09/08/2022 08:28 GMT+7

Cuộc thi Lan tỏa năng lượng tích cực: Năng lượng tích cực luôn cần lan tỏa

HUY ĐĂNG
HUY ĐĂNG

TTO - Những bài thể dục trong nhà, vài vòng chạy trên khoảnh sân chật hẹp, hay khoảnh khắc vui đùa cùng con cháu... là những clip được độc giả gửi đến cuộc thi "Lan tỏa năng lượng tích cực" lần 2 do báo Tuổi Trẻ tổ chức.

Cuộc thi Lan tỏa năng lượng tích cực: Năng lượng tích cực luôn cần lan tỏa - Ảnh 1.

Ảnh cắt từ clip đoạt giải nhất của tác giả Lê Minh Thi trong cuộc thi "Lan tỏa năng lượng tích cực" lần 2 - tác phẩm "Phan Văn Sanh từ vực tối đứng lên" - Ảnh: TUOITRE.VN

Cuộc thi có sự đồng hành của Công ty Herbalife Việt Nam.

Sau một năm, những giờ khắc đáng quên nhất của đại dịch COVID-19 đã qua đi, nhưng năng lượng tích cực vẫn luôn là điều cần phải lan tỏa. Trong lần tổ chức thứ 3 năm nay, cuộc thi "Lan tỏa năng lượng tích cực" sẽ tiếp tục trở lại với độc giả.

Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy những người càng theo dõi các sự kiện thể thao sẽ càng cảm thấy hài lòng với cuộc sống của mình, và họ có tương tác tích cực hơn với xã hội.

Giáo sư người Nhật MIkihiro Sato (ĐH Illinois Urbana - Campaign, Mỹ)

Cần những hiệu ứng chữa lành

Năm 1920, thế giới tranh cãi dữ dội vì quyết định tổ chức kỳ Olympic Antwerp của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) cùng Chính phủ Bỉ. Đó có lẽ là khoảng thời gian đen tối của lịch sử loài người, khi nhiều quốc gia phương Tây thương vong nặng nề vì Thế chiến I cũng như đại dịch cúm Tây Ban Nha. Những nỗ lực tổ chức một kỳ Olympic trong bối cảnh như thế có lẽ chỉ phí hoài tiền bạc, công sức...

Nhưng rồi Olympic Antwerp vẫn diễn ra như dự định bất chấp mọi khó khăn và đạt được giá trị lan tỏa mà một kỳ thế vận hội hướng đến.

Hàng loạt VĐV xuất thân là cựu chiến binh đạt được thành tích ấn tượng, trở thành minh chứng cho sự tái hòa nhập cộng đồng. Những nữ VĐV trình diễn đẳng cấp để cho thế giới thấy phụ nữ cũng có quyền chơi thể thao đỉnh cao. Và những VĐV châu Á gặt hái thành tích để đập tan cái nhìn phân biệt chủng tộc...

Giáo sư người Nhật Mikihiro Sato (ĐH Illinois Urbana - Campaign, Mỹ) cho biết nhiều năm qua nhóm nghiên cứu của ông đã chứng minh được hiệu ứng tích cực kỳ Olympic Tokyo 1964 mang đến cho nước Nhật.

Qua một kỳ Olympic, các thanh thiếu niên Nhật Bản chơi thể thao nhiều hơn, hướng đến lối sống lành mạnh hơn và cao lớn hơn. Thống kê cho thấy thế hệ những người sinh sau năm 1960 ở Nhật có chiều cao trung bình hơn 171cm, cao hơn thế hệ trước đó 3cm.

Tokyo 1964 cũng là kỳ thế vận hội đánh dấu sự trở lại của nước Nhật sau khi nhận hậu quả nặng nề vì chiến tranh. Cứ sau những thảm họa, người ta lại cần đến thể thao, cần đến những nhân vật biểu tượng và những câu chuyện truyền cảm hứng để cùng nhau lan tỏa nguồn năng lượng tích cực.

Những câu chuyện ở quanh ta

Nhưng những câu chuyện truyền cảm hứng không nhất thiết phải là chiến tích lẫy lừng, là thành công vang dội như thế. Qua 2 lần tổ chức, cuộc thi "Lan tỏa năng lượng tích cực" từng nhận được rất nhiều video clip với nội dung tuy dung dị nhưng vẫn khiến ban giám khảo phải xúc động.

Phạm Tuấn Hưng - một cậu học trò cụt cả hai chân từng gửi đến chương trình đoạn video clip cho thấy nỗ lực ra sân chơi bóng của mình. Hay nhiều đoạn video clip cho thấy các y bác sĩ ngày đêm làm việc miệt mài trong mùa đại dịch nhưng vẫn có thể siêng năng luyện tập thể dục thể thao. Chứng kiến những hình ảnh như thế, còn ai trong chúng ta có thể viện cớ rằng mình không có điều kiện để rèn luyện thân thể?

Sau hơn 2 năm hoành hành, đại dịch COVID-19 đã dần qua đi, nhưng những khó khăn thì vẫn còn đó. Hãy cùng chúng tôi chia sẻ những video clip về bí quyết lành mạnh hay những câu chuyện về việc ăn uống, rèn luyện thể thao, những việc làm tích cực và nhân văn, bằng cách tham gia cuộc thi.

Tất cả những khoảnh khắc, những câu chuyện đó - được truyền tải qua các thước phim dù rằng ngắn ngủi nhưng sẽ góp phần lan tỏa nguồn năng lượng tích cực cho toàn xã hội.

Thể lệ cuộc thi video clip "Lan tỏa năng lượng tích cực" lần 3

1. Nội dung:

Các clip dự thi mang thông điệp lan tỏa, truyền năng lượng tích cực trong cuộc sống xoay quanh các chủ đề chính:

Clip rèn luyện sức khỏe, vận động, tập luyện thể thao của bạn, người thân, gia đình.

Các clip về chia sẻ các thói quen, bí quyết, phương pháp thư giãn tinh thần và tâm lý được thoải mái, minh mẫn, sảng khoái trong và sau mùa cách ly.

Chia sẻ về mô hình, cách thức vượt qua khó khăn; câu chuyện giao tiếp, hội nhập xã hội.

Những câu chuyện tích cực, nhân văn, truyền cảm hứng đến cộng đồng xã hội.

Bạn đọc có thể gửi thêm clip dạng màn hình đứng được đăng tải trên TikTok Tuổi Trẻ sẽ được ưu tiên cộng điểm khi chấm giải.

2. Hình thức:

Thời lượng: clip bạn đọc gửi về có độ dài từ 1-5 phút.

Quy định về hình thức clip:

Bạn đọc gửi clip có nội dung, câu chuyện hoàn chỉnh.

Khi gửi clip có kèm lời giới thiệu, thông điệp khoảng 100 - 200 chữ về địa chỉ: cuocthilantoanangluongtichcuc@tuoitre.com.vn, hoặc gửi qua fanpage của Chương trình https://www.facebook.com/cuocthilantoanangluongtichcuc dưới hình thức gửi bằng Google Drive.

Quay máy ngang (nếu quay bằng điện thoại), hạn chế tối đa rung lắc máy.

Khuyến khích dùng các thiết bị hỗ trợ quay phim (Gopro, flycam, gimbal...).

Các yếu tố âm nhạc trong clip dự thi cần chọn trong các kho nhạc cho phép dùng để tránh vấn đề bản quyền khi công khai chấm giải. Cần hỗ trợ vui lòng liên hệ email BTC để được tư vấn.

Số lượng: không giới hạn.

3. Cách thức dự thi:

Nộp video clip dự thi gửi qua địa chỉ email BTC chương trình: cuocthilantoanangluongtichcuc@tuoitre.com.vn.

Đính kèm video clip dự thi các thông tin cá nhân (họ và tên, số điện thoại liên hệ), nội dung thông điệp của clip.

4. Giải thưởng:

1 giải nhất: 30 triệu đồng

1 giải nhì: 20 triệu đồng

2 giải ba: 10 triệu đồng/giải

10 giải khuyến khích: 5 triệu đồng/giải

Giải thưởng phụ: 10 triệu đồng/giải

Cụ thể, 1 giải cho video clip đăng trên fangage chính thức của Truyền hình báo Tuổi Trẻ nhận được lượt tương tác cao nhất.

Sau ngày 10-11, BTC sẽ lựa chọn 20 video clip dự thi có nội dung ấn tượng nhất trong 3 tháng để đăng lên fanpage Truyền hình Tuổi Trẻ. 20 bạn đọc có video clip ấn tượng nhất sẽ được đăng trên trang fanpage Truyền hình báo Tuổi Trẻ.

Mỗi clip sẽ có thời gian tương tác 7 ngày (kể từ ngày đăng, BTC sẽ thông báo để bạn đọc có clip được đăng tải) để kêu gọi bạn bè, người thân chia sẻ video clip.

Giải thưởng dành cho video clip có lượt tương tác tổng cao nhất, bao gồm like (1 điểm), share (2 điểm).

Quà tặng bài đăng, hình ảnh, video clip trên Facebook cá nhân tham gia lan tỏa:

Bạn đọc đăng hình ảnh, video clip có nội dung truyền tải thông điệp tích cực đến cộng đồng, kèm hastag #LanToaNangLuongTichCuc #BaoTuoiTre #HerbalifeVN sẽ có cơ hội nhận quà (5 phần/tháng) từ BTC.

5. Lưu ý:

Thí sinh (cá nhân, tập thể) phải là người giữ bản quyền hợp pháp của video clip dự thi và chịu trách nhiệm hoàn toàn về tác quyền cũng như nội dung của tác phẩm.

Cam kết video clip dự thi thuộc quyền sử dụng của báo Tuổi Trẻ.

Video clip dự thi chưa từng tham gia dự thi trên bất kỳ cuộc thi nào.

Các video clip dự thi phải có nội dung trong sáng, lành mạnh, phù hợp với văn hóa và pháp luật Việt Nam; không đưa các thông tin ảnh hưởng đến danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức; không được vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Các thông tin, số liệu, hình ảnh tư liệu, âm nhạc có sử dụng trong video clip dự thi cần được trích dẫn nguồn vào trong kịch bản nội dung.

Quyết định của BTC là quyết định cuối cùng.

Herbalife logo

Cuộc thi video clip Lan tỏa năng lượng tích cực lần 2: Thấm đẫm tình yêu thương Cuộc thi video clip Lan tỏa năng lượng tích cực lần 2: Thấm đẫm tình yêu thương

TTO - Ngày 15-12, lễ trao giải cuộc thi video Lan tỏa năng lượng tích cực lần 2 do báo Tuổi Trẻ tổ chức với sự đồng hành của Công ty Herbalife VN đã diễn ra xúc động với nhiều tác phẩm mang hơi thở cuộc sống để lan tỏa năng lượng.

HUY ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên