24/12/2017 10:30 GMT+7

Cưỡng chế tàu cá, đưa vào nơi trú ẩn an toàn

X.LONG - Đ.HÀ - T.NGUYÊN - C.QUỐC - K.TÂM
X.LONG - Đ.HÀ - T.NGUYÊN - C.QUỐC - K.TÂM

TTO - Bão Tembin sau khi đi qua Philippines đã gây thiệt hại nặng về người. Điều đó cho thấy đây là cơn bão rất mạnh, cần phải quyết liệt trong ứng phó.

Cưỡng chế tàu cá, đưa vào nơi trú ẩn an toàn - Ảnh 1.

Cán bộ công nhân viên Khu di tích lịch sử Côn Đảo đang chằng chống mái nhà chống bão - Ảnh: VÕ HOÀNG

Ông Trần Quang Hoai, tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) khẳng định như vậy tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai ứng phó với bão Tembin sáng 24-12.

Bộ Tư lệnh bộ đội biên phòng báo báo đến sáng 24-12, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 60.413 phương tiện/307.742 lao động về diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh.

131 tàu cá và 1.117 ngư dân đang ở Trường Sa

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ di chuyển nhanh (25km/h), như vậy chiều tối và đêm nay bão số 16 duy trì sức gió mạnh nhất cấp 12, giật cấp 15 với sóng biển cao 10m sẽ đi qua khu vực đảo Trường Sa Lớn và Huyền Trân; cấp độ rủi ro thiên tai do bão ở huyện đảo Trường Sa cấp 4 (rủi ro thiên tai rất lớn).  

Theo Bộ Tư lệnh bộ đội biên phòng, số tàu hoạt động ở khu vực quần đảo Trường Sa tương đối nhiều với 131 tàu/1.117 lao động, trong đó có 22 tàu/371 lao động của Quảng Ngãi, 3 tàu/20 lao động của Bình Định, 100 tàu/667 lao động của Phú Yên, 5 tàu/45 lao động của Khánh Hòa,1 tàu/14 lao động của Bình Thuận.

"Tất cả những tàu thuyền kể trên đã được tổ chức hướng dẫn cho các phương tiện neo đậu trú tránh. Báo cáo từ lực lượng hải quân cho biết đã tổ chức kiểm đếm các tàu đang neo đậu ở Trường Sa, các tàu đều an toàn" - đại biện Bộ Tư lệnh bộ đội biên phòng cho biết.

Tuy nhiên, theo thiếu tướng Trương Đức Nghĩa, chánh văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, bão Tembin là cơn bão mạnh, di chuyển vào vùng trọng điểm Cà Mau và một số khu vực khác.

"20 năm trước bão Linda cũng gây thiệt hại thảm khốc ở Cà Mau. Với bão Tembin, có rất nhiều nguy cơ nổi lên. 

Thứ nhất, nguy cơ thiệt hại về người, tài sản trên biển còn rất lớn. Thứ hai, nguy cơ về tàu thuyền chìm hàng loạt ở cảng, cửa sông, trong đó lưu ý khu vực Nam Bộ có số lượng tàu thuyền rất lớn. Thứ ba, nguy cơ về thiệt hại nhà ở vì khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp từ bão là nơi có nhà cửa thô sơ, sức chịu đựng yếu" - ông Nghĩa nêu. 

Cưỡng chế tàu cá, đưa vào nơi trú ẩn an toàn - Ảnh 2.

Côn Đảo: bộ đội giúp dân gia cố nhà cửa đón bão - Ảnh BÁ SƠN

Theo ông Nghĩa, trong triển khai ứng phó với bão Tembin, cần quyết liệt để đảm bảo cao nhất an toàn về người. 

"Trong ứng phó, Bộ Quốc phòng đã có ba công điện chỉ đạo. Bộ trưởng, Tổng tham mưu trưởng đã lệnh cho các lực lượng từ quân khu 5 trở vào trong phải đặt trong tình trạng báo động cao nhất. Tuy nhiên, ở cấp cơ sở, phải rút kinh nghiệm từ bão số 12, phải truyền thông mạnh mẽ tới người dân" - ông Nghĩa nói.

Tuy nhiên, theo ông Hoài, hiện nay vẫn còn tình trạng một số tàu chưa liên lạc được. 

"Ngày 23-12 còn 5 tàu của Cà Mau chưa liên lạc được, đến hôm nay vẫn còn 3 tàu chưa liên lạc được. Vì vậy, Bộ Tư lệnh bộ đội biên phòng cần phải kiểm soát lại số tàu thuyền này" - ông Hoài nêu. 

Phải kiên quyết cưỡng chế lên bờ

Cưỡng chế tàu cá, đưa vào nơi trú ẩn an toàn - Ảnh 3.

Hàng trăm tàu thuyền của ngư dân các tỉnh vào trú bão tại sông Cầu Sấu ( An Thới, Phú Quốc) - Ảnh DUY KHÁNH

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng, phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai nhấn mạnh như vậy tại phiên họp. 

Theo ông Thắng, ngoài chủ động ứng phó vỡi bão Tembin theo dự báo cần chủ động các tình huống khi có dự báo xu thế bão Tembin đi lệch về phía Nam, di chuyển sang biển Tây, vì đây là khu vực dễ bị tổn thương, vùng sạt lở cao. 

"Việc cấm biển phải thực hiện triệt để. Theo dự báo của Nhật Bản, sau khi bão qua khu vực Nam Bộ, vào biển phía Tây của Nam Bộ vẫn còn cấp 9. Đây là điều rất đáng chú ý vì khu vực này có số lượng tàu thuyền hoạt động lớn, phải kiểm soát chặt chẽ" - ông Thắng yêu cầu. 

Theo ông Thắng, trước những diễn biến còn phức tạp của bão Tembin, các địa phương phải tính toán cụ thể các phương án di dời người dân vùng cửa sông, khu vực sung yêu vào sâu trong đất liền. 

"Với những tàu thuyền đánh bắt gần bờ, số lượng ở khu vực này rất lớn nên không cho phép chủ quan. Đặc biệt, cần gấp rút tìm mọi cách liên lạc với các tàu chưa liên lạc được" - ông Thắng chỉ đạo. 

Rút kinh nghiệm từ công tác ứng phó với bão số 12, thứ trưởng Hoàng Văn Thắng yêu cầu các địa phương phải nỗ lực rất lớn để không thiệt hại về tính mạng con người. 

"Từ trưa ngày 25-12 phải cơ bản xong công tác di dời người ở các tàu thuyền, lồng bè lên bờ. Đến tối mai 25-12 phải thực hiện cưỡng chế, đợt này dứt khoát phải cưỡng chế hết người ở tàu thuyền và người trên lồng bè lên bờ" - ông Thắng nói. 

Trước tình hình diễn biến phức tạp của bão Tembin, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai quyết định họp trực tuyến với các tỉnh để triển khai công tác ứng phó khẩn cấp với bão vào cuối giờ chiều nay.

Dự kiến chiều nay Thủ tướng sẽ trực tiếp chủ trì phiên họp trực tuyến với các bộ, ngành và các tỉnh để chỉ đạo ứng phó với bão Tembin.

Côn Đảo: Cưỡng chế, đưa tàu cá vào tránh trú bão

Sáng 24-12, thượng tá Trần Trọng Anh - đồn trưởng đồn Biên phòng Côn Đảo, Bộ đội biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu - cho biết sáng cùng ngày, bộ đội Biên phòng, chính quyền huyện và các ngành chức năng đã kêu gọi ghe cá chưa vào nơi trú ẩn đến trú ở vùng an toàn.

Nếu ghe cá nào không đi sẽ cưỡng chế. Đồng thời sẽ đưa các ngư dân ở ghe lên bờ. 

Được biết, hiện có hơn 600 tàu cá với khoảng gần 5.000 ngư dân đang trú ẩn tại đây, trong đó tập trung nhiều nhất ở khu vực Bến Đầm.

Ông Lê Văn Phong - chủ tịch UBND huyện Côn Đảo - cho biết thêm ngoài ngư dân đang trú trên đảo, còn có hơn 600 du khách đang nghỉ ngơi tại đây. Chính quyền huyện cũng yêu cầu các khu du lịch, khách sạn đảm bảo an toàn cho du khách. 

Trong khi đó, nếu phải di dời người dân sống trong các căn nhà tạm, nhà cấp 4 thì số hộ phải di chuyển khoảng 500 hộ.

12h trưa nay, UBND huyện Côn Đảo sẽ họp triển khai tiếp các bước phòng, chống bão. Cuộc họp này sẽ quyết định nhiều phương án đối phó với bão.

Cà Mau khẩn cấp di dời dân 

Sáng 24-12, ông Nguyễn Long Hoài - chi cục trưởng Chi cục thủy lợi tỉnh Cà Mau - cho biết lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo tổ chức di dời dân đến nơi tránh trú an toàn. Trước mắt tổ chức di dời người già, trẻ em và tài sản. 

Ông Nguyễn Tiến Hải - chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau - chỉ đạo hỗ trợ mỗi hộ dân nghèo 150.000 đồng để di dời. Tỉnh Cà Mau cũng cho học sinh không đến trường từ ngày mai, 25-12. 

Hiện Bộ đội biên phòng Cà Mau đã liên lạc với chủ của 595 tàu cá đang trên đường vào bờ. Theo đó, nếu các tàu đang ở vị trí 7 độ vĩ Bắc sẽ chạy ngược ra tìm nơi trú bão chứ không kịp vào bờ, nếu tàu từ 7 - 9 độ vĩ Bắc sẽ tăng tốc vào bờ hoặc ghé các đảo gần nhất. 

Ông Lê Tấn Cui, ngư dân ở cửa biển Sông Đốc, cho biết do những ngày này ngay con nước ghe vào bờ, nên trừ những ghe cào thì rất đông tàu đã vào cửa biển Sông Đốc. 

"Bà con giờ phương tiện liên lạc đầy đủ, không còn chủ quan với bão nên đã chấp hành lệnh gọi vào bờ rất nghiêm" - ông Cui nói.

TP.HCM: Di dời hơn 5.000 dân, cho học sinh nghỉ học 

Cưỡng chế tàu cá, đưa vào nơi trú ẩn an toàn - Ảnh 5.

Phó chủ tịch thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm (thứ 2 từ trái qua) thăm hỏi động viên ngư dân neo đậu tàu thuyền tại bến neo đậu Cầu Cảng – huyện Cần Giờ sáng 24-12 - Ảnh: QUANG KHẢI

Nhận định TP.HCM nằm trong vùng ảnh hưởng của bão Tembin, phó chủ tịch thường trực UBND TP Lê Thanh Liêm yêu cầu UBND huyện Cần Giờ và các đơn vị liên quan khẩn trương công tác di dời dân trong ngày 24-12, cho học sinh nghỉ học.

Ông Liêm cho rằng diễn biến bão bất thường, diễn biến phức tạp và di chuyển nhanh nên việc di dời dân phải hoàn thành trong chiều 24-12, cho học sinh nghỉ học trong ngày 24 và 25-12. 

Ông Liêm cũng lưu ý các đơn vị như Công ty TNHH một thành viên công viên cây xanh chủ động xử lý trước những cây xanh nghiêng, có nguy cơ ngã đổ, Tổng Công ty điện lực chuẩn bị các phương án, kịch bản khi bị cúp điện nhằm hạn chế mức thấp nhất thiệt hại do bão Tembin gây ra. Cũng theo ông Liêm: TP đã chuẩn bị hệ thống liên lạc vệ tinh phục vụ công tác phòng chống bão đề phòng trường hợp bão đổ bộ gây hư hỏng hệ thống thông tin liên lạc thông thường.

Dự kiến TP cũng sẽ ban hành lệnh cấm các phương tiện tàu thuyến, bến khách ngang sông hoạt động từ 1 giờ sáng ngày 25-12.

Cưỡng chế tàu cá, đưa vào nơi trú ẩn an toàn - Ảnh 6.

Ngư dân thu dọn ngư cụ tại bến neo đậu Cầu Cảng – huyện Cần Giờ tránh bão Tembin ngày 24-12 - Ảnh: QUANG KHẢI

Ông Trương Tiến Triển, phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết đã huy động gần 1.800 người tham gia công tác ứng phó với bão. Hiện Cần Giờ đã hướng dẫn cho hơn 1.000 phương tiện; đồng thời chuẩn bị 103 tấn gạo, hơn 2.800 thùng mì gói, nước uống.

Hiện UBND huyện Cần Giờ đang tổ chức công tác di dời trên 5.000 dân trên địa bàn ở xã Thạnh An và các khu vực ven cửa sông, cửa biển về các nơi an toàn.  

Bạc Liêu di dời dân, cho học sinh nghỉ học

Bắt đầu từ trưa 24-12, Bạc Liêu sẽ di dời dân khoảng 365.755 người trong tổng số 85.831 hộ dân nếu bão số 16 có khả năng ảnh hưởng và đổ bộ vào đất liền. 

Thời gian hoàn thành công tác di dời, sơ tán dân trước 12h ngày 25-12 và có biện pháp cưỡng chế đối với các trường hợp không chấp hành lệnh sơ tán.  

Để làm tốt công tác di dời dân này, UBND tỉnh huy động lực lượng gồm hơn 12.000 người, 24.000 phương tiện, đồng thời triển khai các giải pháp bảo vệ hơn 33.000 ha lúa - tôm, 35.000 ha lúa thu đông, hơn 11.000 ha lúa đông xuân và hơn 76.000 ha nuôi trồng thủy sản.

Học sinh được nghỉ học từ ngày 25-12, thời gian đi học lại sẽ có thông báo sau.

Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh tại cuộc họp khẩn bàn các biện pháp ứng phó với bão số 16 (bão Tembin) trưa nay, Bạc Liêu có 1.232 tàu đánh bắt trên biển với 10.298 thuyền viên. 

Tính đến sáng 24-12, còn 177 tàu với 1.189 thuyền viên đang hoạt động trên biển. Tất cả phương tiện trên đều giữ liên lạc với đất liền và đang di chuyển đến nơi trú bão an toàn; vẫn còn một số chủ tàu chưa chấp hành nghiêm, chưa vào đất liền trú bão.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung yêu cầu các địa phương trong tỉnh triển khai nhanh các phương pháp ứng phó với bão, công tác di dời dân ưu tiên cho người già với trẻ em trước.

Cưỡng chế tàu cá, đưa vào nơi trú ẩn an toàn - Ảnh 7.

Nhiều tàu thuyền đã vào tránh bão tại cửa biển Nhà Mát, TP Bạc Liêu - Ảnh: TRẦN NGUYÊN

Sóc Trăng: Nhờ đại đức các chùa hỗ trợ kêu gọi bà con sơ tán

Trưa 24-12, ông Lâm Văn Mẫn, phó bí thư tỉnh ủy - chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng - đã kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó bão số 16.

Sóc Trăng có đến gần 30% dân số là người dân tộc Khmer. Để công tác sơ tán dân thuận lợi, ông Mẫn đến các điểm chùa, nhờ hòa thượng và sư trụ trì thông báo tình hình bão bằng tiếng Khmer và tiếng Việt để bà con biết. 

Tại các điểm chùa, thông qua hệ thống loa truyền thanh, các sư trụ trì kêu gọi người dân sơ tán theo lệnh của chính quyền, chằng chống nhà cửa, bảo vệ tài sản… 

Hòa thượng Thạch Huôn - chủ trì chùa Prey Chóp, thị xã Vĩnh Châu - cho biết trong trường hợp đặc biệt, chùa sẽ đánh trống báo động bão để bà con sơ tán kịp thời tìm nơi trú tránh an toàn.

Theo ông Mẫn, đến 10h30, đã sơ tán dân các xã vùng ven biển đến nơi trú ẩn. Dự kiến Sóc Trăng sẽ sơ tán trên 139.000 dân thuộc các huyện Long Phú, Cù Lao Dung, Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu trước 17h cùng ngày. 

Hiện toàn bộ 844 tàu thuyền của Sóc Trăng đã về neo đậu tại bến.

Đáng lưu ý, tối qua (23-12) một đoạn tuyến đê biển khoảng 100m thuộc xã Vĩnh Hải, thị xã Vĩnh Châu bị sạt lở. Sáng nay, tỉnh đã huy động nhiều phương tiện, thiết bị để gia cố đoạn đê này.

Cưỡng chế tàu cá, đưa vào nơi trú ẩn an toàn - Ảnh 8.

Hòa thượng Thạch Huôn, chủ trì chùa Prey Chóp, thông báo tình hình bão cho bà con Phật tử biết - Ảnh: K.T

bao so 16

Học sinh các trường ở Phú Quốc sẽ được nghỉ 3 ngày để phòng bão - Ảnh: H.TRUNG

Sáng 24-12, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Đống Thành Đạt - trưởng Phòng GD-ĐT huyện Phú Quốc, Kiên Giang cho biết đã gửi thông báo đến các trường học trực thuộc cho học sinh nghỉ học 3 ngày (từ ngày 25 đến hết 27-12) để đề phòng bão Tembin.

"Trước mắt phòng thông báo cho học sinh các trường trực thuộc nghỉ học đến hết 27-12, sau đó sẽ tùy theo tình hình sẽ có thông báo tiếp theo" - ông Đạt nói.

Cũng trong sáng nay, lãnh đạo huyện Phú Quốc đã khảo sát tình hình phòng chống bão ở các xã ven biển Hàm Ninh, Gành Dầu…

Hiện ở Phú Quốc trời nắng, nhiệt độ 24 - 30 độ C.

Tại cửa sông Dương Đông, tàu thuyền vẫn đang tấp nập vào tránh bão.

H.TRUNG

X.LONG - Đ.HÀ - T.NGUYÊN - C.QUỐC - K.TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên