20/03/2022 11:14 GMT+7

Cuốn sách tiết lộ thông tin ít người biết về những kiến trúc Pháp - Đông Dương tại Hà Nội trước 1945

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Đã có vô số những cuốn sách thú vị về Hà Nội của các tác giả người Hà Nội và người nước ngoài, nhưng một cuốn sách dành riêng kể chuyện kiến trúc và "tiểu sử" của những dinh thự, tòa biệt thự Pháp cổ ở Hà Nội thì dường như mới có cuốn đầu tiên.

Cuốn sách tiết lộ thông tin ít người biết về những kiến trúc Pháp - Đông Dương tại Hà Nội trước 1945 - Ảnh 1.

Một trang trong sách Kiến trúc Pháp - Đông Dương - Những viên ngọc quý tại Hà Nội - Ảnh: T.ĐIỂU

Đó là cuốn sách Kiến trúc Pháp - Đông Dương - Những viên ngọc quý tại Hà Nội do Trung tâm Lưu trữ quốc gia I tổ chức biên soạn và phát hành.

Nhà báo, nhà khảo cứu Phúc Tiến của TP.HCM chính là chủ biên của cuốn sách này. Thật thú vị khi một người Sài Gòn đã được chọn thay vì một người Hà Nội hoặc một người sống ở Hà Nội nhiều năm.

Ông Phúc Tiến cho biết mới chỉ bắt đầu làm quen Hà Nội từ năm 1984, lại là người "ngoại đạo" về kiến trúc, nhưng ông đã hoàn thành cuốn sách đặc biệt này chỉ với lòng của một "khách lữ hành say mê lịch sử" sớm "bị cuốn hút bởi vẻ đẹp kỳ lạ của một thành phố Việt Nam hơn 1.000 tuổi đời nhưng lại mang khí vị Pháp".

Cuốn sách tiết lộ thông tin ít người biết về những kiến trúc Pháp - Đông Dương tại Hà Nội trước 1945 - Ảnh 2.

Bìa cuốn sách Kiến trúc Pháp - Đông Dương - Những viên ngọc quý tại Hà Nội - Ảnh: T.ĐIỂU

Từ những tư liệu là hình ảnh bản vẽ thiết kế kiến trúc, những giấy tờ liên quan tới việc xây dựng các ngôi biệt thự "kiểu Pháp" tại Hà Nội từ trước 1945, những bức ảnh tư liệu cũ chụp công trình kiến trúc hay cảnh quan đoạn phố có những công trình này, cùng những thông tin về "tiểu sử" đổi dời của chúng theo biến thiên lịch sử Hà Nội, soạn giả đã dựng lên cuộc đời trăm năm của những dinh thự, biệt thự cổ ở thành phố vốn được yêu thích bởi sự giàu có về di sản kiến trúc này.

Người đọc sẽ được đi thăm những công trình Pháp cổ nổi tiếng nhất của Hà Nội như Nhà hát lớn, phủ Thống Sứ Bắc kỳ, Viện Viễn Đông Bác Cổ, Trường Chu Văn An, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Viện đại học Đông Dương, ga Hà Nội, cầu Long Biên…

Cuốn sách rất có giá trị về mặt tư liệu với những ai quan tâm tới kiến trúc Pháp cổ ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Giá trị lớn nhất của nó chính là giá trị về tư liệu. Nhưng cũng chính thế mạnh này làm giới hạn cuốn sách khi nó nặng tính tư liệu mà thiếu những câu chuyện vốn là thứ hấp dẫn người đọc số đông.

Với lịch sử thăng trầm của Hà Nội trong một thế kỷ XX đầy biến động thì những dinh thự, biệt thự Pháp cổ cũng có một lịch sử "dâu bể" ly kỳ, hấp dẫn tương tự. Và tất nhiên phía sau những bể dâu lịch sử ấy chính là những thân phận con người, những câu chuyện của con người.

Tất nhiên "nhược điểm" có thể hiểu là không do kiến văn của tác giả mà có lẽ do yêu cầu với cuốn sách tư liệu của một trung tâm lưu trữ.

Dẫu còn có một số chi tiết chưa chính xác, đầy đủ về các biệt thự tại Trạm vô tuyến điện Bạch Mai, gấp cuốn sách này lại, người đọc biết ơn những tư liệu quý giá mà trước đây thường chìm lấp trong các trung tâm lưu trữ không thuận tiện tiếp cận cho công chúng số đông.

Một số trang sách:

Cuốn sách tiết lộ thông tin ít người biết về những kiến trúc Pháp - Đông Dương tại Hà Nội trước 1945 - Ảnh 3.
Cuốn sách tiết lộ thông tin ít người biết về những kiến trúc Pháp - Đông Dương tại Hà Nội trước 1945 - Ảnh 4.
Cuốn sách tiết lộ thông tin ít người biết về những kiến trúc Pháp - Đông Dương tại Hà Nội trước 1945 - Ảnh 5.
Cuốn sách tiết lộ thông tin ít người biết về những kiến trúc Pháp - Đông Dương tại Hà Nội trước 1945 - Ảnh 6.

Có những biệt thự lâu nay rất "bí ẩn" với đa số người dân thường bởi nó trở thành tư gia của cán bộ cấp cao như biệt thự số 6 Hoàng Diệu (của gia đình cố Tổng bí thư Lê Duẩn), thì nay nhờ cuốn sách mà hé mở đôi điều.

Đặc biệt với những độc giả trẻ thì việc được tìm hiểu về những công trình lớn ở Hà Nội đã không còn nữa như khu đấu xảo, khu Đông Dương học xá, Trường Mỹ thuật Đông Dương, các biệt thự thuộc Trạm vô tuyến điện Bạch Mai… sẽ là những trải nghiệm giá trị và cảm động.

Ngắm Hà Nội đẹp tươi ngày giải phóng thủ đô trong tranh của nhiều danh họa Ngắm Hà Nội đẹp tươi ngày giải phóng thủ đô trong tranh của nhiều danh họa

TTO - Hà Nội tươi đẹp sau ngày giải phóng thủ đô không chỉ đem lại nguồn cảm hứng hùng tráng cho âm nhạc, văn chương, mà còn nuôi dưỡng sáng tạo dài lâu cho nhiều họa sĩ nổi danh như Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Phan Chánh.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên