh Quan - chủ tịch Hội Nông dân thị xã Thuận An, măng cụt được dán nhãn là những trái có trọng lượng 10-16 trái/kg, da láng, không sần sùi, không nứt, không chảy mủ và có màu đỏ đen hoặc đỏ nhạt.

Ông Nguyễn Văn Dội, chủ một vườn cây ăn trái, khoe: “Bữa đó chính quyền phường dựng cho tui một cái sạp, có băngrôn hoành tráng, ghi rõ “Điểm bán măng cụt Lái Thiêu”. Trong đợt ấy, tui phải xin cấp thêm nhãn mới đủ dán”. Ông Lê Quốc Hưng cho biết thấy có hiệu quả, những hộ nông dân khác mới xin được cấp quyền sử dụng tem nhãn để phát triển vườn cây của mình.

“Cách đây ít lâu, một khách hàng từ TP.HCM liên hệ Hội Nông dân thị xã đặt mua 10 tấn măng cụt. Một tín hiệu quá vui nên chúng tôi ai cũng vui mừng. Vậy là đã có người quan tâm và tin tưởng măng cụt Lái Thiêu có dán nhãn. Sắp tới chúng tôi sẽ in nhãn trên loại giấy thật mỏng. Nếu đã dán thì không xé ra được. Với 12.000 nhãn dán, hội nông dân đã hỗ trợ nông dân. Về lâu dài sẽ tính đến chuyện tính giá để bảo đảm kinh phí hoạt động” - ông Quan cho biết.

“Phải có một đơn vị, một doanh nghiệp cụ thể đứng ra thu gom măng cụt Lái Thiêu và dán nhãn đồng bộ cho măng cụt tại một địa điểm, như thế quản lý mới chặt chẽ được”. Đó cũng là những dự tính sắp tới của Hội Nông dân thị xã Thuận An.

Ông Lê Quốc Hưng - người gắn bó cả cuộc đời với vùng cây trái miệt vườn hàng trăm năm này - không giấu được niềm vui, thổ lộ rằng ông hi vọng trong tương lai những vườn cây trái lâu năm của Lái Thiêu sẽ được tiếp tục bảo tồn, lưu giữ. “Vì vùng đất này, những vườn cây trăm năm này đã đi vào kỷ niệm, ký ức của cả một vùng đất, của nhiều thế hệ” - ông Hưng nói.

Phát triển thành lễ hội

Để góp phần gìn giữ những vườn trái cây lâu năm, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Bình Dương đã tổ chức một lễ hội trái cây với số lượng lên đến 50 gian hàng. Những loại trái cây nức tiếng của vùng đất Lái Thiêu như măng cụt, sầu riêng, mít tố nữ, dâu, bòn bon... có dịp theo chân du khách đến khắp mọi miền đất nước.

Bà Võ Thị Anh Xuân - giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Bình Dương, người tham mưu nội dung lễ hội “Lái Thiêu mùa trái chín năm 2013” - cho biết lễ hội đã tạo được một “cú hích” lớn: “Ước khoảng 20 tấn trái cây bán ra trong lễ hội. Sản lượng măng cụt là nhiều nhất, lên tới 11 tấn”. Trước mắt, lễ hội sẽ được tổ chức định kỳ vào dịp 5-5 âm lịch hằng năm để quảng bá du lịch. Sau đó, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Bình Dương sẽ tính phương án đầu tư tiếp lễ hội này.

Đồng thời, các cơ quan chức năng Bình Dương cũng sẽ tập trung xây dựng Lái Thiêu thành một vùng du lịch văn hóa với những vườn cây trăm tuổi được giữ gìn và chấm dứt nạn “chặt chém” du khách.

MINH PHƯỢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên