08/03/2020 11:34 GMT+7

Cuộc 'trường chinh' tìm văcxin cứu người - Kỳ 1: Chạy đua tìm văcxin COVID-19

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Không chỉ dịch bệnh đang hoành hành do virus corona, từ lâu nhân loại đã cố gắng tìm văcxin phòng chống các bệnh nguy hiểm như HIV, ung thư, Ebola, MERS...

Cuộc trường chinh tìm văcxin cứu người - Kỳ 1: Chạy đua tìm văcxin COVID-19 - Ảnh 1.

Cấu trúc của một loại vius

Và cuộc "trường chinh" không có ngày kết thúc của giới y học, vì mới thành công văcxin này họ lại phải hối hả nghiên cứu văcxin khác, thậm chí hàng chục năm vẫn chưa thể đến hồi kết như HIV.

Họ đã làm điều đó như thế nào?

Trong tình hình dịch COVID-19 đang lan rộng nghiêm trọng, các nhà khoa học nỗ lực chạy đua rút ngắn thời gian điều chế văcxin phòng ngừa.

Chuẩn bị thử nghiệm ở người

Báo Wall Street Journal đưa tin ngày 4-3 (giờ địa phương), Viện Nghiên cứu sức khỏe Kaiser Permanente Washington ở Seattle (Mỹ) thông báo bắt đầu tuyển 45 người tình nguyện tham gia thử nghiệm lâm sàng trên người đầu tiên về văcxin ARNm-1273. 

Đây là loại văcxin đầu tiên ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona - SARS-CoV-2 (COVID-19) được Công ty công nghệ sinh học Moderna phát triển. Người tình nguyện trưởng thành khỏe mạnh 18-55 tuổi được tiêm hai mũi văcxin cách nhau 28 ngày.

So với các loại văcxin trước đây, văcxin ARNm-1273 của Công ty Moderna được phát triển nhanh kỷ lục nhưng còn phải trải thời gian dài thử nghiệm lâm sàng (nghiên cứu văcxin mới trên người). Có ba giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trước khi lưu hành thuốc.

Giai đoạn 1 (từ 10-100 người): nghiên cứu khả năng dung nạp và sản sinh kháng thể theo các liều sử dụng.

Giai đoạn 2 (từ 50-500 người): nghiên cứu khả năng dung nạp với công thức cuối cùng của văcxin và số liều phải giữ lại để tiêm chủng theo từng đối tượng dân số.

Giai đoạn 3 (vài ngàn người): thử nghiệm trên quy mô lớn để xác định tính ổn định của công thức văcxin, tính an toàn và hiệu quả điều trị.

Văcxin ARNm-1273 (hoặc mRNA-1273) của Moderna được phát triển dựa trên một phân tử ARN thông tin (ARNm). ARNm này sẽ kích thích tế bào miễn dịch xem các protein sợi trên bề mặt virus corona (spike protein hoặc protein S) là kháng nguyên và sản sinh kháng thể chống lại. Nếu người được tiêm văcxin sau đó nhiễm virus corona, hệ miễn dịch đã có kinh nghiệm rồi sẽ phản ứng lại bằng cách tạo kháng thể nhận biết dấu hiệu các protein S, từ đó bảo vệ họ khỏi nhiễm bệnh.

Hiện Công ty Moderna ở Cambridge (bang Massachusetts) đang dẫn đầu cuộc đua tìm kiếm văcxin COVID-19. Đơn vị tài trợ cho Moderna nghiên cứu văcxin là Liên minh Các sáng kiến ứng phó dịch bệnh (CEPI có trụ sở chính ở Na Uy), tổ chức hợp tác công - tư phi lợi nhuận chuyên thúc đẩy hợp tác phát triển các phương pháp điều trị bệnh nhiễm mới nổi. CEPI đã tài trợ 19 triệu USD để phát triển bốn loại văcxin.

Ba đơn vị nhận tài trợ của CEPI gồm Moderna hợp tác với Viện Dị ứng và bệnh nhiễm quốc gia Mỹ (NIAID) phát triển văcxin dựa trên ARNm, Công ty công nghệ sinh học Inovio Enterprises (Mỹ) phát triển văcxin trên nền tảng ADN và Đại học Queensland (Úc) phát triển văcxin với công nghệ kìm giữ phân tử. CEPI còn hợp tác với Công ty công nghệ sinh học Curevac ở Đức để phát triển văcxin trên nền tảng ARN. Điều chế văcxin có nguồn gốc từ ARN là xu hướng có triển vọng nhất hiện nay vì thời gian phát triển và sản xuất văcxin nhanh hơn so với văcxin truyền thống.

Công ty công nghệ sinh học Novavax ở Gaithersburg (bang Maryland) dự tính sẽ thử nghiệm lâm sàng phiên bản văcxin ngừa COVID-19 của mình trong tháng 5 hoặc tháng 6-2020, tức sau Công ty Moderna vài tháng. Ông Stanley C. Erck, tổng giám đốc Novavax, tự tin tuyên bố: "Kinh nghiệm của chúng tôi khi nghiên cứu các chủng virus corona khác như virus hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS-CoV) năm 2012/2013 và virus hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) năm 2002/2003 đã giúp chúng tôi đối phó nhanh chóng với COVID-19".

Trong khi đó, văcxin ngừa COVID-19 của Trung Quốc dự kiến được thử nghiệm trên người vào cuối tháng 4-2020, theo Thứ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ Từ Nam Bình. Phó chủ nhiệm Ủy ban Y tế quốc gia Tăng Ích Tân giải thích các giải pháp kỹ thuật phát triển văcxin bao gồm sử dụng virus corona suy yếu, kỹ thuật di truyền sản sinh protein kháng nguyên và chỉnh sửa di truyền văcxin cúm.

Trước đó, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh hợp tác với Trường Y khoa Đồng Tế ở Thượng Hải và Công ty Stermirna Therapeutics đã tiêm thử nghiệm văcxin ARNm ngừa COVID-19 cho hơn 100 chuột thí nghiệm. Văcxin còn phải được thử nghiệm độc tính trên động vật lớn hơn như khỉ.

Cuộc trường chinh tìm văcxin cứu người - Kỳ 1: Chạy đua tìm văcxin COVID-19 - Ảnh 2.

Nhà khoa học của Công ty Stermirna Therapeutics (Trung Quốc) giới thiệu mẫu ứng viên văcxin ngừa COVID-19 - Ảnh: THX

Vài tháng và lâu hơn nữa

Tại Anh vào đầu tháng 3-2020, các nhà nghiên cứu của Đại học Hoàng gia ở London đã tiến hành thử nghiệm trên chuột văcxin ngừa COVID-19 được sản xuất từ vi khuẩn. Tiến sĩ Paul McKay cho biết nếu kết quả khả thi, trong vài tháng tới văcxin sẽ được thử nghiệm lâm sàng trên người. Cùng lúc đó, Đại học Queensland (Úc) cũng thông báo đã thử nghiệm văcxin ngừa COVID-19 trên động vật.

Một số cơ quan nghiên cứu và hãng dược dự kiến thời gian bắt đầu thử nghiệm lâm sàng nơi người lâu hơn. Công ty dược Johnson & Johnson ở Mỹ dự kiến từ 8-12 tháng nữa mới thử nghiệm văcxin ngừa COVID-19 trên người. Trong khi đó, Tập đoàn dược phẩm Sanofi của Pháp nhắm đến giai đoạn thử nghiệm văcxin trên người khoảng từ một năm tới một năm rưỡi nữa.

Ông David Loew - phó chủ tịch điều hành Sanofi - cho biết Sanofi sử dụng công nghệ ADN tái tổ hợp (lắp ráp các đoạn ADN lấy từ các tế bào khác nhau thành một phân tử ADN) để rút ngắn thời gian phát triển văcxin. Trước đây, Sanofi từng thử nghiệm văcxin ngừa SARS trên động vật và đã đạt được kết quả miễn dịch. Sanofi và Johnson & Johnson đều đã ký thỏa thuận với Bộ Y tế Mỹ phát triển văcxin ngừa virus corona chủng mới.

Tại Pháp, giáo sư Frédéric Tangy, giám đốc phòng thí nghiệm sáng kiến văcxin thuộc Viện Pasteur, cho biết Viện Pasteur dự kiến đến cuối tháng 9-2020 mới chuyển sang giai đoạn thử nghiệm lâm sàng văcxin ngừa COVID-19 trên người. Viện Pasteur điều chế văcxin dựa trên văcxin sởi bằng cách cấy thêm gen của virus corona vào virus sởi đã chết. Hướng nghiên cứu này từng được Viện Pasteur áp dụng trong hai cơn dịch SARS và MERS-CoV.

Ngoài ra, một số nước khác vẫn đang tìm kiếm văcxin ngừa virus corona chủng mới. Tại Iran hôm 4-3, tướng Alireza Jalali - chủ tịch Đại học Y khoa Baghiyyatollah ở Tehran - thông báo đang chờ Tổ chức Thực phẩm và dược phẩm Iran cấp giấy phép để đưa văcxin vào thử nghiệm lâm sàng. 

Tại Nga vào cuối tháng 2 vừa qua, Phó thủ tướng Tatyana Golikova thông báo Trung tâm quốc gia nghiên cứu virus và công nghệ sinh học VECTOR đã phát triển năm mẫu văcxin ngừa COVID-19 để sau đó sẽ chọn ra một ứng viên văcxin tốt nhất. Bà Golikova cho biết nghiên cứu chỉ mới ở giai đoạn ban đầu.

Cuộc trường chinh tìm văcxin cứu người - Kỳ 1: Chạy đua tìm văcxin COVID-19 - Ảnh 3.

Nghiên cứu phát triển văcxin ngừa COVID-19 tại Công ty Moderna - Ảnh: MODERNA

Trung tuần tháng 2-2020, bốn quốc gia châu Phi đã phê duyệt văcxin Ervebo ngừa virus Ebola. Văcxin này là thành tựu nghiên cứu trong nhiều năm của các nhà khoa học ở ba châu lục.

Kỳ tới: Cuộc chiến với tử thần Ebola

Tìm Tìm 'văcxin' ngăn kinh tế sụt giảm

TTO - Trong bối cảnh kinh tế bị ảnh hưởng do dịch bệnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cần phải tìm được liều văcxin trị căn bệnh sụt giảm kinh tế và khẳng định chưa có cơ sở để điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng.

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên